Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ: Điều cha mẹ cần đặc biệt lưu ý

Ngày 25/05/2022
Kích thước chữ

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ có thể khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Nếu biết những điều này, cha mẹ có thể bình tĩnh xử lý khi bé bị rối loạn tiêu hóa.

Rối loạn tiêu hóa không phải một căn bệnh nguy hiểm nhưng lại rất thường gặp ở trẻ em. Một cuộc khảo sát đã cho thấy có đến hơn 40% trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Chỉ cần nắm được những thông tin dưới đây, cha mẹ có thể bình tĩnh xử lý khi hệ tiêu hóa của bé bất ổn. 

Nguyên nhân chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Tìm hiểu chính xác nguyên nhân sẽ giúp cha mẹ biết cách xử lý khi trẻ rối loạn tiêu hóa hiệu quả. Theo các bác sĩ chuyên khoa, trẻ bị rối loạn tiêu hóa do các nguyên nhân thường gặp như:

Hệ tiêu hóa còn non nớt

Với trẻ nhỏ, tuyến tụy và tuyến nước bọt chưa thể bài tiết đủ enzym amylase để tiêu hóa tinh bột. Gan cũng chưa thực sự hoàn thiện để chuyển hóa hiệu quả các chất bột đường, chất béo và chất đạm. Dạ dày cũng chưa tiết đủ dịch vị để tiêu hóa thức ăn. Hệ tiêu hóa còn non nớt kết hợp với việc thay đổi đột ngột chế độ ăn dễ khiến bé bị rối loạn tiêu hóa. 

Sử dụng kháng sinh

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ cũng thường xảy ra khi bé phải dùng kháng sinh dài ngày. Kháng sinh có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh nhưng vô tình cũng tiêu diệt nhóm lợi khuẩn trong đường ruột. Khi tỷ lệ lợi khuẩn giảm, tỷ lệ hại khuẩn tăng, các vấn đề về tiêu hóa bắt đầu xuất hiện.

rối loạn tiêu hóa ở trẻ 1 Có nhiều nguyên nhân khiến hệ tiêu hóa của trẻ bất ổn định

Thức ăn nhiễm bẩn hoặc dị ứng thức ăn

Các loại thức ăn nhiễm bẩn, thức ăn tái sống có thể tiềm ẩn nhiều loại vi khuẩn như: Salmonella, E. coli, Staphylococcus aureus, Bacillus cereus… Chúng gây ngộ độc thực phẩm và biểu hiện phổ biến nhất là tiêu chảy. Nhiều bé bị rối loạn tiêu hóa do dị ứng với protein hoặc đường lactose trong sữa hoặc dị ứng các thành phần trong thức ăn.

Chế độ dinh dưỡng bất hợp lý

Các bác sĩ cũng cho rằng thức ăn không phù hợp cũng là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa cho trẻ. Thức ăn quá cứng, lượng thức ăn vượt quá nhu cầu hoặc ăn quá nhiều chất đạm và chất béo cũng là nguyên nhân gây khó tiêu, đầy bụng và đi ngoài ở trẻ. 

Mất cân bằng vi sinh đường ruột gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Trong đường ruột khỏe mạnh, lợi khuẩn và hại khuẩn sinh sống cộng sinh. Trong đó lợi khuẩn chiếm đến 85%. Tỷ lệ lợi khuẩn quá thấp, tỷ lệ hại khuẩn quá cao dẫn đến loạn khuẩn. Đường ruột loạn khuẩn sẽ khó tránh rối loạn tiêu hóa ở trẻ.

Trẻ mắc bệnh lý 

Các bệnh lý đường ruột như viêm ruột, viêm đại tràng, viêm loét dạ dày cũng là “thủ phạm” của chứng rối loạn tiêu hóa. Nhiều trẻ bị bệnh celiac cũng sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng về tiêu hóa khi ăn phải thức ăn chứa gluten - một loại protein trong lúa mạch và lúa mì.

Dấu hiệu trẻ bị rối loạn tiêu hóa

Bên cạnh nguyên nhân, cha mẹ cũng cần hiểu rõ những triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em để không lo lắng thái quá. Khi thấy trẻ có một trong những dấu hiệu dưới đây, cha mẹ có thể “nghi ngờ” bé bị rối loạn tiêu hóa: 

Trẻ đại tiện quá nhiều hoặc quá ít

Trẻ đi ngoài quá nhiều lần ngày hoặc từ 2 - 3 ngày trở lên không đi ngoài đều là những rối loạn đại tiện đáng báo động. Tiêu chảy có thể đi kèm tình trạng sống phân, phân có dịch nhầy, phân có máu. 

rối loạn tiêu hóa ở trẻ 2 Dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh dễ nhận biết nhất là rối loạn đại tiện

Nôn ói và buồn nôn nhiều

Trẻ nôn ói nhiều lần trong vòng 6 giờ cũng là một dấu hiệu nhận biết rối loạn tiêu hoá ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, phần lớn trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi thường gặp tình trạng nôn trớ sinh lý. Vì vậy các bậc cha mẹ phải theo dõi thật kỹ để tránh nhầm lẫn dẫn đến phát hiện chứng rối loạn tiêu hóa quá muộn. 

Đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ cũng thường có biểu hiện đau bụng. Trẻ chưa biết nói khi đau bụng sẽ khóc dữ dội, không thể dỗ dành. Cùng với đó là các dấu hiệu như bé co chân lên bụng, mặt nhăn nhó, bàn tay nắm chặt… Trẻ có thể bị đau bụng theo cơn, mức độ đau sẽ tăng dần khi hệ tiêu hóa bị kích thích. 

Đầy hơi, khó tiêu, ăn kém

Tình trạng đầy hơi có thể làm bụng trẻ bị căng tròn, gõ vào âm vang ngay cả khi ăn từ 1 đến 2 tiếng. Không khí tích tụ trong dạ dày gây khó chịu. Vì vậy bé không muốn ăn, ăn ít hơn một nửa khẩu phần ăn hàng ngày. Nhiều trẻ còn có cảm giác buồn nôn khi thấy thức ăn. 

Đi ngoài kèm sốt

Sốt không phải biểu hiện quá phổ biến của chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Tuy nhiên, khi đường ruột bị nhiễm khuẩn, cơ thể sẽ có phản ứng chống viêm và nhiệt độ cơ thể tăng cao. Trẻ đi ngoài kèm sốt cần được theo dõi sát sao để tránh mất nước và co giật. 

rối loạn tiêu hóa ở trẻ 3 Phát hiện rối loạn tiêu hóa ở trẻ sớm sẽ hạn chế được ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần 

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ xử lý như thế nào?

Trong hầu hết các trường hợp, rối loạn tiêu hóa ở trẻ em không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nếu cha mẹ không chăm sóc trẻ bị rối loạn tiêu hóa đúng cách, tình trạng này sẽ kéo dài làm suy giảm thể lực, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tránh trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa quá lâu khiến hệ tiêu hóa của bé bị tổn thương, gây ra những hậu quả lâu dài như biếng ăn, chậm phát triển hoặc gặp một số biến chứng cấp tính nguy hiểm khác.

Dưới đây là những việc cha mẹ cần làm ngay khi con bị rối loạn tiêu hóa:

Bù nước và điện giải

Rối loạn tiêu hóa kéo theo tiêu chảy, nôn trớ, sốt… Các tình trạng này gây mất nước, mất clo và natri, vì thế ba mẹ cần chú ý việc bù nước cho trẻ. Đối với trẻ sơ sinh, ba mẹ cần tăng số lần bú cho trẻ. Trẻ trên 1 tuổi cần uống thêm nhiều nước, nhất là các loại nước bù điện giải. 

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý

Ngoài việc duy trì các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, các mẹ nên xây dựng thêm thực đơn đặc biệt hơn hằng ngày cho trẻ. Một số thực phẩm thích hợp cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa như: Khoai lang, táo, chuối, các loại rau xanh đậm, thịt trắng. Đồng thời, nên tránh cho bé ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, sữa và các chế phẩm từ sữa (ngoại trừ sữa chua không đường);,các loại nước ngọt, đồ uống có ga…

Bổ sung men vi sinh

Men vi sinh tiêu hóa hỗ trợ giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ một cách hiệu quả. Các sản phẩm men vi sinh giúp bổ sung lợi khuẩn, cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Không chỉ cải thiện nhanh chóng tình trạng rối loạn tiêu hóa, men vi sinh còn giúp trẻ ăn ngon hơn, hấp thu tốt hơn, sức đề kháng cao hơn.

rối loạn tiêu hóa ở trẻ 4 Rối loạn tiêu hóa ở trẻ có thể chữa khỏi bằng các loại men vi sinh, thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ không phải tình trạng hiếm gặp, thậm chí có nhiều bé bị tái lại nhiều lần. Với những kiến thức trên đây, hy vọng các bậc cha mẹ thông thái sẽ bình tĩnh hơn, tự tin hơn để chăm sóc con khi gặp vấn đề về tiêu hóa. Chúc bé luôn khỏe để cha mẹ luôn vui!

Xem thêm:

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin