Tình trạng suy dinh dưỡng bại não là vấn đề khá khó khăn và vất vả đối với các chuyên gia cũng như những gia đình không may có con bị bại não.
Đối với trẻ khỏe mạnh bình thường, việc chăm sóc chế độ dinh dưỡng hàng ngày đã tốn rất nhiều thời gian và công sức của cha mẹ, vì thế điều này sẽ càng khó khăn hơn đối với trẻ bại não. Trẻ bị bại não bản năng ăn uống đã bị suy giảm hoặc mất hoàn toàn, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng bại não cao hơn rất nhiều lần so với trẻ bình thường. Để giảm thiểu tình trạng này, các phụ huynh có con bị bại não nên tìm hiểu một số phương pháp giúp giảm thiểu khó khăn trong vấn đề chăm sóc trẻ.
Tình trạng suy dinh dưỡng bại não ở trẻ cao hơn nhiều so với trẻ bình thường.
1. Nguyên nhân trẻ bị suy dinh dưỡng bại não
Trẻ bại não gặp nhiều khó khăn trong việc ăn uống hoặc mất hoàn tòn khả năng này là do cử động môi của trẻ khó khăn, khả năng mím, mút, mở rộng bị hạn chế. Các cơ mặt của trẻ bị liệt, gây cứng hàm nên khó há miệng, khó nhai và gặp khó khăn trong việc giữ thức ăn trong miệng, khiến chúng bị rơi ra ngoài hoặc rơi sâu vào trong. Phần lưỡi của trẻ bại não bị liệt, thường bị co rút hoặc bị đẩy dài ra ngoài nên khó nuốt, khó trộn thức ăn khi nhai. Ngoài ra, khả năng kết hợp giữa nuốt và thở kém, trẻ dễ bị sặc và nôn. Chính vì những điều này khiến cho việc cung cấp đầy đủ các chất cần thiết cho trẻ gặp nhiều khó khăn dẫn tới trình trạng suy dinh dưỡng bại não.
Đối với trẻ bại não cũng cần cung cấp đầy đủ các chất để tránh suy dinh dưỡng bại não.
2. Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ bại não
Giống với những trẻ bình thường, trẻ dưới 6 tháng tuổi thì sữa mẹ vẫn luôn là thức ăn tốt nhất. Tuy nhiên, các mẹ có con bị bại não thường bị mất sữa sớm do trẻ không thể bú hoặc ít bú. Hãy cho con bú bất cứ khi nào có thể, đồng thời các mẹ nên chú ý ăn đủ chất, uống đủ nước và nghỉ ngơi đầy đủ để suy trì sũa cho con. Đối với trẻ lớn hơn cần ăn đủ 4 nhóm dưỡng chất: bột đường, đạm, chất béo, rau và trái cây.
Vì khả năng ăn uống của trẻ bị hạn chế, nên việc lựa chọn món ăn cho trẻ suy dinh dưỡng và các hình thức chế biến phù hợp với khả năng ăn uống của trẻ là điều rất quan trọng. Nếu trẻ có khả năng ăn được các thức ăn đặc thì nên cho trẻ ăn cùng thức ăn của gia đình. Điều này cũng giúp trẻ tập cắn, gặm, khuyến khích động tác nhai nuốt để trẻ tập vận động môi, lưỡi tốt hơn, cũng góp phần phát triển ngôn ngữ sau này của trẻ. Đối với trẻ không ăn được các thức ăn đặc thì nên xay các thức ăn thành bột lỏng để trẻ ăn dễ dàng. Chú ý vào khả năng ăn của trẻ mà đồ ăn sẽ đặc dần theo thời gian.
Nên cho trẻ bại não ăn thành nhiều bữa trong ngày. Thay vì chỉ ăn ba bữa chính như trẻ khác, hãy cố gắng cho trẻ ăn thêm các bữa phụ trong ngày. Nếu trẻ có dấu hiệu béo phì, nên hạn chế đồ ăn có nhiều chất ngọt và chất béo.
3. Chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng bại não đúng cách
Trẻ suy dinh dưỡng bại não thường kém hoặc không có khả năng kiểm soát được cơ miệng, khả năng nhai nuốt và giữ thức ăn bị hạn chế nên cần rất nhiều sự hỗ trợ từ người lớn. Các mẹ nên để ý tới tư thế cho trẻ ăn như thế nào mới hợp lý.
Tư thế ăn của trẻ rất quan trọng, giúp trẻ hấp thụ được nhiều dưỡng chất trong quá trình ăn uống.
Với trẻ còn bú, cần cho trẻ nằm ở tư thế thoải mái nhất và dễ dàng để trẻ có thể ngậm đầu vú của mẹ. Khi cho trẻ ăn bằng thìa, trẻ cần được ở tư thế nửa ngồi, nửa nằm.
Không nên cho trẻ ăn, uống, bú ở tư thế nằm ngửa hoặc đầu ngửa ra sau vì tư thế này khiến trẻ khó nuốt và rất dễ bị sặc.
Khi cho trẻ ăn, nên đổ từng thìa vào đầu lưỡi của trẻ, không nên đổ quá sâu và phải chờ trẻ nuốt hết mới tiếp tục đút thìa tiếp theo. Sau khi trẻ ăn xong, không nên cho trẻ nằm ngay đề phòng trường hợp nôn và sặc.
Uyên