Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Suy dinh dưỡng thể béo phì là gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Ngày 06/01/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiều người thường lầm tưởng rằng, bệnh suy dinh dưỡng chỉ gặp ở những trẻ gầy gò, ốm yếu. Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều trẻ mặc dù cân nặng đạt hay thậm chí là vượt mức bình thường vẫn được kết luận là suy dinh dưỡng. Vậy suy dinh dưỡng thể béo phì là gì? Nguyên nhân vì sao trẻ bị suy dinh dưỡng thể béo phì? Làm sao để ngăn ngừa tình trạng này và giúp trẻ phát triển toàn diện?

Suy dinh dưỡng thể béo phì có thể là cụm từ khiến nhiều bố mẹ bất ngờ khi nghe đến bởi trong suy nghĩ của họ suy dinh dưỡng chủ yếu chỉ gặp ở những đứa trẻ thiếu cân, ốm yếu, gầy gò. Tuy nhiên, những đứa trẻ có thể trạng béo phì nhưng không được bổ sung các vi chất thiết yếu, ăn uống không khoa học cũng có thể bị suy dinh dưỡng. Để tránh tình trạng này xảy ra, mời bạn cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về suy dinh dưỡng thể béo phì, nguyên nhân cũng như cách để ngăn ngừa tình trạng này nhé!

Suy dinh dưỡng thể béo phì là gì?

Suy dinh dưỡng thể béo phì hay còn gọi là suy dinh dưỡng ở trẻ thừa cân, ý chỉ tình trạng mất cân bằng các nhóm dưỡng chất thiết yếu trong cơ thể. Những đứa trẻ mặc dù nhìn bề ngoài phát triển bình thường, thể trạng béo tốt nhưng thực tế lại bị thiếu canxi, thiếu máu, thiếu vitamin D, dẫn đến còi xương.

Suy dinh dưỡng thể béo phì thường gặp ở những đứa bé được nuôi dưỡng từ nguồn thực phẩm giàu chất béo, đạm, tinh bột, nhưng lại thiếu các vi chất thiết yếu như vitamin D, sắt, canxi, kẽm,… Trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân sẽ dễ phát hiện hơn so với trẻ béo phì, vì vậy nhiều bố mẹ thường chủ quan ít chú ý đến và tình trạng này chỉ được chẩn đoán khi trẻ được đưa đi kiểm tra dinh dưỡng.

suy-dinh-duong-the-beo-phi-nguyen nha-va-cach-ngan-ngua 1.jpg
Suy dinh dưỡng thể béo phì khó phát hiện hơn so với suy dinh dưỡng nhẹ cân

Nguyên nhân trẻ bị suy dinh dưỡng thể béo phì

Một số nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng suy dinh dưỡng béo phì, chẳng hạn như:

Trẻ không bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu

Trẻ sơ sinh bú ngoài hoàn toàn, không được bú sữa mẹ, đặc biệt trong vòng 6 tháng đầu. Bởi các chất dinh dưỡng từ nguồn sữa mẹ rất trân quý, lượng canxi trong sữa mẹ trẻ có thể dễ dàng hấp thu. Bé sẽ mất đi cơ hội hấp thu nhiều dưỡng chất thiết yếu từ sữa mẹ nếu chỉ cho bú sữa công thức.

Trẻ ít được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời

Nhiều quan niệm cho rằng nên hạn chế cho trẻ sơ sinh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, suy nghĩ lại lại hoàn toàn sai lầm bởi thông qua tia nắng mặt trời, cơ thể bé sẽ tự chuyển hóa tiền tố vitamin D thành vitamin D, giúp tăng khả năng hấp thu canxi cho cơ thể. Nếu trẻ thiếu vitamin D thì sẽ tăng nguy cơ thiếu canxi dẫn đến trẻ bị còi xương.

Trẻ ăn dặm sớm (trước 5 tháng tuổi)

Ăn dặm sớm có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hoá, rối loạn chuyển hoá, trẻ khó hấp thu canxi, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ.

Chế độ ăn uống thiếu cân đối

Ăn uống quyết định rất nhiều đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Chế độ ăn uống mất cân đối, không khoa học, thiếu dưỡng chất chẳng hạn như thiếu đạm thừa chất béo, đường. Một số trường hợp, phụ huynh cho trẻ uống những loại sữa không phù hợp cũng có thể làm trẻ bị thiếu chất.

Năng lượng dư thừa

Sự tích lũy năng lượng dư thừa dưới dạng mỡ có thể gây thừa cân, béo phì ở trẻ.

suy-dinh-duong-the-beo-phi-nguyen nha-va-cach-ngan-ngua 2.jpg
Cho trẻ ăn dặm quá sớm cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng thể béo phì

Biểu hiện của suy dinh dưỡng thể béo phì

Trẻ bị suy dinh dưỡng thể béo phì sẽ khó phát hiện hơn vì biểu hiện bên ngoài hoàn toàn bình thường, thậm chí có cơ thể béo tốt. Tuy nhiên, bố mẹ cũng có thể nhận ra những biểu hiện bất thường ở trẻ bị suy dinh dưỡng như:

  • Hay khóc quấy khi ngủ;
  • Ngủ không yên giấc, dễ bị giật mình;
  • Ra mồ hôi trộm;
  • Trẻ dưới một tuổi có biểu hiện chậm mọc răng, chậm đi, chậm nói,…

Suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ là tình trạng rất nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển về cả thể trạng lẫn tinh thần, tư duy của bé trong tương lai. 

Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến nhiều bệnh lý khác như trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hoá, còi xương, loãng xương, biến dạng lồng ngực, gù lưng, vẹo cột sống, chân vòng kiềng,... ảnh hưởng đến dáng đi của bé. Những vấn đề này sẽ gây ra nhiều tác động xấu đến tương lai sau này ủa bé, vì vậy bố mẹ cần chú ý quan sát và cần cho bé kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện được các vấn đề về dinh dưỡng cũng như sức khỏe của trẻ.

Cách ngăn ngừa suy dinh dưỡng thể béo phì ở trẻ

Trong giai đoạn phát triển và trưởng thành, dinh dưỡng đầy đủ và phù hợp là yếu tố cực kỳ quan trọng. Bố mẹ cần lưu ý về việc chăm sóc con cái từ khi mang thai đến những năm đầu đời. Ngay từ thời kỳ mang thai, mẹ bầu cần chuẩn bị các kiến thức về dinh dưỡng cho bé và mẹ để bổ sung đầy đủ, nên thăm khám và tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa.

Sau khi sinh, em bé cần được bú sữa mẹ càng sớm càng tốt. Bởi trong sữa mẹ có đầy đủ dưỡng chất để trẻ phát triển và tăng sức đề kháng cho bé. Nên duy trì việc uống sữa mẹ ít nhất một năm đầu đời để trẻ có thể hưởng toàn bộ những điều tốt nhất từ người mẹ. Mặc dù sữa công thức hiện nay đã được nghiên cứu với nhiều thành phần dinh dưỡng nhưng chỉ có nuôi con bằng sữa mẹ mới là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho bé.

Không nên cho bé ăn dặm từ quá sớm, đặc biệt không nên ăn dặm trước 5 tháng tuổi. Không có quy định thời gian cụ thể để cho bé ăn dặm, phụ huynh cần dựa trên những biểu hiện cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm như hào hứng với thức ăn, đã có phản xạ nhai, nuốt, nếm khi được cho thức ăn vào miệng, nhìn miệng người lớn khi ăn,… Khi đã cho trẻ ăn dặm, bố mẹ cần xây dựng thực đơn ăn uống khoa học với đa dạng các loại thực phẩm và có đủ các nhóm chất dinh dưỡng cũng như khoáng chất thiết yếu.

suy-dinh-duong-the-beo-phi-nguyen nha-va-cach-ngan-ngua 3.jpg
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho sự phát triển toàn diện của bé

Bố mẹ cần chú ý đến cân nặng của con, nếu trẻ có dấu hiệu thừa cân nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống của bé. Những thực phẩm giàu chất xơ, vitamin cần được đưa vào bữa ăn, bên cạnh đó cũng nên cho một lượng vừa đủ tinh bột, đạm và chất béo trong thực đơn ăn uống của bé.

Nên cho trẻ tắm nắng thường xuyên vào những thời điểm phù hợp để cơ thể tổng hợp vitamin D tốt hơn. Khuyến khích trẻ vận động thể thao bên trong và bên ngoài trời để nâng cao sức đề kháng, giúp con có vóc dáng cân đối, giảm nguy cơ béo phì hoặc thừa cân.

Hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm nhiều chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ đóng hộp, nước ngọt, nước có gas,… Đây đều là những thực phẩm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ nhưng lại cung cấp thiếu chất dinh dưỡng thiết yếu, dễ dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng thể béo phì.

Hy vọng với những thông tin bổ ích ở trên đã giúp cho các bậc phụ huynh hiểu được thế nào là suy dinh dưỡng thể béo phì. Việc nắm được nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết cũng như cách ngăn ngừa tình trạng này để đưa ra kế hoạch chăm sóc con mình tốt hơn. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên cho trẻ đi khám dinh dưỡng để được kiểm tra chi tiết sức khỏe, kiểm soát được lượng dinh dưỡng trong cơ thể để có thể bổ sung kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm