Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau xương cụt là gì? Nguyên nhân và phương pháp điều trị

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau xương cụt (Coccydynia) là tình trạng đau xảy ra ở xương cụt, một xương hình tam giác nhỏ nằm ở cuối cột sống. Đau xương cụt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày của bạn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau xương cụt và bạn có thể tự quản lý cơn đau tại nhà bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đau xương cụt là gì?

Xương cụt là một xương nhỏ, hình tam giác, bao gồm ba đến năm đốt sống được hợp nhất lại, nằm ở cuối cột sống. Xương cụt giúp bạn thực hiện một số hoạt động quan trọng. Ví dụ như khi ngồi, xương cụt giúp ổn định và hỗ trợ cân nặng của bạn. Tại vùng này cũng có các gân, dây chằng và cơ, tuy nhiên thuật ngữ đau xương cụt là chỉ đau xảy ra tại xương cụt.

Đau xương cụt là tình trạng đau ở vùng xương cụt, một xương hình tam giác nhỏ nằm ở cuối cột sống. Có nhiều nguyên nhân gây đau xương cụt như bệnh lý, chấn thương.

Nguyên dẫn dẫn đến đau xương cụt có thể bao gồm từ chấn thương cơ xương khớp đến nhiễm trùng hay các khối u ác tính.

Hầu hết các trường hợp đau xương cụt sẽ khỏi trong vài tuần cho đến vài tháng cho dù có được điều trị hay không. Tuy nhiên, ở một số đối tượng, cơn đau có thể trở thành mãn tính.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau xương cụt

Các triệu chứng của đau xương cụt có thể được mô tả như cảm giác đau âm ỉ, nhức hoặc cảm giác đau nhói ở vùng xương cụt (gần đỉnh mông). Cơn đau có thể xảy ra liên tục hầu hết thời gian và đôi khi có những cơn đau nhói kèm theo.

Cơn đau cũng có thể trở nên tồi tệ hơn với các hoạt động như:

  • Khi bạn đang ngồi;
  • Khi bạn ngồi xuống hoặc đứng lên;
  • Khi bạn cúi người về trước;
  • Khi bạn đi tiêu;
  • Khi quan hệ tình dục;
  • Trong chu kỳ kinh nguyệt.

Biến chứng có thể gặp khi mắc đau xương cụt

Đau xương cụt có thể cực kỳ khó chịu và ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của bạn. Các biến chứng có thể gặp khi mắc đau xương cụt bao gồm:

  • Đau xương cụt mãn tính;
  • Rối loạn giấc ngủ;
  • Rối loạn lo âu;
  • Trầm cảm.
Đau xương cụt là gì? Cách quản lý tình trạng đau xương cụt tại nhà 4
Đau xương cụt có thể dẫn đến rối loạn lo âu hay trầm cảm

Việc được chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp giảm đau và hạn chế cơn đau trở nên dai dẳng hoặc dẫn đến tàn phế.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đau xương cụt có thể gây khó chịu nhưng hầu hết nó không phải là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn cần đến gặp bác sĩ nếu có các tình trạng sau:

  • Đau xương cụt không tự khỏi sau vài tuần tự kiểm soát tại nhà;
  • Đau gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày và giấc ngủ của bạn;
  • Đau thêm một phần khác như bụng, hông hoặc lưng;
  • Đau kèm sốt.

Ngoài ra, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ khi đau xương cụt kèm các triệu chứng sau:

  • Tê hoặc ngứa ở cánh tay, chân hoặc vùng háng;
  • Rối loạn tiêu tiểu như khó đi tiểu hoặc khó đi tiêu;
  • Thấy một khối u ở khu vực gần xương cụt.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến đau xương cụt

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau xương cụt, bao gồm:

  • Chấn thương: Nếu bạn bị ngã, có thể dẫn đến bầm tím, gãy hoặc trật khớp xương cụt gây đau.
  • Các chấn thương căng thẳng lặp đi lặp lại: Các môn thể thao như đạp xe, chèo thuyền đòi hỏi bạn phải nghiêng người qua lại liên tục. Các chuyển động lặp đi lặp lại này có thể làm căng các mô xung quanh xương cụt của bạn.
  • Mang thai hoặc sinh con: Trong ba tháng cuối của thai kỳ, cơ thể bạn sẽ tiết ra các hormon làm mềm khu vực cùng cụt. Điều này giúp xương cụt của bạn linh hoạt hơn khi sinh, và là một quá tình tự nhiên. Nhưng trong một số trường hợp, điều này làm kéo căng các cơ và dây chằng xung quanh xương cụt, gây căng thẳng và đau xương cụt.
  • Tăng cân: Việc tăng cân sẽ gây thêm áp lực cho xương cụt của bạn, làm xương cụt nghiêng về phía sau dẫn đến đau.
  • Ngồi lâu: Ngồi trong thời gian dài có thể gây áp lực quá mức lên xương cụt, đặc biệt nếu bạn ngồi trên bề mặt cứng.
  • Hình thái xương cụt bất thường: Tình trạng vẹo cột sống hoặc xương cụt bị uốn cong hoặc giãn quá mức cũng là một nguyên nhân gây đau xương cụt.
Đau xương cụt là gì? Cách quản lý tình trạng đau xương cụt tại nhà 5
Ngồi lâu là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau xương cụt

Ngoài những nguyên nhân phổ biến gây đau xương cụt, việc loại trừ các nguyên nhân cơ bản nghiêm trọng hơn là cần thiết. Chẳng hạn như nhiễm trùng (bao gồm cả áp xe mô mềm và viêm tủy xương). Trong một số trường hợp rất hiếm gặp, đau xương cụt có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư gần khu vực xương cụt hoặc ung thư di căn đến xương của bạn. Các bệnh ung thư có nhiều khả năng gây đau xương cụt bao gồm:

Đau xương cụt vô căn được xem là chẩn đoán loại trừ, nghĩa là sau khi sàng lọc cẩn thận tất cả các nguyên nhân có thể xác định được.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc đau xương cụt?

Mặc dù ai cũng có thể có nguy cơ mắc đau xương cụt, tuy nhiên đau xương cụt phổ biến và khả năng xảy ra ở nữ cao hơn ở nam giới. Thanh thiếu niên và người lớn cũng mắc đau xương cụt thường xuyên hơn so với trẻ em.

Yếu tố làm tăng nguy cơ đau xương cụt

Các yếu tố liên quan đến nguy cơ cao phát triển đau xương cụt là nữ giới và béo phì:

  • Nữ giới: Các nghiên cứu cho thấy, đau xương cụt có thể xảy ra ở nữ cao gấp năm lần so với nam.
  • Béo phì: Chỉ số khối (BMI) cơ thể có thể ảnh hưởng đến cách mà bạn ngồi và trọng lượng tác động lên xương cụt.

Giảm cân nhanh chóng cũng là một yếu tố nguy cơ của đau xương cụt do làm mất tác dụng đệm của mỡ ở vùng mông. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác được báo cáo bao gồm:

Đau xương cụt là gì? Cách quản lý tình trạng đau xương cụt tại nhà 6
Các môn thể thao có liên quan đến tăng nguy cơ đau xương cụt như đạp xe

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đau xương cụt

Để chẩn đoán đau xương cụt, bác sĩ sẽ thực hiện hỏi bệnh sử và khám cho bạn. Thông thường, bác sĩ sẽ hỏi về bất kỳ chấn thương nào gần đây ở vùng xương cụt như té ngã, hoặc khi sinh con. Bác sĩ cũng có thể hỏi về các yếu tố hay hoạt động làm trầm trọng thêm tình trạng đau của bạn. Tiếp theo, bác sĩ sẽ kiểm tra xem khu vực xương cụt có vết gãy, u cục, áp xe hay không. Đôi khi, bác sĩ sẽ thực hiện các thăm khám khác nếu cần thiết, ví dụ như khám trực tràng.

Các xét nghiệm được đề nghị để chẩn đoán đau xương cụt có thể bao gồm:

  • Chụp X-quang tiêu chuẩn: Hình ảnh X-quang giúp đánh giá cấu trúc xương, đánh giá được tình trạng gãy xương, vẹo cột sống hoặc các hình thái bất thường của xương cụt.
  • Chụp X-quang động (khi ngồi và đứng): Nhằm đánh giá vị trí của xương cụt ở tư thế ngồi và đứng, đánh giá độ lệch của xương cụt.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Hình ảnh CT vùng xương cụt giúp đánh giá sự biến đổi trong sự hợp nhất của các khớp ở vùng cùng cụt.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Có thể được sử dụng để đánh giá độ cong của xương cụt, sự kết hợp của các khớp vùng cùng cụt cũng như sự hiện diện của gai xương cụt. MRI cũng giúp sàng lọc các khối u tại khu vực xương cụt.
  • Quét xương bằng y học hạt nhân (Nuclear medicine bone scan): Đôi khi được thực hiện để đánh giá các bệnh lý ác tính hoặc nhiễm trùng ở xương cụt.
  • Xét nghiệm máu: Có thể hữu ích trong các trường hợp hiếm gặp bao gồm nhiễm trùng, bệnh ác tính, các vấn đề về tiêu hóa hoặc niệu dục.

Phương pháp điều trị đau xương cụt

Trong 90% trường hợp, đau xương cụt sẽ tự thuyên giảm nhờ các biện pháp điều trị tại nhà, bạn có thể tham khảo ở phần chế độ sinh hoạt. Nếu các biện pháp kiểm soát tại nhà không hiệu quả hoặc nếu cơn đau xương cụt tiếp tục quay trở lại, các phương pháp điều trị không phẫu thuật có thể được đề xuất, bao gồm:

  • Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) giúp giảm đau và viêm.
  • Tiêm thuốc gây tê và corticosteroid để giảm đau và viêm.
  • Liệu pháp xoa bóp có thể giúp giảm đau tạm thời.
  • Vật lý trị liệu giúp kéo căng cơ và cải thiện tư thế của bạn.
  • Châm cứu được chứng minh giúp giảm đau xương cụt.
  • Kích thích điện qua da (TENS) cũng giúp giảm đau xương cụt.
Đau xương cụt là gì? Cách quản lý tình trạng đau xương cụt tại nhà 7
Laser châm cứu giúp giảm đau trong đau xương cụt

Trong những trường hợp hiếm, phẫu thuật có thể được thực hiện như:

  • Cắt bỏ một phần xương cụt;
  • Cắt bỏ hoàn toàn xương cụt.

Ngoài ra, các điều trị hỗ trợ khác liên quan đến tình trạng lo âu, rối loạn giấc ngủ hay trầm cảm cũng nên được chú ý để có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau xương cụt

Chế độ sinh hoạt:

Các thói quen sinh hoạt hằng ngày có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau xương cụt, bao gồm:

  • Ngồi đúng cách, duy trì tư thế tốt với phần lưng dưới được hỗ trợ.
  • Hạn chế ngồi lâu, sử dụng đệm xương cụt được thiết kế đặc biệt khi ngồi hoặc ngồi trên một quả bóng tập thể dục cũng có thể giúp ích.
  • Nằm nghiêng để giảm áp lực lên xương cụt của bạn.
  • Có thể chườm ấm hoặc chườm lạnh ở vùng xương cụt để giúp giảm đau.
  • Sử dụng kèm thêm thuốc nhuận tràng (dưới hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ) nhằm mục đích làm mềm phân để giảm tình trạng đau trầm trọng khi đi tiêu.
  • Không mặc các quần áo bó sát phần mông và lưng dưới, ví dụ như một số loại quần jean.

Xem thêm: Các bài tập chữa đau xương cụt giảm đau

Chế độ dinh dưỡng:

Việc thừa cân, béo phì hoặc giảm cân quá nhanh đều có thể gây ảnh hưởng đến xương cụt của bạn như đã đề cập ở trên. Do đó, việc duy trì một cân nặng lý tưởng là cần thiết. Bạn hãy duy trì một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, không nên giảm cân quá nhanh. Đồng thời, hãy giảm cân nếu bạn thừa cân để giảm áp lực lên vùng xương cụt.

Phương pháp phòng ngừa đau xương cụt hiệu quả

Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa được tình trạng đau xương cụt vì nó thường xảy ra sau chấn thương hoặc là triệu chứng của một bệnh lý tiềm ẩn. Tuy nhiên, bạn có thể giảm rủi ro bằng cách:

  • Tránh ngồi trong thời gian dài đặc biệt là trên bề mặt cứng.
  • Hãy thận trọng khi đạp xe hoặc các hoạt động có thể gây đau xương cụt.

Ngoài ra, bạn có thể giảm nguy cơ té ngã bằng các việc như sau:

  • Giữ sàn nhà và lối đi của bạn gọn gàng.
  • Lắp đặt lan can cho cầu thang nếu có thể.
  • Cố gắng giữ cho cầu thang được chiếu sáng tốt.
  • Tránh nhìn vào điện thoại hay mất tập trung vào việc khác khi đi bộ.

Xem thêm:

Cách khắc phục cơn đau xương cụt sau sinh hiệu quả

Đau xương cụt khi ngồi xe máy cần phải làm gì để cải thiện?

Nguồn tham khảo
  1. Tailbone (coccyx) pain: https://www.nhs.uk/conditions/tailbone-coccyx-pain
  2. Tailbone Pain (Coccydynia): https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10436-coccydynia-tailbone-pain
  3. Coccydynia: An Overview of the Anatomy, Etiology, and Treatment of Coccyx Pain: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3963058
  4. Tailbone Pain (Coccydynia): https://www.webmd.com/cancer/tailbone-pain-coccydynia
  5. Understanding and Treating Tailbone Pain: https://www.healthline.com/health/back-pain/tailbone-pain 

Các bệnh liên quan

  1. Khô khớp

  2. Chuột rút co cứng

  3. Viêm xương

  4. Viêm khớp phản ứng

  5. Viêm khớp ngón chân

  6. Bệnh Kienbock

  7. Bệnh Freiberg

  8. Đau cơ mông

  9. Chấn thương

  10. Hội chứng đường hầm xương trụ