Cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z mà cha mẹ nên biết và áp dụng
Ngày 22/06/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Để chăm sóc cho trẻ sơ sinh đúng cách, đầy đủ, cha mẹ nên chuẩn bị kiến thức cũng như tâm lý trước khi bé chào đời. Trẻ sơ sinh cần được chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận từng bộ phận như tai, mắt, da hay cách cho trẻ bú mẹ. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z nhé!
Với phụ nữ sinh con lần đầu tiên, hẳn còn nhiều bỡ ngỡ khi chăm sóc bé yêu của mình. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z bao gồm hướng dẫn cho con bú, cho bé đi ngủ hay làm sạch các vùng trên cơ thể trẻ. Quá trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ từ người chăm sóc trẻ.
Chăm sóc da và tóc cho trẻ sơ sinh
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z bao gồm hướng dẫn làm sạch da và tóc cho bé yêu. Trẻ sơ sinh có da hay tóc nhạy cảm, vì vậy việc chăm sóc đòi hỏi sự nhẹ nhàng, cẩn thận. Mẹ cần lựa chọn sử dụng các sản phẩm phù hợp dành riêng cho trẻ sơ sinh. Dưới đây là một số lời khuyên khi chăm sóc da cũng như tóc cho trẻ sơ sinh:
Đảm bảo vệ sinh của người chăm sóc: Người chăm sóc cho trẻ cần rửa sạch tay trước khi bế bé hay thực hiện tắm, gội cho trẻ.
Tắm bé một cách nhẹ nhàng: Không nên tắm cho trẻ ngay trong 6 giờ đầu để giữ lớp chất gây bám bên ngoài bảo vệ da của trẻ. Sau sinh 6 giờ, mẹ có thể tắm cho bé để giữ da sạch và ẩm. Sử dụng nước ấm kèm với sữa tắm cho trẻ sơ sinh dịu nhẹ, không gây kích ứng. Đồng thời, hạn chế thời gian tắm để tránh làm khô da, tăng cảm giác ngứa.
Gội đầu nhẹ nhàng: Khi tắm gội cho trẻ sơ sinh, sử dụng nước ấm cùng sản phẩm gội dịu nhẹ, không gây kích ứng. Nhẹ nhàng massage da đầu của bé bằng đầu ngón tay để loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa.
Sử dụng sản phẩm chăm sóc da, tóc nhẹ nhàng: Chọn các sản phẩm dành riêng cho trẻ sơ sinh, không chứa hương liệu, chất gây kích ứng hay hóa chất mạnh. Sản phẩm phải được kiểm định, chứng nhận da liễu, đồng thời an toàn cho trẻ.
Chải tóc nhẹ nhàng: Mẹ có thể chải tóc cho trẻ, điều này sẽ giúp kích thích hệ thần kinh, lưu thông tuần hoàn, làm sạch mảng viêm tiết bã nhờn trên da, giúp bé gọn gàng, đáng yêu hơn.
Thay tã thường xuyên: Để tránh hăm tã, thay tã cho bé thường xuyên để đảm bảo vùng da dưới tã luôn khô ráo, sạch sẽ. Sử dụng kem hoặc bột chống hăm tã để giảm tác động của độ ẩm hay vi khuẩn.
Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời: Khi ra ngoài, đặc biệt vào giờ nắng gắt, hãy che chắn cho bé bằng cách sử dụng áo mũ, quần áo dài.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z với tai, mũi và mắt của trẻ
Vệ sinh vùng tai, mũi và mắt cho trẻ sơ sinh là một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe của bé. Vệ sinh đúng cách đảm bảo sự thoải mái, phòng ngừa các vấn đề sức khỏe, giữ cho bé luôn trong trạng thái sạch sẽ.
Kiểm tra tai của bé hàng ngày để phát hiện sớm các vấn đề như nhiễm trùng, bít tắc hay sưng tấy. Nếu bạn phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Sử dụng bông gòn mềm hoặc khăn xô mềm, nhúng nước ấm, sau đó nhẹ nhàng lau sạch vùng tai bên ngoài. Đảm bảo không đưa bông gòn quá sâu vào tai để tránh gây tổn thương, bít tắc.
Không sử dụng bất kỳ vật dụng nào để làm sạch tai sâu bên trong như que tăm hay bông gòn. Điều này có thể gây tổn thương tai, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ.
Vệ sinh mũi cho bé
Mũi tiết nhiều dịch mà không được làm sạch có thể khiến bé khó thở, hắt hơi hay thở khò khè. Bởi vậy, cần vệ sinh mũi hàng ngày cho trẻ. Bước làm như sau:
Dùng một khăn sạch, nhúng vào nước muối sinh lý và vắt nhẹ. Sử dụng một góc khăn để lau sạch nước mũi bám bên ngoài.
Tuyệt đối không dùng vật dụng nhỏ như tăm bông để làm sạch sâu bên trong lỗ mũi, điều này có thể làm tăng nguy cơ tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.
Vệ sinh mắt cho trẻ sơ sinh
Mẹ có thể sử dụng bông gòn mềm, ướt nhẹ để lau sạch mắt bé. Bắt đầu từ góc mắt trong, lau theo hướng từ trên xuống dưới. Đồng thời, đảm bảo rằng bạn luôn rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào mắt bé.
Tránh chạm vào phần niêm mạc trong mắt trẻ vì đây là vùng nhạy cảm, rất dễ nhiễm khuẩn. Nếu trẻ có gỉ mắt, nhẹ nhàng dùng bông hoặc khăn mềm lấy sạch vùng cặn bẩn đó.
Cách cho trẻ bú sữa
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z không thể thiếu hướng dẫn cho bé bú sữa mẹ. Mẹ được khuyến khích nên cho trẻ bú càng sớm càng tốt. Điều này không chỉ giúp tận dụng nguồn sữa non bổ dưỡng và động tác mút bú của trẻ giúp kích thích tuyến sữa hoạt động.
Mẹ có thể làm theo những bước sau để cho trẻ bú thoải mái nhất:
Lựa chọn tư thế cho con bú phù hợp: Có nhiều tư thế bú phù hợp cho trẻ sơ sinh, bao gồm tư thế nằm ngang, tư thế nằm nghiêng hoặc tư thế nằm úp mặt. Hãy chọn tư thế mà bé cảm thấy thoải mái, tiện lợi cho cả mẹ và bé. Với bất kỳ tư thế nào, mẹ hãy ngồi thật thoải mái, giữ người cố định, nâng chắc chắn bé trong vòng tay của mình.
Vệ sinh núm vú: Mẹ cần lau sạch bầu và núm vú, sau đó dùng ngón trỏ, ngón cái giữ chắc phần núm vú.
Đặt vú vào miệng bé: Đặt vú nhẹ nhàng lên môi bé, chờ bé mở miệng rộng, kích thích phản xạ bú. Khi bé mở miệng, hãy đưa vú vào miệng bé sao cho bé ngậm được toàn bộ đầu vú. Môi dưới của trẻ đưa ra ngoài, bé mút đều đặn. Nếu mẹ quan sát thấy hai má bé căng lên, có tiếng nuốt sữa nghĩa là bé đã mút được sữa.
Kiểm tra cử động hút: Khi bé bú, theo dõi cử động hút của bé. Nếu bé bú một cách mạnh mẽ và có nhịp đều, đó là dấu hiệu cho thấy bé đang nhận đủ sữa. Nếu bé bú yếu hoặc không có cử động hút đều, có thể cần điều chỉnh tư thế giúp bé bú thoải mái hơn. Cho trẻ bú hết một bầu sữa, nếu bé muốn uống tiếp thì cho bú tiếp vú bên kia.
Cho trẻ bú thường xuyên: Trẻ sơ sinh thường cần bú thường xuyên theo nhu cầu, khoảng 8 - 12 lần mỗi ngày, sau mỗi 2 đến 3 giờ. Hãy theo dõi nhu cầu ăn của bé, đảm bảo cung cấp đủ lượng sữa cho trẻ sơ sinh trong ngày.
Cách đưa bé vào giấc ngủ
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z bao gồm các biện pháp giúp tạo cho trẻ thói quen đi ngủ đúng giờ. Não bộ trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn hoàn thiện nên trẻ thường ngủ rất nhiều, trung bình 9 đến 12 tiếng vào ban đêm và 2 đến 5 tiếng vào ban ngày.
Bởi vậy, giấc ngủ là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển cũng như sức khỏe của trẻ sơ sinh. Hình thành thói quen ngủ từ nhỏ sẽ giúp bé có giấc ngủ thoải mái.
Cha mẹ có thể tập thói quen ngủ cho con bằng cách sau:
Tạo môi trường yên tĩnh, thoáng đãng: Đặt bé trong không gian yên tĩnh, tối, với ánh sáng mờ, nhiệt độ thoải mái. Sử dụng màn che hoặc rèm cửa để hạn chế ánh sáng mạnh nếu có.
Thiết lập thói quen trước khi đi ngủ: Trước khi đưa bé vào giấc ngủ, hãy thực hiện các hoạt động như tắm nước ấm, massage nhẹ nhàng hoặc đọc truyện để giúp bé thư giãn, chuẩn bị cho giấc ngủ.
Lựa chọn tư thế ngủ cho trẻ sơ sinh phù hợp: Trẻ sơ sinh có thể ngủ trên lưng, nằm nghiêng hoặc nằm bên hông. Hãy chọn tư thế mà bé cảm thấy thoải mái nhưng đảm bảo an toàn cho bé.
Thể hiện tình cảm với bé: Trẻ sơ sinh thường cảm thấy an toàn, yên tâm khi có sự gần gũi, ôm ấp từ người chăm sóc. Hãy ôm bé, vuốt ve nhẹ nhàng, đảm bảo rằng bé cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm của bạn trước khi đưa bé vào giấc ngủ.
Xác định giờ ngủ cố định: Thử tạo một lịch ngủ đều đặn cho bé để giúp cơ thể bé điều chỉnh được chu kỳ giấc ngủ. Đưa bé vào giấc ngủ vào cùng một thời điểm hàng ngày ngay cả khi trẻ chưa buồn ngủ để bé biết rằng đó là thời gian để nghỉ ngơi.
Kiểm soát thời gian ngủ ban ngày: Trẻ sơ sinh thường ngủ nhiều lần trong ngày. Hãy kiểm soát thời gian ngủ ban ngày để đảm bảo bé không ngủ quá nhiều trong ngày và dễ dàng đi vào giấc ngủ vào ban đêm.
Sử dụng các kỹ thuật giúp bé ngủ lại: Khi bé khó ngủ hoặc thức giấc trong đêm, sử dụng các kỹ thuật như nhẹ nhàng massage lưng, ấn nhẹ lên vùng sườn hoặc đặt tay lên ngực bé để tạo cảm giác an toàn, yên tĩnh cho trẻ.
Trên đây là bài viết của Nhà thuốc Long Châu về cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z. Chăm sóc trẻ sơ sinh đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và kiên nhẫn, điều này giúp trẻ khỏe mạnh, khôn lớn mỗi ngày. Hãy tiếp tục đón chờ những bài viết về nhiều chủ đề đa dạng trên trang web của Nhà thuốc Long Châu nhé!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm