Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phẫu thuật lấy vòng tránh thai là gì? Khi nào cần thực hiện?

Ngày 02/08/2024
Kích thước chữ

Đặt vòng là một trong những biện pháp tránh thai an toàn và được nhiều chị em lựa chọn. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong đó, tình trạng vòng tránh thai “đi lạc” ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người phụ nữ. Lúc này, việc phẫu thuật lấy vòng tránh thai cần được thực hiện càng sớm càng tốt.

Trong số các biện pháp tránh thai hiện nay, đặt vòng được đánh giá cao bởi nhiều ưu điểm như hiệu quả tránh thai cao, chi phí rẻ và thủ thuật nhanh gọn. Theo chuyên gia, so với các phương pháp tránh thai hiện đại khác như cấy que, dùng bao cao su thì đặt vòng phù hợp với hầu hết chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ với hiệu quả tránh thai tới 99%. Đặc biệt vòng tránh thai không ảnh hưởng nội tiết tố của người phụ nữ cũng như chuyện quan hệ vợ chồng.

Tuy nhiên, bất cứ biện pháp tránh thai nào cũng đều có tác dụng phụ và biến chứng nếu thực hiện sai kỹ thuật hoặc lơ là kiểm tra trong quá trình sử dụng. Trong đó, vòng tránh thai di chuyển ra các cơ quan xung quanh là biến chứng nguy hiểm có thể gặp ở một số chị em sau một thời gian đặt vòng. Tình trạng này có thể gây ra nhiều hệ lụy, vì thế biện pháp tối ưu để xử trí trong trường hợp này là phẫu thuật lấy vòng ra khỏi cơ thể. Vậy phẫu thuật lấy vòng tránh thai là gì? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về phương pháp này trong bài viết dưới đây.

Vài nét về phương pháp đặt vòng tránh thai

Vòng tránh thai (IUD) là một dụng cụ nhỏ thường có hình chữ T có tác dụng tránh thai tạm thời. Để thực hiện tránh thai, dụng cụ này sẽ được đưa vào tử cung của người phụ nữ. Hiện nay có 2 loại vòng tránh thai phổ biến và được sử dụng rộng rãi gồm:

  • Vòng tránh thai bằng đồng (Cu-IUD): Có tác dụng từ 5 đến 10 năm.
  • Vòng tránh thai chứa nội tiết tố: Có tác dụng trong khoảng 3 đến 5 năm.
Phẫu thuật lấy vòng tránh thai là gì? Khi nào cần thực hiện? 1
Đặt vòng là phương pháp tránh thai an toàn, phổ biến hiện nay

Cơ chế hoạt động của vòng tránh thai là gây ra phản ứng viêm tại lớp niêm mạc tử cung, qua đó làm thay đổi về sinh hóa tế bào nội mạc, đồng thời tạo ra điều kiện không thuận lợi ngăn chặn trứng thụ tinh làm tổ.

Mỗi loại vòng tránh thai sẽ hoạt động theo cơ chế khác nhau. Với vòng tránh thai bằng đồng, hiệu quả tránh thai nhờ sự phóng thích liên tục của đồng vào trong buồng tử cung. Sự hiện diện của đồng sẽ làm thay đổi sinh hoá ở chất nhầy cổ tử cung khiến chúng đặc lại cản trở sự di động, hoạt hoá và giảm khả năng sống sót của tinh trùng khi bơi vào tử cung. Còn với vòng tránh thai nội tiết, progesterone được phóng thích ra sẽ cao hơn nồng độ estrogen có tác dụng ngăn chặn hoạt động chu kỳ của nội mạc tử cung khiến trứng không thể thụ tinh và làm tổ.

Đặt vòng là phương pháp tránh thai khá phổ biến hiện nay với mức độ an toàn và hiệu quả cao. Không chỉ giúp chị em thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình mà còn hỗ trợ chị em chủ động được thời gian mang thai.

Thông thường, vòng tránh thai có thể tháo ra khi hết thời gian bảo vệ hoặc bất cứ khi nào chị em muốn. Tuy nhiên, một số trường hợp không thể lấy vòng ra theo cách bình thường do vòng lệch khỏi vị trí. Lúc này, bác sĩ sẽ phải thực hiện phẫu thuật lấy vòng tránh thai để tránh biến chứng nguy hiểm.

Phẫu thuật lấy vòng tránh thai là gì? Khi nào cần thực hiện? 2
Hình ảnh vòng tránh thai đi lạc đâm xuyên bàng quang của người bệnh

Phẫu thuật lấy vòng tránh thai là gì? Trường hợp nào cần thực hiện?

Thông thường, vòng tránh thai cần lấy ra khỏi cơ thể sau 3 đến 10 năm tùy loại. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp chị em bỏ quên vòng tránh thai trong cơ thể tới 20, 30 năm đến khi xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng mới nhớ ra chưa tháo vòng.

Với những trường hợp này, vòng tránh thai vô tình trở thành dị vật trong tử cung. Để vòng tránh thai quá hạn trong cơ thể không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý phụ khoa mà còn trong cơ thể có thể bị lệch, nứt, gãy, thậm chí xuyên qua ổ bụng và bám vào các cơ quan xung quanh gây ra tổn thương, viêm nhiễm, thậm chí thủng tử cung, thủng ruột, xuất huyết, nhiễm trùng huyết,...

Phẫu thuật lấy vòng tránh thai chính là biện pháp điều trị tối ưu trong những trường hợp vòng tránh thai “đi lạc” này. Phẫu thuật lấy vòng tránh thai là phương pháp được chỉ định nhằm đưa vòng tránh thai ra khỏi cơ thể người phụ nữ. Phẫu thuật này thường được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi ít xâm lấn để giảm tối đa biến chứng cho người bệnh. Phương pháp nội soi mang lại nhiều ưu điểm như hạn chế xâm lấn, ít đau, nhờ đó người bệnh cũng nhanh chóng hồi phục và ít để lại sẹo.

Phẫu thuật lấy vòng tránh thai là gì? Khi nào cần thực hiện? 3
Phẫu thuật lấy vòng tránh thai giúp ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm

Lưu ý gì để phòng ngừa vòng tránh thai “đi lạc”?

Để tránh biến chứng vòng tránh thai lạc chỗ, chị em cần lưu ý một số điều sau:

  • Không nên đặt vòng tránh thai trong thời kỳ hậu sản hay cho con bú.
  • Nên ưu tiên dùng vòng tránh thai bằng nhựa y tế.
  • Lựa chọn địa chỉ đặt vòng uy tín, đảm bảo người thực hiện có kinh nghiệm, kỹ thuật tốt.
  • Tái khám định kỳ mỗi 3 đến 6 tháng để kiểm tra tình trạng vòng.
  • Tháo vòng đúng lịch hẹn và chỉ định của bác sĩ.
  • Với phụ nữ bước vào độ tuổi mãn kinh, có thể tháo vòng tránh thai sớm ngay cả khi chưa hết thời hạn.

Trên đây là một số thông tin về phương pháp đặt vòng tránh thai phổ biến hiện nay. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp chị em trong độ tuổi sinh sản có thêm kiến thức về tránh thai, đồng thời hiểu rõ về trường hợp cần thực hiện phẫu thuật lấy vòng tránh thai.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin