Long Châu

Đẻ non là gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đẻ non hay còn gọi là sinh non là một tình trạng nguy hiểm trong sản khoa. Trẻ sinh non thường có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Nếu trẻ sinh non càng ít tuần thì nguy cơ trẻ mắc bệnh càng cao. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng sinh non và làm thế nào để điều trị hiệu quả? Chúng ta có thể tham khảo bài viết dưới đây của Long Châu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đẻ non (sinh non) là gì?

Một thai kỳ thông thường sẽ diễn ra trong khoảng 9 tháng 10 ngày (40 tuần) và được chia làm 3 giai đoạn: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Đẻ non là tình trạng trẻ chào đời trước 37 tuần thai kỳ.

Tính theo thời gian ra đời của trẻ để phân loại mức độ sinh non:

  • Sinh cực non: Tuổi thai dưới 28 tuần.

  • Sinh rất non: Tuổi thai từ 28 tới dưới 32 tuần.

  • Sinh non vừa: Tuổi thai từ 32 tới dưới 34 tuần.

  • Sinh non muộn: Tuổi thai từ 34 tới dưới 36 tuần.

Thông thường, những ca sinh non thường xảy ra ở giai đoạn muộn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng báo hiệu đẻ non (sinh non)

Dấu hiệu đẻ non của thai phụ: Khi thai phụ dưới 37 tuần và gặp những triệu chứng dưới đây thì rất có thể thai phụ đang chuẩn bị chuyển dạ:

  • Dịch tiết âm đạo thay đổi (dịch nhầy hơn hoặc có máu, rỉ dịch lỏng).

  • Âm đạo tiết dịch nhiều hơn.

  • Tăng áp lực ở vùng chậu hay dưới bụng.

  • Vùng thắt lưng đau âm ỉ và liên tục.

  • Chuột rút nhẹ ở bụng.

  • Bụng dưới đau quặn như đau bụng kinh hoặc đau kèm với những cơn co thắt tử cung.

  • Màng ối bị vỡ (xuất hiện nước ối chảy tuôn ra ngoài hoặc có thể chảy nhỏ giọt).

Dấu hiệu của trẻ bị sinh thiếu tháng, bao gồm:

  • Trẻ nhẹ cân, nhưng đầu lớn, cơ thể không cân xứng.

  • Do thiếu chất béo dự trữ nên trẻ kém tròn trịa hơn so với những trẻ khác.

  • Do cơ thể thiếu mỡ dự trữ nên thân nhiệt trẻ thấp nhất là ngay sau khi sinh.

  • Khó thở hoặc bị suy hô hấp.

  • Trẻ bú khó do thiếu phản xạ bú và nuốt.

Biến chứng có thể gặp khi trẻ bị đẻ non (sinh non)

Trẻ sinh non thường phải đối mặt với một vài vấn đề nghiêm trọng do trẻ chưa được sẵn sàng về thể chất trước khi rời bụng mẹ. Một số vấn đề thường gặp ở trẻ sinh non là:

  • Vấn đề về não;

  • Vấn đề về hô hấp;

  • Vấn đề tim mạch;

  • Vấn đề về đường tiêu hóa;

  • Mắc bệnh vàng da;

  • Thiếu máu;

  • Nhiễm trùng sơ sinh;

  • Rối loạn thân nhiệt;

  • Trẻ đẻ non thì thường có những vấn đề về hô hấp.

Thông thường trẻ sinh non có thể phát triển bình thường, tuy nhiên trẻ vẫn có nguy cơ mắc các vấn đề phát triển cao hơn. Một số vấn đề mà trẻ có thể mắc phải khi lớn:

  • Bại não;

  • Vấn đề về tâm lý;

  • Trẻ sẽ gặp một vài vấn đề khó khăn khi tập trung và học tập;

  • Vấn đề về nha khoa;

  • Vấn đề về thị giác hoặc thính giác;

  • Chậm phát triển ngôn ngữ;

  • Vấn đề về tăng trưởng và vận động ở trẻ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn nếu như bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào nêu trên. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ làm giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn có thể mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến đẻ non (sinh non)

Nguyên nhân dẫn tới sinh non thường không rõ ràng. Mặc dù vậy, có một vài yếu tố nguy cơ dẫn đến sinh non, bao gồm:

  • Có tiền sử sinh non trước đó.

  • Mang thai đôi hoặc thai ba.

  • Khoảng cách ở hai lần mang thai ngắn dưới 6 tháng.

  • Gặp những vấn đề về tử cung, cổ tử cung hay nhau thai.

  • Thụ thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

  • Hút thuốc lá hoặc sử dụng chất kích thích.

  • Bị một số bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường.

  • Thiếu cân hoặc thừa cân trước khi có thai.

  • Sảy thai hoặc phá thai nhiều lần trước đó.

  • Stress, thường xuyên căng thẳng.

  • Nước ối hoặc đường sinh dục dưới bị nhiễm trùng.

  • Bị chấn thương, té ngã.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ đẻ non (sinh non)?

Bất cứ phụ nữ nào cũng có nguy cơ đẻ non khi mang thai.

Yếu tố làm tăng nguy cơ đẻ non (sinh non)

Một vài yếu tố gây tăng nguy cơ đẻ non là:

  • Có tiền sử sinh non trước đó.

  • Mang thai đôi hoặc thai ba.

  • Nước ối hoặc đường sinh dục dưới bị nhiễm trùng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đẻ non (sinh non)

Khi trẻ bị sinh non, bác sĩ sẽ cho bé đến phòng chăm sóc tích cực trẻ sơ sinh (NICU).  Bé sẽ cần phải thực hiện một vài xét nghiệm để kiểm tra sức khỏe của bé, bao gồm:

  • Đo nhịp thở và nhịp tim cho bé liên tục.

  • Thường xuyên đo huyết áp của bé.

  • Theo dõi lượng chất lỏng bé hấp thu và lượng chất lỏng bé thải ra.

  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra xem bé có bị thiếu máu không, ngoài ra còn theo dõi một vài chỉ số trong máu như nồng độ glucose, canxi và bilirubin hoặc đánh giá tình trạng nhiễm trùng.

  • Kiểm tra hệ tim mạch: Kiểm tra chức năng tim của bé thông qua siêu âm tim hoặc điện tâm đồ.

  • Siêu âm toàn thân: Kiểm tra xem não có chảy máu hay tích tụ chất lỏng không hoặc kiểm tra những cơ quan trong ổ bụng để tìm các vấn đề về đường tiêu hóa, thận hay gan. 

  • Kiểm tra thị lực: Bác sĩ nhãn khoa thăm khám mắt và thị lực của bé để kiểm tra những vấn đề về võng mạc (bệnh võng mạc do sinh non).

Nếu bé có bất kỳ biến chứng nào, cần thực hiện xét nghiệm chuyên biệt khác.

Phương pháp điều trị đẻ non (sinh non) hiệu quả

Sử dụng thuốc

Tùy vào tình trạng của bé, bác sĩ sẽ cho bé sử dụng thuốc để thúc đẩy quá trình trưởng thành và kích thích hoạt động bình thường của tim, phổi và tuần hoàn.

  • Chất hoạt động bề mặt, một loại thuốc được sử dụng để điều trị hội chứng suy hô hấp.

  • Thuốc dạng sương mù (bình xịt) hoặc thuốc tiêm tĩnh mạch để tăng cường nhịp thở và nhịp tim.

  • Thuốc kháng sinh nếu có nhiễm trùng hoặc nếu có nguy cơ nhiễm trùng.

  • Thuốc làm tăng lượng nước tiểu (thuốc lợi tiểu) để quản lý chất lỏng dư thừa.

  • Tiêm thuốc vào mắt để ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới có thể gây ra bệnh võng mạc do sinh non.

  • Thuốc giúp đóng khuyết tật tim được gọi là còn ống động mạch.

Chăm sóc đặc biệt

  • Bé được cho vào lồng ấp để giữ ấm, giúp em bé của bạn duy trì thân nhiệt bình thường. 

  • Các cảm biến có thể được dán vào cơ thể của bé để theo dõi huyết áp, nhịp tim, nhịp thở và nhiệt độ. Có thể dùng máy thở để giúp bé thở.

  • Truyền chất dinh dưỡng cho bé qua ống tiêm tĩnh mạch. Sữa mẹ có thể được cung cấp sau đó thông qua một ống dẫn qua mũi của bé và vào dạ dày của bé (ống thông mũi - dạ dày, hoặc NG). Khi bé đã đủ cứng cáp để bú, bé có thể bú mẹ hoặc bú bình thường xuyên.

  • Bé cần một lượng chất lỏng nhất định mỗi ngày, tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng bệnh của bé. Bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ chất lỏng, nồng độ natri và kali để đảm bảo rằng lượng chất lỏng của bé luôn ở mức mục tiêu. Nếu cần chất lỏng, bé sẽ được cung cấp qua đường truyền tĩnh mạch.

  • Chiếu đèn vàng da cho bé: Đèn chiếu sáng giúp hệ thống của bé phá vỡ bilirubin dư thừa, tích tụ do gan không thể xử lý hết. 

  • Bé có thể cần được truyền máu để tăng lượng máu, đặc biệt nếu bé đã được lấy một số mẫu máu để làm các xét nghiệm khác nhau.

Phẫu thuật

Đôi khi phẫu thuật là cần thiết để điều trị một số tình trạng liên quan đến sinh non. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đẻ non (sinh non)

Chế độ sinh hoạt:

  • Cần phải tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Duy trì một lối sống tích cực và hạn chế stress, căng thẳng.

  • Trong quá trình điều trị, khi gặp những điều bất thường nên liên hệ ngay với bác sĩ.

  • Để theo dõi diễn tiến của bệnh cũng như tình trạng sức khỏe nên thăm khám định kỳ để giúp bác sĩ tìm ra hướng điều trị thích hợp trong thời gian tiếp theo nếu tình trạng bệnh của có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống nhiều nước.

  • Ăn uống khoa học, bổ sung rau xanh, trái cây, vitamin,…

Phương pháp phòng ngừa đẻ non (sinh non) hiệu quả

Để phòng ngừa đẻ non hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tập những bài thể dục phù hợp với thai phụ để nâng cao sức khỏe.

  • Tránh làm việc nặng hoặc tập luyện quá sức khi mang thai, đặc biệt là những thai phụ có nguy cơ cao.

  • Không hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc sử dụng những chất kích thích khác.

  • Lối sống lành mạnh, khoa học, chế độ sinh hoạt hợp lý.

  • Bổ sung đầy đủ vitamin và dưỡng chất ở trong quá trình mang thai.

  • Hạn chế quan hệ trong khi mang thai.

  • Nếu có dấu hiệu sinh non cần tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

  • Thường xuyên thăm khám định kỳ khi mang thai.

  • Những thai phụ có tiền sử sinh non hoặc cổ tử cung ngắn có thể bổ sung progesterone để giảm nguy cơ sinh non.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/premature-birth/symptoms-causes/syc-20376730

  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/premature-birth/diagnosis-treatment/drc-20376736 

  3. https://www.msdmanuals.com/vi/

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư buồng trứng giai đoạn IV

  2. Viêm lộ tuyến cổ tử cung

  3. Vô sinh

  4. Sản giật

  5. Nhau bong non

  6. Mang thai

  7. Nhiễm trùng ối

  8. Thắt ống dẫn tinh

  9. Bệnh Peyronie

  10. U bì buồng trứng