Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Những loại thuốc tiêm khớp phổ biến và lưu ý khi sử dụng

Ngày 24/12/2023
Kích thước chữ

Thuốc tiêm khớp là loại thuốc được đưa trực tiếp vào ổ khớp hoặc các vị trí quanh khớp để giảm đau, viêm. Tùy vào tình trạng, mức độ đáp ứng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp.

Thuốc tiêm khớp thường được dùng trong các trường hợp đau nhức, viêm khớp tại chỗ. Tùy theo tình trạng viêm mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp. Vậy thuốc tiêm giảm đau xương khớp có những loại nào? Cần chú ý gì khi sử dụng? Theo dõi bài viết bên dưới của Nhà thuốc Long Châu để được giải đáp.

Thuốc tiêm khớp có những nhóm nào?

Thuốc tiêm khớp là loại thuốc được đưa trực tiếp vào khớp bị viêm, sưng đau bằng đường tiêm. Bác sĩ sẽ dùng kim tiêm để đưa thuốc vào ổ khớp hoặc các phần mềm cạnh khớp. Phương pháp này thường được dùng để điều trị viêm khớp dạng thấp, viêm bao khớp, thoái hóa khớp, viêm cột sống dính khớp.

những loại thuốc tiêm khớp và lưu ý khi sử dụng 1
Thuốc tiêm khớp được chỉ định trong các trường hợp viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp

Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc tiêm khớp phù hợp cho bệnh nhân. Theo bản chất hóa học, có 2 nhóm thuốc tiêm khớp chính thường được dùng phổ biến:

  • Corticoid: Đây là nhóm thuốc có đặc tính giảm đau, kháng viêm mạnh. Thuốc tiêm giảm đau xương khớp chứa corticoid được đánh giá là có tác dụng nhanh hơn so với các loại thuốc dùng đường uống khác như NSAID đường uống, corticoid uống,...
  • Hyaluronate sodium: Bên cạnh tác dụng giảm đau, kháng viêm, nhóm thuốc này còn có tác dụng ức chế thoái hóa sụn khớp.

Một số loại thuốc tiêm khớp phổ biến

Dưới đây là một số loại thuốc tiêm khớp phổ biến thường được sử dụng hiện nay:

Thuốc Hyalgan

Thành phần chính của thuốc tiêm Hyalgan là Hyaluronate sodium. Nó hoạt động như một chất bôi trơn, giúp giảm đau nhức xương khớp. Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng nó còn có tác dụng ngăn chặn thoái hóa sụn khớp, giúp tái tạo sụn khớp.

 Những loại thuốc tiêm khớp và lưu ý khi sử dụng 2
Hyalgan hoạt động như một chất bôi trơn, giúp giảm đau nhức xương khớp

Hyalgan được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Người bị đau khớp do chấn thương hoặc thoái hóa khớp.
  • Hỗ trợ điều trị trong phẫu thuật chỉnh hình.
  • Điều trị đau nhức xương khớp khi bệnh nhân không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường khác.

Tùy vào thể trạng và tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc với liều lượng khác nhau. Liều thông thường theo hướng dẫn của nhà sản xuất là 2ml Hyalgan (tương đương 20mg) hoặc ít hơn, 1 lần mỗi tuần trong khoảng 3 - 5 tuần.

Khi sử dụng thuốc, bạn nên lưu ý một số tác dụng phụ có thể gặp phải để có biện pháp xử lý kịp thời:

  • Phản ứng tại chỗ: Một vài trường hợp có thể gặp tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau tại vị trí tiêm. Tuy nhiên, các phản ứng này sẽ tự khỏi sau khoảng vài ngày.
  • Tràn dịch khớp: Xảy ra khi phản ứng viêm tại chỗ tiến triển nặng hơn. Lúc này, bạn nên đi gặp bác sĩ để được tư vấn.
  • Phản ứng quá mẫn: Tình trạng quá mẫn ít khi gặp phải. Tuy nhiên, bạn cũng không được chủ quan. Các phản ứng quá mẫn bao gồm nổi mẩn đỏ, ngứa, buồn nôn, khó thở,...

Thuốc tiêm Diprospan

Diprospan có bản chất là corticoid với 2 hợp chất este Betamethasone dipropionate và Betamethasone disodium phosphate.

 Những loại thuốc tiêm khớp và lưu ý khi sử dụng 3
Diprospan có bản chất là corticoid với 2 hợp chất este của Betamethasone

Thuốc tiêm Diprospan được chỉ định điều trị rất nhiều bệnh lý như dị ứng, viêm da, đau nhức xương khớp. Đối với các bệnh nhân bị đau xương khớp, Diprospan được chỉ định cụ thể trong các trường hợp sau:

  • Viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp:
  • Viêm bao hoạt dịch khớp;
  • Viêm đốt sống, đau xương cụt,...

Liều dùng của thuốc tiêm khớp Diprospan không cố định, được điều chỉnh dựa trên từng bệnh lý, mức độ nặng và đáp ứng của bệnh nhân.

Với bản chất là corticoid nên Diprospan có thể gây ra một số tác dụng phụ sau:

  • Yếu cơ, nhược cơ;
  • Loãng xương;
  • Xuất huyết tiêu hóa, loét dạ dày, tá tràng;
  • Suy giảm miễn dịch;
  • Vết thương chậm lành;
  • Đục thủy tinh thể;
  • Phù, tăng áp lực nội sọ;
  • Hội chứng Cushing;
  • Sốc phản vệ.

Một số lưu ý khi dùng thuốc tiêm khớp

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc tiêm khớp, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Không tự ý dùng thuốc: Bạn không nên tự ý sử dụng thuốc tiêm khớp khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Tự ý dùng thuốc có thể dẫn đến các vấn đề như sai liều, sai vị trí tiêm, nhiễm trùng vị trí tiêm,...
  • Đảm bảo vô trùng trong quá trình tiêm: Thuốc được đưa trực tiếp vào khớp và mạch máu nên việc đảm bảo vô trùng là rất quan trọng.
  • Quan sát dấu hiệu của dị ứng: Nếu là lần đầu sử dụng thuốc, bạn nên quan sát vị trí tiêm và các dấu hiệu của dị ứng sau khi tiêm. Một số triệu chứng của việc dị ứng thuốc bao gồm: Nổi mẩn, đau đầu, khó thở,... Nếu bạn gặp phải các triệu chứng bất thường này vài tiếng sau khi tiêm thì hãy thông báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
  • Không lạm dụng thuốc: Việc lạm dụng thuốc để giảm đau có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận, loãng xương, loét dạ dày tá tràng, suy tuyến thượng thận,...
Những loại thuốc tiêm khớp và lưu ý khi sử dụng 4
Nếu là lần đầu sử dụng thuốc, bạn nên quan sát các dấu hiệu của dị ứng sau khi tiêm

Tóm lại, thuốc tiêm khớp được chỉ định trong các trường hợp đau nhức, viêm khớp. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, thể trạng và mức độ đáp ứng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc với liều lượng phù hợp. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp trong bài viết này sẽ có ích cho bạn.

Xem thêm các bài viết khác dưới đây:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin