Bệnh tiêu chảy xuất hiện quanh năm, nhưng tốc độ lây lan nhanh và thường xuyên nhất nhất là vào mùa hè oi nóng.
Khi nào được coi là bị tiêu chảy cấp?
Tiêu chảy là chỉ số lần đại tiện tăng, thường mỗi ngày trên 3 lần, phân loãng hoặc như nước, có khi còn lẫn những chất không bình thường như thức ăn chưa tiêu hóa, niêm dịch bởi chế độ ăn không thích hợp gây rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy thường) hoặc toàn nước có lẫn máu và bệnh diễn ra nhiều ngày khoảng từ 5 - 7 ngày (tiêu chảy cấp).
Tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 80% trong số đó xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Tiêu chảy cấp là một trong những bệnh về đường tiêu hóa thường gặp nhất ở trẻ em, nhất là vào mùa hè. Tiêu chảy cấp rất dễ lây lan, có nguy cơ gây suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ nếu không được chăm sóc và điều trị đúng.
Tiêu chảy là chỉ số lần đại tiện tăng, thường mỗi ngày trên 3 lần khiến người mắc mệt mỏi
Tại sao mùa nắng nóng dễ bị tiêu chảy cấp?
Virus, vi khuẩn
Có rất nhiều loại vi sinh vật có khả năng phát triển mạnh vào mùa hè, trong đó có những loại thuộc hệ tiêu hóa. Một số loại nguy hiểm nhất là vi khuẩn tả, vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn lỵ và vi khuẩn E.coli, virút rota.
Đáng chú là vi khuẩn tả (V.cholerae). Đây là một loại vi khuẩn có độc lực rất mạnh. Triệu chứng của bệnh tiêu chảy do vi khuẩn tả rất rầm rộ, diễn biến phức tạp, người bệnh bị mất nhiều nước và chất điện giải trong một thời gian rất ngắn.
Ngộ độc thực phẩm
Một đặc điểm khá nổi bật là mùa nắng nóng thường hay dùng nước, kem, nước đá để giải khát, nếu chúng không vô khuẩn rất dễ nhiễm độc, gây tiêu chảy. Mùa nắng nóng thực phẩm rất dễ hỏng (cả thực phẩm tươi sống, cả thực phẩm chín) nếu không được bảo quản tốt, ăn phải các loại thực phẩm này rất dễ bị ngộ độc thực phẩm gây tiêu chảy cấp.
Mùa hè nắng nóng, đồ ăn dễ bị thiu, hỏng khiến người ăn bị ngộ độc thực phẩm, dẫn tới tiêu chảy
Khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh thường có biểu hiện: đau bụng, đi ngoài dữ dội sau khi ăn, nôn mửa, tiêu chảy, sốt cao…
Uống rượu, bia
Bia, rượu vốn là thức uống ưa thích của phần đông nam giới Việt trong những ngày hè oi bức. Thế nhưng, nhiều người không biết rằng đây lại chính là nguyên nhân dẫn tới đau bụng đi ngoài. Bởi lẽ, trên bàn nhậu thường có các đồ ăn nhiều dầu mỡ hoặc thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, cộng với nồng độ có trong rượu, bia vào đường ruột làm chết lợi khuẩn, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Vệ sinh kém
Nhiệt độ nắng nóng thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm mốc, ruồi, muỗi, gián, kiến… dễ lây lan mầm bệnh đường tiêu hóa qua thức ăn và nước uống, dẫn đến hiện tượng đau bụng, tiêu chảy.
Do đó, bạn cần phải vệ sinh môi trường hợp lý như:
- Cần phải quản lý phân, chất thải thật tốt;
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên để loại bỏ nấm, mốc, các loại côn trùng xâm nhập vào đồ ăn, thức uống gây bệnh;
- Sử dụng nguồn nước sạch cho việc sinh hoạt và ăn uống;
- Rửa tay sạch sẽ với xà phòng trước ăn và sau khi đi vệ sinh.
Không hấp thụ đường
Một số người có cơ địa không dung nạp được các loại đường như: lactose, glucose-galactose, fructose từ trái cây, mật ong, sữa và các chế phẩm từ sữa… cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu chảy kéo dài.
Đối tượng nguy cơ mắc tiêu chảy cấp
Những người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh tiêu chảy:
- Những người ăn uống và sống gần với người bị tiêu chảy đều dễ mắc bệnh nếu không áp dụng các biện pháp phòng bệnh
- Dân cư sống tại những khu vực sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, đổ thẳng phân ra cống, mương, ao, hồ, sông, suối...sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
- Những người hay có thói quen ăn uống đồ chưa chế biến kĩ hay không hợp vệ sinh, hay ăn rau sống, thủy hải sản chưa sạch cũng có nguy cơ mắc bệnh.
- Ngoài ra, dân cư tại khu vực bị ngập lụt và sau ngập lụt cũng dễ mắc bệnh.
Người ăn uống gần người bị tiêu chảy, hoặc ăn đồ chế biến chưa kĩ đều dễ bị mắc bệnh
Nguyên tắc xử trí có dấu hiệu tiêu chảy cấp
Khi thấy có dấu hiệu tiêu chảy cấp, phải đưa ngay người bệnh, nhất là trẻ em và người cao tuổi đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Không được để bệnh nhân ở nhà hoặc tự mua thuốc tự điều trị vì có thể nguy hiểm đến tính mạng và làm lây lan mầm bệnh, gây dịch cho gia đình và cộng đồng nếu do vi khuẩn hoặc virus gây bệnh.
Khi chưa có điều kiện đưa ngay người bệnh đến bệnh viên, tại gia đình có thể cho uống dung dịch oresol (pha đúng tỷ lệ theo hướng dẫn) hoặc nước gạo rang, cháo loãng, uống nhiều nước.
Nếu trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi hoặc trẻ suy dinh dưỡng bị tiêu chảy phải đưa đến ngay cơ sở y tế như là một điều bắt buộc để chủ động phòng tránh những nguy cơ trầm trọng xảy ra.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú ý, người nhà không hướng dẫn hay bản thân người bệnh không tự ý uống thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Thanh Hoa