Vitamin là một trong những nhóm chất vô cùng quan trọng đối với cơ thể con người, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Trong đó, vitamin nhóm K cần thiết cho quá trình đông máu, thiếu vitamin K máu sẽ khó hoặc không đông được, khiến bệnh nhân dễ bị xuất huyết và gây nguy hiểm đến tính mạng. Trên thị trường hiện nay, vitamin K1 có thể được bào chế dưới dạng uống, dạng nhũ tương dùng để tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da. Vậy cần phải lưu ý những gì khi sử dụng vitamin K1 tiêm tĩnh mạch? Hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé!
Tác dụng của vitamin K1
Vitamin K1 là một nhóm các vitamin tan trong dầu, có vai trò quan trọng trong việc tổng hợp nên các yếu tố đông máu. Một số protein chống đông máu tự nhiên như protein C và S cũng cần vitamin K để được kích hoạt hoạt động. Ngoài việc có chức năng quan trọng trong đông máu, vitamin K còn có tác dụng trong chuyển hoá xương và điều hòa nồng độ canxi trong máu.
Thiếu hụt vitamin K có thể làm giảm khả năng đông máu, khiến máu khó đông hơn so với bình thường. Những trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết, mất một lượng máu lớn mà khả năng đông máu giảm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, hãy đừng quá lo lắng vì tình trạng thiếu vitamin K thường ít xảy ra.
Vitamin K là tên gọi chung của các vitamin nhóm K, trong đó phổ biến là 2 dạng vitamin K1 và vitamin K2.
Vitamin K1 thường được tìm thấy nhiều trong thực phẩm hay các sản phẩm từ thiên nhiên như thịt, cá, cà chua, rau má, bắp cải… Đây cũng là nguồn vitamin K1 chính. Khi được sản xuất thành thuốc, vitamin K1 thường được sử dụng so với vitamin K2 vì ít độc và có khả năng cho tác dụng nhanh trong một số điều kiện.
Vitamin K có thể được tìm thấy trong một số loại thực phẩm
Vitamin K2 là loại vitamin ít phổ biến, được sản xuất bởi các lợi khuẩn có trong đường ruột của chúng ta. Ngoài ra, vitamin K2 có thể được tìm thấy trong một số loại thịt, phô mai, trứng...
Triệu chứng thiếu vitamin K1
Vitamin K có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, do đó khi thiếu vitamin K, bệnh nhân có thể có những dấu hiệu xuất huyết từ nhẹ đến vừa. Điển hình có thể kể đến hiện tượng da xuất hiện những nốt bầm tím, xuất huyết dưới da, chảy máu niêm mạc, máu chảy ra nhiều và khó đông khi xuất hiện tổn thương nhẹ.
Thiếu vitamin K có thể làm xuất hiện vết bầm tím
Tình trạng thiếu vitamin K thường gặp hơn ở trẻ sơ sinh, do vitamin K không có khả năng vận chuyển qua nhau thai trong quá trình phát triển của trẻ, và trong đường ruột không có bất kỳ vi khuẩn nào tạo ra vitamin K trước khi sinh. Sau khi trẻ ra đời, vitamin K có ít trong sữa mẹ, do đó trẻ thường sẽ bị thiếu vitamin K trong vài tuần đầu cho đến khi hệ vi khuẩn đường ruột có khả năng hoạt động bình thường. Thiếu vitamin K ở trẻ nhỏ có thể gây nên tình trạng xuất huyết não nguy hiểm gây chảy máu và tổn thương, thậm chí dẫn đến tử vong.
Khi nào nên được sử dụng vitamin K1 tiêm tĩnh mạch?
Các khuyến cáo tránh sử dụng vitamin K1 tiêm tĩnh mạch do những lo ngại về sự an toàn của thuốc, nhưng vẫn ưu tiên sử dụng trong các tình huống cấp cứu khẩn cấp hoặc bệnh nhân không có khả năng sử dụng đường uống. Y văn cũng đã cho thấy vitamin K1 đường tiêm dưới da và tiêm bắp kém hiệu quả hơn tiêm tĩnh mạch do hấp thu không ổn định.
Khi nào nên được sử dụng vitamin K1 tiêm tĩnh mạch?
Vitamin K1 tiêm tĩnh mạch thường được sử dụng trong các trường hợp:
-
Xuất huyết và nguy cơ xuất huyết do giảm prothrombin huyết.
-
Giải độc do điều trị bằng thuốc chống đông máu coumarin.
-
Giảm vitamin K trong các trường hợp bệnh gan, ruột, ứ mật hay điều trị dài ngày bằng các kháng sinh sulfamid, kháng sinh phổ rộng hoặc dẫn chất acid salicylic như aspirin.
-
Dự phòng và điều trị thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh.
Những triệu chứng có thể gặp khi sử dụng vitamin K1 tiêm tĩnh mạch
-
Khi sử dụng vitamin K1 tiêm tĩnh mạch có thể xuất hiện hiện tượng nóng bừng, toát mồ hôi, huyết áp hạ, chóng mặt, hoa mắt, tím tái, thay đổi màu da môi, móng chân móng tay.
-
Có thể xuất hiện những phản ứng kiểu phản vệ như nổi các mẩn đỏ, sưng phồng, đau ngực, khó thở.
-
Liều lớn hơn 25mg có thể gây nên tình trạng tăng bilirubin huyết ở trẻ đẻ non hoặc trẻ sơ sinh.
-
FDA đã cảnh bảo các phản ứng quá mẫn có thể xảy ra, thậm chí gây tử vong khi dùng vitamin K1 đường tiêm tĩnh mạch.
-
Vitamin K1 dạng tiêm có thể gây ra một số phản ứng nghiêm trọng như tụt huyết áp, thay đổi nhịp tim, co thắt phế quản, khó thở, thậm chí ngừng tim và tử vọng. Những phản ứng này hầu hết là phản ứng kiểu phản vệ, có thể xảy ra ở lần đầu tiên dùng thuốc.
Những lưu ý khi sử dụng vitamin K1 tiêm tĩnh mạch
Trước khi sử dụng vitamin K1 tiêm tĩnh mạch, cần lưu ý:
-
Bệnh nhân cần khai báo đầy đủ và chính xác cho bác sĩ điều trị về tiền sử bệnh, dị ứng thuốc và các thuốc đã và đang được sử dụng.
-
Sử dụng vitamin K1 đường tiêm tĩnh mạch có thể gây nên các phản ứng không mong muốn kể trên, các phản ứng nặng kiểu phản vệ, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến sốc, ngừng tim, ngừng hô hấp và tử vong.
-
Chỉ nên sử dụng đường tiêm tĩnh mạch khi bệnh nhân không thể sử dụng đường uống hoặc trong trường hợp cấp cứu khẩn cấp, như chảy máu nặng khi có tiền sử dụng các thuốc kháng vitamin K.
Lưu ý khi sử dụng vitamin K1 tiêm tĩnh mạch
- Khi tiêm tĩnh mạch, cần tiêm/truyền thật chậm ở dạng dung dịch mixen, tốc độ truyền không vượt quá 1mg/phút. Ở trẻ sơ sinh và trẻ em là 3mg/m2/phút.
-
Nên pha loãng bằng dung dịch natri clorid 0,9% hoặc dung dịch dextrose 5% rồi truyền tĩnh mạch rất chậm.
-
Cần theo dõi sát các biểu hiện của bệnh nhân trong và sau khi dùng vitamin K1 tiêm tĩnh mạch để kịp thời phát hiện và xử trí những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.
-
Lưu ý xử trí khi thấy phản ứng dạng phản vệ: Cần tiêm bắp 0,5 – 1ml dung dịch epinephrine 0,1% ngay tức khắc, sau đó tiêm tĩnh mạch glucocorticoid.
Vitamin K vô cùng quan trọng đối với cơ thể. Thiếu vitamin K có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, tuy vậy cũng không nên tự ý bổ sung vitamin K1 cho cơ thể khi không có sự cho phép của bác sĩ. Hãy thận trọng khi sử dụng vitamin K1 tiêm tĩnh mạch. Tốt nhất, nên đi đến các cơ sở y tế nếu thấy những dấu hiệu bất thường của cơ thể để có những chẩn đoán và điều trị kịp thời nhất. Chúc bạn đọc sức khoẻ!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp