Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Niêm mạc tử cung bao nhiêu là bình thường? Yếu tố ảnh hưởng?

Ngày 08/11/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Niêm mạc tử cung là một trong những cấu trúc quan trọng liên quan trực tiếp đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Độ dày của niêm mạc tử cung cũng quyết định trực tiếp đến khả năng thụ thai và sự phát triển của thai nhi. Vậy niêm mạc tử cung bao nhiêu là bình thường? Và yếu tố nào ảnh hưởng đến độ dày mỏng của niêm mạc tử cung.

Niêm mạc tử cung hay còn gọi là nội mạc tử cung. Trên thực tế, độ dày của lớp niêm mạc không cố định mà thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, tuổi tác và trong khi mang thai. Bài viết dưới đây sẽ cho các bạn biết niêm mạc tử cung bao nhiêu là bình thường và những bất thường có thể xảy ra ở lớp màng này. 

Niêm mạc tử cung bao nhiêu là bình thường?

Nội mạc tử cung là lớp niêm mạc mềm bao phủ toàn bộ bề mặt bên trong của tử cung. Sự phát triển của niêm mạc tử cung phụ thuộc vào nội tiết tố estrogen trong cơ thể phụ nữ. Chức năng của nội mạc tử cung trong cơ thể: 

  • Nội mạc tử cung ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thụ thai, quá trình làm tổ và cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi trong quá trình mang thai.
  • Sự bong tróc nội mạc tử cung dưới tác động của hormone sinh dục là một trong những yếu tố quan trọng trong việc hình thành chu kỳ kinh nguyệt. 

Khi đi khám sức khỏe sinh sản ở phụ nữ, độ dày của nội mạc tử cung là một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua. Độ dày tử cung bình thường ở phụ nữ trưởng thành: 

  • Bình thường: 7 - 8 mm. 
  • Sau khi có kinh nguyệt: 3 - 4 mm. 
  • Giữa chu kỳ, ngay trước khi rụng trứng: 8 - 12 mm. 

Trong một số trường hợp, niêm mạc tử cung tăng độ dày hơn 10 mm, trong những trường hợp khác, niêm mạc tử cung chỉ mỏng hơn 3 mm vào những ngày bình thường không có kinh nguyệt. Câu hỏi đặt ra là nội mạc tử cung 10mm là dày hay mỏng? Và độ dày của niêm mạc tử cung ảnh hưởng như thế nào đến quá trình thụ thai? 

Về cơ bản, nội mạc tử cung là một lớp mỏng. Khi mang thai, dưới tác động của nội tiết tố và nhiều thay đổi khác của cơ thể, lớp niêm mạc này dày lên và trở thành một lớp màng rất đặc biệt gọi là màng rụng, có tác dụng cung cấp chất dinh dưỡng và dưỡng chất cho thai nhi phát triển đồng thời tạo thành màng bảo vệ giúp thai nhi phát triển khi còn trong bụng mẹ. Do đó, có thể nói rằng độ dày của niêm mạc tử cung rất quan trọng đối với quá trình thụ thai và phát triển của thai nhi. 

Tùy từng giai đoạn mà độ dày của lớp niêm mạc này khác nhau, nhưng theo độ dày tiêu chuẩn thì mức 10 mm không được tính là nội mạc tử cung dày, cũng không phải là mỏng. 

  • Niêm mạc tử cung mỏng là khi độ dày của niêm mạc tử cung dưới 7-8mm và với độ mỏng như vậy thì việc thụ thai trở nên khó khăn hơn, phôi thai không thể bám vào buồng tử cung để làm tổ. Có một số trường hợp niêm mạc tử cung quá mỏng nhưng thai nhi vẫn có thể làm tổ. Tuy nhiên vì lớp niêm mạc quá mỏng nên không thể cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai nhi phát triển. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé.
  • Nội mạc tử cung được xem là dày khi lớp niêm mạc dày hơn 20 mm. Vô kinh, rong kinh, hội chứng buồng trứng đa nang hoặc rối loạn rụng trứng thường gặp ở những phụ nữ có nội mạc tử cung dày dẫn đến việc thụ thai khó khăn hơn. 
Niêm mạc tử cung bao nhiêu là bình thường? Yếu tố ảnh hưởng? 1 Niêm mạc tử cung bao nhiêu là bình thường? Để đáp ứng cho việc thụ thai, độ dày niêm mạc tử cung là từ 8 đến 12 mm

Niêm mạc tử cung bao nhiêu là bình thường trong từng giai đoạn?

Nhiều chị em thắc mắc không biết niêm mạc tử cung dày như thế nào là bình thường trong từng giai đoạn phát triển. Ở phụ nữ trưởng thành, độ dày của niêm mạc tử cung thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt hoặc trong một số trường hợp khác như mang thai, tiền mãn kinh và mãn kinh, độ dày của niêm mạc tử cung thay đổi cụ thể như sau.

Trước khi dậy thì

Trước tuổi dậy thì, niêm mạc tử cung hầu như luôn mỏng. Trong một số trường hợp, ngay cả siêu âm cũng không thể xác định được độ dày nội mạc tử cung ở các bé gái. 

Trong độ tuổi sinh sản

Ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, độ dày của niêm mạc tử cung thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Độ dày của lớp nội mạc tử cung thay đổi như sau:

Trong “ngày đèn đỏ”: Nội mạc tử cung dày từ 2 - 4 mm.

  • Giai đoạn đầu của chu kỳ kinh nguyệt: Dày từ 5 - 7 mm.
  • Giai đoạn sắp rụng trứng: Nội mạc tử cung bắt đầu dày lên và đạt khoảng 11 mm.
  • Giai đoạn hoàng thể: Lớp nội mạc tử cung dày nhất trong giai đoạn này để chuẩn bị cho quá trình thụ tinh, vì vậy độ dày có thể lên tới 16mm. Nếu quá trình thụ thai không xảy ra và lượng hormone giảm xuống, lớp niêm mạc không giữ lại được và bong ra tạo thành máu kinh.

Xem thêm:  Niêm mạc tử cung dày bao nhiêu thì có thai

Trong thời kỳ tiền mãn kinh

Độ dày của niêm mạc tử cung thường ổn định hơn sau khi bạn đến tuổi mãn kinh vì không còn rụng trứng. Trong thời gian này, niêm mạc tử cung dày dưới 5 mm được coi là bình thường. 

Lưu ý: Các số đo độ dày tử cung ở trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vì độ dày của niêm mạc tử cung thường khác nhau ở mỗi người. 

Niêm mạc tử cung bao nhiêu là bình thường? Yếu tố ảnh hưởng? 2 Độ dày của niêm mạc tử cung thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc mãn kinh

Yếu tố ảnh hưởng đến độ dày, mỏng của niêm mạc tử cung

Lớp niêm mạc tử cung có thể dày hơn hoặc mỏng hơn bình thường. Thành tử cung mỏng thường gặp trong các trường hợp sau: 

  • Do lượng estrogen trong cơ thể thấp do lối sống ít vận động.
  • Do nạo phá thai nhiều lần.
  • Do thiếu máu.
  • Do biến chứng sau phẫu thuật tử cung hoặc phẫu thuật dẫn đến dính  tử cung.

Nguyên nhân niêm mạc tử cung dày lên: 

  • Chủ yếu là do sự gia tăng quá mức của nội tiết tố estrogen trong cơ thể dẫn đến sự tăng sinh quá mức của lớp niêm mạc.
  • Béo phì cũng là một trong những yếu tố nguy cơ làm dày niêm mạc tử cung. 
  • Ở những bệnh nhân bị buồng trứng đa nang do sử dụng liên tục các sản phẩm thuốc có chứa estrogen không chứa progesterone.
Niêm mạc tử cung bao nhiêu là bình thường? Yếu tố ảnh hưởng? 3 Nạo phá thai là một trong những nguyên nhân khiến thành tử cung mỏng 

Tóm lại, niêm mạc tử cung bao nhiêu là bình thường và đáp ứng cho việc thụ thai là từ 8 đến 12 mm. Đây là mức độ không quá dày cũng không quá mỏng. Nếu nhận thấy các dấu hiệu phụ khoa bất thường như ra máu sau mãn kinh, ra máu đốm giữa kỳ kinh, kinh nguyệt không đều,... Hoặc nghi ngờ có điều gì bất thường ở niêm mạc tử cung thì cần sớm đi khám để được điều trị để ngăn ngừa nguy cơ vô sinh, hiếm muộn. 

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm