1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ung thư đại tràng có xạ trị được không? Khi nào xạ trị được chỉ định?

Thanh Hương

27/05/2025
Kích thước chữ

Ung thư đại tràng là một trong những bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến. Bên cạnh phẫu thuật và hóa trị, nhiều người thắc mắc liệu ung thư đại tràng có xạ trị được không. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ vai trò, chỉ định và hiệu quả của xạ trị trong điều trị ung thư đại tràng.

Ung thư đại tràng là căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Khi nhắc đến điều trị ung thư, người ta thường nghĩ đến phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ xạ trị có thực sự hiệu quả với ung thư đại tràng hay không. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn làm sáng tỏ ung thư đại tràng có xạ trị được không và hiệu quả thực tế của phương pháp này.

Ung thư đại tràng có xạ trị được không?

Câu trả lời là có, nhưng xạ trị không phải là phương pháp điều trị chính trong đa số trường hợp ung thư đại tràng. Nếu như ung thư trực tràng, xạ trị thường được áp dụng để thu nhỏ khối u trước phẫu thuật hoặc ngăn tái phát sau mổ, thì với ung thư đại tràng, xạ trị ít được chỉ định hơn.

Lý do là vì đại tràng nằm trong ổ bụng, có tính di động cao, không cố định như trực tràng (nằm sâu trong khung chậu). Điều này khiến việc định vị chính xác vùng xạ trị trở nên khó khăn, tăng nguy cơ tổn thương các mô lành xung quanh như ruột non, dạ dày, gan,… Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy xạ trị không đem lại lợi ích rõ rệt trong giai đoạn sớm hoặc trung bình của ung thư đại tràng. Vì vậy, phẫu thuật và hóa trị vẫn là phương án điều trị hiệu quả hơn cho ung thư đại tràng.

Ung thư đại tràng có xạ trị được không? Khi nào xạ trị được chỉ định 1
Ung thư đại tràng có xạ trị được không còn tùy theo đánh giá của bác sĩ

Khi nào xạ trị được chỉ định trong ung thư đại tràng?

Mặc dù xạ trị không phải là lựa chọn điều trị chính cho ung thư đại tràng, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, phương pháp này vẫn có thể được chỉ định để hỗ trợ kiểm soát bệnh. Dưới đây là những trường hợp mà xạ trị có thể được áp dụng trong điều trị ung thư đại tràng:

Ung thư đại tràng tái phát tại chỗ sau phẫu thuật

Khi khối u đã được cắt bỏ nhưng sau một thời gian xuất hiện tái phát tại vị trí cũ, xạ trị có thể được sử dụng để kiểm soát tại chỗ, làm chậm tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ ung thư di căn tiếp theo.

Ung thư lan tới hạch hoặc vùng không thể phẫu thuật

Nếu ung thư xâm lấn đến các hạch lympho hoặc vị trí giải phẫu khó tiếp cận, phẫu thuật có thể gây nhiều rủi ro hoặc không loại bỏ hết tế bào ung thư. Lúc này, xạ trị được chỉ định nhằm tiêu diệt phần tổn thương còn sót lại, hoặc thu nhỏ khối u trước khi thực hiện các phương pháp khác.

Xạ trị giảm nhẹ triệu chứng ở giai đoạn cuối

Ung thư đại tràng có xạ trị được không? Câu trả lời là có trong trường hợp bệnh nhân mắc ung thư đại tràng giai đoạn cuối. Mục tiêu điều trị lúc này là giảm nhẹ triệu chứng, giảm đau đớn, hạn chế chảy máu trong ruột hoặc giảm bớt tình trạng tắc ruột do khối u chèn ép. Phương pháp này giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh khi không còn đáp ứng với hóa trị hoặc không thể phẫu thuật.

Ung thư đại tràng có xạ trị được không? Khi nào xạ trị được chỉ định 2
Một số trường hợp nghiêm trọng người bệnh cần xạ trị

Kiểm soát tại chỗ trong một số ca ung thư giai đoạn tiến xa

Trong những trường hợp ung thư đại tràng lan rộng nhưng vẫn khu trú tại một vùng, xạ trị có thể được phối hợp với hóa trị nhằm kiểm soát bệnh tại chỗ. Mục tiêu là để kéo dài thời gian sống và giảm tốc độ tiến triển.

Lưu ý khi xạ trị trong ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng có xạ trị được không đến đây bạn đã biết. Xạ trị vẫn có tác dụng nhất định trong một số trường hợp. Tuy nhiên, khi áp dụng xạ trị trong ung thư đại tràng có một số lưu ý quan trọng như sau:

Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ

Xạ trị trong ung thư đại tràng cần được lên kế hoạch kỹ lưỡng, dựa trên vị trí khối u, mức độ lan rộng và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý ngưng hoặc trì hoãn xạ trị nếu không có chỉ định từ bác sĩ. Việc này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả điều trị cũng như tiên lượng bệnh.

Theo dõi và xử lý tác dụng phụ kịp thời

Người bệnh có thể gặp phải các tác dụng phụ của xạ trị như: Rối loạn tiêu hóa, cảm giác mệt mỏi kéo dài, sụt cân, hoặc tổn thương da tại vùng chiếu xạ. Những tác dụng phụ này tuy phổ biến nhưng vẫn cần được theo dõi sát. Người bệnh nên báo ngay với bác sĩ nếu xuất hiện triệu chứng bất thường để được xử lý kịp thời.

Ung thư đại tràng có xạ trị được không? Khi nào xạ trị được chỉ định 3
Người bệnh được xạ trị có thể gặp phải tác dụng phụ

Dinh dưỡng hợp lý hỗ trợ điều trị

Chế độ dinh dưỡng khoa học giúp nâng cao thể trạng và giảm tác dụng phụ cho người bệnh. Nếu gặp tình trạng tiêu chảy kéo dài, cần bù nước, bù điện giải kịp thời. Trong quá trình xạ trị, người bệnh theo dõi cân nặng để điều chỉnh dinh dưỡng phù hợp.

Phương pháp chính trong điều trị ung thư đại tràng

Với những thông tin trên, bạn đã giải đáp được thắc mắc ung thư đại tràng có xạ trị được không. Vậy đâu là phương pháp chính được áp dụng trong điều trị ung thư đại tràng? Việc điều trị ung thư đại tràng cần được cá nhân hóa theo giai đoạn bệnh, thể trạng bệnh nhân và tiên lượng lâu dài. Hiện nay, các phương pháp điều trị chính trong ung thư đại tràng bao gồm phẫu thuật, hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích, miễn dịch trị liệu.

Phẫu thuật – phương pháp điều trị chính

Phẫu thuật ung thư đại tràng là phương pháp điều trị quan trọng nhất, đặc biệt ở giai đoạn sớm đến trung bình (giai đoạn I, II, III). Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ hoàn toàn khối u cùng với phần đại tràng bị ảnh hưởng và các hạch lympho lân cận. Tùy vị trí khối u (đại tràng phải, trái, ngang hay sigma), bác sĩ sẽ chỉ định loại phẫu thuật phù hợp như: Cắt đoạn đại tràng, nối ruột, hoặc mở hậu môn nhân tạo tạm thời nếu cần.

Hóa trị – hỗ trợ trước và sau phẫu thuật

Hóa trị trước phẫu thuật giúp thu nhỏ khối u, tạo thuận lợi cho việc mổ. Hóa trị sau phẫu thuật giúp tiêu diệt tế bào ung thư còn sót, giảm nguy cơ tái phát. Trong giai đoạn di căn, hóa trị toàn thân giúp kiểm soát bệnh, kéo dài thời gian sống. Các phác đồ hóa trị phổ biến gồm: FOLFOX, CAPOX, FOLFIRI, với các hoạt chất chính như oxaliplatin, irinotecan, 5-FU, capecitabine.

Ung thư đại tràng có xạ trị được không? Khi nào xạ trị được chỉ định 4
Phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chính trong ung thư đại tràng

Liệu pháp nhắm trúng đích và miễn dịch

Trong những năm gần đây, sự phát triển của liệu pháp nhắm đíchliệu pháp miễn dịch đã mở ra hy vọng mới cho nhiều bệnh nhân ung thư đại tràng. Một số thuốc được dùng như:

  • Bevacizumab (ức chế tạo mạch máu nuôi khối u);
  • Cetuximab, Panitumumab (ức chế EGFR – với bệnh nhân có gen RAS hoang dã);
  • Pembrolizumab, Nivolumab (miễn dịch – cho bệnh nhân có chỉ số MSI-H hoặc dMMR).

Ung thư đại tràng có xạ trị được không? Câu trả lời là có nhưng không phải là phương pháp điều trị chính. Không phải bệnh nhân nào cũng phù hợp với xạ trị và việc hóa trị cần có sự chỉ định và đánh giá kỹ lưỡng của bác sĩ chuyên khoa.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin