Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sáp dầu khoáng: Thành phần phổ biến trong mỹ phẩm dưỡng ẩm

Ngày 27/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nếu sử dụng mỹ phẩm thường xuyên, bạn sẽ nhìn thấy một thành phần rất phổ biến được ghi trên nhãn sản phẩm, đó là sáp dầu khoáng. Vậy thành phần này là gì, có công dụng gì với sức khỏe nói chung và làn da nói riêng, khi sử dụng có gây ra tác dụng phụ nào không?

Sáp dầu khoáng có tên tiếng Anh là Petroleum jelly, được sử dụng nhiều trong lĩnh vực y tế và đặc biệt là lĩnh vực làm đẹp vì có công dụng dưỡng ẩm và giữ ẩm, làm lành vết thương, vết bỏng nhẹ,... Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu về thành phần này và cách sử dụng như thế nào cho đúng nhé.

Sáp dầu khoáng là gì?

Sáp dầu khoáng là một hỗn hợp bao gồm sáp và dầu khoáng, là một chất bán rắn giống như thạch. Chất này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1858 khi các máy móc tại địa điểm khoan dầu bị tắc nghẽn bởi lớp dầu đặc quánh. Sau khi được chắt lọc và tinh chế thì lớp dầu này thành sáp dầu khoáng. Khi các công nhân dầu mỏ đã phát hiện rằng dùng chất gel màu trắng đục này có thể làm lành vết cắt và các vết bỏng trên da của họ thì sau đó sáp dầu khoáng được đóng gói và bán rộng rãi. 

Bạn sẽ thường gặp sáp dầu khoáng ở một sản phẩm rất quen thuộc, đó là Vaseline, một thương hiệu sản phẩm của Unilever, có thành phần 100% là từ sáp dầu khoáng. Khi nghe đến cụm từ “Petroleum jelly”, bạn sẽ nghĩ đến hình ảnh những chiếc hủ đầy ụ chất gel màu trắng đục. Ngoài ra, sáp dầu khoáng cũng có thể là một thành phần chính kết hợp các thành phần khác trong nhiều loại kem dưỡng ẩm, son dưỡng môi và một số loại mỹ phẩm.

Sáp dầu khoáng có rất nhiều công dụng, đặc biệt không có quá nhiều hóa chất, chất phụ gia, chất kích ứng tiềm ẩn trong sản phẩm nên rất tốt cho làn da nhạy cảm. Điều này có nghĩa là trong sáp dầu khoáng tinh khiết không có tinh dầu hay chất tạo hương thơm, các chất gây mẩn đỏ và nổi mụn.

Sáp dầu khoáng: Thành phần phổ biến trong mỹ phẩm dưỡng ẩm
Sáp dầu khoáng là một hỗn hợp bao gồm sáp và dầu khoáng, là một chất bán rắn giống như thạch

Công dụng của sáp dầu khoáng

Vì thành phần chính là dầu mỏ nên sáp dầu khoáng có những công dụng như sau:

Chữa xước da nhẹ, bỏng nhẹ: Sáp dầu khoáng có thể làm lành vết thương trên da như bỏng nhẹ trên da, vết trầy xước nhẹ hoặc được dùng để bôi lên vùng da sau phẫu thuật. Trước khi bôi sáp dầu khoáng, để tránh tích tụ vi khuẩn cần vệ sinh sạch sẽ và khử trùng vùng da cần bôi.

Dưỡng ẩm: Với công dụng cấp ẩm, sáp dầu khoáng có thể dưỡng ẩm cho toàn thân cũng như từng vùng da trên cơ thể như mũi, môi, mặt, bàn tay, gót chân. Những sản phẩm có thành phần là sáp dầu khoáng rất có ích khi bị dị ứng hoặc khi sử dụng trong mùa khô lạnh. Trước khi bôi sáp lên gót chân hoặc bàn tay bị khô nẻ, bạn nên ngâm tay, chân với nước muối ấm, sau đó lau sạch. Để việc dưỡng ẩm hiệu quả hơn, nên bôi sáp dưỡng và đeo găng tay hoặc mang vớ sạch.

Ngừa hăm tã ở trẻ sơ sinh: Sản phẩm từ sáp dầu khoáng tạo ra một hàng rào ngăn không cho da bị ẩm ướt thường xuyên do tã, giúp bảo vệ da và phòng ngừa hăm tã ở trẻ sơ sinh. Trước khi bôi kem sáp dầu khoáng cho trẻ nên rửa sạch và lau khô vùng da cần bôi.

Tẩy trang vùng mắt: Đối với người thường xuyên trang điểm, có thể dùng sáp dầu khoáng để tẩy trang vùng mắt rất an toàn. Để sử dụng, bạn có thể dùng cây tăm bông, lấy ít sáp và lăn nhẹ ở vùng da mắt, lưu ý nhớ nhắm mắt lại trong khi bôi sáp. Bạn cũng có thể bôi sáp lên chỗ vết chân chim ở vùng đuôi mắt để tẩy trang.

Giảm chẻ ngọn: Với tóc bị khô do thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc đi bơi, bôi một lượng nhỏ sáp dầu khoáng lên tóc có thể làm giảm tình trạng tóc bị chẻ ngọn, đồng thời tạo độ bóng cho tóc.

Kết hợp với thuốc nhuộm tóc, nước hoa, sơn móng tay: Khi chuẩn bị nhuộm tóc hoặc sơn móng tay, bôi một lớp sáp dầu khoáng lên da có thể ngăn ngừa tình trạng ố da do thuốc nhuộm hoặc sơn dính lên da. Khi dùng nước hoa, để giúp hương nước hoa được lưu giữ trên da lâu hơn, bạn có thể bôi sáp dầu khoáng làm nền.

Sáp dầu khoáng: Thành phần phổ biến trong mỹ phẩm dưỡng ẩm 2
Sáp dầu khoáng có thể dưỡng ẩm cho toàn thân cũng như từng vùng da trên cơ thể

Một số tác dụng phụ do sáp dầu khoáng

Dù sáp dầu khoáng mang đến nhiều lợi ích, tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng ngoài da, không được dùng trong miệng hay sử dụng như chất bôi trơn ở cơ quan sinh dục vì vi khuẩn có thể thâm nhập, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm. Tùy vào loại sáp dầu khoáng hay sản phẩm mà việc sử dụng có thể gây ra một số tác dụng phụ tiềm ẩn như:

Dị ứng: Những người có làn da nhạy cảm dùng sáp dầu khoáng hay những sản phẩm có thành phần từ dầu mỏ có thể dễ bị dị ứng. 

Nhiễm trùng: Trước khi bôi sáp dầu khoáng, cần làm sạch và khử trùng da để tránh vi khuẩn, vi nấm tích tụ. Nếu bình, lọ chứa sáp dầu khoáng bị nhiễm nấm, khi chúng ta bôi lên da có vết thương hở, cũng có thể làm lây lan vi khuẩn.

Tắc nghẽn lỗ chân lông: Sáp dầu khoáng có thể làm bít lỗ chân lông và gây mụn nên cần làm sạch da trước khi bôi sáp dầu khoáng để tránh nguy cơ bị mụn.

Viêm phổi: Cần cẩn thận khi bôi sáp dầu khoáng ở vùng mặt, đặc biệt là gần mũi, vì có thể làm tăng nguy cơ bị viêm phổi, nhất là trẻ em khi hít phải sáp dầu khoáng.

Sử dụng mỹ phẩm có chứa sáp dầu khoáng cần lưu ý gì?

Để dùng sáp dầu khoáng an toàn và không gây hại cho da khi sử dụng, tốt nhất bạn nên chọn sản phẩm có thành phần sáp dầu khoáng tinh khiết, được chưng cất ba lần (ví dụ như sản phẩm Vaseline). Vì trong sáp dầu khoáng nguyên chất có một số thành phần có khả năng làm tăng nguy cơ gây bệnh ung thư.

Ngoài ra, cần theo dõi những bất thường có thể xuất hiện trên da trong lần đầu tiên sử dụng sáp dầu khoáng, ví dụ như dị ứng hoặc phát ban.

Nếu bạn muốn thay thế sáp dầu khoáng, có thể dùng sản phẩm có nguồn gốc thực vật thay thế. 

Sáp dầu khoáng: Thành phần phổ biến trong mỹ phẩm dưỡng ẩm 3
Bạn có thể sử dụng sáp dầu khoáng như dùng mỹ phẩm mỗi ngày

Làm sao sử dụng sáp dầu khoáng an toàn?

Khi sử dụng sáp dầu khoáng, bạn cần lưu ý những điều sau:

Tần suất sử dụng

Không có quy định nào về tần suất sử dụng sáp dầu khoáng. Bạn có thể sử dụng như dùng mỹ phẩm mỗi ngày, nhưng vẫn cần lưu ý trong một số trường hợp: 

  • Không nên sử dụng sáp dầu khoáng khi bạn có da dầu hoặc da dễ bị mụn trứng cá vì có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông.
  • Thận trọng khi bôi sáp dầu khoáng lên các vết thương hở hoặc ở những nơi bị nhiễm trùng. 

Sáp dầu khoáng tinh chế và chưa tinh chế

Nói về độ an toàn khi sử dụng sáp dầu khoáng, bạn nên hiểu được sự khác biệt giữa sáp dầu khoáng tinh chế và chưa tinh chế. Sáp dầu khoáng cấp USP (cấp độ tinh khiết nhất), ở Anh được gọi là BP, ở châu Âu gọi là Ph.Eur, không giống với loại chưa được tinh chế được cho là chất gây ung thư. 

Sáp dầu khoáng: Thành phần phổ biến trong mỹ phẩm dưỡng ẩm 4
Bạn nên lựa chọn các loại sáp dầu khoáng USP đã tinh chế để an toàn khi dùng

Với các sản phẩm có thành phần sáp dầu khoáng, không phải nhà sản xuất nào cũng lựa chọn loại sáp dầu khoáng tinh chế. Một vài hãng sử dụng sáp dầu khoáng tinh chế cấp thấp và vẫn còn tồn tại PAHs, một hợp chất gây ung thư. Bạn nên lựa chọn các loại sáp dầu khoáng USP vì nó cung cấp thông tin về nơi tinh chế và các tiêu chuẩn về độ tinh khiết. 

Tóm lại, sáp dầu khoáng có công dụng dưỡng ẩm da và hỗ trợ điều trị các vết bỏng hoặc vết trầy nhẹ. Với trường hợp da có vấn đề hoặc vết thương nặng, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm