Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những điều cần biết về bệnh bại não ở trẻ em

Ngày 11/09/2019
Kích thước chữ

Bệnh bại não ở trẻ em là một bệnh lý phức tạp, do nhiều nguyên nhân gây nên, thể bệnh đa dạng, việc điều trị còn gặp nhiều khó khăn. Hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh giúp chúng ta có các biện pháp phòng ngừa chủ động, đồng thời phát hiện sớm, can thiệp kịp thời.

Cùng tìm hiểu về các nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết bệnh bại não ở trẻ em.

Nguyên nhân bại não

Bại não không phải là rối loạn do một nguyên nhân duy nhất. Đây là một nhóm các rối loạn kiểm soát vận động giống nhau với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Bại não bẩm sinh do các tổn thương não xảy ra khi thai nhi còn nằm trong tử cung hoặc trong khi sinh (chiếm 70%). Ở Mỹ có khoảng 10% trẻ bị bại não sau khi sinh. Các tổn thương não xảy ra ở trẻ trước 5 tuổi, sau các nhiễm khuẩn thần kinh hay chấn thương sọ não.

Những điều cần biết về bệnh bại não ở trẻ emMẹ mắc các bệnh truyền nhiễm trong đầu thai kỳ cũng là nguyên nhân gây ra bệnh bại não ở trẻ em

Các nguyên nhân gây bại não thường là do:

  • Nhau thai bất thường không cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi.
  • Nhóm máu giữa mẹ và con không đồng nhất.
  • Mẹ mắc các bệnh truyền nhiễm trong đầu thai kỳ.
  • Trẻ đẻ thiếu tháng hoặc nhẹ cân.
  • Thiếu oxy kéo dài trong khi sinh hoặc vàng da nặng sau sinh.

Các loại bại não

Bại não là tên của một nhóm bệnh có ảnh hưởng đến sự vận động và sự phối hợp của các cơ bắp. Bại não thường gây nên bởi một hoặc nhiều tổn thương ở vùng não bộ, có thể xảy ra khi trẻ đang ở trong bụng mẹ, sau sinh một thời gian ngắn hoặc trong thời kỳ trẻ còn nhỏ. Đây là một bệnh không tiến triển, không có khả năng lây lan và có thể cải thiện được khả năng vận động ở trẻ thông qua việc luyện tập và vật lý liệu pháp. Bại não có 3 thể chính:

Bại não thể liệt cứng, chiếm phần lớn các ca bị bại não. Đặc trưng của thể này là các cơ bị co cứng lại, khó cử động và thậm chí không thể cử động được. Trẻ có thể bị liệt các chi, liệt nửa người, hoặc cũng có thể bị câm.

Bại não thể loạn động hay còn gọi là rối loạn vận động không tự chủ: đứng thứ 2 trong tổng số các ca bị bại não trương lực cơ thay đổi liên tục, tăng giảm, thất thường. Chân tay cử động lộn xộn, rung giật không kiểm soát được, tư thế khó thăng bằng và rất dễ ngã.

Bại não thể thất điều: đi được nhưng không vững, các hoạt động có sự phối hợp gặp nhiều khó khăn.

Chẩn đoán sớm bệnh bại não ở trẻ

Một trẻ bị bị bệnh bại não khi có một hoặc một vài yếu tố nguy cơ nói trên và khi được 6 tháng tuổi, trẻ có các dấu hiệu sau:

Bốn dấu hiệu chính của bệnh bại não bẩm sinh

  • Trẻ có cơn co cứng hoặc/và chân duỗi cứng khi đặt trẻ đứng.
  • Trẻ không kiểm soát đầu cổ hoặc/và không biết lẫy hoặc/và nằm sấp không thể ngẩng đầu lên được.
  • Hai tay của trẻ luôn nắm chặt lại.
  • Hai tay trẻ không biết với để cầm đồ vật.
Những điều cần biết về bệnh bại não ở trẻ em 2Trẻ có cơn co cứng hoặc/và chân duỗi cứng khi đặt trẻ đứng

Bốn dấu hiệu phụ

  • Trẻ không nhận ra khuôn mặt mẹ.
  • Trẻ ăn uống khó khăn.
  • Không đáp ứng khi gọi hỏi
  • Khóc nhiều suốt ngày đêm sau sinh.

Một số dấu hiệu khác

  • Trẻ mềm nhão sau sinh.
  • Trẻ không nhìn theo đồ vật.
  • Không quay đầu theo tiếng động.
  • Trẻ bị co giật.
  • Khi trẻ có yếu tố nguy cơ kèm theo các dấu hiệu của bệnh bại não ở trẻ sơ sinh nêu trên, phụ huynh cần đưa con đến khám bác sĩ nhi, thần kinh, phục hồi chức năng ngay lập tức để chẩn đoán xác định bại não.

Điều trị bệnh bại não ở trẻ em

Những điều cần biết về bệnh bại não ở trẻ em 3Ở những trẻ bại não trưởng thành, cần giáo dục, tư vấn và hòa nhập cộng đồng
  • Chủ yếu là quá trình chăm sóc trẻ, giúp trẻ phát triển tối đa. Chữa trị cần bắt đầu từ rất sớm ngay khi phát hiện bệnh của trẻ.
  • Trẻ cần được chăm sóc phối hợp với sự kết hợp của bác sĩ điều trị, nhân viên vật lý trị liệu, giáo viên, nhân viên công tác xã hội.
  • Điều trị bằng nội khoa, phẫu thuật và phục hồi chức năng cho trẻ bại não giúp cải thiện sự phối hợp động tác cơ và dây thần kinh, phòng ngừa hoặc làm giảm tối thiểu các rối loạn chức năng.
  • Ở những trẻ bại não trưởng thành, cần giáo dục, tư vấn, các chương trình giải trí, được đến trường, cơ hội việc làm, hòa nhập cộng đồng, nhu cầu thiết yếu như đối với người trưởng thành bình thường, xây dựng gia đình và cuộc sống riêng.

Phòng bệnh bại não ở trẻ em

Có nhiều biện pháp phòng bệnh bại não trước sinh. Bà mẹ cần được theo dõi và quản lý thai nghén chặt chẽ. Xét nghiệm yếu tố Rh, dự phòng hậu quả của bất đồng nhóm máu. Nếu có bất đồng nhóm máu thì trẻ phải được thay máu hoặc điều trị vàng da ngay từ những ngày đầu sau sinh.

Các bà mẹ cần được phát hiện và điều trị các bệnh mạn tính, các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục-tiết niệu, tiêm phòng bệnh rubella trước khi mang thai. Tránh tiếp xúc tia phóng xạ, dùng thuốc và các chất kích thích trong quá trình thai nghén. Người mẹ phải khỏe mạnh trước lúc thụ thai, chăm sóc trước sinh tốt, chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tránh đẻ non tháng, nhẹ cân. Bảo vệ trẻ không bị các bệnh nhiễm trùng và chấn thương sọ não.

Ánh Phạm

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin