Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Tầm quan trọng của sàng lọc ung thư phổi

Ngày 27/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mục tiêu của việc tầm soát ung thư phổi là phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn rất sớm, khi có nhiều khả năng chữa khỏi. Khi các dấu hiệu và triệu chứng ung thư phổi phát triển, ung thư thường đã quá tiến triển để điều trị khỏi. Các nghiên cứu cho thấy tầm soát ung thư phổi làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư phổi.

Bài viết được tham vấn từ Bác sĩ Kristine Xie

Bác sĩ gia đình, thuộc Bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore.

Nguyên nhân gây ung thư phổi là gì và tại sao việc sàng lọc sớm lại quan trọng? Hãy tìm hiểu về ung thư phổi và cách sàng lọc, điều trị và phòng ngừa bệnh thông qua bài chia sẻ của bác sĩ Kristine Xie dưới đây.

Ung thư phổi là gì?

Ung thư phổi là ung thư xuất phát ở phổi. Nguyên nhân là do sự phát triển không kiểm soát của các tế bào bất thường trong phổi, đây là loại ung thư phổ biến thứ 3 ở nam và nữ tại Singapore. Từ năm 2014 - 2018, 14% tổng số ca mắc ung thư ở nam là do ung thư phổi và 7,5% ở nữ. Tại Singapore, ung thư phổi cũng là nguyên nhân gây tử vong do ung thư hàng đầu (26,45%) ở nam giới và chiếm 15,7% số ca tử vong do ung thư ở nữ giới.

Có 2 loại ung thư phổi chính: Ung thư phổi tế bào nhỏ (Small Cell Lung Cancer - SCLC) và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (Non Small Cell Lung Cancer - NSCLC).

Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC)

SCLC chiếm khoảng 10 - 15% tổng số ca ung thư phổi. Nó thường được gọi là ung thư tế bào yến mạch vì các tế bào ung thư trông giống như hạt yến mạch dưới kính hiển vi. SCLC thường ác tính hơn và phát triển nhanh hơn NSCLC. Nó thường liên quan đến việc hút thuốc và có thể di căn nhanh chóng sang các bộ phận khác của cơ thể.

Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC)

NSCLC là loại ung thư phổi phổ biến nhất, chiếm khoảng 85% tổng số ca ung thư phổi. Có 3 loại NSCLC:

  • Ung thư biểu mô tuyến: Đây là loại phổ biến nhất, bắt đầu trong các tế bào tuyến sản xuất chất nhầy. Nó có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của phổi và thường gặp ở những người không hút thuốc và phụ nữ.
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy: Loại này bắt đầu trong các tế bào mỏng, phẳng dọc theo đường dẫn khí của phổi. Nó thường được tìm thấy ở trung tâm của phổi, gần các ống phế quản.
  • Ung thư biểu mô tế bào lớn: Loại này ít phổ biến hơn và có thể xuất hiện ở bất kỳ phần nào của phổi. Nó có khuynh hướng phát triển và di căn nhanh chóng.

Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi là gì?

Hút thuốc là nguyên nhân chính gây ung thư phổi và ước tính có khoảng 80 - 90% trường hợp ung thư phổi là do sử dụng thuốc lá. Ngay cả việc hút thuốc thụ động đôi khi cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi và nguy cơ này càng tăng lên ở những người hút thuốc chủ động, hút thuốc lâu năm.

Tầm quan trọng của sàng lọc ung thư phổi 1
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi

Khi hút thuốc, người hút hít phải nhiều hóa chất độc hại chẳng hạn như hắc ín, một số chất hữu cơ dễ bay hơi và carbon monoxide, có thể làm tổn thương ADN trong các tế bào niêm mạc đường thở. Theo thời gian, tổn hại này có thể dẫn đến sự phát triển của tế bào ung thư. Những hóa chất độc hại này cũng có nhiễm ở toàn bộ cơ thể, dẫn đến ung thư ở hầu hết mọi bộ phận của cơ thể cũng như tổn thương các cơ quan và mạch máu.

Trong khi đó hút thuốc chủ động và tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng là nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC) (loại ung thư phổi phổ biến nhất), thậm chí những người không hút thuốc cũng có nguy cơ mắc bệnh K thể này. Tại Singapore, theo thống kê 25% số người chưa bao giờ hút thuốc lá vẫn bị mắc bệnh ung thư phổi.

Các nguyên nhân khác gây ung thư phổi là gì?

  1. Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi: Đây cũng là yếu tố nguy cơ mắc ung thư phổi. Nếu tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư phổi, điều quan trọng là phải tham vấn với bác sĩ để xác định nguy cơ và tầm soát kịp thời. Trong trường hợp gia đình có người mắc ung thư phổi bạn cần bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động và thường xuyên kiểm tra sức khỏe nếu có yếu tố nguy cơ cao.
  2. Tiền sử bệnh phổi: Các bệnh về phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hoặc bệnh lao có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
  3. Tiếp xúc với amiăng và các chất có hại khác: Những người làm việc hoặc tiếp xúc với amiăng và các chất hoặc hóa chất độc hại khác bao gồm bụi than, silica, cromat và asen, có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
  4. Tiếp xúc với radon: Radon là một loại khí tự nhiên có trong đá, đất và vật liệu xây dựng. Nó là một phần của bức xạ nền tự nhiên mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày. Nhìn chung, nguy cơ phơi nhiễm radon ở Singapore được cho là thấp và ảnh hưởng của việc phơi nhiễm có thể không rõ ràng. Để giảm mức độ tiếp xúc với radon hãy kiểm tra và xử lý vệ sinh nhà sạch sẽ, nếu cần có thể sử dụng các chất bịt kín các vết nứt trên tường. Làm thông thoáng không khí trong không gian sống cũng sẽ làm giảm tiếp xúc với radon.
  5. Ô nhiễm không khí: Tiếp xúc với các nguồn gây ô nhiễm như khí thải xe cộ, thiết bị đốt trong gia đình và chất thải công nghiệp có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí giết chết khoảng 7 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm. Ô nhiễm không khí xung quanh là nguyên nhân gây ra khoảng 16% số ca tử vong do ung thư phổi.

Sàng lọc ung thư phổi

Có một số xét nghiệm sàng lọc có thể được sử dụng để phát hiện ung thư phổi:

  • Chụp cắt lớp vi tính thấp liều (Low dose computed tomography - LDCT): Đây là loại tia X sử dụng liều phóng xạ thấp để tạo ra hình ảnh chi tiết về phổi. Đây được coi là xét nghiệm sàng lọc ung thư phổi hiệu quả nhất.
  • Chụp X-quang ngực: Đây là phương pháp chụp X-quang truyền thống cho các hình ảnh bao gồm phổi, tim và mạch máu. Tuy nhiên, chụp X-quang ngực kém nhạy hơn LDCT và có thể không phát hiện được các khối u nhỏ. Ngoài ra, chụp X-quang ngực khiến bệnh nhân tiếp xúc với mức độ bức xạ cao hơn so với chụp CT liều thấp.
  • Xét nghiệm đờm: Xét nghiệm này bao gồm việc phân tích một mẫu đàm để tìm tế bào ung thư.
  • Nội soi phế quản: Xét nghiệm này bao gồm việc đưa một ống mỏng, linh động được trang bị camera vào phổi qua mũi hoặc miệng để tìm dấu hiệu ung thư.
  • Xét nghiệm máu: Mặc dù không được sử dụng phổ biến để sàng lọc, một số xét nghiệm máu nhất định như xét nghiệm protein hoặc biểu hiện gen, có thể được sử dụng để phát hiện ung thư phổi trong một số trường hợp nhất định.
Tầm quan trọng của sàng lọc ung thư phổi 2
Nên thực hiện các xét nghiệm để sàng lọc ung thư phổi

Bộ Y tế Singapore khuyến cáo những người có nguy cơ cao nên sàng lọc thường xuyên để phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn đầu, khi bệnh có khả năng điều trị cao hơn. Đối tượng nên thực hiện sàng lọc ung thư phổi bao gồm:

  • Từ 55 đến 74 tuổi, hút một gói thuốc lá mỗi ngày trong 30 năm trở lên và vẫn đang tiếp tục hút thuốc.
  • Từ 55 đến 74 tuổi, đã hút một bao thuốc lá mỗi ngày trong 30 năm trở lên và đã bỏ thuốc lá.

Cơ quan dịch vụ đặc biệt phòng ngừa bệnh tật Hoa kỳ (The US Preventive Services Task Force - USPSTF) khuyến nghị sàng lọc ung thư phổi hàng năm bằng chụp cắt lớp vi tính liều thấp (LDCT) với hình ảnh sử dụng liều phóng xạ thấp để tạo ra hình ảnh chi tiết về phổi, ở những người sau:

  • Độ tuổi 55 - 80.
  • Người có tiền sử hút thuốc ít nhất 30 gói/năm (một gói/năm tương đương với hút một gói thuốc lá mỗi ngày trong một năm).
  • Hiện đang hút thuốc hoặc đã bỏ hút thuốc trong vòng 15 năm qua.

Nếu ai đáp ứng các tiêu chí sàng lọc ung thư phổi trên,hãy trao đổi với bác sĩ về lợi ích và rủi ro của LDCT để thực hiện sàng lọc.

Nếu chưa muốn thực hiện sàng lọc ung thư phổi thì cũng có nhiều cách khác để giảm nguy cơ ung thư phổi như bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động và các chất kích thích phổi khác như có lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh.

Làm thế nào ngăn ngừa ung thư phổi?

Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa ung thư, nhưng bạn có thể giảm nguy cơ bằng cách duy trì những lối sống lành mạnh. Điều quan trọng nữa là phải tuân theo các hướng dẫn sàng lọc được khuyến nghị để có thể giúp phát hiện sớm bệnh ung thư.

  • Bỏ hút thuốc: Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa ung thư phổi là cai cách để giúp bạn bỏ thuốc bao gồm liệu pháp thay thế nicotine, thuốc theo toa và tư vấn hành vi. Trao đổi với bác sĩ để xác định phương pháp tốt nhất cho bạn.
  • Tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động: Cách duy nhất để bảo vệ bản thân và những người thân yêu khỏi sự nguy hiểm của khói thuốc thụ động là đảm bảo môi trường 100% không khói thuốc.
  • Giảm tiếp xúc với không khí ô nhiễm: Tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm ngoài trời bằng cách thay đổi lộ trình tập thể dục và di chuyển để tránh giờ cao điểm, đồng thời giảm ô nhiễm không khí trong nhà thông qua hệ thống thông gió tốt, từ đó giúp giảm nguy cơ ung thư phổi.
  • Tăng cường vận động: Tập thể dục thường xuyên có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn và giảm nguy cơ phát triển ung thư phổi.
  • Dinh dưỡng: Một chế độ ăn uống lành mạnh giàu trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư phổi.
  • Sàng lọc ung thư phổi: Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư phổi, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ về việc sàng lọc bằng chụp CT phổi liều thấp. Điều này có thể giúp phát hiện sớm ung thư phổi và điều trị hiệu quả hơn.

Hãy nhớ rằng ung thư phổi có thể phát triển ngay cả ở những người chưa bao giờ hút thuốc hoặc tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ khác. Vì vậy, việc kiểm tra thường xuyên là rất quan trọng để phát hiện sớm bất kỳ bệnh ung thư phổi tiềm ẩn.

Tầm quan trọng của sàng lọc ung thư phổi 3
Điều trị ung thư phổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau

Ung thư phổi có thể được điều trị như thế nào?

Việc điều trị ung thư phổi phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm loại và giai đoạn ung thư, sức khỏe tổng thể của bệnh nhân cũng như nguyện vọng của họ. Các phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư phổi thường bao gồm:

  • Phẫu thuật: Phẫu thuật có thể là một lựa chọn cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn đầu. Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ hoàn toàn khối u và trong một số trường hợp, sau phẫu thuật có thể được phối hợp hóa trị hoặc xạ trị.
  • Xạ trị: Xạ trị sử dụng liều phóng xạ cao để tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ khối u. Nó có thể được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với phẫu thuật hoặc hóa trị. Có 2 loại xạ trị chính: Xạ trị chiếu ngoài và xạ trị áp sát.
  • Hóa trị: Hóa trị là việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư. Nó có thể được dùng trước hoặc sau phẫu thuật hoặc có thể được sử dụng đơn độc ở những bệnh nhân ung thư phổi tiến triển.
  • Liệu pháp nhắm đích: Liệu pháp nhắm đích là một loại điều trị ung thư sử dụng thuốc để nhắm đích, thay đổi các tế bào có liên quan đến sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư. Nó có thể là một lựa chọn cho bệnh nhân mắc một số loại ung thư phổi.
  • Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp miễn dịch là một loại điều trị ung thư sử dụng thuốc để giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại các tế bào ung thư. Nó có thể là một lựa chọn cho bệnh nhân ung thư phổi tiến triển.
  • Chăm sóc giảm nhẹ: Chăm sóc giảm nhẹ là một loại hình chăm sóc tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn bao gồm kiểm soát cơn đau, hỗ trợ xã hội và các phương pháp điều trị khác để giúp bệnh nhân thích nghi với những ảnh hưởng về thể chất và tâm lý của bệnh.

Hãy nhớ rằng việc phát hiện sớm ung thư phổi có thể cải thiện kết quả điều trị.

Hãy tham khảo ý kiến ​​của các bác sĩ để kiểm tra sức khỏe phổi hoặc đi khám sàng lọc ung thư phổi ngay hôm nay.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.