Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đổ mồ hôi trộm: Nguyên nhân và biện pháp cải thiện

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đồ mồ hôi trộm là một triệu chứng phổ biến mà ai cũng có thể gặp phải. Triệu chứng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và phần lớn là không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, đổ mồ hôi trộm thường xuyên có thể là dấu hiệu của một vấn đề về sức khỏe mà bạn cần lưu ý.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đổ mồ hôi trộm là gì?

Đổ mồ hôi là một phương thức làm mát tự nhiên của cơ thể để cân bằng nhiệt độ với sự hoạt động của hơn 2 triệu tuyến mồ hôi khắp bề mặt da. Vùng dưới đồi trong não chịu trách nhiệm điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.

Đổ mồ hôi trộm (hay còn gọi là đổ mồ hôi về đêm) là một từ ngữ dân gian hay gọi để chỉ về hiện tượng cơ thể đổ mồ hôi nhiều trong lúc ngủ vào ban đêm nhưng không phải do thời tiết nóng. Tình trạng này thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đôi lúc cũng xảy ra ở người lớn. Đổ mồ hôi trộm chủ yếu xuất hiện ở vùng đầu, trán, lưng, lòng bàn tay và lòng bàn chân.

Đổ mồ hôi trộm có thể nhiều đến mức khiến quần áo và ga giường thấm ướt và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Nếu triệu chứng này khiến bạn phải thường xuyên thức giấc, khó chịu và lo lắng, bạn nên đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân.

Triệu chứng

Triệu chứng kèm theo của đổ mồ hôi trộm

Trong một số bệnh lý, ngoài đổ mồ hôi trộm, bạn có thể ghi nhận thêm những triệu chứng kèm theo khác như:

  • Sốt, lạnh run: Thường nghĩ tới tình trạng nhiễm trùng;
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân: Có thể gặp trong các bệnh lý như lao, ung thư,...
  • Ho;
  • Tiêu chảy;
  • Đau một vị trí cụ thể;
  • Âm đạo khô, người bốc hỏa, khó chịu, thay đổi tâm trạng: Gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh hoặc mãn kinh.

Đổ mồ hôi trộm có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

Đổ mồ hôi là một cách thức giúp cơ thể cân bằng nhiệt độ. Tuy nhiên, đổ mồ hôi trộm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu bạn thấy cơ thể có những diễn tiến nặng nề hơn như:

  • Ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ: Cơ thể đổ mồ hôi khiến bạn có cảm giác dính nhớp, ẩm ướt và có mùi. Bạn không thể duy trì giấc ngủ ngon hoặc phải tỉnh dậy để thay quần áo hoặc chăn gối vì chúng ướt và bốc mùi. Việc này cũng có thể gây ảnh hưởng đến người ngủ cùng.
  • Cơ thể mệt mỏi và kiệt sức khi thức dậy: Mồ hôi chứa một lượng nước và các chất điện giải như ion Natri, Kali, Clo. Khi đổ mồ hôi đồng nghĩa với sự thất thoát các chất này qua da, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức khi ngủ dậy, tình trạng kéo dài còn có thể dẫn đến suy nhược cơ thể. Ở trẻ em, đổ mồ hôi trộm có khả năng khiến trẻ chậm lớn và còi xương.
  • Viêm đường hô hấp: Lỗ chân lông nở rộng khi đổ mồ hôi không chỉ khiến bạn bài tiết nước và điện giải, mà còn làm giảm thân nhiệt. Đổ mồ hôi nhiều khiến quần áo, gối và ga giường ẩm ướt làm bạn dễ nhiễm lạnh, có thể gây tình trạng viêm đường hô hấp, đặc biệt cẩn trọng ở trẻ em và người cao tuổi.
  • Mắc bệnh da: Da ẩm ướt và dính nhớp hàng đêm làm tăng nguy cơ bít tắc lỗ chân lông, gây viêm da, viêm nang lông, mụn trứng cá, nhọt da,... do sự tích tụ của bã nhờn và sự phát triển của vi khuẩn, vi nấm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn chỉ thỉnh thoảng đổ mồ hôi trộm và không ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giấc ngủ thì có lẽ không cần quá lo lắng về tình trạng này. Tuy nhiên, nếu đổ mồ hôi trộm có các đặc điểm dưới đây, bạn cần gặp bác sĩ và tìm ra nguyên nhân:

  • Đổ mồ hôi rất nhiều, khiến bạn mệt mỏi sau khi thức dậy;
  • Đổ mồ hôi trộm hầu như mỗi đêm;
  • Ảnh hưởng đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống;
  • Đổ mồ hôi trộm kèm theo các triệu chứng gợi ý đến những bệnh lý khác.
Đổ mồ hôi trộm: Nguyên nhân và biện pháp cải thiện 1
Đổ mồ hôi trộm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống

Nguyên nhân

Không phải lúc nào cũng có thể xác định được nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm. Tuy nhiên, đổ mồ hôi trộm kèm theo một số triệu chứng khác có thể giúp bác sĩ thu hẹp phạm vi nguyên nhân của đổ mồ hôi trộm.

Thói quen ăn uống và sinh hoạt

Các yếu tố bên ngoài từ thói quen ăn uống và sinh hoạt có thể gây ra đổ mồ hôi lúc ngủ. Cụ thể là:

  • Sử dụng rượu vào ban đêm;
  • Ăn các món có vị cay vào bữa ăn chiều hoặc khuya;
  • Tập thể dục trước khi ngủ;
  • Mặc quần áo chật, vải không thoáng khí;
  • Chăn, gối và ga giường không phù hợp với thời tiết;
  • Căng thẳng và lo lắng.

Rối loạn nội tiết tố

Đối với phụ nữ mang thai và vừa mới sinh con

Nồng độ hormone dao động khi mang thai cũng có thể khiến bạn đổ mồ hôi trộm. Triệu chứng này phổ biến trong ba tháng đầu và ba tháng cuối của thai kỳ. Sự thay đổi hormone sinh sản như estrogen và progesterone sau khi sinh cũng có thể gây ra những thay đổi về nhiệt độ cơ thể khiến bạn hay có cảm thấy nóng bứt rứt trong người. Cơ thể phụ nữ sau sinh có những biểu hiện như bốc hỏa hoặc đổ mồ hôi nhiều để hạ nhiệt.

Hội chứng tiền mãn kinh và mãn kinh

Đổ mồ hôi trộm là triệu chứng phổ biến trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Mãn kinh chính thức bắt đầu khi bạn không có kinh trong 12 tháng liên tục. Độ tuổi khởi phát trung bình là 51. Tiền mãn kinh là giai đoạn trước mãn kinh. Trong thời kỳ tiền mãn kinh, buồng trứng giảm sản xuất estrogen, progesterone và một lượng nhỏ testosterone, kinh nguyệt sẽ trở nên không đều. Tiền mãn kinh thường xảy ra trong độ tuổi từ 40 đến 50.

Việc thay đổi nồng độ hormone trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh có thể khiến vùng dưới đồi (phần não kiểm soát nhiệt độ cơ thể) gặp khó khăn trong việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Đây được xem là một sự trục trặc trong bộ điều nhiệt của cơ thể bạn. Bạn có thể cảm thấy đột ngột bốc hỏa hoặc đỏ bừng ở mặt, cổ và ngực. Để phản ứng lại với điều đó, cơ thể bạn khởi động cơ chế tự làm mát bằng cách đổ mồ hôi nhiều.

Với người nữ bị suy buồng trứng nguyên phát (primary ovarian insufficiency - POI) có thể bị đổ mồ hôi ban đêm với cơ chế tương tự như những người trải qua thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Với POI, buồng trứng của bạn ngừng sản xuất estrogen trước tuổi 40.

Hội chứng tiền kinh nguyệt (Premenstrual syndrome - PMS) hoặc rối loạn tâm trạng tiền kinh nguyệt (Premenstrual dysphoric disorder - PMDD)

Sự dao động nội tiết tố nữ trong chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể gây ra đổ mồ hôi trộm. Nồng độ estrogen sẽ giảm trước chu kỳ kinh đầu tiên, thời điểm này thường liên quan nhất đến PMS và PMDD. Ngoài đổ mồ hôi trộm, trẻ gái cũng có thể có các triệu chứng như khó chịu và chuột rút liên quan đến PMS và PMDD.

Mãn dục nam (Andropause)

Mãn dục nam là thuật ngữ chỉ sự suy giảm hormone nam giới testosterone, dẫn đến sự suy giảm sự sinh tinh và dưỡng tinh, suy giảm chức năng hoạt động tình dục. Khoảng 39% nam giới từ 45 tuổi trở lên có thể bị giảm testosterone. Đổ mồ hôi trộm là một trong những triệu chứng có thể xuất hiện khi lượng testosterone thấp hoặc suy sinh dục.

Tác dụng phụ của thuốc

Nếu gần đây bạn có sử dụng một loại thuốc mới và sau đó có tình trạng đổ mồ hôi trộm, hãy trao đổi với bác sĩ đã kê toa thuốc về vấn đề này. Một số loại thuốc dưới đây có tác dụng phụ là đổ mồ hôi trộm:

  • Nhóm thuốc corticosteroid như prednisone và cortisone;
  • Nhóm thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI);
  • Nhóm thuốc giảm đau như aspirin và acetaminophen;
  • Các nhóm thuốc hạ đường huyết;
  • Các nhóm thuốc trị liệu bằng hormone;
  • Thuốc chống loạn thần phenothiazine.

Tăng tiết mồ hôi

Tăng tiết mồ hôi là tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều ngay cả khi không có các yếu tố môi trường, thể chất và tâm lý tác động. Tăng tiết mồ hôi có thể do nguyên phát (không có nguyên nhân thực thể) hoặc thứ phát do một số bệnh lý.

Hạ đường huyết trong đêm

Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu của bạn thấp hơn lượng đường cần có để các tế bào trong cơ thể hoạt động. Nếu bạn có bệnh lý đái tháo đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 và đang sử dụng thuốc, bạn có thể bị hạ đường huyết trong đêm. Ngoài việc khiến bạn đổ mồ hôi trộm, hạ đường huyết trong đêm còn có một số triệu chứng khác như:

  • Hoa mắt, choáng váng;
  • Cảm giác mất thăng bằng;
  • Đói;
  • Mệt mỏi hoặc thấy kiệt sức;
  • Tim đập nhanh hoặc nhịp tim không đều;
  • Đau đầu;
  • Lạnh run.

Nếu lượng đường huyết xuống mức quá thấp, có thể dẫn đến co giật hoặc mất ý thức.

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Trào ngược dạ dày thực quản là một trong những nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm, kèm theo một số triệu chứng điển hình như:

  • Ợ trớ;
  • Ợ chua;
  • Ợ hơi;
  • Nóng rát sau xương ức;
  • Nuốt nghẹn;
  • Khó vào giấc ngủ;
  • Làm tăng triệu chứng của các bệnh lý khác như ho, hen phế quản,...

Hội chứng ngưng thở khi ngủ

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là tình trạng bạn ngưng thở hoặc có cảm giác khó thở trong lúc ngủ, khiến bạn phải tỉnh giấc, bật dậy và hít thở sâu, thường xảy ra nhiều lần trong một đêm.

Ngưng thở khi ngủ có thể do nguyên nhân tắc nghẽn hoặc nguyên nhân từ hệ thần kinh trung ương. Nếu bạn có tình trạng này, ngoài đổ mồ hôi trộm bạn có thể có các triệu chứng:

  • Cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng vào hôm sau;
  • Ngủ không ngon giấc và phải thức dậy nhiều lần vào ban đêm;
  • Cảm giác khó thở và muốn ngất trong lúc ngủ;
  • Đau đầu, chóng mặt.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không phát hiện và có hướng điều trị, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch và hô hấp.

Đổ mồ hôi trộm: Nguyên nhân và biện pháp cải thiện 5
Ngưng thở khi ngủ có thể là một nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm

Nhiễm trùng

Một số bệnh viêm nhiễm cũng có thể gây đổ mồ hôi trộm, bao gồm:

  • Nhiễm virus: Cảm, cúm, COVID-19, HIV...
  • Nhiễm vi khuẩn: Lao, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, viêm tủy xương, áp xe gan,...
  • Nhiễm nấm.

Ngoài đổ mồ hôi trộm, nếu đang có tình trạng nhiễm trùng, bạn có thể có các triệu chứng sau:

  • Sốt, lạnh run;
  • Đau nhức cơ và các khớp;
  • Đau nhức toàn cơ thể;
  • Mệt mỏi;
  • Sụt cân;
  • Ăn uống kém ngon miệng.

Rối loạn thần kinh

Trong một số ít bệnh lý thần kinh như đột quỵ, bệnh thần kinh tự chủ, bệnh tủy sống,... bạn có thể bị đổ mồ hôi trộm và một số triệu chứng như:

  • Ảnh hưởng tri giác;
  • Rối loạn hệ tiêu hóa hoặc tiết niệu;
  • Rối loạn vận động và/ hoặc cảm giác;
  • Rối loạn thần kinh tự chủ;
  • Chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn.

Ung thư

Đổ mồ hôi trộm có thể là một trong các triệu chứng của ung thư, nhưng cũng khá hiếm gặp. Một số loại ung thư có thể xảy ra đổ mồ hôi trộm như ung thư gan, bệnh bạch cầu, u lympho không Hodgkin. Các triệu chứng thường gặp như:

  • Mệt mỏi và suy nhược cơ thể day dẳng;
  • Sốt nhẹ kèm ớn lạnh;
  • Giảm cân không chủ ý;
  • Sưng hạch bạch huyết;
  • Đau trong xương;
  • Đau bụng hoặc đau ngực.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải đổ mồ hôi trộm?

Đối tượng có nguy cơ đổ mồ hôi trộm gồm:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ;
  • Người sử dụng một số loại thuốc gây tăng tiết mồ hôi;
  • Người mắc một số bệnh lý như nhiễm trùng, ung thư, đái tháo đường, ngưng thở khi ngủ,...

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ đổ mồ hôi trộm

Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ đổ mồ hôi trộm:

  • Phụ nữ có thai, sau sinh hoặc tiền mãn kinh, mãn kinh;
  • Nam giới 45 tuổi trở lên;

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán

Để xác định tình trạng đổ mồ hôi trộm và nguyên nhân gây ra tình trạng này, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá bệnh sử và thăm khám lâm sàng. Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị một số cận lâm sàng để hỗ trợ chẩn đoán như:

  • Xét nghiệm máu;
  • Định lượng nồng độ hormone tuyến giáp: TSH, FT3, FT4;
  • X-quang ngực thẳng;
  • Điện tâm đồ;
  • Đo đa ký giấc ngủ.

Điều trị

Điều trị đổ mồ hôi trộm phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Một số biện pháp dưới đây có thể giúp bạn cải thiện hiệu quả của tình trạng đổ mồ hôi trộm:

  • Điều trị với thảo dược: Đây là một liệu pháp được áp dụng trong dân gian và đã được chứng minh có hiệu quả trong các nghiên cứu khoa học. Với tính an toàn, dễ áp dụng và hiệu quả lâu dài, thuốc y học cổ truyền có tác dụng giảm mồ hôi trộm rất tốt. Một số vị thuốc đã được nghiên cứu có hiệu quả như Hoàng kỳ, Sơn thù, Thiên môn đông,...
  • Nếu nguyên nhân chủ yếu từ thói quen ăn uống và sinh hoạt, bạn sẽ được bác sĩ tư vấn để thay đổi lối sống.
  • Nếu do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc vi nấm, bác sĩ sẽ kê các loại kháng virus, kháng sinh hoặc kháng nấm phù hợp.
  • Nếu do rối loạn nội tiết tố, người bệnh sẽ được chỉ định liệu pháp hormone thay thế.
  • Nếu do ung thư, các chiến lược điều trị ung thư phù hợp với từng loại và từng giai đoạn sẽ được đưa ra. Các liệu pháp thường được chỉ định là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích hoặc phối hợp nhiều liệu pháp.
Đổ mồ hôi trộm: Nguyên nhân và biện pháp cải thiện 6
Hoàng kỳ là một vị thảo dược thường dùng để điều trị đổ mồ hôi trộm

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Chế độ sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đổ mồ hôi trộm

Bạn có thể thực hiện một số biện pháp tại nhà để cải thiện chất lượng giấc ngủ và tình trạng đổ mồ hôi trộm như:

  • Uống nước mát, mỗi lần một lượng rất nhỏ;
  • Sử dụng gối và vỏ nệm có chứa gel làm mát;
  • Mặc đồ ngủ rộng rãi, nhẹ, bằng vải cotton hoặc vải lanh khi đi ngủ;
  • Tập thể dục hàng ngày như đi bộ, bơi lội, khiêu vũ, đạp xe,...
  • Sử dụng ga trải giường mỏng nhẹ, thấm hút mồ hôi, bạn có thể tháo ra khi cần vào ban đêm;
  • Thư giãn trước khi đi ngủ bằng cách sử dụng các kỹ thuật thở sâu, thư giãn và thiền;
  • Sử dụng quạt trong phòng ngủ, mở cửa sổ khi ngủ hoặc bật điều hòa;
  • Tránh các tác nhân gây đổ mồ hôi trộm như rượu, thức ăn cay, caffeine, thuốc lá hoặc tập thể dục ngay trước khi đi ngủ.
Đổ mồ hôi trộm: Nguyên nhân và biện pháp cải thiện 7
Thay đổi thói quen khi ngủ cải thiện đổ mồ hôi trộm
Nguồn tham khảo
  1. Night Sweats: https://osteopathic.org/what-is-osteopathic-medicine/night-sweats/
  2. Night Sweats: https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/16562-night-sweats
  3. Night sweats: https://www.nhs.uk/conditions/night-sweats/
  4. Bryce C. Persistent Night Sweats: Diagnostic Evaluation. Am Fam Physician. 2020;102(7):427-433.
  5. Mold JW, Holtzclaw BJ, McCarthy L. Night sweats: A systematic review of the literature. J Am Board Fam Med. 2012;25(6):878-93. doi: 10.3122/jabfm.2012.06.120033.

Các bệnh liên quan

  1. Hạ kali máu

  2. Hội chứng carcinoid

  3. Cường Aldosterone

  4. Bệnh lùn tuyến yên

  5. Bệnh thận đái tháo đường

  6. Tiểu đường ở trẻ em

  7. Bệnh Madelung

  8. Tiểu đường tuýp 2

  9. Xơ gan do rượu

  10. Tiểu đường bị ngứa da