Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tác hại khó lường khi bà bầu nhịn tiểu

Ngày 16/09/2022
Kích thước chữ

Thành phần nước tiểu có chứa các chất dư thừa cần được đào thải ra ngoài. Do đó nhịn tiểu là một thói quen xấu khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, việc bà bầu nhịn tiểu còn có thể gây nhiều tác hại khó lường cho cả mẹ và thai nhi.

Khi mang thai, cơ thể chị em có không ít thay đổi, nhất là nhu cầu đi vệ sinh mỗi ngày tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu không muốn bỏ dở công việc hay ngại thức dậy nhiều lần vào ban đêm nên thường nhịn tiểu, lâu dần hình thành thói quen xấu.

Tác hại khôn lường khi bà bầu nhịn tiểu

Việc phải thường xuyên chạy vào nhà vệ sinh khiến nhiều mẹ bầu cảm thấy ngại với mọi người xung quanh nên hay nhịn tiểu. Một phần các chất thải có trong nước tiểu sẽ thẩm thấu lại gây hại cho cơ thể mẹ, mặt khác lượng chất lỏng ứ đọng này cũng tạo môi trường thuận lợi cho sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài. Do đó, liên tục nhịn tiểu trong thai kỳ có thể khiến các chị em đối mặt với những triệu chứng nguy hiểm.

Tác hại khó lường khi bà bầu nhịn tiểu

Mẹ bầu nhịn tiểu sẽ kéo theo nhiều tác hại khôn lường

Tác động xấu đến mẹ

  • Tiểu són, tiểu rắt: Nhịn tiểu thường xuyên khiến cho phản xạ tiểu tiện ở mẹ bầu không còn đúng theo chu kỳ tự nhiên. Từ đó dễ mắc thêm các chứng tiểu són, tiểu rắt gây khó chịu và bất tiện trong sinh hoạt.
  • Nhiễm trùng tiết niệu: Niệu đạo ngắn khiến vi khuẩn gây viêm nhiễm từ hậu môn và âm đạo dễ xâm nhập vào đường tiết niệu khi bàng quang của mẹ bầu đầy ứ nước tiểu. Chúng sinh sôi phát triển và gây nhiễm trùng tiết niệu với các biểu hiện đi tiểu nhiều lần, đi tiểu đau, tiểu ra máu, tiểu lắt nhắt…
  • Nhiễm trùng thận: Đây là biến chứng có thể xảy ra nếu mẹ bầu bị nhiễm trùng tiết niệu nhưng không được điều trị đúng cách và kịp thời. Bên cạnh đó, còn có nguy cơ tiến triển thành các bệnh lý nghiêm trọng hơn như: Viêm bàng quang, suy thận… Nguy hại hơn, mẹ bầu còn có thể bị nhiễm trùng huyết.
  • Sỏi thận: Nước tiểu lắng đọng lâu ngày trong bàng quang do nhịn tiểu thường xuyên sẽ tích tụ và gây ra bệnh sỏi thận.

Gây hại cho thai nhi

  • Sinh con nhẹ cân: Khi mẹ bầu bị viêm đường tiết niệu nhưng không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng đài bể thận. Đây cũng là nguyên nhân khiến mẹ sinh ra trẻ nhẹ cân hơn bình thường.
  • Sinh non: Viêm bàng quang do nhịn tiểu gây ra cũng là lý do khiến mẹ bầu có thể phải chuyển dạ sớm. Các triệu chứng nhiễm trùng ở bộ phận này gây kích thích tử cung và hình thành các cơn co thắt ở thai phụ. Bên cạnh đó, nhiễm trùng đường tiết niệu cũng gây ra các kích thích co thắt tương tự này khiến cho mẹ bầu có nguy cơ sinh non.
  • Gây suy thai: Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc nhịn tiểu lâu ở các bà bầu dù là trong những tháng cuối thai kỳ sẽ khiến suy tim thai. Dung tích nước tiểu tăng lên khiến bàng quang phình to ra, chèn ép ngược lại tử cung khiến thai nhi gặp phải các vấn đề về hô hấp hoặc tiếp nhận dinh dưỡng và trở nên yếu hơn.
  • Thai chết lưu: Nguy hiểm hơn, việc nhịn tiểu dẫn đến biến chứng mẹ bầu bị viêm thận, bể thận khiến thai nhi có thể bị chết lưu vì không được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Với những tác hại của việc nhịn tiểu khi mang thai vừa kể trên, các mẹ bầu hãy từ bỏ thói quen xấu này và không nên ngại ngần với việc phải đi tiểu thường xuyên. Đồng thời, để ngừa nguy cơ mắc bệnh đường tiết niệu, chị em trong thai kỳ cần uống đủ nước khoảng 2 lít mỗi ngày.

