Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thắc mắc: Nấm miệng ở trẻ sơ sinh bao lâu thì khỏi?

Ngày 12/04/2022
Kích thước chữ

Nấm miệng là một bệnh phổ biến xảy ra trên trẻ sơ sinh, do hệ thống miễn dịch và sức đề kháng của trẻ chưa hoàn thiện. Nấm miệng là nguyên nhân gây biếng ăn hàng đầu ở trẻ khiến bố mẹ hết sức lo lắng. Vậy nấm miệng ở trẻ sơ sinh bao lâu thì khỏi?

Nấm miệng ở trẻ sơ sinh là tình trạng thường gặp. Đặc biệt các nước khí hậu nóng ẩm nhiệt đới như Việt Nam lại càng tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển. 

Nấm miệng ở trẻ sơ sinh là gì?

Nấm miệng hay tưa miệng còn có tên dân gian là đẹn miệng - một loại nhiễm trùng do nấm Candida, rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Nó xuất hiện dưới dạng mảng ẩm ướt, màu trắng sữa trong, vị trí xung quanh miệng trẻ nhỏ. Thông thường ở trẻ khỏe mạnh, nấm miệng sẽ không gây triệu chứng nghiêm trọng.

Nấm miệng ở trẻ sơ sinh bao lâu thì khỏi 1 Nấm miệng ở trẻ sơ sinh là bệnh lý thường gặp

Nguyên nhân gây bệnh nấm miệng ở trẻ sơ sinh

Nấm miệng là một bệnh nhiễm trùng nấm men do một loại nấm có tên là Candida albicans gây ra. Trong khi cứ 2 người thì có 1 người sống khỏe mạnh với nấm, nghĩa là nếu duy trì ở mức cân bằng thì nấm Candida ít gây hại dù nó luôn tồn tại trên cơ thể người. Có nhiều nguyên nhân gây ra nấm miệng ở trẻ sơ sinh mà trong đó, các nguyên nhân chủ yếu là:

  • Mẹ bị nấm tại cơ quan sinh sản hay tiêu hóa có thể truyền sang bé khi sinh. Tình trạng này sẽ xuất hiện ngay sau khi em bé mới sinh.
  •  Hệ thống đáp ứng miễn dịch của trẻ suy giảm hoặc bé đang có bệnh lý cần điều trị kháng sinh dài ngày.
  • Khẩu phần ăn của em bé nhiều đường và ít chất béo (Thông thường khi bé bú sữa mẹ được chia làm 2 giai đoạn là sữa đầu và sữa cuối. Sữa đầu giàu đường và sữa cuối giàu chất béo. Nếu em bé bú nhiều sữa đầu mà không bú được sữa cuối thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi để vi nấm phát triển).

Dấu hiệu nấm miệng ở trẻ sơ sinh

Nấm miệng xuất hiện dưới dạng các mảng trắng đục bên trong má, lưỡi hoặc môi của trẻ và không thể lau sạch dễ dàng, vì đó là các nhiễm trùng dưới da, khác với cặn sữa dễ bong và trôi khi bé nuốt nước bọt.

Mẹ đặt bé nơi sáng, lấy que đè lưỡi y tế làm cho trẻ mở miệng ra rồi đè lên lưỡi nhẹ nhàng sẽ thấy lưỡi trắng như sữa thành từng cụm/mảng. Các mảng cũng có thể có màu đỏ hoặc viêm. Thông thường, nhiễm trùng không gây kích ứng cho bé, tuy nhiên nếu tổn thương rất đỏ và đau, bé có thể khó ăn, quấy khóc. 

Nấm miệng ở trẻ sơ sinh bao lâu thì khỏi 2

Dấu hiệu các mảng trắng trong nấm miệng ở trẻ sơ sinh

Nấm miệng ở trẻ sơ sinh bao lâu thì khỏi?

Nấm miệng ở trẻ sơ sinh thường được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn nhẹ và giai đoạn nặng. Mỗi giai đoạn sẽ có những triệu chứng và thời gian điều trị khác nhau, thường khỏi sau 1 tuần đến 1 tháng nếu điều trị đúng cách.

Giai đoạn nhẹ: Nấm miệng chỉ xuất hiện bên trong miệng

  • Những mảng trắng sữa bám chắc trên lưỡi, khi cạo bỏ có thể gây chảy máu.
  • Miệng bé khô, nứt nẻ gây đau rát.
  • Bé bú kém, từ chối bú, quấy khóc, ngủ ít đi.
  • Thời gian bị bệnh: Nếu điều trị đúng thì bệnh sẽ hết sau 5-7 ngày, nếu không hết nấm miệng thì mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ ba mẹ nhé.

Giai đoạn nặng: Nấm miệng phát triển dày lên và di chuyển đến các cơ quan khác

  • Nấm nhiều lan tới hầu họng che lấp phần trên ống dẫn khí có thể gây ngạt thở rất nguy hiểm.
  • Nấm không chữa dứt điểm, nấm lan tới thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già sinh đầy hơi, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản hoặc kém hấp thu dẫn tới tiêu chảy, ảnh hưởng sức khỏe cả thể chất và tinh thần trẻ lâu dài.
  • Nấm còn có thể lan tới cả hậu môn, tiết niệu và cơ quan sinh sản. 
  • Thời gian bị bệnh có thể kéo dài tới 1 tháng hoặc hơn. 

Điều trị nấm miệng ở trẻ sơ sinh 

Nấm miệng hay tưa miệng có thể được chữa bằng nhiều phương pháp theo phương pháp dân gian đông y hoặc phương pháp dùng thuốc của Tây y. Điều quan trọng trong điều trị nấm ở trẻ sơ sinh là phải điều trị cả mẹ và bé. Mẹ và bé trong những năm tháng đầu đời luôn có sợi dây gắn kết chặt chẽ về cả tâm lý và cơ thể, sự tiếp xúc này là khó có thể tách rời và nếu một trong hai người nhiễm nấm hoàn toàn có thể lây cho nhau.

Nấm miệng ở trẻ sơ sinh bao lâu thì khỏi 3 Nấm miệng ở trẻ sơ sinh bao lâu thì khỏi là thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh

Phương pháp dân gian chữa nấm miệng sơ sinh bằng rau ngót

Cách thực hiện:

  • Lấy một nắm rau ngót (bồng ngọt) tươi khoảng 10g, rửa sạch để ráo, giã nát và vắt lấy nước để đánh tưa. 
  • Rửa tay thật sạch, lấy miếng gạc y tế quấn quanh ngón trỏ nhúng vào cốc nước rau ngót, tay kia mở miệng em bé và nâng nhẹ hàm lên, bắt đầu đánh tưa ở lưỡi tập trung tại vùng có tưa bám, sau mỗi lần lấy gạc ra khỏi miệng em bé là cho gạc vào giỏ rác và thay gạc mới, làm 2-3 lần kiểu quấn chiếu.
  • Bên cạnh đó cũng nên làm vệ sinh cả 2 bên thành họng bằng nước rau ngót. Mỗi ngày đánh tưa ít nhất 3 lần (sáng, trưa, tối) trước khi cho trẻ bú (không được làm lúc bé đang no hoặc vừa bú xong phòng nôn trớ).

Chữa nấm miệng sơ sinh bằng thuốc Tây y

Đối với nấm miệng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống nấm (thuốc nhỏ hoặc gel) có chứa nystatin, thuốc này phải được thoa trên lưỡi và bên trong miệng vài lần một ngày trong 10 ngày. Cách đơn giản nhất để làm điều này là dùng miếng rơ lưỡi bôi dung dịch vào vùng xuất hiện nấm miệng.

Và nếu bé lớn hơn, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung lactobacillus (một loại vi khuẩn probiotic) vào chế độ ăn của bé. Nguồn Lactobacillus hoạt động giống như vi khuẩn “tốt” để giúp loại bỏ nấm. Bạn có thể mua các loại men vi sinh dưới dạng thực phẩm chức năng nhưng cần chọn nhãn hiệu uy tín ba mẹ nhé.

Nấm miệng ở trẻ sơ sinh bao lâu thì khỏi 4 Điều trị nấm miệng ở trẻ sơ sinh quan trọng là cần trị đồng thời cho cả mẹ và bé

Phòng tránh nấm miệng ở trẻ sơ sinh 

Nấm Candida thực sự rất dễ lây lan, đó là bởi vì nó là một loại nấm lưỡng hình, có nghĩ nó có thể chuyển đổi giữa nấm men và nấm mốc tùy thuộc vào nhiệt độ, khả năng này giúp Candida rất dễ lây lan, tồn tại và gây bệnh. Sau đây là danh sách các cách giúp phòng tránh nấm miệng ở trẻ sơ sinh ba mẹ nên chú ý: 

  • Để phòng ngừa em bé bị tưa trong thời kỳ sơ sinh hãy cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh và bú đúng bữa. Mẹ mang thai tránh không mắc các bệnh nhiễm trùng đường sinh sản và cũng không dùng kháng sinh bừa bãi.
  • Đối với trẻ lớn hơn không nên dùng kháng sinh một cách tự tiện, phòng ngừa tiêu chảy, nâng cao sức đề kháng bằng cách cung cấp khẩu phần ăn hàng ngày cho trẻ thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng theo tháng tuổi, đầy đủ các chất béo và đạm nguồn động vật, hạn chế dùng bánh kẹo ngọt. 
  • Không nên dùng bỉm thường xuyên trừ lúc mang trẻ ra ngoài hoặc buổi tối, thay vào đó là quần tã truyền thống hay quần rộng, chất liệu dễ thấm mồ hôi.
  • Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, núm vú giả cho bé.
  • Đảm bảo vú mẹ luôn được khô ráo sau mỗi lần cho bé bú.

Mặc dù nấm miệng không nghiêm trọng nhưng nó chắc chắn sẽ gây khó chịu cho bé và cả cho mẹ. Và phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh nên mẹ hãy chú ý áp dụng tốt các biện pháp phòng tránh mẹ nhé. Với bài viết trên đây, Nhà thuốc Long Châu hi vọng đã mang tới thông tin hữu ích cho cả nhà để trả lời cho câu hỏi nấm miệng ở trẻ sơ sinh bao lâu thì khỏi. Long Châu luôn sẵn sàng đồng hành cùng cả nhà chăm sóc con yêu khôn lớn, khỏe mạnh.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin