Những điều cần biết về đốt sùi mào gà và cách chăm sóc vết thương sau khi đốt
Ngày 30/11/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Sùi mào gà là một trong những căn bệnh xã hội nguy hiểm do virus HPV gây ra. Sùi mào gà khó điều trị và dễ tái phát. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị bệnh, một trong số đó là phương pháp đốt sùi mào gà.
Sùi mào gà là một trong những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nguy hiểm và khó điều trị. Điều trị sùi mào gà đòi hỏi phải kiên trì và được tiến hành trong giai đoạn sớm. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về phương pháp đốt sùi mào gà cũng như cách chăm sóc vết thương sau khi đốt.
Sùi mào gà là bệnh gì?
Sùi mào gà hay còn gọi với cái tên gọi khác là bệnh mồng gà, mụn cóc sinh dục, là một trong những bệnh truyền nhiễm do virus human papilloma (virus HPV) gây ra, bệnh lây lan chủ yếu qua đường tình dục. Virus HPV chủ yếu kí sinh tại những vùng đựng màng nhầy, niêm mạc hoặc bán niêm mạc như miệng, mắt, cơ quan sinh dục hoặc vùng hậu môn.
Sùi mào gà giai đoạn đầu xuất hiện các nốt mụn u nhú nhỏ, mọc riêng lẻ và rải rác. Sau đó các nốt mụn này bắt đầu tăng dần cả về số lượng lẫn kích thước. Khi chúng liên kết lại có dạng giống súp lơ hoặc mào gà, lây lan và bao phủ khắp vùng sinh dục, hậu môn, bẹn,... Một chân mụn sùi mào gà có thể mọc ra rất nhiều nốt mụn sùi khác và mọc lộn xộn với nhau. Sùi mào gà là bệnh nguy hiểm của xã hội bởi chúng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư âm đạo, ung thư dương vật, ung thư vòm họng, ung thư lưỡi, dễ bị vô sinh, sảy thai hoặc sinh non.
Có nên thực hiện đốt sùi mào gà không?
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị sùi mào gà, một trong những phương pháp đó là đốt sùi mào gà. Tuy nhiên nhiều người băn khoăn rằng có nên thực hiện đốt sùi mào gà không. Đốt sùi mào gà thường được chỉ định đối với những bệnh nhân phát hiện bệnh tương đối trễ hoặc những bệnh nhân không đáp ứng được với thuốc. Theo các chuyên gia y tế đánh giá, phương pháp đốt sùi mào gà là phương pháp điều trị tương đối an toàn, nhanh chóng và mang lại hiệu quả.
Hiện nay có các phương pháp đốt sùi mào gà như đốt điện, đốt laser, đốt bằng nitơ lỏng và đốt bằng ALA-PDT. Cụ thể:
Phương pháp đốt điện sùi mào gà
Đây là kỹ thuật đốt sùi mào gà truyền thống bằng cách sử dụng dòng điện cao tần tác động lên vị trí mảng sùi u nhú để phá hủy cấu trúc để các nốt sùi rụng dần. Tùy thuộc vào mức độ bệnh sẽ có liệu trình điều trị phù hợp, thông thường người bệnh sẽ được đốt điện sùi mào gà từ 3 - 4 lần, khoảng thời gian mỗi lần đốt cách nhau từ 2 - 3 tuần. Phương pháp đốt điện sùi mào gà sẽ gây đau đớn cho bệnh nhân tuy nhiên có độ an toàn và mang lại hiệu quả cao.
Đốt sùi mào gà bằng laser
Phương pháp đốt laser thường được áp dụng đối với trường hợp bệnh nhân mắc bệnh nhẹ, lúc này bác sĩ sẽ dùng tia laser đốt trực tiếp lên các nốt sùi để chúng khô và rụng dần. Phương pháp này không gây đau đớn cho bệnh nhân nhưng lại gây mất thẩm mỹ cho cơ thể bệnh nhân.
Đốt sùi mào gà bằng nitơ lỏng
Thông thường phương pháp này sẽ áp dụng cho bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu. Phương pháp này sử dụng nitơ lỏng đặt vào vùng bị sùi, giữ trong vòng 10 phút để các nốt sùi phồng rộp và bong tróc ra ngoài. Phương pháp này cũng gây ra nhiều đau đớn cho bệnh nhân.
Đốt sùi mào gà bằng ALA-PDT
Đây phương pháp đốt sùi mào gà bằng cách sử dụng tia huỳnh quang tác động lên vết sùi, đi sâu vào vùng mô, tạo ra các phân tử có tính oxy hóa mạnh nhằm phá hủy tế bào. Đây được đánh giá là kỹ thuật đốt sùi mào gà tiên tiến nhất hiện nay. Đốt sùi mào gà bằng ALA-PDT mang đến hiệu quả điều trị bệnh rất cao, không gây đau đớn cho bệnh nhân và cũng giảm đáng kể khả năng tái phát bệnh so với những phương pháp khác.
Cách chăm sóc vết thương sau khi đốt sùi mào gà
Chăm sóc vết thương sau khi đốt sùi mào gà là một phần quan trọng trong quá trình điều trị bệnh bởi điều này giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, hỗ trợ người bệnh nhanh phục hồi và giảm khả năng tái phát. Cách chăm sóc vết thương sau khi đốt sùi mào gà mà bạn có thể tham khảo như:
Vệ sinh sau khi đốt
Khi điều trị bệnh sùi mào gà, vị trí vết thương đặc biệt là vùng kín sẽ trở nên nhạy cảm và rất dễ bị nhiễm trùng. Chính vì vậy, bạn nên sử dụng dung dịch vệ sinh có độ pH trung bình hoặc nước muối ấm loãng để vệ sinh, tránh sử dụng các loại xà phòng có tính rửa mạnh hoặc chứa quá nhiều hương liệu vì chúng có thể gây kích ứng. Sau đó bạn sử dụng khăn giấy mịn, thân thiện với da để lau khô vùng kín, lưu ý nên thực hiện chấm nhẹ và không được chà xát lên vết thương. Sau khi đi tiểu tiện hoặc đại tiện, bạn cần vệ sinh sạch vùng kín để vết thương không bị nhiễm trùng.
Hạn chế các hoạt động nặng
Sau khi đốt sùi mào gà bạn cần phải nghỉ ngơi và tránh các hoạt động vật lý mạnh để tránh gây tổn thương cho vùng kín. Sau vài ngày bạn có thể tập các bài tập đơn giản để hỗ trợ tăng cường sức khỏe và quá trình hồi phục. Tuy nhiên lưu ý rằng không nên tập các bài tập tác động mạnh đến vùng kín để tránh tổn thương và lây lan nhiễm trùng.
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng đến quá trình điều trị và phục hồi bệnh của bệnh nhân. Bạn nên bổ sung cho cơ thể những loại thực phẩm tăng cường sức đề kháng và khả năng miễn dịch cho cơ thể như trái cây và rau xanh. Ngoài ra bạn không được sử dụng bia, rượu, các chất kích thích, hạn chế đồ ngọt, hải sản và các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ.
Sùi mào gà là bệnh do virus HPV gây ra và lây lan qua đường tình dục. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe người bệnh. Đốt sùi mào gà là một trong những phương pháp điều trị bệnh an toàn và hiệu quả. Hy vọng bài viết trên đây giúp bạn hiểu hơn và phương pháp này cũng như các cách chăm sóc vết thương sau khi đốt sùi mào gà bạn nhé.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.