Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
U sọ hầu là một loại u hệ thần kinh trung ương. U sọ hầu thuộc dạng khối u lành tính nhưng vẫn cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vậy có những phương pháp điều trị bệnh u sọ hầu nào?
Khối u sọ hầu thường nằm chèn ở vùng não bộ ngay trên hố yên. U sọ hầu là một khối u phát triển chậm, có thể tồn tại trong nhiều năm trước khi được chẩn đoán. Ngay khi được chẩn đoán, bác sĩ sẽ đề nghị các phương pháp điều trị u sọ hầu phù hợp với tình trạng hiện tại của bệnh nhân.
Tỷ lệ điều trị thành công của bệnh u sọ hầu khá cao. Kế hoạch điều trị thường phụ thuộc vào việc khối u có thể cắt bỏ hoàn toàn được hay không. Nếu khối u không thể cắt bỏ hoàn toàn, bác sĩ thường sẽ lựa chọn xạ trị. Tuy nhiên, cần xem xét tác dụng phụ của phương án xạ trị để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất. Vì liệu pháp này có thể gây ra một số vấn đề về học tập và trí nhớ cho trẻ nhỏ. Xạ trị cũng có thể làm chậm quá trình trao đổi chất và giảm nồng độ các hormone cần thiết cho cơ thể của trẻ.
Một vài phương pháp điều trị vẫn đang được nghiên cứu ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng dành cho bệnh nhân không thể cắt bỏ hoàn toàn khối u nhưng cũng không muốn tiến hành xạ trị. Thử nghiệm lâm sàng là một nghiên cứu nhằm tìm ra phương pháp điều trị mới. Trao đổi với đội ngũ bác sĩ về việc tham gia các thử nghiệm lâm sàng có thể là một lựa chọn điều trị tốt cho con bạn.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị thường được chỉ định cho bệnh nhân u sọ hầu, được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật thần kinh. Mục tiêu của phương pháp này là là chẩn đoán xác định và cắt bỏ càng nhiều khối u càng tốt. Phẫu thuật có thể tiến hành cho khoảng 70% đến 85% số trẻ em mắc bệnh.
Biến chứng của phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào vị trí của khối u. Trong quá trình phẫu thuật có thể làm tổn thương các vùng não gần khối u, ảnh hưởng đến chức năng nội tiết, trao đổi chất, cử động tay chân, thị lực hoặc ý thức. Đôi khi, khối u sọ hầu có thể chèn ép vào các mạch máu lớn hoặc giao thoa thị giác, gây khó khăn cho việc phẫu thuật. Ngoài ra, đối với những khối u không thể cắt bỏ bằng phẫu thuật do nằm ở các vị trí khó, bác sĩ chỉ có thể cắt bỏ một phần nhỏ của khối u để tiến hành sinh thiết và đưa ra những phương án điều trị khác thích hợp hơn.
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X cường độ cao hoặc các dạng tia khác để tiêu diệt tế bào ung thư. Loại xạ trị thường được dùng để điều trị nhất là xạ trị chùm tia ngoài, là phương pháp xạ trị thực hiện từ một máy đặt bên ngoài cơ thể. Vì xạ trị có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, nên bác sĩ cần sử dụng các kỹ thuật lập kế hoạch điều trị để giảm lượng phóng xạ đến các vùng não khỏe mạnh.
Xạ phẫu là một phương pháp đưa một liệu pháp xạ trị liều cao duy nhất vào khối u mà không làm ảnh hưởng đến các vùng não khác. Loại xạ trị này thường sử dụng cho các bệnh nhân mắc u sọ hầu tái phát.
Một số tác dụng phụ ngắn hạn của xạ trị gồm mệt mỏi, kích ứng da nhẹ, buồn nôn và sẽ biến mất ngay sau khi điều trị kết thúc. Các tác dụng phụ kéo dài hơn như rụng tóc, giảm khả năng học tập, giảm nồng độ hormone, suy giảm trí nhớ và tăng cân.
Ngoài các liệu pháp điều trị nhằm làm chậm, dừng sự tiến triển hoặc loại bỏ khối u, một phần quan trọng của việc chăm sóc là làm giảm các triệu chứng và tác dụng phụ cho bệnh nhân. Đây thường được gọi là chăm sóc giảm nhẹ hay chăm sóc hỗ trợ, sẽ bao gồm cả chăm sóc các nhu cầu về thể chất, cảm xúc và xã hội cho bệnh nhân.
Để đạt hiệu quả tốt nhất, quá trình chăm sóc giảm nhẹ cần được thực hiện càng sớm càng tốt trong quá trình điều trị. Trên thực tế, những bệnh nhân nhận được sự phối hợp cả hai phương pháp điều trị cùng một lúc thường phục hồi nhanh hơn. Có nhiều phương pháp chăm sóc giảm nhẹ khác nhau, thường bao gồm dùng thuốc, thay đổi chế độ dinh dưỡng, các kỹ thuật thư giãn, hỗ trợ cảm xúc và một số liệu pháp khác.
Trước khi điều trị, bạn nên trao đổi với bác sĩ về các tác dụng phụ của kế hoạch điều trị và các lựa chọn phương pháp chăm sóc giảm nhẹ có thể áp dụng. Trong và sau khi tiến hành điều trị, hãy báo với bác sĩ nếu trẻ đang gặp vấn đề để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Tái phát là tình trạng khối u xuất hiện hay phát triển trở lại sau đợt điều trị ban đầu. U sọ hầu thường tái phát tại vị trí ban đầu hoặc lân cận.
Khi phát hiện tái phát, một loạt các xét nghiệm sẽ được chỉ định thực hiện để đánh giá tình trạng hiện tại của trẻ. Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ cho biết về các lựa chọn điều trị cho trẻ. Thông thường, kế hoạch điều trị tái phát sẽ bao gồm các phương pháp điều trị được mô tả ở trên. Tuy nhiên, một loại xạ trị thường không thể áp dụng nhiều lần. Ngoài ra, còn có những nghiên cứu về phương pháp điều trị mới trong các thử nghiệm lâm sàng đối với trẻ bị u sọ hầu tái phát hoặc diễn tiến xấu. Trao đổi thêm với bác sĩ để đánh giá xem đó có thể là một lựa chọn cho trẻ hay không. Cho dù chọn phương án điều trị nào, chăm sóc giảm nhẹ vẫn đóng vai trò quan trọng để làm giảm các triệu chứng và tác dụng phụ cho trẻ trong quá trình điều trị.
Trên đây là một số phương pháp điều trị bệnh u sọ hầu ở trẻ em. Mong rằng bài viết đã mang đến cho bạn nhiều thông tin bổ ích. Theo dõi Nhà thuốc Long Châu để tìm đọc thêm nhiều kiến thức về y khoa nhé!
Khánh Vy
Nguồn: Yhoccongdong.com
Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.