Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Phụ huynh cần làm gì khi trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng khi ngủ?

Ngày 31/07/2023
Kích thước chữ

Hiện tượng trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng khi ngủ khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng không biết đây có phải là dấu hiệu bất thường hay không. Vậy đổ mồ hôi nhiều mắc bệnh gì?

Vào ban đêm, mặc dù thời tiết không nóng, trẻ không hoạt động nhiều nhưng vẫn có trường hợp trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng khi ngủ khiến cha mẹ hết sức lo lắng. Để tránh gặp phải những vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe, cha mẹ cần phải chú ý theo dõi và tìm hiểu nguyên nhân cũng như cách khắc phục tình trạng này.

Trẻ đổ mồ hôi khi ngủ là triệu chứng gì?

Nếu trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng khi ngủ thì đây có thể là dấu hiệu trẻ đang bị đổ mồ hôi trộm. Hiện tượng đổ mồ hôi trộm ở trẻ bao gồm 2 loại:

  • Mồ hôi trộm sinh lý: Ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, sự trao đổi chất diễn ra mạnh hơn so với người lớn, đổ mồ hôi khi ngủ là dấu hiệu cho thấy cơ thể trẻ đang tự điều chỉnh thân nhiệt để hoạt động tốt nhất. Đổ mồ hôi trộm trong trường hợp này không đáng lo ngại, không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.
  • Mồ hôi trộm bệnh lý: Đây là tình trạng bé đổ mồ hôi rất nhiều, đặc biệt là khi bú mẹ hoặc sau khi ngủ, nhưng không phải do yếu tố thời tiết hay môi trường bên ngoài gây ra. Tình trạng này thường xuất hiện ở trẻ mắc bệnh còi xương, đi kèm các biểu hiện khác như ăn uống kém, ngực nhô, đầu xương to,...
Phụ huynh cần làm gì khi trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng khi ngủ? 1
Triệu chứng đổ mồ hôi khi ngủ ở trẻ khá phổ biến 

Nguyên nhân khiến trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng khi ngủ

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng khi ngủ, trong đó có một số nguyên nhân phổ biến sau.

Thiếu vitamin D

Vitamin D là dưỡng chất rất quan trọng với trẻ nhỏ vì hệ xương đang trong giai đoạn phát triển mạnh, nếu thiếu sẽ dẫn tới đổ mồ hôi trộm nhiều. Đặc biệt, ở trẻ sinh non, còi xương, nhẹ cân, rối loạn tiêu hóa hoặc mắc những bệnh nhiễm khuẩn thì cũng dễ bị thiếu vitamin D dẫn đến đổ mồ hôi trộm.

Hệ thần kinh chưa hoàn thiện

Nguyên nhân chính khiến trẻ đổ mồ hôi đầu nhiều là do hệ thống thần kinh ở trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn toàn. Những dây thần kinh nhận tín hiệu môi trường và kiểm soát nhiệt độ cơ thể, tuy nhiên ở trẻ nhỏ, chúng chưa hoàn thiện nên việc tự điều chỉnh thân nhiệt cũng chưa tốt như người lớn.

Phụ huynh cần làm gì khi trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng khi ngủ? 2
Nguyên nhân khiến trẻ đổ mồ hôi khi ngủ do hệ thần kinh của trẻ chưa hoàn thiện

Do gặp vấn đề tim mạch

Nếu tình trạng đổ mồ hôi nhiều ở trẻ không chỉ xảy ra khi ngủ mà còn diễn ra khi thức hoặc khi tham gia các hoạt động đơn giản thì có thể trẻ đang gặp các bệnh lý về tim mạch. Khi tim phải hoạt động gắng sức để bơm máu khắp cơ thể thì trẻ cũng đổ mồ hôi nhiều hơn.

Mắc chứng tăng tiết mồ hôi

Trẻ ra mồ hôi nhiều mặc dù điều kiện nhiệt độ mát mẻ thì nguyên nhân có thể do trẻ mắc chứng tăng tiết tuyến mồ hôi. Hầu hết trường hợp bệnh sẽ tự hết hoặc giảm dần khi trẻ trưởng thành, tuy nhiên phụ huynh vẫn cần vệ sinh cơ thể trẻ thường xuyên để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống.

Chứng ngưng thở khi ngủ

Ngoài đổ mồ hôi, cha mẹ cũng cần theo dõi các dấu hiệu khác của trẻ khi ngủ. Đặc biệt là trẻ sinh non có thể gặp phải chứng ngưng thở khi ngủ, hiện tượng này kéo dài khoảng 20 giây, kèm theo biểu hiện da tái nhợt, tiết mồ hôi nhiều, khó thở, thở khò khè,...

Phụ huynh cần làm gì khi trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng khi ngủ? 3
Trẻ mắc phải chứng ngừng thở khi ngủ có thể gây đổ mồ hôi

Cách khắc phục mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ

Nếu trẻ đổ mồ hôi nhiều đi kèm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì ba mẹ cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân cũng như được bác sĩ tư vấn cách điều trị thích hợp.

Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho bé dưới đây để làm giảm triệu chứng đổ mồ hôi trộm.

Luôn để cơ thể trẻ mát mẻ

Hãy để trẻ mặc quần áo mềm nhẹ, thấm hút mồ hôi tốt, không mặc nhiều quần áo và dùng khăn thấm bớt mồ hôi khi con ngủ. Ba mẹ hãy tạo cho trẻ không gian rộng, thoáng mát, không bí bách và thường xuyên vệ sinh cơ thể trẻ sạch sẽ.

Tăng cường bổ sung vitamin D

Có nhiều cách bổ sung canxi và vitamin D cho cơ thể, trong đó ba mẹ có thể cho con tắm nắng buổi sáng 10 - 30 phút mỗi ngày. Đây là nguồn vitamin D tự nhiên với trẻ, tốt nhất nên tắm nắng vào khoảng 6 - 9 giờ (mùa hè) và 9 - 10 giờ (mùa đông).

Phụ huynh cần làm gì khi trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng khi ngủ? 4
Cách khắc phục tình trạng trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng khi ngủ là bổ sung vitamin D

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Phụ huynh cũng cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của con, không nên cho con ăn những loại thực phẩm nóng, nhiều dầu mỡ để tránh ngứa, nổi mụn và đổ mồ hôi nhiều hơn. Nên cho con ăn những loại rau củ quả có tính mát như cam, rau má, bí đao, kết hợp uống nhiều nước để làm mát cơ thể, từ đó chứng đổ mồ hôi trộm cũng được kiểm soát tốt hơn.

Nếu trẻ thường xuyên đổ mồ hôi trộm thì cơ thể sẽ mất đi một lượng nước và muối rất lớn, khiến trẻ mệt mỏi, dần dần là suy kiệt. Vì thế, ba mẹ cần đặc biệt chú ý theo dõi nếu thấy trẻ ra nhiều mồ hôi ở đầu và lưng khi ngủ, đưa trẻ đi khám sớm để tìm ra nguyên nhân cũng như có cách khắc phục kịp thời, hiệu quả.

Xem thêm: Ra mồ hôi trộm khi ngủ ở người lớn nguyên nhân do đâu?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin