Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những lợi ích đáng kinh ngạc khi chữa cao huyết áp bằng Đông y

Ngày 25/03/2023
Kích thước chữ

Cao huyết áp là một trong những bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi. Nếu không được chữa trị kịp thời và hiệu quả, cao huyết áp có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, suy tim... Điều trị cao huyết áp bằng phương pháp Đông y đã được chứng minh là một trong những giải pháp an toàn và hiệu quả mà nhiều người đang áp dụng.

Trong bài viết này sẽ tìm hiểu về cách chữa cao huyết áp bằng Đông y và các lợi ích của phương pháp này. Cùng khám phá các thảo dược Đông y có khả năng giảm huyết áp và cách thức sử dụng của chúng. Ngoài ra, bài viết còn đưa ra một số lời khuyên và hướng dẫn cho những ai đang quan tâm đến phương pháp chữa cao huyết áp bằng Đông y.

Bệnh cao huyết áp là gì?

Cao huyết áp (hay tăng huyết áp) là một bệnh lý mãn tính, khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch và tăng cao. Tình trạng này gây ra áp lực đáng kể cho tim (tăng gánh nặng cho tim) và là nguyên nhân của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng bao gồm tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh lý khác.

Điều trị cao huyết áp bằng Đông y - Những lợi ích đáng kinh ngạc 1Nhồi máu cơ tim là biến chứng của cao huyết áp

Các triệu chứng thường gặp do cao huyết áp gây ra

Các triệu chứng của cao huyết áp thường rất mờ nhạt và khó nhận biết. Thực tế, hầu hết các bệnh nhân bị tăng huyết áp không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng rõ ràng nào, dù bệnh đã phát triển đến mức nghiêm trọng. Một số ít bệnh nhân có thể có các triệu chứng thoáng qua như đau đầu, khó thở hoặc hiếm hơn là chảy máu cam.

Các triệu chứng không rõ ràng và thường không xuất hiện cho đến khi bệnh đã tiến triển đến mức rất nghiêm trọng. Khi đó, các biến chứng tim mạch có thể xảy ra đột ngột và đe dọa tính mạng của bệnh nhân.

Chữa cao huyết áp bằng Đông y

Điều trị cao huyết áp bằng các thảo dược tự nhiên

Cúc hoa vàng: Là một loại thảo dược có tác dụng điều trị bệnh tăng huyết áp rất hiệu quả. Liều dùng cúc hoa vàng mỗi ngày thường là từ 8 – 16 g, có thể dùng dưới dạng trà uống thay nước hoặc kết hợp với các loại thảo dược khác để tăng hiệu quả.

Ngưu tất nam: Có tác dụng giãn mạch, hạ huyết áp, giảm mỡ máu và giúp giảm đau nhức xương khớp. Liều dùng ngưu tất nam thường là từ 10 – 15 g mỗi ngày, dưới dạng sắc uống và có thể sử dụng đơn lẻ hoặc phối hợp với các loại thuốc thảo dược khác để tăng hiệu quả.

Đỗ trọng: Vỏ thân có tác dụng hạ huyết áp với liều dùng 12 – 20 g sắc uống mỗi ngày.

Thảo quyết minh: Hạt của cây có tác dụng thanh nhiệt và giúp làm hạ huyết áp với liều dùng từ 8 – 12 g hạt sắc uống mỗi ngày. Thảo quyết minh phù hợp đối với những người bị táo bón kèm theo tăng huyết áp.

Hoa hòe: Cải thiện sự ổn định của hệ thống mạch máu và thường được sử dụng để điều trị tăng huyết áp nhẹ đến trung bình. Liều dùng hàng ngày là từ 6 – 20 g hoè hoa sao vàng, có thể uống dưới dạng nước hoặc hãm chế như hãm trà.

Lá sen: Được biết đến với tác dụng an thần, hạ huyết áp và hạ cholesterol. Để sử dụng, bạn có thể lấy lá sen tươi và phơi khô, sau đó rang nhẹ để khô hơn. Sau đó, lấy từ 10 – 12 g lá sen đã phơi khô và sao lên, sắc uống mỗi ngày hoặc hãm như trà.

Điều trị cao huyết áp bằng Đông y - Những lợi ích đáng kinh ngạc 2Lá sen được dùng trong điều trị cao huyết áp

Chữa cao huyết áp bằng các bài thuốc Đông y

Trong Đông y, có nhiều bài thuốc được sử dụng để điều trị cao huyết áp. Các thành phần từ thảo dược trong các bài thuốc này đã được chứng minh có tác dụng hạ huyết áp, tăng cường độ bền mạch.

Long đởm tả can thang: 

  • Thành phần: Long đởm thảo tẩm rượu sao 9 g, sài hồ 6 g, sinh địa hoàng sao rượu 9 g, trạch tả 12 g, xa tiền tử sao 9 g, mộc thông 9 g, cam thảo sống 6 g, quy vĩ sao rượu 3 g, chi tử sao rượu 9 g, hoàng cầm sao rượu 9 g. 
  • Sắc 1 thang mỗi ngày, chia làm 2 lần uống.

Lục vị kỷ cúc

  • Thành phần: Thục địa 16 g, sơn thù du 12 g, hoài sơn 8 g, câu kỷ tử 12 g, trạch tả 8 g, mẫu đơn bì 8 g, phục linh 9 g, cúc hoa 12 g.
  • Dạng thuốc thang: Uống 1 thang mỗi ngày, chia thành 2 - 3 lần và uống khi thuốc còn ấm.
  • Dạng thuốc hoàn: Mỗi lần uống 10 - 15 viên, uống 2 lần mỗi ngày và nên uống với nước ấm.

Thiên ma câu đằng ẩm

  • Thành phần: Thiên ma 6g, câu đằng 12 g, phục linh 12 g, ngưu tất 12 g, đỗ trọng 12 g, hoàng cầm 12 g, tang ký sinh 16 g, dạ giao đằng 16 g, ích mẫu 16 g, chi tử 8 g, thạch quyết minh 20 g.
  • Bài thuốc này cần sắc và uống 1 thang mỗi ngày, chia thành 2 - 3 lần uống. Tùy vào triệu chứng của bệnh, bạn có thể thêm vào các vị thuốc khác để điều trị.

Quy tỳ thang

  • Thành phần: Đảng sâm 12 g, đại táo 12 g, hoàng kỳ 12 g, bạch truật 12 g, toan táo nhân 12 gam, phục thần 12 g, mộc hương 2 g, đương quy 8 g, chích cam thảo 2 g, viễn chí 4 g, gừng sống 3 lát.
  • Dạng thuốc thang: Uống ngày 1 thang, chia thành 2 đến 3 lần uống.
  • Dạng thuốc hoàn: Uống 3 lần mỗi ngày với liều lượng mỗi lần 3 – 5 g.

Bán hạ bạch truật thiên ma thang

  • Thành phần: Bạch truật 12 g, bán hạ 4 g, cam thảo 4 g, phục linh 12 g, thiên ma 8 g, trần bì 8 g, sinh khương 3 lát, đại táo 12 g.
  • Sắc uống mỗi ngày 1 thang chia 2 lần.
Điều trị cao huyết áp bằng Đông y - Những lợi ích đáng kinh ngạc 3Bài thuốc Đông y giúp trị cao huyết áp một cách hiệu quả

Ưu điểm khi dùng thuốc Đông y chữa cao huyết áp

Để chữa cao huyết áp bằng Đông y, người ta thường nghĩ đến việc dùng lâu, tác dụng chậm và khó uống, cần đun sắc. Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp này mang lại hiệu quả không thể phủ nhận:

  • Các nguyên liệu sử dụng chủ yếu là các loại cây thuốc Nam tự nhiên để chữa cao huyết áp, do đó, không gây độc và tác dụng phụ và có thể dùng chung với thuốc Tây mà không gây tương tác hoặc giảm tác dụng của thuốc.
  • Các thảo dược trong Đông y cho hiệu quả hạ huyết áp và duy trì mức huyết áp ổn định trong thời gian dài.
  • Phương pháp Đông y giúp giảm tình trạng lạm dụng thuốc Tây, giảm nguy cơ bị tác dụng phụ do thuốc Tây gây ra và hạn chế việc thay liều thuốc Tây.

Lưu ý khi dùng phương pháp Đông y chữa cao huyết áp

Việc sử dụng các vị thuốc Đông y để hạ áp là phù hợp trong trường hợp huyết áp tăng nhẹ. Tuy nhiên, nếu được chỉ định sử dụng thuốc tăng huyết áp từ Tây y, cần tuân thủ điều trị và theo dõi huyết áp thường xuyên. Sử dụng các loại thuốc hạ áp theo Đông y có thể giúp giảm thiểu việc phải sử dụng nhiều loại thuốc hạ áp từ Tây y, nhưng không thể thay thế hoàn toàn.

Khi sử dụng bài thuốc theo thang, cần được thăm khám bởi bác sĩ Đông y để xác định nguyên nhân và dùng bài thuốc phù hợp. Tuy nhiên, một số vị thuốc không nên sử dụng cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, do đó cần chú ý khi lựa chọn.

Ngoài việc sử dụng các vị thuốc, nên kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt để có thể kiểm soát tốt huyết áp. Duy trì cân nặng hợp lý bằng chế độ ăn uống và tập luyện thể dục. Cần kiểm tra huyết áp thường xuyên để có thể theo dõi được đáp ứng điều trị với thuốc. Bên cạnh đó, người bệnh cần phải được bác sĩ thăm khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên.

Xem thêm: 

Ánh Tuyết

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin