Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ợ nóng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 09/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ợ nóng (heartburn) là một tình trạng phổ biến do acid dạ dày trào ngược lên thực quản, tình trạng này có thể gây đau ngực và đôi khi lan lên cổ, họng hoặc hàm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ợ nóng là gì?

Ợ nóng là một triệu chứng của trào ngược acid, tạo ra cảm giác đau rát ở phần ngực dưới, đôi khi lan lên cổ, họng hoặc hàm.

Trào ngược acid là tình trạng chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản hoặc đường ống dẫn thức ăn.

Tình trạng trào ngược acid dai dẳng xảy ra hơn 2 lần mỗi tuần được các chuyên gia gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Và chứng ợ nóng là một triệu chứng của GERD.

Ợ nóng là một tình trạng rất thường gặp, tại Mỹ, ước tính có khoảng 15 triệu người gặp phải tình trạng ợ nóng mỗi ngày.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ợ nóng

Triệu chứng thường gặp nhất của trào ngược acid hoặc ợ nóng là cảm giác ấm, nóng hoặc nóng rát ở ngực, đôi khi có thể lan lên cổ, họng hoặc hàm. Nhìn chung, các biểu hiện của ợ nóng có thể bao gồm:

  • Cảm giác nóng rát ở cổ họng;
  • Cảm giác nặng, áp lực hoặc đau sau xương ức;
  • Khó nuốt;
  • Ợ nóng trầm trọng hơn khi nằm hoặc cúi xuống;
  • Ho hoặc khàn giọng.

Chứng ợ nóng có thể ảnh hưởng đến mỗi người với mỗi cách khác nhau. Triệu chứng của ợ nóng có thể bắt đầu ngay sau khi ăn và có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ, hoặc thậm chí là dài hơn.

Biến chứng có thể gặp khi mắc ợ nóng

Ợ nóng không hẳn là một nguyên nhân đáng lo ngại, tuy nhiên, nếu bạn được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản (GERD), tình trạng này có thể cần điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

Theo một nghiên cứu, nếu GERD không được điều trị có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như viêm thực quản hay thực quản Barrett. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thực quản Barrett gây ra những thay đổi ở niêm mạc thực quản, có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.

Việc ợ nóng lâu dài cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của bạn, vì vậy, hãy đến gặp bác sĩ để xác định được lộ trình điều trị, các thay đổi về lối sống cần thiết để hạn chế diễn tiến của bệnh.

Ợ nóng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Ợ nóng lâu ngày có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu triệu chứng ợ nóng gây khó chịu, không thuyên giảm khi bạn thực hiện các thay đổi lối sống và dinh dưỡng tại nhà. Hoặc khi bạn mắc chứng ợ nóng và phát triển các triệu chứng như:

  • Khó nuốt;
  • Đau khi nuốt;
  • Phân sẫm màu hoặc tiêu phân đen;
  • Hụt hơi, choáng váng.

Bạn cần gặp bác sĩ để được chẩn đoán và kiểm soát tình trạng này.

Một điều quan trọng không kém đó là phân biệt triệu chứng ợ nóng do trào ngược và nhồi máu cơ tim, vì một số triệu chứng ợ nóng có thể giống với nhồi máu cơ tim (chẳng hạn như cảm giác đau nặng ngực). Do đó, nếu bạn có ợ nóng kèm theo khó thở, vã mồ hôi, hoặc các triệu chứng khác như:

  • Khó chịu ở ngực, chẳng hạn như cảm giác bị ép, bị bóp chặt hoặc đau;
  • Buồn nôn;
  • Choáng váng;
  • Đau hoặc khó chịu ở một hoặc hai cánh tay, thượng vị, cổ, hàm, hoặc lưng.

Nếu gặp phải các triệu chứng trên, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc khẩn cấp.

Ợ nóng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Cần phân biệt ợ nóng và triệu chứng của nhồi máu cơ tim

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ợ nóng

Ợ nóng thường xảy ra khi các chất từ dạ dày trào ngược lên thực quản (một ống dẫn thức ăn từ miệng vào dạ dày). Thực quản nối với dạ dày tại một điểm được gọi là cơ vòng thực quản dưới. Nếu cơ vòng thực quản dưới hoạt động bình thường, nó sẽ đóng lại khi thức ăn đã đi vào dạ dày.

Ở một số người, cơ thắt thực quản dưới không hoạt động bình thường hoặc suy yếu, điều này có thể khiến chất từ dạ dày trào ngược trở lại thực quản và gây ra các triệu chứng ợ nóng.

Nhìn chung, nguyên nhân dẫn đến ợ nóng có thể không phải là một nguyên nhân nghiêm trọng, thường là do tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.

Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ có thể làm gia tăng tình trạng ợ nóng hay trào ngược.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc ợ nóng?

Ợ nóng do trào ngược dạ dày thực quản là một trong những rối loạn tiêu hóa phổ biến nhất với tỷ lệ khoảng 20% người trưởng thành bị GERD ở các nước phương Tây. 

Ngoài các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ợ nóng như thai kỳ, béo phì… Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc trào ngược dạ dày thực quản có vẻ cao hơn ở nam giới. Đồng thời, nam giới có triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản lâu dài có khả năng bị thực quản Barrett cao hơn so với nữ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ợ nóng

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ợ nóng bao gồm:

  • Thoát vị hiatal: Một tình trạng thoát vị xảy ra khi phần trên của dạ dày xuyên qua cơ hoành, có thể do yếu hoặc rách cơ.
  • Thai kỳ: Theo một nghiên cứu, chứng ợ nóng thường gặp khi mang thai đặc biệt là trong 3 tháng cuối của thai kỳ.
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc có liên quan đến việc tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản. Điều đáng chú ý là những người giảm hoặc bỏ hút thuốc lá có khả năng làm giảm các triệu chứng của trào ngược như ợ chua gấp 3 lần.
  • Thừa cân béo phì: Theo một nghiên cứu khác, béo phì là nguy cơ chính dẫn đến GERD, với chứng ợ nóng là biểu hiện điển hình.
  • Thuốc: Một số loại thuốc như aspirin, ibuprofen, thuốc an thần, thuốc huyết áp có thể làm tăng nguy cơ ợ nóng.
Ợ nóng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Mang thai là một yếu tố làm tăng nguy cơ ợ nóng

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ợ nóng

Chẩn đoán ợ nóng thường dựa trên các triệu chứng lâm sàng và tiền sử bệnh của bạn. Một số xét nghiệm có thể được các bác sĩ cho thực hiện như:

  • Theo dõi nồng độ acid (pH) lưu động (Ambulatory acid probe test): Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ qua mũi vào thực quản, cảm biến ở đầu ống có thể giúp đo lượng acid trong thực quản.
  • Theo dõi pH thực quản (Esophageal pH monitoring): Bác sĩ thực hiện xét nghiệm này để đánh giá tình trạng trào ngược acid lên thực quản.
  • X-quang đường tiêu hóa (X-ray): Hình ảnh học X-quang đường tiêu hóa có cản quang có thể được thực hiện để quan sát hình ảnh thực quản, dạ dày và ruột của bạn.
  • Nội soi (Endoscopy): Nội soi thực quản dạ dày tá tràng giúp bác sĩ kiểm tra xem có vết loét, tình trạng niêm mạc thực quản của bạn.
  • Đo áp lực thực quản (Esophageal manometry): Được thực hiện để đánh giá sự co bóp của thực quản khi nuốt.

Phương pháp điều trị ợ nóng hiệu quả

Nếu bạn thỉnh thoảng bị ợ nóng, sự kết hợp giữa thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng và dùng thuốc có thể giúp bạn giảm các triệu chứng này.

Các lựa chọn dùng thuốc có thể bao gồm:

  • Thuốc kháng acid dạ dày (Antacids): Những loại thuốc này giúp trung hòa acid dạ dày, có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng ợ nóng. Các hoạt chất phổ biến trong thuốc kháng acid như aluminium hydroxide, magnesium carbonate, magnesium trisilicate, magnesium hydroxide, calcium carbonate hay sodium bicarbonate.
  • Thuốc kháng histamin H2 (Histamin-2 blockers): Thuốc kháng histamin H2 làm giảm lượng acid mà dạ dày của bạn tạo ra. Bao gồm các thuốc như cimetidin, famotidin hay nizatidine.
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): PPI cũng giúp làm giảm lượng acid trong dạ dày, có thể giúp chữa lành các mô tổn thương trong thực quản. Các thuốc PPI gồm lansoprazole, esomeprazole, omeprazole, pantoprazole.

Các loại thuốc trên có hiệu quả trong việc điều trị ợ nóng, tuy nhiên cũng có các tác dụng phụ cần lưu ý. Do đó, tốt nhất nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ợ nóng

Chế độ sinh hoạt:

  • Nâng cao giường trước khi nằm.
  • Tránh mặc quần áo bó sát.
  • Tránh nâng vật nặng và tình trạng căng thẳng.
  • Đạt được và duy trì cân nặng lý tưởng.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Ngừng hút thuốc (nếu có).

Tuy nhiên, việc thay đổi lối sống có thể không hiệu quả đối với tất cả mọi người.

Chế độ dinh dưỡng: Một chế độ ăn uống lành mạnh với lượng chất béo hạn chế có thể giúp ích trong việc giảm các triệu chứng ợ nóng. Bên cạnh đó, bạn cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của mình như sau:

  • Tránh ăn trước khi ngủ khoảng 2 - 3 tiếng.
  • Tránh các tác nhân kích thích chẳng hạn như rượu, caffeine, thức ăn cay, thực phẩm có tính acid, socola hoặc bất kỳ thực phẩm nào làm khởi phát triệu chứng ợ nóng của bạn.
  • Ăn các bữa nhỏ thường xuyên hơn.

Đối với phụ nữ mang thai, ợ nóng và khó tiêu rất thường gặp do thay đổi nội tiết tố và do thai chèn ép vào dạ dày. Văn phòng Sức khỏe Phụ nữ (OWH) đề xuất một số thay đổi về chế độ ăn cho phụ nữ mang thai như:

  • Ăn năm đến sáu bữa nhỏ trong ngày.
  • Không nằm trong vòng 1 giờ sau ăn.
  • Tránh thức ăn béo và cay.
Ợ nóng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Thay đổi lối sống và dinh dưỡng có thể giúp giảm các triệu chứng ợ nóng

Phương pháp phòng ngừa ợ nóng hiệu quả

Để phòng ngừa ợ nóng hiệu quả, việc thay đổi lối sống và chế động dinh dưỡng lành mạnh là rất quan trọng. Bạn có thể tham khảo các phương pháp đã được đề cập ở phần thói quen sinh hoạt ở trên.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu năm 2014 đã cho thấy, việc nhai kẹo cao su không đường sau ăn có thể giúp tăng tiết nước bọt, trung hòa acid và đẩy acid ngược trở lại dạ dày, từ đó giúp ngăn ngừa ợ nóng.

Nguồn tham khảo
  • What You Need to Know About Heartburn: https://www.healthline.com/health/heartburn
  • Heartburn: Why it happens and what to do: https://www.medicalnewstoday.com/articles/9151
  • Heartburn or Heart Attack?: https://www.heart.org/en/health-topics/heart-attack/angina-chest-pain/heartburn-or-heart-attack
  • Heartburn: Causes, Symptoms, and Treatment: https://www.webmd.com/heartburn-gerd/understanding-heartburn-basics
  • Heartburn and acid reflux: https://www.nhs.uk/conditions/heartburn-and-acid-reflux/
  • What Is Acid Reflux Disease?: https://www.webmd.com/heartburn-gerd/what-is-acid-reflux-disease
  • Antacids: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK526049/

Các bệnh liên quan

  1. Cổ trướng

  2. Hội chứng ruột kích thích

  3. Bệnh nang gan

  4. Hội chứng Liddle

  5. Xốp tủy thận

  6. Gan nhiễm mỡ

  7. Bệnh gan sung huyết

  8. Hội chứng loét trực tràng đơn độc

  9. Hẹp động mạch thận

  10. Khó tiêu