Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tại sao khi ăn dứa bị rát lưỡi? Bật mí một số cách ăn dứa không bị rát lưỡi

Ngày 23/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Dứa không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn là một nguồn dinh dưỡng phong phú cho cơ thể. Trái dứa là nguồn cung cấp vitamin B, C, E, K, canxi, sắt, magiê, photpho và nhiều dưỡng chất khác. Tuy nhiên, đôi khi ăn dứa ta có thể cảm thấy ngứa rát trên lưỡi.

Vậy tại sao có tình trạng trên và làm sao để khắc phục điều đó? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc về ăn dứa bị rát lưỡi và mách bạn những bí quyết giảm thiểu tình trạng này. Hãy cùng khám phá qua bài viết dưới đây.

Quả dứa có chứa thành phần gì?

Quả dứa là nguồn cung cấp nước với hàm lượng lớn đạt 75,7%, cùng với đó là các chất dinh dưỡng quan trọng như protid (0,68%), lipid (0,06%), glucid (18,4%) được chia thành hai loại saccharose (12,43%) và glucose (3,21%). Thêm vào đó là các chất chiết xuất (4,35%), cellulose (0,57%) và tro (1,24%). Quả dứa cũng chứa nhiều loại axit như acid malic và acid citric cùng với vitamin A, B và C.

Đặc biệt, trong thân quả lá của dứa chứa một loại men tiêu hoá là bromelin, tập trung nhiều ở lõi trắng của chồi dứa. Bromelin có khả năng thuỷ phân protein với lượng bằng 1000 lần trọng lượng của nó trong vài phút, tương đương với khả năng của pepsin và papain. Dịch chiết bromelin vẫn giữ hoạt tính ở pH 3,5 sau khi đun sôi trong 60 phút.

Ngoài ra, dứa cũng là nguồn cung cấp các khoáng chất và vi lượng quan trọng cho cơ thể như iod, mangan, kalium, magnesium, calcium, sắt, lưu huỳnh và phosphor.

quả dứa có chứa thành phần gì 1
Dứa chứa nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe

Công dụng của dứa mang đến cho sức khỏe

Theo y học cổ truyền, quả dứa có hương vị ngọt chua, tính bình và có tác dụng giải khát. Nước ép dứa giúp tiêu hóa tốt, giảm táo bón. Rễ dứa có tác dụng lợi tiểu. Ngoài ra, nõn dứa cũng có tác dụng làm mát cơ thể và giúp thanh lọc độc tố. Dịch ép từ lá và quả xanh giúp tẩy độc và nhuận tràng.

Theo y học hiện đại, nước dứa có tác dụng chống lão hóa và làm lành vết thương. Quả dứa chứa nhiều chất dinh dưỡng và hợp chất hoạt tính sinh học như vitamin C và bromelain. Vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp ngăn ngừa sự oxy hóa và chống lại ung thư, viêm và lão hóa. Bromelain là một chất chiết xuất có tính chống viêm và thúc đẩy quá trình lành vết thương, nên được ứng dụng sau phẫu thuật. 

Trong thân dứa còn có Tacorin, một chất chiết xuất có khả năng tăng tốc quá trình tái tạo mô, ngăn chặn tình trạng viêm và đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương. Do đó, nước dứa là một loại thực phẩm vừa có giá trị dinh dưỡng cao vừa có tác dụng chống oxy hóa và làm lành vết thương. 

Quả dứa đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi ăn dứa lại rất dễ gặp tình trạng rát lưỡi. Rất nhiều câu hỏi thắc mắc xoay quanh vấn đề này. Hãy cùng tìm câu trả lời qua phần viết dưới đây nhé!

Tại sao ăn dứa lại bị rát lưỡi?

Khi ăn quá nhiều dứa, có thể gây cảm giác rát ở miệng, ngứa lưỡi và có thể là do hàm lượng enzyme bromelain trong quả. Enzyme bromelain là một hỗn hợp các enzyme tiêu hóa, có nhiều lợi ích cho sức khỏe bao gồm chống viêm nhiễm. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với da nhạy cảm xung quanh miệng, enzyme bromelain có tác dụng làm mềm thịt, phân hủy protein trên môi, lưỡi và má, dẫn đến cảm giác đau rát. Thường thì cảm giác này sẽ mất đi sau vài tiếng.

Nếu cảm giác rát vẫn còn hoặc xuất hiện các triệu chứng như phát ban, nổi mày đay, khó thở, bạn cần đi khám ngay lập tức vì đó có thể là triệu chứng của dị ứng dứa.

Phần lõi của quả dứa chứa hàm lượng bromelain nhiều hơn gấp 20 lần so với phần thịt, vì vậy nó gây rát lưỡi nhiều hơn. Tuy nhiên, không nên bỏ lõi dứa khi ăn vì bromelain có nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm: Hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa ở dạ dày và ruột, chia nhỏ protein giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn, tăng hiệu quả của một số loại thuốc như kháng sinh, an thần và chống co giật, cũng như giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Vậy có cách nào để có thể giữ phần lõi của dứa nhưng lại không làm bạn bị rát lưỡi khi ăn? Hãy tham khảo một số cách dưới đây.

tại sao ăn dứa bị rát lưỡi 2
Khi ăn quá nhiều dứa, có thể gây cảm giác rát ở miệng

Bật mí một số cách ăn dứa không bị rát lưỡi

Ngâm dứa với muối

Để tránh cảm giác rát lưỡi khi ăn dứa, sau khi gọt vỏ, hãy cắt nó thành những miếng nhỏ và ngâm trong nước muối khoảng 10 phút. Quá trình ngâm sẽ ức chế protein và giảm thiểu cảm giác rát lưỡi. Bên cạnh đó, ngâm qua muối còn làm giảm chất protease, đó chính là chất gây ra cảm giác rát lưỡi khi tiếp xúc với da và miệng. Nếu loại bỏ phần mắt của dứa, cảm giác rát lưỡi sẽ giảm đáng kể.

tai-sao-khi-an-dua-lai-bi-rat-luoi 3.jpg
Mẹo ngâm dứa với muối để ăn không bị rát lưỡi

Ngâm dứa với baking soda

Bạn có thể ngâm dứa vào dung dịch baking soda. Đầu tiên, bạn hãy cho một thìa baking soda vào nước sôi và khuấy cho tan đều (không cần thêm muối). Sau đó, cho các miếng dứa đã cắt vào ngâm trong dung dịch này khoảng 2 - 3 phút, sau đó rửa lại với nước sạch. Lúc này, bạn có thể ăn dứa trực tiếp mà không bị cảm giác rát lưỡi.

Chế biến dứa với các món ăn

Khi chế biến dứa bằng cách xào nấu, khả năng gây cảm giác rát lưỡi sẽ giảm đi đáng kể so với khi ăn dứa sống. Tuy nhiên, bạn nên vẫn gọt vỏ dứa thật kỹ và loại bỏ mắt dứa trước khi xào nấu. Sau đó, rửa sạch dứa qua nước muối hoặc ngâm trong dung dịch baking soda để làm giảm lượng enzym bromelain có trong dứa. Nếu có trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi ăn, bạn nên cẩn thận và đảm bảo chế biến dứa đúng cách để tránh tình trạng dị ứng.

Bài viết trên hy vọng đã cung cấp những thông tin liên quan và giải đáp thắc mắc cho câu hỏi "Tại sao ăn dứa bị rát lưỡi?". Dứa là một loại trái cây nhiệt đới có nhiều tác dụng tuyệt vời, nếu bạn biết cách chế biến đúng sẽ giúp bạn cảm thấy ngon miệng hơn, kích thích vị giác và đem đến nhiều dưỡng chất cho cơ thể. 

Ngọc Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm