Long Châu

Tiểu đêm là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tiểu đêm, hay chứng đa niệu về đêm, là thuật ngữ y học chỉ tình trạng đi tiểu nhiều vào ban đêm. Nếu bạn phải thức dậy từ hai lần trở lên mỗi đêm để đi tiểu, bạn có thể mắc chứng tiểu đêm. Bên cạnh việc làm gián đoạn giấc ngủ của bạn, tiểu đêm cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tiểu đêm là gì? 

Tiểu đêm là nhu cầu phải thức dậy từ 2 lần trở lên và đi tiểu vào ban đêm. Đa niệu về đêm là trường hợp thể tích nước tiểu được tạo ra vào ban đêm quá nhiều nhưng thể tích nước tiểu 24 giờ trong giới hạn bình thường.

Chúng ta thường gặp bệnh nhân tiểu đêm từ 2 lần trở lên và là nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ. Tiểu đêm làm tăng nguy cơ té ngã và chấn thương cho người lớn tuổi.

Nam giới tiểu đêm từ 2 lần trở lên có nguy cơ tử vong cao gấp 2 lần so với người bình thường, có thể có mối liên quan giữa tiểu đêm với bệnh lý nội tiết và tim mạch.

Phân loại

Tiểu đêm chia thành 3 loại:

Đa niệu toàn thể: Khi thể tích nước tiểu 24h trên 2.8l (trên 40ml/kg/giờ) sau khi đánh giá nhật ký đi tiểu 3 ngày. Đa niệu toàn thể có thể gây ra do lợi niệu do thải muối hoặc thải nước, làm bệnh nhân khát nhiều, uống nhiều. Uống nhiều, khát nhiều có thể do nguyên nhân tâm lý hoặc do thói quen.

  • Lợi niệu do thải nước: Phân biệt lợi niệu do thải muối và do thải nước bằng cách đo độ thẩm thấu nước tiểu.

  • Lợi niệu thẩm thấu: Ở người bình thường, thể tích nước tiểu ban đêm được điều chỉnh một phần do bài tiết natri, kali, ure. Tuy nhiên, phần lớn natri, kali, ure được bài tiết vào ban ngày. Hơn nữa, nồng độ ADH ban đêm rất cao. Do đó, cơ thể sản xuất ít nước tiểu vào ban đêm.

  • Uống nhiều do nguyên nhân tâm lý: Cần tư vấn tâm lý và tư vấn về nội tiết.

Đa niệu về đêm: Người cao tuổi tạo ra nhiều nước tiểu hơn vào ban đêm và thể tích nước tiểu cho mỗi lần đi tiểu thấp hơn so với bình thường.

Dung tích bàng quang giảm:

  • Cơ detrusor tăng hoạt;

  • Viêm bàng quang và/hoặc xơ hóa bàng quang;

  • Các bệnh lý vùng chậu.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tiểu đêm

Nếu bạn phải dậy từ hai lần trở lên mỗi đêm để đi vệ sinh, đây là dấu hiệu rõ ràng của chứng tiểu đêm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tiểu đêm

Có rất nhiều nguyên nhân gây tiểu đêm, các nguyên nhân này được xếp thành các nhóm chính sau đây:

  • Ung thư.
  • Rối loạn giấc ngủ: Rối loạn giấc ngủ có thể do bệnh nhân lo âu, do rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ (ví dụ: Ngưng thở lúc ngủ), do trầm cảm, do dùng thuốc ngủ, do uống rượu, do đau, do một số bệnh thần kinh, do tuổi cao, dĩ nhiên tiểu đêm cũng gây mất ngủ.
  • Bệnh lý vùng chậu: Bệnh nhân có thể tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu đêm, đau khi giao hợp. Khối u vùng chậu, bướu ở các cơ quan lận cận có thể gây tiểu nhiều lần.
  • Suy tim và phù ngoại biên.
  • Suy thận, bệnh thận mạn tính - hội chứng thận hư: Hội chứng thận hư gây tiểu đạm dẫn đến lợi niệu thẩm thấu.
  • Nhiễm trùng tiểu tái phát: Gây tiểu đêm từng đợt kết hợp với tiểu nhiều lần vào ban ngày, gây tiểu gắt, đau vùng trên xương mu.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) tiểu đêm?

Tuổi cao: Tiểu đêm thường gặp khi bệnh nhân lớn tuổi, quá trình lão hóa gây ra một số rối loạn: Rối loạn bài tiết ADH; Mất nước tại thận (lão hóa gây giảm khả năng cô đặc nước tiểu của thận); Giảm đáp ứng của hệ renin - angiotensin - aldosterone; Tăng hormone lợi niệu từ tâm nhĩ.

Bệnh lý liên quan tuyến tiền liệt.

Mãn kinh: Tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp xảy ra sau khi mãn kinh do đường tiết niệu dưới teo lại. Bổ sung estrogen/progesterone có thể cải thiện triệu chứng cho một số bệnh nhân.

Thai kỳ: Tiểu đêm thường gặp trong trong thai kỳ, đặc biệt trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba mà không rõ cơ chế.

Bệnh lý tắc nghẽn đường hô hấp: Làm cho áp lực đường thở tăng, tăng co thắt mạch máu ở phổi, làm tăng áp lực tâm nhĩ phải, làm cho thận thải nhiều muối và nước do tác dụng của hormone lợi niệu từ tâm nhĩ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) tiểu đêm

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh này, chẳng hạn như:

  • Uống nước vào buổi tối, đặc biệt là uống trà, hoặc cà phê, ca cao, chocolate, uống rượu.

  • Thuốc gây tiểu đêm: Thuốc lợi tiểu, lithium, theophylline, phenytoin, thuốc phong bế kênh canxi,…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tiểu đêm

Sau khi khai thác bệnh sử (thời gian khởi phát bệnh, tiền sử gia định, bệnh sử liên quan đến tiểu đêm) và khám lâm sàng, hỏi tiền căn nội khoa và ngoại khoa, thuốc đang dùng, chúng ta có thể xác định nguyên nhân gây tiểu đêm:

  • Tìm dấu hiệu phù ngoại biên và triệu chứng suy tim.

  • Tìm cầu bàng quang, khối u vùng chậu và khối u ổ bụng.

  • Khám thần kinh: Nếu có triệu chứng thần kinh thì khám phản xạ lòng bàn chân để đánh giá rối loạn neuron vận động trên.

  • Khám vùng chậu.

Cận lâm sàng giúp đánh giá bệnh nhân tiểu đêm:

  • Tổng phân tích nước tiểu: Tìm hồng cầu, bạch cầu, vi trùng, trụ niệu. Nếu (+) thì cấy nước tiểu để giúp điều trị phù hợp.

  • Xét nghiệm máu: Đường huyết, điện giải trong huyết thanh, nồng độ creatinine, nồng độ canxi máu.

Phương pháp điều trị tiểu đêm hiệu quả

Xử trí tiểu đêm dựa vào:

  • Ý muốn bệnh nhân;

  • Ý kiến chuyên gia;

  • Dựa theo kinh nghiệm;

  • Thay đổi lối sống;

Nếu có bế tắc dòng ra từ bàng quang và PSA bình thường, thì chúng ta thử điều trị bằng alpha blocker, thường có tác dụng. Nếu không có tác dụng, chúng ta khảo sát thêm, đo niệu dòng đồ. Bế tắc dòng ra khi áp lực tống xuất cao và tốc độ dòng nước tiểu giảm.

Giảm đa niệu về đêm

Giảm lượng nước và loại nước uống vào cơ thể gần thời điểm đi ngủ sẽ giúp ích cho bệnh nhân.

Điều trị suy tim sung huyết.

Mang vớ ép hai chân để giảm ứ đọng dịch ở khoang thứ ba, kê cao chân vào ban ngày giúp cơ thể tái hấp thu dịch vào tuần hoàn.

Dùng lợi tiểu ít nhất 6 giờ trước khi ngủ giúp cơ thể thải nước trước khi đi ngủ.

Desmospressin

Desmopressin là chất đồng vận của vasopressin có tác dụng giống ADH nhưng không có tác dụng co mạch. Thuốc này được khuyến cáo điều trị tiểu dầm cho trẻ em, điều trị đa niệu về đêm cho người lớn khi không biết nguyên nhân.

Hiệu quả: Làm giảm sản xuất nước tiểu vào ban đêm.

Điều trị tăng hoạt động cơ detrusor

Luyện tập bàng quang.

Dùng antimuscarinic (oxybutinin, tolterodine).

Điều trị viêm bàng quang

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tiểu đêm

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Hỗ trợ giấc ngủ: Tránh dùng chất kích thích trà, rượu, cà phê; Dùng thuốc giảm lo âu; Điều trị ngưng thở lúc ngủ.

Chế độ dinh dưỡng

Chưa có thông tin.

Phương pháp phòng ngừa tiểu đêm hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Giảm lượng rượu uống từ 2 đến 4 giờ trước khi đi ngủ có thể giúp bạn không cần đi tiểu đêm. 

  • Tránh đồ uống có cồn và cafein cũng có thể hữu ích, cũng như có thể đi tiểu trước khi đi ngủ. 

  • Một số thực phẩm có thể là chất kích thích bàng quang, chẳng hạn như sô cô la, thực phẩm cay, thực phẩm có tính axit và chất làm ngọt nhân tạo. 

  • Các bài tập Kegel và vật lý trị liệu sàn chậu có thể giúp tăng cường cơ vùng chậu của bạn và cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/urination-excessive-at-night#diagnosis
  2. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị năm 2017 – Bệnh viện Bình Dân.

Các bệnh liên quan

  1. Hội chứng thận hư bẩm sinh

  2. Són tiểu

  3. Suy thận

  4. Đi tiểu nhiều

  5. Thận ứ nước

  6. Ghép thận

  7. Viêm cầu thận cấp

  8. U tuỷ thượng thận

  9. Viêm bàng quang

  10. Đau thận