Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp và lưu ý khi dùng

Ngày 23/04/2023
Kích thước chữ

Bệnh tăng huyết áp là một trong những bệnh lý nguy hiểm và phổ biến hiện nay. Nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, đã có nhiều loại thuốc điều trị tăng huyết áp được sử dụng, không chỉ giúp cải thiện tình trạng tăng huyết áp mà còn giảm nguy cơ bị các biến chứng liên quan đến bệnh tăng huyết áp.

Tuy nhiên, việc lựa chọn loại thuốc điều trị tăng huyết áp thích hợp và sử dụng chúng đúng cách là vô cùng quan trọng. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin quan trọng về các loại thuốc điều trị tăng huyết áp phổ biến và những lưu ý khi sử dụng.

Tăng huyết áp ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ?

Tăng huyết áp nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:

  • Biến chứng tim mạch: Nhồi máu cơ tim, suy tim, rung nhĩ.
  • Biến chứng não: Nhồi máu não, suy giảm trí nhớ, xuất huyết não.
  • Biến chứng thận: Suy thận ở nhiều giai đoạn.
  • Biến chứng ở mắt: Có thể gây xuất huyết, phù nề mạch máu võng mạc, gây mù.
  • Bệnh mạch máu ngoại biên: Do xơ vữa mạch máu gây hẹp hoặc tắc mạch máu nhỏ ở hai chân, gây đau chân khi đi lại, nặng hơn là loét, hoại tử chi.
  • Rối loạn cương dương: Gặp khi kèm theo đái tháo đường hay hút thuốc lá.
Tìm hiểu các thuốc điều trị tăng huyết áp 1
Tăng huyết áp có thể gây các biến chứng về tim mạch

Các thuốc điều trị tăng huyết áp 

Nhóm thuốc lợi tiểu

Các loại thuốc lợi tiểu có tác dụng điều trị tăng huyết áp bằng cách giảm thể tích huyết tương và giảm sức cản của mạch bằng cách đưa ion natri ra khỏi tế bào. Nhóm này bao gồm:

  • Thuốc lợi tiểu thiazid: Hydrochlorothiazide, Indapamide, Methyclothiazide, Chlorothiazide.
  • Thuốc lợi tiểu quai: Furosemide, Bumetanide, Torsemide.
  • Thuốc lợi tiểu giữ kali: Amiloride, Eplerenone, Spironolactone, Triamterene.

Ngoài tác dụng làm giảm huyết áp, thuốc lợi tiểu cũng có tác dụng làm giãn mạch nhẹ. Trong số các loại thuốc lợi tiểu này, thuốc lợi tiểu thiazid được sử dụng phổ biến nhất để điều trị tăng huyết áp. 

Tuy nhiên, các thuốc lợi tiểu giữ kali không gây hạ kali máu nhưng không hiệu quả như các thuốc lợi tiểu thiazid trong việc kiểm soát huyết áp cho người bệnh. Vì vậy, khi điều trị tăng huyết áp, thuốc lợi tiểu giữ kali không nên được sử dụng làm thuốc khởi đầu.

Nhóm chẹn beta giao cảm

Các thuốc chẹn beta như Timolol, Atenolol, Labetalol, Carvedilol, Metoprolol, Propranolol, Nebivolol, Bisoprolol... được sử dụng để giảm lực bóp cơ tim và giúp giảm huyết áp ở bệnh nhân. Các loại thuốc này có tác dụng tương đương nhau.

Ngoài ra, nhóm thuốc chẹn beta còn đặc biệt hiệu quả đối với các trường hợp bệnh suy tim, đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, bệnh nhân bị hen phế quản, block nhĩ thất độ 2 - 3 hay mắc hội chứng suy nút xoang thường không được sử dụng các loại thuốc này.

Tìm hiểu các thuốc điều trị tăng huyết áp 2
Thuốc trị tăng huyết áp nhóm chẹn beta giao cảm

Nhóm chẹn kênh calci

Các loại thuốc chẹn kênh canxi được sử dụng để điều trị tăng huyết áp và chia thành 2 nhóm sau:

  • Thuốc chẹn kênh canxi dihydropyridine (như Amlodipine, Nifedipine, Felodipine...) có tác dụng giãn mạch ngoại vi mạnh, giảm sức cản mạch ngoại vi để làm giảm huyết áp. Tuy nhiên, đôi khi thuốc nhóm dihydropyridine có thể gây ra tình trạng nhịp tim nhanh phản ứng.
  • Thuốc chẹn kênh canxi nondihydropyridine (như Verapamil, Diltiazem) có tác dụng làm chậm nhịp tim, giảm dẫn truyền nhĩ thất và co bóp cơ tim để giảm huyết áp. Tuy nhiên, nhóm thuốc này không nên sử dụng cho bệnh nhân bị block nhĩ thất cấp độ 2 - 3 hoặc bệnh nhân bị suy thất trái.

Trong những người bị đau thắt ngực ổn định có kèm theo tình trạng co thắt phế quản, co thắt mạch vành hoặc mắc hội chứng Raynaud, thường ưu tiên sử dụng thuốc chẹn kênh canxi hơn là thuốc chẹn beta. 

Nhóm thuốc ức chế men chuyển (ACE)

Nhóm thuốc ức chế men chuyển có tác dụng giảm huyết áp bằng cách ngăn chặn sự chuyển đổi angiotensin I thành angiotensin II, từ đó hạn chế sức cản mạch ngoại vi. Điều đặc biệt của nhóm thuốc này là không gây tăng nhịp tim và bảo vệ chức năng thận, do đó được đề xuất sử dụng nhiều nhất trong các trường hợp bệnh nhân bị huyết áp cao kèm theo bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, nhóm thuốc này không nên dùng cho bệnh nhân bị phù mạch hoặc ho khan. 

Nhóm chẹn thụ thể angiotensin II

Các loại thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (Azilsartan, Eprosartan, Irbesartan, Candesartan, Losartan, Valsartan...) có tác dụng bằng cách gắn với thụ thể angiotensin II và làm cho chúng không hoạt động, gây ra ức chế hệ thống renin - angiotensin. Nhóm thuốc này giúp hạ huyết áp và hiệu quả tương đương với nhóm thuốc ức chế men chuyển vì chúng tác động vào cùng một hệ thống renin - angiotensin. Vì vậy, không nên sử dụng cùng lúc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II và thuốc ức chế men chuyển để hạ huyết áp.

Thuốc điều trị tăng huyết áp 3
Thuốc trị tăng huyết áp Losartan thuộc nhóm chẹn thụ thể angiotensin II

Các nhóm thuốc khác

Thuốc cường adrenergic: Hạ huyết áp bằng cách ức chế hoạt động của hệ thần kinh giao cảm tuy nhiên do có tác dụng phụ phục là lơ mơ, buồn ngủ và thậm chí là trầm cảm nên ít khi được chỉ định.

Thuốc ức chế renin trực tiếp (Aliskiren): Không nên dùng đồng thời với thuốc huyết áp nhóm chẹn thụ thể angiotensin II và thuốc ức chế men chuyển.

Thuốc giãn mạch trực tiếp: Được sử dụng trong trường hợp huyết áp tăng nặng và kháng trị, tác động trực tiếp lên mạch máu.

Lưu ý khi sử dụng các thuốc điều trị tăng huyết áp

Để đảm bảo hiệu quả và tránh các biến chứng nguy hiểm khi sử dụng thuốc trị tăng huyết áp, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Để tăng hiệu quả của thuốc, người bệnh nên uống đúng liều, đúng giờ và duy trì uống thuốc hàng ngày. Nên uống vào buổi sáng để thuốc phát huy tối đa tác dụng.
  • Người bệnh cần tuân thủ phác đồ và hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Không nên tự ý thay đổi liều lượng hoặc thuốc để tránh gây ra các tai biến.
  • Không nên sử dụng thuốc theo đơn của người khác, vì mỗi người có thể có tình trạng bệnh lý và cơ địa khác nhau.
  • Để ổn định huyết áp, người bệnh cần kiểm soát tốt các bệnh lý nền khác như hội chứng thận hư, mỡ máu, đái tháo đường...
  • Người bệnh nên chú ý đến các tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc. Nếu có triệu chứng bất thường, cần liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ.
Thuốc điều trị tăng huyết áp 4
Uống thuốc đúng giờ để cải thiện tình trạng tăng huyết áp hiệu quả

Ngoài sử dụng thuốc, bệnh nhân cần duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục thường xuyên, và tuân thủ các khuyến cáo từ các chuyên gia y tế để hỗ trợ cho quá trình điều trị tình trạng tăng huyết áp. Đồng thời, ghi nhớ những lưu ý khi dùng các loại thuốc điều trị tăng huyết áp để đạt hiệu quả tối ưu, đảm bảo cho sức khỏe.

Xem thêm: Phòng bệnh tăng huyết áp từ những thói quen thường ngày

Ánh Tuyết

Nguồn tham khảo: vinmec.com, medlatec.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin