Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Lưỡi là một bộ phận vô cùng linh hoạt của cơ thể chúng ta, giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày từ việc hỗ trợ tiêu hóa đến chức năng ngôn ngữ, vị giác. Chưa dừng lại đó, những bất thường ở lưỡi còn là dấu hiệu cảnh báo chúng ta về một số bệnh lý thường gặp. Vậy lưỡi bình thường khác lưỡi bệnh lý ra sao? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn có câu trả lời.
Lưỡi bình thường là một chỉ số phản ánh tình trạng sức khỏe. Quan tâm chăm sóc lưỡi đúng cách bằng việc duy trì vệ sinh răng miệng sạch sẽ và chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp kiểm soát lưỡi lẫn sức khỏe tổng thể của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy lưỡi mình có những thay đổi bất thường, lâu ngày không hết, bạn nên đi khám để được xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Lưỡi bình thường của người trưởng thành khỏe mạnh thường sẽ mềm mại, thon dài, màu sắc từ hồng đậm đến hồng nhạt. Bộ phận này được bao phủ bởi một lớp màng trắng mỏng và có tới 5.000 gai (nhú) chứa đầy các tế bào thần kinh giao tiếp với não.
Bên cạnh việc góp phần vào quá trình tiêu hóa bằng cách trộn thức ăn với nước bọt, mạng lưới dây thần kinh phong phú của lưỡi bình thường còn giúp nó trở thành một thành phần quan trọng trong việc cảm nhận vị giác lẫn chức năng ngôn ngữ ở người.
Trong Y học cổ truyền, lưỡi còn là một công cụ giúp cung cấp những thông tin có giá trị liên quan đến tình hình sức khỏe của cơ thể.
Khi lưỡi bình thường không còn ở trạng thái khỏe mạnh, điều đó có thể chỉ ra các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Cụ thể:
Lưỡi nhợt nhạt có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu hoặc thiếu sắt, trong khi đó lưỡi màu đỏ có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, viêm lưỡi, thiếu niacin, bệnh tim hoặc bệnh Kawasaki.
Lưỡi đen (thường là tạm thời) có thể là do vi khuẩn phát triển, do một số loại thuốc hoặc hóa trị gây ra. Lưỡi màu tím cảnh báo các vấn đề về tim mạch, máu lưu thông kém.
Lưỡi khô, nứt hoặc mất lớp phủ màu trắng đặc trưng bao phủ lưỡi có thể là dấu hiệu của tình trạng mất nước hoặc nhiễm trùng nấm men. Các gai trên bề mặt lưỡi bị teo hoặc mất đi một cách bất thường, xuất hiện các đường màu trắng như hình dạng bản đồ thì có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt dinh dưỡng...
Lông xuất hiện trên bề mặt lưỡi thường là do sự tích tụ keratin sau khi sử dụng kháng sinh hoặc vệ sinh răng miệng kém. Trong khi đó, những vết loét hoặc tổn thương viêm có thể phát sinh từ vết loét miệng hoặc chấn thương.
Lưỡi bình thường là một chỉ số quan trọng về sức khỏe tổng thể của chúng ta. Tuy nhiên, trên thực tế bộ phận này thường ít được chúng ta quan tâm. Như bao bộ phận khác, lưỡi cũng rất dễ mắc bệnh lý, mỗi loại bệnh có nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị riêng.
Dưới đây là thông tin chi tiết về một số tình trạng bệnh lý về lưỡi phổ biến, dấu hiệu nhận biết cũng như các bước bạn có thể thực hiện để đảm bảo lưỡi của mình luôn khỏe mạnh.
Viêm lưỡi xảy ra khi lưỡi bị viêm, thường do nhiễm trùng (vi khuẩn, virus hoặc nấm), thiếu hụt dinh dưỡng (chẳng hạn như thiếu vitamin B và PP, sắt) hoặc các tình trạng tiềm ẩn như màng áp tơ miệng và bệnh giang mai.
Các triệu chứng bao gồm lưỡi đỏ hoặc nhợt nhạt, sưng tấy và có thể có mụn nước hoặc vết nứt. Điều trị viêm lưỡi thường tập trung vào việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ, có thể bằng kháng sinh, thuốc chống nấm hoặc bổ sung dinh dưỡng, bên cạnh đó bệnh nhân phải kết hợp duy trì vệ sinh răng miệng đúng cách.
Bệnh đặc trưng bởi những vết loét gây đau đớn, khó chịu trên mặt bụng lưỡi, chóp lưỡi khiến việc ăn uống và nói chuyện trở nên khó khăn. Điều trị loét lưỡi Aphthae thường bao gồm thuốc chống viêm và giảm đau để giảm bớt sự khó chịu.
Bạch sản biểu hiện dưới dạng các mảng trắng trên lưỡi và sàn miệng, cảnh báo những thay đổi tiền ung thư tiềm ẩn. Trường hợp này phải kiểm tra và sinh thiết các mảng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng và loại trừ bệnh ác tính.
Ung thư biểu mô tế bào vảy là dạng ung thư lưỡi phổ biến nhất, đôi khi tiến triển từ bạch sản hoặc ban đầu không có triệu chứng. Việc phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng để có kết quả tích cực.
Tình trạng này được biểu hiện bằng các tổn thương màu trắng kem trên lưỡi do nấm Candida phát triển quá mức. Điều trị bệnh nấm miệng bao gồm thuốc chống nấm, chế độ ăn uống cân bằng và vệ sinh răng miệng đúng cách.
Bệnh sốt scarlet do vi khuẩn Streptococcus pyogenes gây ra, biểu hiện sốt cao và lưỡi nổi gai màu đỏ giống "lưỡi dâu tây". Tình trạng này cần được chăm sóc y tế kịp thời và được điều trị bằng kháng sinh.
Vệ sinh răng lưỡi thường xuyên đối với lưỡi bình thường hay lưỡi có bệnh lý đều rất quan trọng, tuy nhiên không phải ai cũng lưu ý và làm theo đúng cách. Răng miệng sạch sẽ sẽ giúp chúng ta ngăn ngừa hôi miệng và giảm nguy cơ mắc bệnh lý, bao gồm các bệnh lý ở lưỡi. Dưới đây là tất cả những gì bạn cần biết để giữ cho lưỡi luôn được sạch sẽ và khỏe mạnh.
Giống như bàn chải đánh răng, dụng cụ cạo lưỡi cần được thay thế ba tháng một lần để đảm bảo hiệu quả và vệ sinh. Sau mỗi lần sử dụng, hãy vệ sinh thật sạch và bảo quản ở nơi khô ráo để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển.
Khi làm sạch lưỡi bình thường hàng ngày, bạn thực hiện nhẹ nhàng, lực vừa đủ để loại bỏ mảng bám mà không làm tổn hại đến bề mặt. Nếu cạo mạnh lưỡi có thể dẫn đến trầy xước, chảy máu và có khả năng bị nhiễm trùng hoặc tạo thành các rãnh tồn tại lâu dài trên lưỡi.
Khi gặp bất kỳ tổn thương nào ở lưỡi, bạn nên tạm dừng thực hiện trong vài ngày, bên cạnh đó không ăn thức ăn cay để tránh gây kích ứng cho lưỡi, giúp lưỡi nhanh phục hồi.
Để có sức khỏe răng miệng tối ưu, hãy làm sạch lưỡi hàng ngày, lý tưởng nhất là hai lần một ngày. Việc vệ sinh lưỡi thường xuyên sẽ ngăn ngừa sự tích tụ của vi khuẩn và mảng bám, giữ cho khoang miệng của bạn khỏe mạnh hơn và hơi thở thơm mát hơn.
Tóm lại, một chiếc lưỡi bình thường khỏe mạnh không chỉ quan trọng đối với vị giác và chức năng ngôn ngữ mà nó còn là tấm gương phản ánh sức khỏe tổng thể của bạn. Vệ sinh răng miệng thường xuyên, thiết lập chế độ ăn uống cân bằng và chú ý kịp thời đến bất kỳ thay đổi nào về hình dáng, bề mặt, màu sắc lưỡi sẽ giúp bạn chủ động ngăn ngừa những tình trạng bệnh lý về lưỡi có thể xảy ra.
Xem thêm:
Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.