Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Quy trình đặt sonde dạ dày? Ai cần thực hiện thủ thuật này?

Ngày 23/03/2023
Kích thước chữ

Đặt sonde dạ dày là một trong những thủ thuật y tế liên quan đến dạ dày và hệ tiêu hóa. Những ai cần thực hiện thao tác này và quy trình thực hiện ra sao? Sau khi thực hiện cần kiêng cữ và chăm sóc chuyên sâu như thế nào?

Đặt sonde dạ dày là một phương pháp nuôi ăn dành cho những ai không thể tự bổ sung dinh dưỡng bằng đường miệng. Bên cạnh đó đây còn là một phương thức để có thể thăm khám bệnh. Hãy cùng Long Châu khám phá quy trình thực hiện phương pháp này, những ai cần thực hiện và tham khảo cách chăm sóc người bệnh để đảm bảo hiệu quả tốt nhất nhé!

Đặt sonde dạ dày là gì?

Đây là một thủ thuật y tế được sử dụng để kiểm tra hoạt động của dạ dày và đường tiêu hóa hoặc để bổ sung dinh dưỡng. Cụ thể các bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng và linh hoạt được gọi là sonde qua đường miệng hoặc mũi xuống dạ dày.

Sau khi sonde được đưa vào dạ dày, bác sĩ có thể lấy mẫu dịch vị, đo mức độ axit trong dạ dày và xem xét tình trạng của niêm mạc dạ dày và dạ dày. Thao tác này giúp chẩn đoán các vấn đề về tiêu hóa cụ thể là dạ dày. Ngoài ra nó còn giúp những ai đang bị thương không có khả năng ăn uống bằng miệng có thể được bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Quy trình đặt sonde dạ dày? Ai cần thực hiện thủ thuật này? 1
Đặt sonde dạ dày nhằm mục đích cung cấp dinh dưỡng hoặc kiểm tra hoạt động của đường tiêu hoá

Quy trình đặt sonde dạ dày

Quy trình đặt ống sonde dạ dày không quá phức tạp. Tuy nhiên để tránh những hậu quả đáng tiếc, hãy nhớ các bước của quy trình thực hiện sau đây:

Bước 1: Chuẩn bị

Khi chuẩn bị đặt ống thông dạ dày cẩn thận và kỹ lường. Nếu bệnh nhân vẫn tỉnh táo thì đặt họ ở tư thế nửa nằm nửa ngồi. Nếu bệnh nhân hôn mê thì nên đặt họ ở tư thế đầu nằm thấp, mặt nghiêng về phía trái. Tiếp theo tiến hành đo độ dài của sonde từ cánh mũi tới dái tai, vòng sang mũi ức, với khoảng cách tầm 50cm. Khoảng cách này để đảm bảo ống đặt vào vị trí ngang với dạ dày hoặc từ răng cho tới rốn. Và để tránh tình trạng dầu đọng trong ống gây ra sặc và khó chịu cho bệnh nhân, cần tiến hành bôi trơn đầu ống khoảng 5cm trước khi đặt.

Bước 2: Đặt sonde dạ dày

Để bắt đầu đặt, người bệnh được yêu cầu mở miệng hoặc nếu họ không tỉnh táo thì có thể dùng dụng cụ mở miệng. Nếu việc đưa qua miệng khó khăn, có thể sử dụng đường mũi. Khi đưa ống thông vào miệng, cần phải nhẹ nhàng, đặt sát phía bên má và tránh đi gần vòm họng và lưỡi gà. Nếu bệnh nhân tỉnh táo, hãy khuyến khích họ nuốt xuống trong khi y tá hoặc bác sĩ vẫn đẩy từ từ ống vào đến khi vạch được đánh dấu. Nếu trong khi đặt người bệnh bị ho sặc và tím tái, cần rút ống ra và đặt lại.

Bước 3: Theo dõi, kiểm tra, đánh giá

Sau khi đặt sonde dạ dày cần kiểm tra ống thông bằng cách bơm 30ml khí và nghe tiếng sôi sục từ vùng thượng vị. Ngoài ra có thể dùng tiêm rút dịch vị hoặc nhúng đầu ngoài của ống thông vào một cốc nước sạch để kiểm tra xem có sủi khí hay không. Sau đó, cố định sonde dạ dày bằng băng dính và lắp túi dẫn lưu vào đầu sonde dạ dày. Cuối cùng là ghi lại hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, bao gồm các thông tin sau: Loại ống thông, kích thước, mức độ hợp tác của bệnh nhân và tình trạng của họ trong khi thực hiện.

Quy trình đặt sonde dạ dày? Ai cần thực hiện thủ thuật này? 2
Quá trình đặt ống thông dạ dày cần chuẩn bị kỹ và theo dõi sát sau khi đặt

Đối tượng cần đặt sonde dạ dày

Đối tượng được chỉ định đặt sonde dạ dày bao gồm:

  • Trẻ em được chuẩn đoán bị lao phổi hoặc các vấn đề về đường hô hấp.
  • Bệnh nhân bị mắc bệnh ung thư dạ dày tá tràng hoặc mắc viêm loét dạ dày.
  • Bệnh nhân bị chướng bụng sau các ca phẫu thuật.
  • Bệnh nhân gặp tình trạng khó nuốt thức ăn, khó thở khi ăn hay gặp các vấn đề nghiêm trọng về đường tiêu hóa.
  • Bệnh nhân ngộ độc thực phẩm và phải rửa dạ dày.
  • Bệnh nhân hôn mê, bất tỉnh không thể ăn uống một cách chủ động.

Ngoài ra, phương pháp đặt sonde còn được sử dụng để cung cấp dinh dưỡng cho các bệnh nhân không thể ăn uống đầy đủ hoặc có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.

Quy trình đặt sonde dạ dày? Ai cần thực hiện thủ thuật này? 3
Bệnh nhân ung thư dạ dày hoặc người hôn mê bất tỉnh thường được chỉ định đặt ống thông dạ dày

Đối tượng không được đặt sonde dạ dày

Những đối tượng sau đây không được thực hiện thủ thuật trên:

  • Người bị áp xe ở thành họng.
  • Bệnh nhân bị tổn thương nghiêm trọng tại vùng hàm và mặt.
  • Người có bệnh ở thực quản như chít hẹp, phình tĩnh mạch, co thắt, động mạch thực quản.
  • Bệnh nhân bị nghi hoặc đã xác định bị thủng dạ dày.
  • Bệnh nhân gặp phải các tổn thương thực quản nghiêm trọng như: Ung thư, bỏng thực quản thậm chí teo thực quản.

Thời gian lưu ống sonde là bao lâu?

Sau khi đặt ống thông dạ dày cho bệnh nhân, thời gian lưu ống sẽ kéo dài từ 5 đến 7 ngày để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng. Nếu bệnh nhân đang được điều trị tại cơ sở y tế, nhân viên y tế sẽ thay thế ống sonde. Nếu bệnh nhân được điều trị tại nhà, người chăm sóc cần chú ý đến lịch thay thế ống dạ dày cho người bệnh.

Quy trình đặt sonde dạ dày? Ai cần thực hiện thủ thuật này? 4
Thời gian lưu ống thông dạ dày trong cơ thể thường khoảng 1 tuần

Lưu ý khi chăm sóc người đặt sonde dạ dày

Nếu bạn là người chăm sóc cho bệnh nhân, hãy nhớ kỹ các lưu ý sau đây:

  • Hướng dẫn bệnh nhân về các biểu hiện bất thường có thể xảy ra sau khi đặt ống sonde như: Buồn nôn, khó chịu mệt mỏi và có thể chảy máu ở vị trí đặt ống sonde. Nếu bệnh nhân gặp các biểu hiện này, hãy báo cho nhân viên y tế ngay lập tức để có phương án điều trị kịp thời.
  • Đưa ngay bệnh nhân đi khám khi thấy họ xuất hiện một trong những biểu hiện sau: Nhịp tim không ổn định, tím tái mặt, ho sặc sụa hoặc ngất…
  • Xây dựng thực đơn phù hợp cho bệnh nhân để tránh nguy cơ sặc, nôn trớ. Hãy ưu tiên cho bệnh nhân dùng những thực phẩm cung cấp năng lượng dễ tiêu hóa như cháo súp, sữa và sinh tố là lựa chọn tốt.
  • Khuyên bệnh nhân ăn uống chậm rãi để tránh nôn trớ và trào ngược.
  • Vệ sinh ống sonde sạch sẽ và không bị nhiễm khuẩn và nên tiến hành vệ sinh ống ngay sau khi cho người bệnh ăn.
  • Thay ống sonde định kỳ cho bệnh nhân để đảm bảo vệ sinh và chất lượng ống sonde.
  • Hãy thường xuyên vệ sinh khoang miệng của bệnh nhân bằng nước muối sinh lý hàng ngày.

Việc đặt sonde dạ dày có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy chúng ta không nên chủ quan. Nếu có bất kỳ lo lắng hay thắc mắc nào bạn hãy thảo luận với bác sĩ trước khi quyết định thực hiện. Sau khi thực hiện thủ thuật này tiếp tục theo dõi một cách kỹ lưỡng những biểu hiện bất thường để kịp thời ứng phó.

Nguyễn Khuyên

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.