Những năm gần đây, bơi lội đã dần trở thành một môn thể thao được nhiều bậc phụ huynh quan tâm và muốn cho con theo học. Đặc biệt là vào thời điểm mùa hè nắng nóng, việc chơi dưới nước sẽ mang đến sự thoải mái cho cả bé và gia đình. Vậy khi cho con đi bơi, các bậc phụ huynh cần nắm vững những điều cần lưu ý khi cho trẻ học bơi vào mùa hè như sau.
Những điều cần lưu ý khi cho trẻ học bơi vào mùa hè mà cha mẹ nên biết
Lưu ý khi lựa chọn hồ bơi
Trước khi cho con đi học bơi ở một hồ bơi hoặc trung tâm thể dục thể thao nào đó, trước hết bạn nên:
-
Tham quan hồ bơi, nơi mà bạn định đăng ký cho con học cũng như tìm hiểu về lịch vệ sinh của hồ bơi: Vấn đề vệ sinh bể bơi là điều vô cùng quan trọng, giúp đảm bảo sức khỏe cho bé. Hồ bơi cần được dọn dẹp sạch sẽ, nước hồ trong, được làm vệ sinh và thay nước thường xuyên.
- Ngoài ra, cả khu vực xung quanh hồ cũng cần được giữ sạch sẽ, thùng rác có nắp đậy cần được lắp đặt ở những vị trí dễ thấy. Khu vực nhà về sinh và phòng thay đồ cũng phải sạch sẽ, sàn không đọng nước, vòi sen không bị rỉ sét hoặc là đóng cặn bẩn, nước trong và sạch.
Kiểm tra kỹ tình trạng vệ sinh của bể bơi trước khi cho trẻ đi bơi.
- Tìm hiểu mỗi phiên trực tại bể bơi có bao nhiêu nhân viên cứu hộ, nhân viên giám sát. Chắc chắn rằng lượng nhân viên cứu hộ ở khu vực dành cho trẻ em luôn được đảm bảo khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra.
-
Phao cứu sinh: Kiểm tra xem xung quanh hồ bơi có được trang bị đầy đủ phao cứu sinh hay không. Phao cần có chất lượng tốt, không bị hư hỏng.
-
Giáo viên dạy bơi: Hãy tìm hiểu xem nếu đăng ký con bạn sẽ được giáo viên nào sẽ dạy bơi và trao đổi với họ để biết được số lượng học viên mà họ phải phụ trách trong một ca dạy. Việc phải giảng dạy cho quá nhiều trẻ trong cùng một ca thường khiến cho giáo viên không thể bao quát được hết các học viên, gây ảnh hưởng đến việc tiếp thu của trẻ. Lý tưởng nhất là khoảng 6 – 8 học viên mà thôi.
-
Cùng con tìm hiểu trước về các quy định của hồ bơi, giải thích cho trẻ hiểu những quy định này để đảm bảo an toàn cho mọi người trong hồ bơi và nhắc trẻ luôn luôn phải ghi nhớ.
-
Nhắc nhở con tuân thủ theo lời khuyên của giáo viên dạy bơi, người quản lý hồ bơi và nhân viên cứu hộ...
Cần nhắc nhở bé tuân thủ theo đúng hướng dẫn của giáo viên dạy bơi.
Những lưu ý khi trong quá trình cho con đi học bơi
Trước khi bắt đầu cho con học bơi, bạn cần lưu ý những điều như sau:
-
Tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi cho con tham gia lớp học bơi nếu như bé có các vấn đề về sức khỏe, như: Hen phế quản, viêm tai giữa,...
-
Nếu như bé bị nhiễm trùng như phát ban hay các vấn đề khác liên quan: đau mắt đỏ, tai – mũi – họng, tiêu chảy... bạn không nên cho bé đến hồ bơi. Hãy để cho đến khi lành bệnh để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
-
Không để cho con ăn quá no trước khi đi học bơi: Việc ăn quá no có thể khiến trẻ bị ói khi vận động dưới nước. Do đó, bạn nên cho con ăn trước khi đi bơi khoảng 1 giờ giúp con có đủ năng lượng hoạt động và thời gian tiêu hóa.
-
Sau khi bơi xong cũng cần bổ sung thêm dinh dưỡng cho con, bởi bơi lội là môn thể thao tiêu tốn khá nhiều calo. Mẹ có thể mang theo bánh, hoa quả để cho bé ăn sau khi bơi.
-
Mang theo nước uống: Hãy tập cho con có thói quen mang theo một chai nước khi đi ra ngoài, đi chơi hoặc tập luyện thể thao. Việc uống đủ nước trước khi tập luyện có thể giúp bé tránh bị chuột rút.
-
Khi cho con đi học bơi, bạn cần nhắc nhở con không thay đồ hay tắm ở ngoài bể bơi mà không vào phòng thay đồ. Việc này giúp cho bé ý thức hơn về cơ thể cũng như hạn chế tình trạng xâm hại.
-
Ngoài ra, khi cho trẻ học bơi, bạn cũng cần theo quan sát con, tránh trường hợp người lạ cố ý tiếp cận với ý đồ xấu và can thiệp kịp thời.
Cần dõi theo con trong suốt quá trình học bơi.
Những nguyên tắc an toàn dưới nước
Bên cạnh những điều lưu ý chung ở trên thì tại mỗi môi trường tập bơi, bạn cũng cần nắm vững các nguyên tắc an toàn như sau:
-
Tại hồ bơi: Hãy chắc chắn rằng bể bơi luôn có đủ người cứu hộ, và những người này ở đủ gần để có thể kịp thời hỗ trợ ngay lập tức.
-
Tại bãi biển: Làm theo những cảnh báo và ký hiệu của đội cứu hộ, luôn luôn bơi cùng với con và đứng ở vị trí sâu hơn bé.
-
Tại nhà: Nếu như nhà bạn có hồ bơi, cần trang bị đầy đủ các phương tiện cứu trợ, không nên cho bé tự bơi trừ khi có sự hiện diện và quan sát của người lớn, nên làm một hàng rào bảo vệ cao ít nhất là 1,2m quanh hồ bơi.
Bể bơi tại nhà cũng cần có phần chắn xung quanh cao ít nhất 1,2m.
Tránh để trẻ tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp
Làn da mỏng manh của trẻ rất dễ bị tổn thương bởi tia cực tím. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ bơi trong trong nhà hoặc là trong bể bơi có bóng râm. Đặc biệt là vào mùa hè, cho trẻ học bơi ở ngoài trời sẽ không tốt, rất dễ bị tổn thương do ánh nắng.
Nếu như trẻ phải bơi ngoài nắng, cha mẹ cần tránh thời điểm giữa trưa bởi đây là khi tia UV chiếu mạnh nhất. Đồng thời hãy bôi kem chống nắng thường xuyên cho trẻ mỗi khi đi bơi. Nên lựa chọn chỉ số chống nắng SPF từ 15 trở lên, có khả năng kháng nước. Nên sử dụng những sản phẩm dạng kem, lotion thay vì dạng phun vì nó có thể giữ được trên da lâu hơn.
Để đạt được hiệu quả chống nắng cao nhất thì cha mẹ nên bôi kem chống nắng cho trẻ trước khi bơi ở ngoài trời ít nhất là 30 phút và lặp lại sau mỗi 2 – 3 giờ.
Nên cho bé bơi tại những bể bơi có mái che cẩn thận.
Kết luận
Bơi lội sẽ mang lại rất nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe, tuy nhiên để đảm bảo an toàn hãy nắm vững những điều cần lưu ý khi cho trẻ học bơi vào mùa hè mà chúng tôi đã trình bày trong bài viết trên nhé!
Thảo My
Nguồn tham khảo: Tổng hợp