Nếu theo dõi và thấy xuất hiện những triệu chứng bệnh liên quan tới thận - tiết niệu thì mẹ bầu nên đi khám bác sĩ ngay để được xử trí kịp thời.

Tác hại khó lường khi bà bầu nhịn tiểu

Bà bầu nhịn tiểu còn có thể gây ra tác hại đối với thai nhi

Biện pháp phòng ngừa tác hại xảy ra khi bà bầu nhịn tiểu

Biết được các tác hại khi nhịn tiểu lâu sẽ giúp các mẹ bầu có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Cụ thể:

  • Nên đi tiểu ngay khi có nhu cầu, hạn chế tối đa việc nhịn tiểu.
  • Hạn chế lượng nước sử dụng trước khi đi ngủ. Dù tình trạng đi tiểu nhiều có thể gây khó chịu và bất tiện với phụ nữ mang thai, tuy nhiên bạn vẫn cần bổ sung đầy đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển mạnh khỏe, toàn diện của thai nhi. Để tránh tình trạng đi tiểu nhiều ban đêm, dễ dẫn đến mất ngủ, mẹ bầu có thể uống nhiều nước vào ban ngày và hạn chế uống nhiều nước trước khi đi ngủ. 
  • Các loại đồ uống như cà phê, coca, soda... đều có tính chất lợi tiểu, vì vậy để tránh đi tiểu nhiều lần mẹ bầu nên hạn chế sử dụng các loại thức uống này.
  • Để giúp mẹ bầu hạn chế tình trạng đi tiểu đêm, các chị em đang mang thai nên đi tiểu trước khi đi ngủ. Trong trường hợp cần đi tiểu đêm, để đảm bảo không nguy hiểm cho các mẹ bầu khoảng cách từ giường đến nhà vệ sinh cần đảm bảo an toàn, vị trí công tắc đèn được bố trí thuận lợi và không có vật cản khi di chuyển.
  • Vào những ngày quá bận rộn, các thai phụ có thể tìm cách hạn chế số lần đi tiểu bằng cách sử dụng ít nước uống lại một chút. Tuy nhiên, lưu ý đừng bao giờ uống ít hơn 2 lít.
  • Nhằm ngăn ngừa các vấn đề về việc đi tiểu trong thai kỳ, các mẹ bầu nên tập luyện cơ sàn chậu với các bài tập Kegel.
  • Tương tự như việc uống nước, mẹ bầu không ăn các loại trái cây nhiều nước như: Cam, bưởi, dưa hấu… trước giờ đi ngủ khoảng 1-2 tiếng.
  • Mẹ bầu nên nằm nghiêng khi ngủ để giảm áp lực lên bàng quang, từ đó giảm số lần đi tiểu đêm. Đặc biệt, nằm nghiêng về bên trái khi ngủ còn giúp thai nhi trong bụng mẹ nhận được lượng oxy nhiều hơn và khỏe mạnh hơn.

Tác hại khó lường khi bà bầu nhịn tiểu

Các bài tập Kegel rất tốt cho đường tiểu của phụ nữ mang thai

Không chỉ cực kỳ có hại với người bình thường, nhịn tiểu trong thời kỳ mang thai còn gây rất nhiều tác hại khôn lường cho cả mẹ và bé. Đã có không ít trường hợp mẹ bầu bị nhiễm trùng thận, bể thận thậm chí nhiễm trùng huyết và gây hại đến thai nhi chỉ vì thói quen xấu này. Do đó, khi có nhu cầu thì mẹ bầu cần đi tiểu ngay. Trường hợp đi tiểu nhiều kèm theo triệu chứng rát buốt, ngứa ngáy, tiểu ra máu... thì có thể mẹ đã bị viêm đường tiết niệu, lúc này cần đến cơ sở y tế thăm khám ngay.

Minh QA

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin