Phù bạch huyết là sự tích tụ dịch bất thường trong mô mềm do sự tắc nghẽn của hệ bạch huyết. Hệ bạch huyết giúp chúng ta chống lại nhiễm trùng và các bệnh khác bằng cách dẫn lưu dòng bạch huyết, một chất lỏng không màu có chứa bạch cầu di chuyển trong cơ thể. Dòng bạch mạch này di chuyển trong các ống nhỏ gọi là mạch bạch huyết. Hạch bạch huyết là những tuyến nhỏ có khả năng bắt giữ vi khuẩn và lọc những chất có hại khác ra khỏi dòng bạch huyết. Tuy nhiên, khi những hạch bạch huyết này bị cắt bỏ hoặc bị tổn thương, dịch bạch huyết ứ đọng/tích tụ trong các mô xung quanh và gây phù nề.
Thông thường, phù bạch huyết sẽ biểu hiện ở tay và chân. Tình trạng này thường thấy ở những người đã điều trị ung thư vú hoặc những loại ung thư có ảnh hưởng đến niệu quản, bàng quang, thận, tuyến tiền liệt, tinh hoàn và dương vật. Đối với những người đang điều trị ung thư ở vùng đầu cổ, cổ là vị trí phổ biến nhất của phù bạch huyết. Tuy nhiên phù bạch huyết cũng có thể xuất hiện ở vùng dưới cằm, mặt và trong miệng dù ít gặp hơn. Tình trạng phù bạch huyết có thể tiến triển ngay sau khi phẫu thuật hoặc xạ trị, hoặc có thể xảy ra sau vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm khi điều trị ung thư kết thúc.
Triệu chứng của phù bạch huyết
Những người bị phù bạch huyết ở tay hoặc chân có thể gặp các triệu chứng sau:
- Sưng bắt đầu ở tay hoặc chân.
- Cảm giác nặng ở tay hoặc chân.
- Yếu hoặc giảm linh hoạt chi.
- Đeo nhẫn, đồng hồ, hoặc mặc quần áo bị chật.
- Cảm giác khó chịu hoặc đau.
- Da bị căng, bóng, ấm hoặc bị đỏ.
- Da không lõm khi đè/ép, hoặc da cứng.
- Da dày hơn.
- Da có thể trông giống như vỏ cam (sưng lên với các vết lồi lõm nhỏ).
- Mụn cóc hoặc mụn nước, rỉ dịch.
Hình ảnh phù bạch huyết ở chân
Các triệu chứng của phù bạch huyết ở đầu và cổ bao gồm:
- Sưng mắt, mặt, môi, cổ hoặc vùng dưới cằm.
- Sự khó chịu hoặc cảm giác chật ở những vùng bị ảnh hưởng.
- Khó xoay cổ, cử động hàm hoặc vai.
- Sẹo (xơ hóa) ở cổ và da mặt.
- Giảm thị lực vì bị sưng mi mắt.
- Khó nuốt, khó nói hoặc khó thở.
- Chảy nước bọt hoặc làm rơi thức ăn trong miệng khi ăn.
- Nghẹt mũi hoặc đau tai giữa kéo dài, nếu sưng nặng.
Hình ảnh phù bạch huyết ở cổ
Các triệu chứng của phù bạch huyết có thể tiến triển từ từ và không phải lúc nào cũng dễ dàng phát hiện được. Đôi khi các triệu chứng duy nhất có thể là cảm giác nặng hoặc đau ở cánh tay hoặc chân. Nhưng đôi khi phù mạch huyết có thể bắt đầu một cách đột ngột. Nếu bạn phát hiện bất kỳ triệu chứng nào của phù bạch huyết, hãy tham vấn với bác sĩ càng sớm càng tốt. Bạn cần biết cách làm thế nào để tình trạng phù không nặng hơn. Sưng có thể là một dấu hiệu bệnh ung thư tái phát nên điều quan trọng là bạn cần gặp bác sĩ để kiểm tra.
Nguyên nhân của phù bạch huyết
Phù bạch huyết thường là tác dụng phụ lâu dài có thể dự đoán được trong một số phương pháp điều trị ung thư. Các nguyên nhân phổ biến nhất của phù bạch huyết bao gồm:
- Phẫu thuật bao gồm việc cắt bỏ hạch bạch huyết. Ví dụ, phẫu thuật ung thư vú thường sẽ phải cắt bỏ một hoặc nhiều hạch bạch huyết trong hố nách. Điều này có thể khiến phù bạch huyết xuất hiện ở cánh tay.
- Xạ trị hoặc các nguyên nhân gây viêm hoặc gây sẹo ở hạch bạch huyết và mạch máu.
- Sự tắc nghẽn của các hạch bạch huyết và/hoặc các mạch máu do ung thư.
Nguy cơ bị phù bạch huyết tăng lên cùng với số lượng các hạch bạch huyết và các mạch máu bị cắt bỏ hoặc tổn thương trong quá trình điều trị ung thư hoặc phục vụ cho việc sinh thiết. Đôi khi phù bạch huyết không liên quan đến ung thư hoặc điều trị ung thư. Ví dụ, tình trạng nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm hoặc một bệnh lý khác liên quan đến hệ bạch huyết cũng có thể gây ra vấn đề này.
Chẩn đoán phù bạch huyết
Bác sĩ thường có thể xác định tình trạng phù bạch huyết bằng cách thăm khám các phần cơ thể bị phù. Nhưng đôi khi các bác sĩ sẽ đề nghị thêm các xét nghiệm hỗ trợ nhằm chẩn đoán, lên kế hoạch điều trị hoặc loại trừ các nguyên nhân khác gây nên phù bạch huyết. Những xét nghiệm này có thể bao gồm:
- Đo phần cơ thể bị phù bằng thước dây.
- Để tay hoặc chân bị phù vào bể nước để tính thể tích dịch đã hình thành.
- Chụp ảnh khảo sát toàn bộ hệ bạch huyết (lymphoscintigraphy). Mặc dù đây là một xét nghiệm đáng tin cậy nhưng các bác sĩ thường không sử dụng rộng rãi.
- Theo dõi dòng chảy dịch bạch huyết bằng siêu âm. Xét nghiệm này sử dụng sóng âm để ghi nhận hình ảnh của cơ quan nội tạng và chất dịch trong cơ thể.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Các xét nghiệm này giúp chỉ ra vị trí và kiểu tắc nghẽn của dòng bạch huyết, đồng thời giúp khảo sát xem có khối u hay khối choán chỗ nào khác làm chặn dòng bạch huyết hay không. Tuy nhiên, bác sĩ thường không chỉ định chụp CT và MRI để chẩn đoán phù bạch huyết trừ khi họ lo ngại bạn về khả năng tái phát ung thư.
- Các xét nghiệm khác có thể được sử dụng để chẩn đoán phù bạch huyết bao gồm đo thể tích bằng quang điện tử (optoelectronic limb volumeter hoặc infrared perometry vì sử dụng tia hồng ngoại) và đo phổ trở kháng sinh học (bioimpedance spectroscopy, đo dòng điện chạy qua các mô cơ thể).
Việc loại trừ các bệnh lý gây sưng phù khác (không do ung thư) là rất quan trọng. Vì vậy, bác sĩ có thể đề nghị thêm các xét nghiệm khác để loại trừ bệnh tim, huyết khối, nhiễm trùng, xơ gan hoặc suy thận, hoặc phản ứng dị ứng.
Các giai đoạn của phù bạch huyết
Các bác sĩ phân độ nặng của phù hạch huyết theo giai đoạn bệnh, từ nhẹ đến nặng:
- Giai đoạn 0. Chưa nhìn thấy sưng phù mặc dù tình trạng tổn thương hệ bạch huyết đã xảy ra. Hầu hết các bạn không có bất kỳ triệu chứng nào ở giai đoạn này. Tình trạng này có thể tồn tại hàng tháng hoặc thậm chí nhiều năm trước khi sưng phù xảy ra.
- Giai đoạn I. Da bị lõm vào khi bị đè nén, chưa thấy sự hình thành sẹo/xơ rõ ràng. Nâng cao phần chi bị tổn thương thường giúp giảm sưng.
- Giai đoạn II. Da không còn lõm khi bị đè nén, xuất hiện các vết sẹo từ vừa đến nặng. Nâng cao phần chi bị tổn thương không giúp giảm sưng.
- Giai đoạn III. Da trở nên cứng hơn, phần cơ thể bị sưng tăng kích cỡ và thể tích nhiều hơn, bề mặt da đã thay đổi. Giai đoạn này, phù bạch huyết sẽ kéo dài vĩnh viễn.
Kiểm soát và điều trị phù bạch huyết
Giảm các tác dụng phụ (còn được gọi là chăm sóc giảm nhẹ) là một phần quan trọng trong chăm sóc và điều trị ung thư. Hãy chia sẻ, trao đổi với bác sĩ điều trị về bất kỳ triệu chứng phù bạch huyết nào bạn gặp phải để bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt. Chúng bao gồm những triệu chứng mới hoặc sự thay đổi các triệu chứng.
Chia sẻ với bác sĩ về bất kỳ triệu chứng phù bạch huyết nào bạn gặp phải để bắt đầu điều trị
Mục đích điều trị chính của phù bạch huyết là giảm sưng, hạn chế tiến triển nặng, ngăn ngừa nhiễm trùng, cải thiện ngoại hình và cải thiện khả năng hoạt động/sinh hoạt. Mặc dù việc điều trị có thể kiểm soát được tình trạng phù nhưng hiện nay chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Bạn có thể nhờ bác sĩ giới thiệu một chuyên gia trị liệu chuyên về phù bạch huyết (CLT) để giúp quản lý tình trạng phù bạch huyết. Nhà trị liệu sẽ đánh giá tình trạng hiện tại của bạn và lên kế hoạch điều trị, bao gồm:
- Dẫn lưu phù bạch huyết bằng tay (MLD). MLD là một kỹ thuật đặc biệt, được xem như một loại mát-xa da nhẹ nhàng nhằm giúp dịch bạch huyết di chuyển lại vào trong mạch máu. Phương pháp này có thể giúp làm giảm sưng phù. Để có kết quả tốt nhất, bạn cần được bắt đầu điều trị MLD càng sớm càng tốt. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia có kinh nghiệm được đào tạo về kỹ thuật này. Kỹ thuật MLD cũng được giới thiệu qua vài video clips trong phần Tài liệu tham khảo cuối bài.
- Tập thể dục. Tập thể dục thường cải thiện dòng chảy của hệ bạch huyết và làm khỏe mạnh cơ bắp. Các chuyên gia về phù bạch huyết sẽ chỉ cho bạn các bài tập cụ thể nhằm cải thiện khả năng hoạt động. Khi bắt đầu tập thể dục, bạn cần hỏi bác sĩ điều trị về các bài tập phù hợp.
- Ép nén. Sử dụng các loại băng nén không đàn hồi và quần áo bó như tay áo thun, tác động lên vùng bị sưng phù một cách nhẹ nhàng và vừa vặn. Điều này giúp ngăn ngừa khả năng tái thoát dịch và sưng lại sau khi điều trị CDT (xem bên dưới). Bạn có nhiều phương pháp để lựa chọn, tùy thuộc vào vị trí bị phù. Tất cả các dụng cụ giúp đè nén đều gây áp lực cao hơn ở vùng ngoại biên rồi giảm dần khi về gần trung tâm của cơ thể. Các loại quần áo bó cũng phải vừa vặn và cần được thay thế từ ba đến sáu tháng một lần.
- Liệu pháp giảm phù toàn diện (CDT). CDT còn được gọi là liệu pháp giảm phù hỗn hợp, kết hợp chăm sóc da, dẫn lưu phù hạch huyết bằng tay, tập thể dục và ép nén. Người thực hiện CDT thường là các chuyên gia về phù bạch huyết hoặc bác sĩ trị liệu chuyên về phù bạch huyết. Bạn cũng sẽ được hướng dẫn thực hiện các kỹ thuật thiết yếu tại nhà với lịch tập thích hợp. Hãy hỏi bác sĩ điều trị và nhờ giới thiệu.
- Chăm sóc da. Vì phù bạch huyết có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nên điều quan trọng là phải giữ các khu vực bị ảnh hưởng được sạch sẽ, ẩm và khỏe mạnh. Nên bôi kem dưỡng ẩm mỗi ngày để ngăn ngừa da bị nứt nẻ. Cần tránh bị các vết cắt, bỏng, đâm kim hoặc các thương tích khác tại vùng da đang bị ảnh hưởng. Khi cạo râu, bạn nên sử dụng dao cạo điện để giảm nguy cơ cắt trúng da. Khi có việc ra ngoài, bạn cần mang kem chống nắng có tác dụng bảo vệ chống lại cả tia UVA và UVB và có chỉ số chống nắng (SPF) ít nhất là 30. Nếu bạn lỡ bị cắt hoặc bị bỏng, hãy rửa vùng bị thương bằng xà bông và nước và sử dụng kháng sinh dạng kem bôi theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc điều dưỡng.
- Nâng cao chân. Nâng cao chân sẽ giúp giảm sưng và hỗ trợ dịch bạch huyết di chuyển ngược vào hệ thống bạch huyết. Tuy nhiên, phương pháp này thường không thực tế vì bạn khó giữ chân cao trong một thời gian dài.
- Trị liệu bằng laser liều thấp (LLLT). Hiện có một vài thử nghiệm lâm sàng đã phát hiện ra việc điều trị bằng LLLT có thể giúp giảm tác dụng phụ của phù bạch huyết sau phẫu thuật ung thư vú, nhất là ở cánh tay.
- Thuốc. Bác sĩ có thể kê toa kháng sinh để điều trị nhiễm trùng hoặc thuốc giảm đau khi cần thiết.
- Vật lý trị liệu. Nếu bạn gặp khó khăn khi nuốt hoặc các vấn đề khác do phù bạch huyết ở vùng đầu và cổ, bạn có thể cần tập thêm vật lý trị liệu.
Giảm nguy cơ bị phù bạch huyết
Hiện nay, các nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu về những yếu tố gây ra phù bạch huyết và những phương pháp can thiệp để giảm nguy cơ này. Bạn cần trao đổi với bác sĩ của mình nếu họ có những lo lắng về nguy cơ hình thành phù bạch huyết.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Nếu bạn thừa cân, cần tích cực hơn trong việc quản lý cân nặng sau khi phát hiện ung thư để giúp giảm nguy cơ bị phù bạch huyết về sau.
- Thay đổi tư thế. Bạn cần tránh đứng hoặc ngồi quá lâu. Trong khi ngồi, bạn không nên vắt chéo chân. Khi ngủ bạn cần nằm gối. Những tư thế đứng thẳng sẽ giúp cải thiện tình trạng phù.
- Mặc quần áo rộng. Nếu bạn có nguy cơ bị phù bạch huyết ở đầu và cổ, các bác sĩ khuyên đừng mặc các loại áo có viền cổ quá khít. Khi có nguy cơ bị phù bạch huyết ở chân, bạn cần tránh mang giày quá chặt và bảo vệ chân bằng mang giày phủ kín chân, không nên mang dép lê (flip-flops) và các loại giày xăng-đan (sandals). Khi có nguy cơ bị phù tay, bạn cần tránh mặc quần áo và đồ trang sức bó sát hoặc chèn siết vào cánh tay hoặc tay, như tay áo hoặc vòng đeo tay quá chặt. Điều này có thể dẫn đến sự ứ dịch.
- Hạn chế thời gian ở nơi có nhiệt độ quá nóng hoặc lạnh. Tránh tắm nước quá nóng hoặc ở phòng xông hơi, thời gian sử dụng nước nóng nên là dưới 15 phút. Ngoài ra, không đắp các miếng chườm nóng hoặc đá lạnh lên vị trí bị sưng phù.
- Việc tiêm chủng, tiêm các loại thuốc khác và truyền dịch nên được thực hiện ở cánh tay không bị sưng phù. Việc lấy máu xét nghiệm hoặc đo huyết áp cũng nên thực hiện ở tay không bị tổn thương. Bạn cần báo cho bác sĩ hoặc điều dưỡng biết về nguy cơ bị phù bạch huyết.
- Biết khi nào cần hỗ trợ từ bác sĩ. Bạn cần gọi cho bác sĩ hoặc y tá/điều dưỡng nếu có bất cứ dấu hiệu nhiễm trùng nào sau đây:
- Nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C hoặc 100.5 độ F;
- Sờ da cảm thấy nóng;
- Da đỏ, sưng hoặc đau.
Thủy Phan
Nguồn Tham Khảo: yhoccongdong.com