Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Quy trình lấy máu tĩnh mạch như thế nào để đảm bảo an toàn cho người bệnh?

Ngày 15/12/2023
Kích thước chữ

Lấy máu tĩnh mạch là một thủ thuật rất phổ biến để phục vụ cho nhiều loại xét nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Kỹ thuật viên cần nắm rõ quy trình lấy máu tĩnh mạch để đảm bảo đúng kỹ thuật và an toàn cho người bệnh.

Kỹ thuật lấy máu tĩnh mạch cần được thực hiện bởi những kỹ thuật viên được đào tạo bài bản và dày dặn kinh nghiệm nhằm tránh các sai sót không đáng có. Ngoài ra, để giúp quá trình lấy máu tĩnh mạch được diễn ra thuận lợi cũng cần sự hợp tác và tâm lý ổn định của người bệnh. Hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ giới thiệu về quy trình lấy máu tĩnh mạch đúng kỹ thuật trong bài viết dưới đây nhé.

Tâm lý của người bệnh ảnh hưởng đến quá trình lấy máu như thế nào?

Tâm lý của người bệnh có những ảnh hưởng nhất định đến quá trình lấy máu làm xét nghiệm, cụ thể như sau:

  • Mạch máu sẽ bị co lại do người bệnh quá lo lắng, sợ hãi khi được lấy máu. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc lấy máu và gây mất nhiều thời gian hơn.
  • Những trường hợp người bệnh rút tay lại đột ngột khi kỹ thuật viên lấy máu chỉ vừa đâm kim vào mạch máu có thể gây chệch ven, vỡ ven.

Chính vì thế, người bệnh cần được động viên và giải thích rõ ràng trước khi lấy mẫu máu để giúp họ có tâm lý ổn định nhất, đồng thời sẵn sàng hợp tác. Bên cạnh đó, đối với bệnh nhi thì kỹ thuật viên lấy máu cũng cần phối hợp cùng với phụ huynh dỗ dành trẻ giúp cho quá trình lấy mẫu máu diễn ra một cách thuận lợi hơn.

Quy trình lấy máu tĩnh mạch như thế nào để đảm bảo an toàn cho người bệnh? 1
Tâm lý của người bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình lấy máu

Tâm lý của kỹ thuật viên ảnh hưởng đến quá trình lấy máu như thế nào?

Bên cạnh tâm lý của người bệnh thì tâm lý của kỹ thuật viên cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cũng như kết quả của việc lấy mẫu máu. Đây là được xem là một yếu tố rất quan trọng.

Kỹ thuật viên cần tập trung khi thực hiện thao tác lấy máu nhằm hạn chế tối đa những sai sót có thể xảy ra. Có nhiều trường hợp khi chọc ven lần đầu chưa lấy được mẫu máu sẽ gây ảnh hưởng tâm phần nào đến tâm lý của kỹ thuật viên trong lần thực hiện thứ 2 hoặc thứ 3… Hơn nữa, khi người bệnh tỏ ra đau đớn, không hài lòng hoặc phàn nàn… cũng khiến cho tâm lý của kỹ thuật viên kém đi ít nhiều.

Do vậy, kỹ thuật viên cần chuẩn bị cho bản thân một tâm lý ổn định và thoải mái trước khi lấy mẫu máu để tránh bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài. Nên nhờ kỹ thuật viên khác thực hiện lấy mẫu máu cho bệnh nhân nếu tâm lý của bạn đang không ổn định nhằm tránh gây ra sai sót.

Quy trình lấy máu tĩnh mạch như thế nào để đảm bảo an toàn cho người bệnh? 2
Kỹ thuật viên lấy máu cần ổn định tâm lý để tránh sai sót

Dụng cụ cần chuẩn bị trước khi tiến hành lấy máu

Trước khi tìm hiểu về cách lấy máu tĩnh mạch đúng kỹ thuật, bạn cần nắm được những dụng cụ cần thiết để thực hiện thủ thuật này. Theo đó, trước khi tiến hành lấy mẫu máu, kỹ thuật viên cần chuẩn bị đầy đủ tất cả những dụng cụ y tế cần thiết cho thủ thuật này. Bởi, nếu trong quá trình đang lấy mẫu máu mà bị thiếu dụng cụ thì sẽ rất khó xử lý, đồng thời khiến cho bệnh nhân cảm thấy lo lắng, không được yên tâm.

Những dụng cụ cần thiết cho việc lấy máu tĩnh mạch nói chung, bao gồm:

  • Bơm, kim tiêm vô khuẩn có kích cỡ phù hợp;
  • Cồn sát khuẩn tay nhanh, cồn 70 độ, cồn iot;
  • Kéo, băng keo y tế;
  • Băng ép hoặc băng cuộn (nếu cần);
  • Gối kê;
  • Ống nghiệm;
  • Giá để ống nghiệm;
  • Bút ghi ống nghiệm;
  • Phiếu xét nghiệm;
  • Găng tay y tế;
  • Garo.

Lưu ý cần chọn loại kim lấy mẫu máu thích hợp để tránh gây ra tình trạng vỡ hồng cầu, đồng thời giúp cho quá trình lấy máu được dễ dàng hơn và hạn chế gây đau đớn cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, kỹ thuật viên cần thực hiện đeo găng tay y tế trong suốt quá trình lấy máu và vệ sinh tay ngay sau khi hoàn thành. Vậy quy trình lấy máu tĩnh mạch được thực hiện như thế nào?

Quy trình lấy máu tĩnh mạch như thế nào để đảm bảo an toàn cho người bệnh? 3
Cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ y tế trước khi thực hiện lấy máu tĩnh mạch

Quy trình lấy máu tĩnh mạch diễn ra như thế nào?

Quy trình lấy máu tĩnh mạch được thực hiện theo cách bước như sau:

Xác định vị trí lấy máu

Bạn nên lựa chọn những vị trí tĩnh mạch lấy máu dễ nhất. Và vị trí tĩnh mạch giữa của tình mạch chữ M ở nếp gấp khuỷu tay chính là vị trí thuận lợi nhất. Bạn có thể chuyển sang tay còn lại nếu không thực hiện lấy máu được ở vị trí này. Nếu việc lấy mẫu máu tĩnh mạch vẫn khó khăn, kỹ thuật viên có thể chuyển xuống lấy máu ở mu bàn tay hoặc cổ tay. Đây cũng là những vị trí cũng có thể lấy máu tương đối dễ dàng.

Trong trường hợp thời tiết ngoài trời quá lạnh, bạn có thể yêu cầu và hướng dẫn người bệnh vận động nhẹ nhàng cánh tay để có thể xác định được vị trí lấy máu dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, những người bị thừa cân hoặc béo phì thường sẽ gây khó khăn hơn trong quá trình xác định vị trí lấy máu.

Đối với trường hợp không thể nhìn rõ được mạch máu, hãy sử dụng tay để cảm nhận nhịp đập của mạch máu. Đồng thời, kỹ thuật viên cũng cần xác định chuẩn xác đường đi của tĩnh mạch. Đây chính là yếu tố rất quan trọng giúp hạn chế được tình trạng đâm xuyên mạch hoặc đâm chệch kim.

Quy trình lấy máu tĩnh mạch như thế nào để đảm bảo an toàn cho người bệnh? 4
Xác định vị trí ven lấy máu là bước rất quan trọng trong quy trình lấy máu tĩnh mạch

Thao tác lấy máu

Khi đã chuẩn bị đầy đủ các thủ tục hành chính cần có, dụng cụ y tế cần thiết, xác định được chính xác vị trí tĩnh mạch cũng như đã ổn định tâm lý, kỹ thuật viên có thể tiến hành lấy mẫu máu tĩnh mạch theo các bước sau đây:

  • Garo cánh tay phía trên vị trí lấy máu khoảng 5cm.
  • Dùng cồn 70 độ để sát khuẩn vị trí lấy máu.
  • Tiến hành đam kim qua da và tiến đến vị trí tĩnh mạch. Thao tác này cần được thực hiện một cách dứt khoát nhưng vẫn cần được kiểm soát, bởi nếu đẩy kim quá nhanh có thể dẫn đến tình trạng vỡ mạch máu hoặc kim đi xuyên quan thành mạch.
  • Khi kim đã được đưa vào đúng tĩnh mạch và thấy máu chảy vào đốc kim, thì bạn cần thực hiện rút máu chậm và đều tay để không làm thay đổi áp lực một cách đột ngột, không gây co mạch đột ngột và không gây vỡ hồng cầu. Bởi, việc rút máu nhanh, nhất là đối với trường hợp có mạch máu mỏng sẽ khiến mạch máu co chặt lại và không thể tiếp tục rút máu ra bơm tiêm được nữa.
  • Bên cạnh đó, kỹ thuật viên cũng cần cố định kim tiêm thật tốt để tránh dẫn tới hiện tượng kim tuột ra khỏi lòng mạch. Cần cố gắng cố định kim ở vị trí nhất định, hạn chế đẩy kim sâu thêm vào mạch máu hoặc rút kim lại.
  • Sau khi đã lấy đủ lượng máu cần thiết, kỹ thuật viên cần tháo garo và rút kim nhanh chóng, đồng thời đặt bông vô khuẩn khô vào vị trí vừa lấy máu và băng lại bằng ago hoặc băng dính y tế. Dặn người bệnh không được day bông hoặc gập mạnh tay để tránh nguy cơ vỡ mạch.
  • Trường hợp chưa lấy đúng ven hoặc chưa rút đủ lượng máu cần thiết, kỹ thuật viên cần bình tĩnh thao tác lại và nhẹ nhàng điều chỉnh lại kim tiêm.

Nếu đã điều chỉnh hướng kim tiêm 3 lần mà vẫn không thể lấy máu, kỹ thuật viên nên lựa chọn lại vị trí lấy máu khác. Đồng thời, hãy giải thích rõ ràng cho bệnh nhân hiểu rõ hơn về tình trạng này để giúp họ cảm thấy an tâm và thoải mái hơn khi bạn đang cố gắng thực hiện lấy máu. Nếu đã thử ở nhiều vị trí khác những vẫn không thể lấy được mẫu máu, bạn có thể nhờ kỹ thuật viên khác thực hiện thay.

Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn đọc nắm chắc được quy trình lấy máu tĩnh mạch. Kỹ thuật viên cần thực hiện theo đúng quy trình lấy máu để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Đặc biệt là hãy giữ vững tâm lý của bản thân cũng như động viên và ổn định tâm lý cho bệnh nhân để giúp quá trình lấy máu tĩnh mạch được diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Cơ thể người