Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Những điều cần biết về ung thư vú

Ngày 25/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư vú đang ngày một gia tăng tại Việt Nam. Hãy trang bị đầy đủ cho mình kiến thức về căn bệnh này bằng cách tham khảo bài viết dưới đây.

Ung thư vú là căn bệnh gây tử vong cao nhất ở nữ giới nên việc phát hiện các triệu chứng của bệnh và điều trị kịp thời là rất quan trọng.

Ung thư vú là gì?

Ung thư vú bắt đầu trong mô vú. Hầu hết các khối u phát triển trong mô vú là lành tính (không phải là ung thư). Một số khối u vú là ung thư, nhưng chưa lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Loại này được gọi là ung thư “tại chỗ”, và nó hầu như có thể được chữa khỏi. Loại nghiêm trọng nhất của ung thư vú là loại ung thư xâm lấn, có nghĩa là các khối u ung thư đã lan đến các bộ phận khác của cơ thể.

Ung thư vú là loại ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ (sau ung thư da). Một tin đáng mừng là tỷ lệ tử vong vì ung thư vú (ở Mỹ) đã giảm trong vài năm qua. Có lẽ đó là nhờ các chương trình tầm soát phát hiện khối u sớm, lúc điều trị có hiệu quả cao nhất. Chụp nhũ ảnh (hay chụp X-quang tuyến vú) sàng lọc và khám vú thường xuyên (tự khám và do bác sĩ khám) có thể giúp phát hiện sớm ung thư vú.

Ung thư vú bắt đầu trong mô vú

Nguyên nhân gây ung thư vú

Người ta chưa biết chính xác cái gì là nguyên nhân gây ra ung thư vú, nhưng có một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh. Uớc tính rằng khoảng 10% các trường hợp ung thư vú là do di truyền (phát sinh trong gia đình). Trong nhiều trường hợp, một người nhận gene từ bố hoặc mẹ đã bị đột biến (thay đổi so với dạng bình thường của nó). Gene này làm tăng khả năng người đó bị ung thư vú.

Những gene có thể gây ra bệnh ung thư vú di truyền

Mỗi người đều có hai gene gọi là BRCA1 và BRCA2. Thông thường, các gene này giúp ngăn ngừa các khối ung thư phát triển. Tuy nhiên, đôi khi một người thừa hưởng gene BRCA1 hoặc BRCA2 bất thường (đột biến) từ bố hoặc mẹ, và khả năng bị ung thư vú tăng lên. Phụ nữ từ các gia đình Do Thái miền Đông và Trung Âu có nhiều khả năng mang gene BRCA1 và BRCA2 bất thường cao hơn các phụ nữ khác. Đột biến ở các gene này cũng liên quan đến ung thư buồng trứng.

Bên cạnh BRCA1 và BRCA2, các gene đột biến khác cũng có thể làm tăng khả năng bị ung thư vú. Các nhà khoa học đã tìm ra một số các gene này, và họ đang nghiên cứu để xác định những gene khác.

Dấu hiệu nào trong bệnh sử gia đình có thể gợi ý nguy cơ ung thư vú?

Sự phát hiện ung thư vú ở nhiều hơn 2 người trong trực hệ gần là dấu hiệu cho thấy đột biến BRCA1 hoặc BRCA2 có thể di truyền trong gia đình bạn. Người trực hệ gần bao gồm cha mẹ, anh, chị, em ruột và con ruột của bạn. Một dấu hiệu khác của nguy cơ ung thư vú di truyền là có người trực hệ gần bị ung thư vú trước tuổi 50. Nếu bạn có người trực hệ gần bị ung thư buồng trứng, bạn cũng có nguy cơ mang một trong những gene đột biến.

Cần tầm soát ung thư vú nếu người trực hệ gần bị ung thư vú trước tuổi 50

Ai có người thân bị ung thư vú cũng mang những gene đột biến này?

Không. Khả năng bị di truyền ung thư vú là không cao, ngay cả khi có ai đó trong gia đình bạn mắc bệnh. Nhiều người có cha mẹ, anh, chị, em ruột hoặc con bị ung thư vú mà không hề mang bất cứ đột biến gene BRCA1 hoặc BRCA2 nào. Mặc dù nguy cơ bị ung thư vú sẽ cao hơn nếu có người trực hệ gần mắc bệnh, hầu hết mọi người không bị ung thư vú dạng di truyền.

Nên làm gì khi ung thư vú (có vẻ) di truyền trong gia đình?

Hãy nói chuyện với bác sĩ về bệnh sử gia đình bạn. Ví dụ, bác sĩ sẽ muốn biết về mối quan hệ của bạn với những thành viên bị ung thư vú. Bác sĩ cũng sẽ muốn biết tuổi của những người đó tại thời điểm được chẩn đoán ung thư vú.

Có nên làm xét nghiệm để xem mình có mang gene ung thư vú?

Sự lựa chọn là tùy thuộc vào bạn và bác sĩ. Bác sĩ có thể giúp bạn quyết định nếu xét nghiệm gene là có ích cho bạn. Bác sĩ cũng có thể thảo luận về những ưu điểm và khuyết điểm của việc làm xét nghiệm. Việc nói chuyện với người tư vấn di truyền cũng có thể giúp ích.

Hãy nghĩ về cảm giác của bạn nếu kết quả xét nghiệm là dương tính, tức là bạn mang một gene bất thường BRCA1 hay BRCA2 và có nguy cơ bị ung thư vú. Một số người muốn biết điều này vì sự hiểu biết, thay vì hoang mang, sẽ giúp họ đối phó với nguy cơ ung thư vú. Họ và các bác sĩ có thể theo dõi chặt chẽ hơn các dấu hiệu sớm của ung thư. Tuy nhiên, một số người khác lại không muốn biết về gene bất thường vì họ thấy không thoải mái khi đối mặt với điều này. Hãy nói với bác sĩ về cảm xúc của bạn. Cuối cùng, cần phải nhấn mạnh rằng ngay cả khi bạn có gene đột biến BRCA1 hoặc BRCA2 thì khả năng mắc bệnh ung thư vú của bạn vẫn là rất thấp.

Các yếu tố nguy cơ khác

  • Là nữ giới: Nữ giới có nhiều khả năng mắc ung thư vú hơn nam giới.
  • Lớn tuổi: Nguy cơ ung thư vú tăng theo độ tuổi. Phụ nữ từ hơn 55 tuổi có nguy cơ cao hơn so với những phụ nữ trẻ.
  • Có tiền sử mắc ung thư vú: Nếu bạn đã bị ung thư ở một bên vú, bạn có nguy cơ phát triển ung thư ở bên còn lại.
  • Phơi nhiễm phóng xạ: Nếu bạn phải xạ trị ngực khi còn bé hoặc lúc mới trưởng thành, khả năng mắc bệnh ung thư vú sau này sẽ cao hơn.
  • Béo phì: Thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ ung thư vú vì mô mỡ sản xuất estrogen có thể thúc đẩy sự phát triển một số bệnh ung thư.
  • Dậy thì sớm: Việc bắt đầu kinh nguyệt từ trước 12 tuổi tương quan với nguy cơ ung thư vú.
  • Mãn kinh muộn: Việc mãn kinh sau 55 tuổi tương quan với nguy cơ ung thư vú.
  • Sinh con đầu lòng muộn: Phụ nữ sinh con đầu lòng sau tuổi 35 có nguy cơ ung thư vú cao hơn.
  • Liệu pháp hormone sau mãn kinh: Phụ nữ dùng liệu pháp hormone dạng kết hợp estrogen và progesterone để điều trị các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn.
  • Uống rượu bia: Uống rượu bia làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Làm thế nào để phát hiện ung thư vú sớm?

Cách tốt nhất để tìm thấy khối u trong vú là:

  • Chụp nhũ ảnh thường xuyên (thường là 2 năm một lần, bắt đầu từ tuổi 50). Nếu bạn dưới 50 tuổi, hãy nói với bác sĩ về các yếu tố nguy cơ ung thư vú, bao gồm cả bệnh sử gia đình, để quyết định xem có cần chụp nhũ ảnh thường xuyên không.
  • Hỏi bác sĩ về việc bạn có cần khám vú hay không.

Làm tất cả những điều này sẽ giúp phát hiện ung thư vú sớm. Việc điều trị sẽ dễ dàng hơn và hiệu quả hơn khi ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn sớm.

Chụp nhũ ảnh 2 năm một lần để tìm thấy khối u trong vú

Khi nào nên nói chuyện với bác sĩ về sự thay đổi ở vú?

Mặc dù không có bằng chứng cho thấy việc tự khám vú có thể giúp ngăn ngừa bệnh ung thư vú. Nó có thể giúp bạn làm quen với những đặc điểm bình thường của vú. Nhờ đó bạn sẽ dễ dàng nhận ra những thay đổi (nếu có) ở vú. Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào được liệt kê dưới đây.

Những thay đổi cần để ý ở vú

  • Một vài khối u mới (có thể đau hoặc không đau);
  • Sự dày lên bất thường ở vú;
  • Chảy dịch nhầy hoặc có máu từ núm vú;
  • Bất kỳ sự thay đổi nào ở phần da của núm vú hoặc trên vú, ví dụ bị nhăn hoặc lún vào;
  • Tăng kích thước bất thường ở một bên vú;
  • Một bên vú thấp hơn bên kia một cách bất thường.

Thủy Phan

Nguồn Tham Khảo: yhoccongdong.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm