Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Phân hoa cà hoa cải ở trẻ sơ sinh và một số thông tin mẹ cần biết

Ngày 11/07/2024
Kích thước chữ

Thông qua tình trạng phân của trẻ mà các mẹ có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe của con. Nhiều mẹ gặp trường hợp con đi phân hoa cà hoa cải khiến mẹ lo lắng. Thực chất phân hoa cà hoa cải ở trẻ sơ sinh là như thế nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.

Trẻ đi phân hoa cà hoa cải khiến nhiều mẹ lo lắng không biết hệ tiêu hóa của con có ổn định không. Thực chất phân hoa cà hoa cải không có gì đáng lo ngại, đây là hiện tượng hết sức bình thường và khá phổ biến.

Hiểu như thế nào về phân hoa cà hoa cải ở trẻ sơ sinh

Khi trẻ mới chào đời, phân của trẻ có màu xanh sẫm hoặc gần như xanh đen, đây được gọi là phân su. Phân su là lượng phân do khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ đã nuốt một lượng dịch ối và chất nhầy nên được đào thải ra ngoài.

Sau khoảng từ 2 - 3 ngày đầu khi trẻ bú bằng sữa mẹ, các mẹ có thể nhìn thấy phân của trẻ có hạt đạm sữa màu vàng hoặc màu trắng cùng với dịch lỏng màu xanh, đây được gọi là phân hoa cà hoa cải. Trẻ đi phân hoa cà hoa cải là hiện tượng hết sức bình thường nên các mẹ không cần quá lo lắng vì điều này cho thấy hệ tiêu hoá của trẻ vẫn đang hoạt động tốt. Kể cả khi con đi phân hoa cà hoa cải có mùi chua, phân màu xanh thì cũng không có vấn đề gì nếu con ăn ngủ tốt.

phan-hoa-ca-hoa-cai-o-tre-so-sinh-va-mot-so-thong-tin-me-can-biet 1.jpg
Sau khoảng từ 2 - 3 ngày đầu khi trẻ bú bằng sữa mẹ, mẹ có thể thấy con đi phân hoa cà hoa cải

Thông thường trẻ đi phân hoa cà hoa cải có thể kéo dài từ 3 - 6 tháng, tuỳ vào mỗi trẻ. Trong trường hợp trẻ đi phân hoa cà hoa cải nhiều lần trong ngày, kèm theo biểu hiện như mệt mỏi, quấy khóc nhiều, nôn ói, sốt,... thì có thể trẻ bị tiêu chảy cấp, mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám.

Cách chăm sóc trẻ đi phân hoa cà hoa cải

Nguyên nhân trẻ đi phân hoa cà hoa cải là trẻ đang bị rối loạn tiêu hóa và lượng vi khuẩn có lợi trong đường ruột không đủ. Nếu trẻ đi phân hoa cà hoa cải thì mẹ nên thay tã cho trẻ thường xuyên để hạn chế tình trạng hăm tã do vùng da tiếp xúc với axit trong nước tiểu và phân. Bên cạnh đó, mẹ nên điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng bằng cách ăn những món dễ tiêu hóa, đầy đủ dưỡng chất. Mẹ nên chia nhỏ từng cữ sữa của trẻ trong ngày để con dễ hấp thu dưỡng chất, tránh tình trạng bội thực. Mẹ nhớ giữ bầu vú sạch sẽ để con bú, tránh trường hợp con bị nhiễm khuẩn. 

phan-hoa-ca-hoa-cai-o-tre-so-sinh-va-mot-so-thong-tin-me-can-biet 2.jpg
Mẹ nên thay tã cho trẻ thường xuyên để hạn chế tình trạng hăm tã

Phân của trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường

Khi chăm sóc trẻ sơ sinh các mẹ thường dựa vào tình trạng phân và nước tiểu của trẻ để đánh giá tình hình sức khỏe của con. Tuy nhiên tình trạng phân của mỗi trẻ là khác nhau nên các mẹ không nên so sánh con mình với những đứa trẻ khác để đánh giá. Mẹ có thể đánh giá tình trạng phân của trẻ sơ sinh bình thường thông qua các đặc điểm như sau:

Tần suất trẻ đi ngoài

Trẻ uống sữa mẹ thường có tần suất đi ngoài nhiều hơn những đứa trẻ khác. Một ngày trẻ đi ngoài thường có thể dao động đến 7 lần. Đặc điểm đi ngoài của mỗi trẻ là khác nhau ở từng giai đoạn cũng như loại sữa mà trẻ uống.

Lượng phân của trẻ

Số lượng phân của mỗi trẻ cũng khác nhau. Trong những ngày đầu tiên, lượng phân trẻ đi sẽ tương đương với lượng sữa mà trẻ uống. Tuy nhiên nếu lượng phân trẻ đi ngoài không tương đương với lượng sữa trẻ uống thì mẹ có thể quan sát sự phát triển của trẻ. Con hài lòng sau mỗi bữa ăn và bụng không nhô lên quá nhiều thì hệ tiêu hóa của trẻ vẫn đang hoạt động bình thường.

phan-hoa-ca-hoa-cai-o-tre-so-sinh-va-mot-so-thong-tin-me-can-biet 3.jpg
Lượng phân trẻ đi sẽ tương đương với lượng sữa mà trẻ uống

Màu sắc của phân

Màu sắc của phân cũng là một trong những đặc điểm để mẹ có thể đánh giá được con đi phân có bình thường hay không. Trong những ngày đầu sau khi chào đời, trẻ sẽ đi ngoài ra phân su, sau đó phân sẽ chuyển dần sang màu vàng, vón cục nhỏ, có nền nước xanh. Đây là tình trạng phân bình thường ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên nếu trẻ đi phân có màu đỏ, màu trắng xám hoặc màu đen thì mẹ hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám nhé.

Kết cấu và mùi của phân

Sau giai đoạn con đi ngoài phân su, phân của trẻ thường sẽ có độ sệt. Đối với trẻ bú mẹ sẽ có phân mềm hơn trẻ bú sữa công thức. Trường hợp con đi phân lỏng và có nước là biểu hiện hệ tiêu hóa của trẻ đang không hấp thu tốt, phân có chất nhầy biểu hiện con đang bị nhiễm trùng tiêu hóa. Trong trường hợp con đi phân cứng là dấu hiệu con bị táo bón.

Phân của trẻ sơ sinh thường ít có mùi. Sau một khoảng thời gian khi hệ tiêu hóa của trẻ phát triển, phân sẽ trở nên hôi hơn. Trẻ được bú sữa mẹ phân sẽ có mùi hôi hơn trẻ bú sữa công thức.

phan-hoa-ca-hoa-cai-o-tre-so-sinh-va-mot-so-thong-tin-me-can-biet 4.jpg
Trẻ được bú sữa mẹ phân sẽ có mùi hôi hơn trẻ bú sữa công thức

Biểu hiện của trẻ

Hầu như trẻ khi đi ngoài thường có biểu hiện đỏ và nhăn mặt. Tuy nhiên nếu trẻ khóc mỗi lần đi ngoài thì có thể con đang bị đau, mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu tình trạng này kéo dài.

Trẻ sơ sinh đi phân hoa cà hoa cải là hiện tượng hết sức bình thường, các mẹ không cần phải quá lo lắng. Mẹ hãy chăm sóc con đúng cách, bổ sung dưỡng chất thiết yếu, cho trẻ nghỉ ngơi và vận động hợp lý để đảm bảo con khỏe mạnh. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp các mẹ hiểu được tình trạng phân hoa cà hoa cải ở trẻ. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin