Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nguyên nhân và cách giảm đau cứng khớp ngón tay

Ngày 20/04/2023
Kích thước chữ

Khi bị đau nhức khớp ngón tay, bạn không nên chủ quan mà cần tìm hiểu kỹ lý do dẫn đến tình trạng này. Đồng thời, đừng quên tham khảo các cách giảm đau khớp ngón tay dưới đây.

Nguyên nhân gây ra tình trạng đau cứng khớp ngón tay xuất phát từ nhiều yếu tố, nhưng điểm chung là đều gây khó chịu cho bệnh nhân, ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng cuộc sống của họ. Chính vì thế, việc tìm hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp người bệnh chọn lựa được cách giảm đau phù hợp.

Nguyên nhân gây ra tình trạng đau khớp cứng ngón tay

Khớp ngón tay là vị trí nối giữa hai đốt xương của ngón tay, hoặc giữa xương ngón tay với xương bàn tay. Nguyên nhân của việc đau cứng khớp ngón tay có thể do các bệnh lý như:

Hội chứng ống cổ tay

Dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi ngang qua ống cổ tay, gây viêm, đau, tê, giảm hoặc mất cảm giác ở bàn tay và các ngón tay. Nhân viên văn phòng là một trong những đối tượng dễ mắc bệnh hội chứng ống cổ tay do thường xuyên sử dụng máy tính trong thời gian dài khiến ống cổ tay chịu áp lực lớn.

Nguyen-nhan-va-cach-giam-dau-khop-ngon-tay-1.jpg
Đau khớp ngón tay có thể xuất phát từ viêm khớp, hội chứng ống cổ tay, nang bao hoạt dịch,...

Viêm xương khớp bàn tay

Cảm giác đau kèm theo sưng khớp ngón tay có thể là triệu chứng của viêm xương khớp. Đây là bệnh liên quan đến quá trình lão hóa, gây mất sụn và các thay đổi ở xương của ngón tay. Do không còn lớp sụn ở giữa các khớp, các đốt xương sẽ chà xát với nhau, gây tổn thương, sưng và đau nhức.

Hội chứng De Quervain

Hội chứng De Quervain thường gặp nhiều ở nữ giới. Hội chứng này gây viêm của gân cơ dạng dài và duỗi ngắn ngón cái, dẫn đến đau nhức ở bên ngón cái của cổ tay. Tình trạng đau nhức càng trở nên nghiêm trọng khi bạn xoay cổ tay hoặc cầm nắm bất cứ thứ gì.

Viêm đa khớp dạng thấp

Triệu chứng đau khớp ngón tay do viêm đa khớp gây ra thường kèm theo tình trạng các ngón tay bị cong hoặc sưng phồng. Dần dần, sự biến dạng của các khớp sẽ trở nên nặng hơn, khiến người bệnh trở nên tự ti.

Nguyen-nhan-va-cach-giam-dau-khop-ngon-tay-2.jpg
Viêm khớp dạng thấp cũng là nguyên nhân dễ khiến các khớp ngón tay bị đau nhức thường xuyên

Nang bao hoạt dịch

Nang bao hoạt dịch là một cấu trúc hình tròn chứa dịch, làm cho ngón tay cảm thấy đau và nhạy cảm khi chạm vào. Bên cạnh đó đau nhức các khớp ngón tay còn có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác như bệnh gout, hội chứng Raynaud, lupus,... 

Bên cạnh đó, đây còn có thể không phải do bệnh lý mà xuất phát từ những lý do khác như chế độ ăn uống không khoa học dẫn đến thiếu canxi, chấn thương khi chơi thể thao, tai nạn giao thông,...

Cách giảm tình trạng ngón tay bị đau cứng khớp

Như đã nói ở trên, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ, chúng ta sẽ có cách giảm đau khớp ngón tay khác nhau.

Biện pháp RICE

Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể được áp dụng cách giảm đau khớp ngón tay bằng phương pháp RICE. Cụ thể, phương pháp RICE được thực hiện như sau:

  • Rest (nghỉ ngơi): Hạn chế cử động hoặc sử dụng vùng bị chấn thương. Nếu cần thiết, sử dụng nẹp hoặc băng dính để cố định vùng bị chấn thương.
  • Ice (chườm đá): Chườm túi đá hoặc khăn lạnh lên vùng bị chấn thương trong khoảng 15 - 20 phút mỗi lần và lặp lại nhiều lần trong ngày. Lưu ý không để đá tiếp xúc trực tiếp với da.
  • Compression (đè ép): Bọc vùng bị chấn thương bằng băng cá nhân hoặc băng buddy tape để giảm sưng và tăng cường ổn định.
  • Elevation (nâng cao): Giữ vùng bị chấn thương cao hơn tầm tim để giúp giảm sưng.
Nguyen-nhan-va-cach-giam-dau-khop-ngon-tay-3.jpg
Bạn có thể áp dụng cách giảm đau khớp ngón tay tại nhà bằng biện pháp RICE

Việc thực hiện phương pháp RICE là cách đơn giản và hiệu quả để giảm đau và sưng khi bị chấn thương, tuy nhiên nếu cơn đau không giảm sau một thời gian, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.

Điều trị bệnh lý

Trong trường hợp đau nhức khớp ngón tay do bệnh lý hoặc trở nặng, bác sĩ có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:

Kê đơn thuốc: Bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc như NSAIDs, thuốc chống miễn dịch hoặc corticosteroids để giảm viêm và đau. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ để tránh gây hại cho sức khỏe.

Phẫu thuật: Nếu nguyên nhân gây đau khớp ngón tay là do viêm, nang hoặc nhiễm trùng, thì bác sĩ có thể áp dụng phẫu thuật. Thế nhưng, không phải trường hợp nào cũng cần phẫu thuật và có thể áp dụng các phương pháp điều trị bảo tồn khác.

Trị liệu thần kinh cột sống: Đây là phương pháp giúp điều trị các bệnh lý cơ - xương - khớp hiệu quả mà không cần phẫu thuật hoặc sử dụng thuốc. Bằng các thao tác nắn chỉnh nhẹ nhàng, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tác động vào các cấu trúc sai lệch, trả chúng về vị trí tự nhiên ban đầu.

Phòng ngừa đau nhức khớp ngón tay

Để tránh đau và sưng khớp ngón tay, có thể áp dụng những biện pháp sau:

  • Thường xuyên nghỉ ngơi khi thực hiện các hoạt động tay lặp đi lặp lại như đánh máy tính, sử dụng chuột, bấm điện thoại,...
  • Điều trị triệt để các bệnh mãn tính ảnh hưởng đến khớp như bệnh gout, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp,...
  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng và giữ vững trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.
  • Xoa bóp và ngâm tay trong nước ấm khoảng 10 - 15 phút mỗi ngày để tăng cường lưu thông máu đến khớp ngón tay, giảm đau và viêm.

Tóm lại, tình trạng đau cứng khớp ngón tay không chỉ là một phản ứng đơn giản của cơ thể, mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tiềm ẩn. Bởi thế, việc tìm hiểu rõ nguyên nhân và cách giảm đau cứng khớp ngón tay phù hợp sẽ hạn chế các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Bảo Vân

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin