Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nhận biết các dấu hiệu viêm đường tiết niệu khi mang thai

Ngày 14/09/2022
Kích thước chữ

Viêm đường tiết niệu là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là các thai phụ. Triệu chứng bệnh thường tiến triển âm thầm nhưng lại gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của chị em. Vì vậy, phát hiện sớm các dấu hiệu viêm đường tiết niệu khi mang thai là việc làm cần thiết nhằm hỗ trợ điều trị bệnh kịp thời.

Viêm đường tiết niệu khi mang thai có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé, thậm chí dẫn tới sảy thai, lưu thai, đẻ non hoặc nhiễm trùng thai nhi. Chính vì thế, các bác sĩ phụ sản luôn kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn trong nước tiểu cho thai phụ, ngay cả khi không có triệu chứng gì.

Lý do nào khiến phụ nữ mang thai dễ bị viêm đường tiết niệu?

Cơ thể phụ nữ khi mang thai cực kỳ nhạy cảm và theo thống kê, có đến 8% các mẹ bầu gặp phải tình trạng viêm đường tiết niệu. Thực tế trong giai đoạn này, tử cung của người mẹ có xu hướng nghiêng sang phải, khiến niệu quản và thận phải bị chèn ép gây ứ nước tại thận. Điều này gây khó khăn cho việc việc kiểm soát nước tiểu, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu phát triển.

Mặt khác, phần xương chậu có xu hướng mở rộng kèm theo sự phát triển của thai nhi đã làm tăng áp lực lên thành bàng quang của các mẹ bầu. Điều này khiến trương lực cơ bàng quang bị giảm làm dòng nước tiểu chậm và yếu hơn, nước tiểu bị đọng lại lâu hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Nhất là từ tuần thứ 6 của thai kỳ trở đi, hầu hết các mẹ đều bị giãn niệu đạo, niệu quản cho đến khi sinh.

Ngoài ra, sự thay đổi của hormon cũng như các thành phần trong nước tiểu (gia tăng nồng độ đường, protein…) cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu.

Nhận biết các dấu hiệu viêm đường tiết niệu khi mang thai

Thận phụ nữ mang thai bị chèn ép dễ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn

Dấu hiệu cho thấy phụ nữ bị viêm đường tiết niệu khi mang thai

Các dấu hiệu viêm đường tiết niệu phổ biến thường gặp ở các mẹ bầu gồm:

  • Đi tiểu thường xuyên hơn bình thường, có cảm giác khẩn cấp khi đi tiểu, nhưng tiểu lại ít. 
  • Lượng nước tiểu thay đổi (ít hơn hoặc nhiều hơn).
  • Đau buốt, nóng rát hoặc cảm thấy khó chịu khi đi tiểu.
  • Tiểu tiện không tự chủ.
  • Nước tiểu đục, đôi khi có lẫn máu, mùi hôi bất thường.
  • Chuột rút.
  • Đau tức ở vùng bụng dưới, đau lưng, đau xương chậu.
  • Đau khi quan hệ tình dục.
  • Ớn lạnh, sốt, đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm, nóng sốt, buồn nôn, nôn khi vi khuẩn lan đến thận.

Thông thường, các triệu chứng ban đầu của viêm đường tiết niệu ở mẹ bầu thường không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với dấu hiệu của việc mang thai.

Nhận biết các dấu hiệu viêm đường tiết niệu khi mang thai

Phụ nữ bị viêm đường tiết niệu khi mang thai có các dấu hiệu dễ nhầm lẫn

Phương pháp chẩn đoán viêm đường tiết niệu trong thai kỳ

Bên cạnh thăm khám lâm sàng các triệu chứng ở người bệnh, bác sĩ cần tiến hành các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác tình trạng viêm đường tiết niệu ở thai phụ. Cụ thể:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Kết quả xét nghiệm nước tiểu ở mỗi lần khám thai định kỳ sẽ giúp phát hiện các chất bất thường trong nước tiểu của mẹ bầu. Khi xuất hiện các chất này, bạn cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác để đưa ra kết luận chính xác.
  • Xét nghiệm vi sinh tìm vi khuẩn trong nước tiểu: Bác sĩ sẽ cấy nước tiểu trong trường hợp nghi ngờ bạn bị viêm đường tiết niệu khi mang thai. Việc này giúp bác sĩ định danh chính xác loại vi khuẩn gây viêm nhiễm và kê các thuốc điều trị phù hợp.
  • Chẩn đoán hình ảnh bằng X - quang hoặc siêu âm: Ảnh chụp X - quang giúp bác sĩ biết được tình trạng bệnh là nặng hay nhẹ nhờ thấy rõ các vị trí viêm nhiễm (nếu có). Tuy nhiên, các mẹ bầu không nên lạm dụng kỹ thuật này quá nhiều.
  • Nội soi: Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi vào để quan sát hệ tiết niệu của mẹ, từ đó phát hiện trực tiếp các vấn đề bất thường đường tiết niệu.

Nhận biết các dấu hiệu viêm đường tiết niệu khi mang thai

Bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm để xác định chuẩn xác viêm đường tiết niệu

Điều trị viêm đường tiết niệu đúng cách cho các mẹ bầu

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị viêm đường tiết niệu ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, các mẹ bầu cần cân nhắc và lựa chọn phương pháp phù hợp để không gây ảnh hưởng tới thai nhi.

Tùy thể trạng và mức độ nhiễm trùng của mẹ bầu, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng các phương pháp khác nhau. Trong đó, việc sử dụng thuốc kháng sinh an toàn cho phụ nữ mang thai (erythromycin, ampicillin, amoxicillin,…) là cần thiết nhằm giảm nhanh các triệu chứng viêm nhiễm đường tiết niệu nhưng không tác động nhiều đến sức khỏe của mẹ và bé.

Với tình trạng viêm đường tiết niệu nhẹ, không có nguy cơ biến chứng, mẹ bầu có thể được kê đơn dùng thuốc tại nhà trong khoảng 3 - 7 ngày sau đó tái khám. Ngược lại, nếu bị nhiễm trùng tiết niệu nghiêm trọng, thai phụ có dấu hiệu viêm bể thận, viêm thận cần được điều trị tích cực tại bệnh viện. 

Để điều trị dứt điểm viêm đường tiết niệu, phòng ngừa tái phát, thai phụ nên dùng thuốc đúng liều lượng, tránh việc bỏ dở giữa chừng khi thấy triệu chứng viêm nhiễm có thể đã thuyên giảm sau một vài ngày dùng thuốc. Ngoài ra, mẹ bầu mắc viêm đường tiết niệu cần thường xuyên kiểm tra, thăm khám để theo dõi tình trạng sức khỏe thai nhi.

Nhận biết các dấu hiệu viêm đường tiết niệu khi mang thai

Cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé

Lời khuyên giúp mẹ bầu phòng tránh nhiễm trùng đường niệu trong thai kỳ

Để có một thai kỳ khỏe mạnh, tránh bị nhiễm trùng đường tiết niệu, mẹ bầu cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Dù ở những tháng cuối thai kỳ bụng rất to, thai phụ cũng cần vệ sinh thân thể sạch sẽ, đặc biệt là vùng kín.
  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể bằng nước lọc, nước canh, nước sắc thuốc Đông y… 
  • Xây dựng chế độ ăn lành mạnh.
  • Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ.
  • Với các mẹ bầu thường xuyên muốn đi vệ sinh, hãy đi ngay khi thấy buồn để tránh gây hại cho thận.
  • Sau khi đi vệ sinh, nên lau từ trước ra sau để tránh lây lan, nhiễm khuẩn ngược từ vùng trực tràng, hậu môn.
  • Các mẹ nên mặc đồ bầu, thoáng khí. Các trang phục bên ngoài và đồ lót không được ôm sát vào cơ thể.

Hy vọng các thông tin trên đây sẽ giúp các mẹ bầu hiểu thêm về bệnh viêm đường tiết niệu khi mang thai. Bệnh có xu hướng tái phát thường xuyên và nếu không chữa trị cẩn thận, sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm nên bạn cần lưu ý để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé.

Minh QA

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin