Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thắc mắc: Trẻ bị bệnh thủy đậu có được tắm không?

Ngày 22/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thời điểm từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm, ở nước ta thường xuất hiện bệnh thủy đậu ở trẻ em, hay còn gọi là bệnh trái rạ. Nhiều quan niệm cho rằng trẻ bị nổi phỏng nước nên kiêng tắm, kiêng gió sẽ mau khỏi hơn. Vậy trẻ bị bệnh thủy đậu có được tắm không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm được câu trả lời.

Bệnh thủy đậu là một bệnh khá lành tính mà bất kì ai cũng có thể mắc phải một lần trong đời. Bệnh thủy đậu do virus có tên Varicella virus gây ra, loại virus này gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn. Một số gia đình hiện nay không nên tắm cho trẻ bị bệnh thủy đậu. Vậy theo quan niệm y học hiện đại, trẻ bị bệnh thủy đậu có được tắm không? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Diễn tiến bệnh thủy đậu ở trẻ em

Quá trình phát triển của bệnh gồm 4 giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: Ủ bệnh - Không có dấu hiệu rõ rệt

Giai đoạn ủ bệnh bắt đầu trong khoảng 1-2 ngày đầu và kéo dài 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, vậy bệnh thủy đậu lây qua đường nào, thường trẻ em sẽ rất dễ bị lây từ trường học, từ khu vui chơi,... Bệnh lây truyền bằng 2 cách phổ biến nhất là tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc lây lan qua không khí, xuất phát từ các giọt nước bọt nhỏ li ti tiết ra từ đường hô hấp và dịch từ nốt phỏng, nốt mụn nước.

Người nhiễm virus thủy đậu ở giai đoạn này sẽ không có dấu hiệu rõ rệt của việc đã mắc bệnh. Khi qua giai đoạn tiếp theo, cơ thể sẽ xuất hiện những dấu hiệu của bệnh thủy đậu rõ ràng hơn và không quá khó để bạn có thể nhận ra.

Giải đáp thắc mắc: Trẻ bị bệnh thủy đậu có được tắm không? 1
Ủ bệnh trong 1-2 ngày đầu và kéo dài 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh

Giai đoạn 2: Khởi phát - Dấu hiệu: Sốt nhẹ, chán ăn

Giai đoạn khởi phát bệnh kéo dài trong vòng từ 1-2 ngày, bệnh thủy đậu với các dấu hiệu suy giảm miễn dịch, triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài thường là: Sốt nhẹ, chán ăn, người mệt mỏi. Đây là các triệu chứng phổ biến nên cha mẹ sẽ chưa xác định được trẻ nhà mình đang mắc bệnh thủy đậu và đồng thời sẽ rất khó để có thể phân biệt sốt phát banbệnh thủy đậu ở trẻ em

Giai đoạn 3: Toàn phát - Xuất hiện nốt ban đỏ, mụn nước

Giai đoạn toàn phát từ 1-3 tuần phụ thuộc vào cơ địa và quá trình nghỉ ngơi, ăn uống của người bệnh. Thời kỳ toàn phát với các dấu hiệu thủy đậu xuất hiện rõ rệt nhất là các nốt ban, mụn nước nổi lên nhiều, thường bắt đầu nổi từ mặt của người bệnh rồi lan khắp cơ thể. Kèm theo đó người bệnh sẽ sốt, mệt mỏi rã rời toàn thân và có cả các cơn đau đầu dữ dội.

Nếu bệnh nhân cào, gãi các nốt mụn nước sẽ làm cho mụn nước bị vỡ và nhiễm trùng, làm nặng thêm tình trạng bệnh vì lúc này các nốt mụn chứa cả dịch có lẫn mủ. Thời kỳ toàn phát cũng chính là thời điểm mà rất nhiều người có thắc mắc trẻ bị bệnh thủy đậu có được tắm không.

Giải đáp thắc mắc: Trẻ bị bệnh thủy đậu có được tắm không? 2
Thời kỳ toàn phát bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện các nốt ban đỏ và mụn nước

Giai đoạn 4: Hồi phục - Mụn nước vỡ và khô lại

Giai đoạn hồi phục trong khoảng từ 3 - 4 ngày. Khi các nốt mụn vỡ và có dấu hiệu để lại sẹo thì bệnh nhân nên hỏi ý kiến của bác sĩ để cải thiện tình trạng của da, tránh để lại tình trạng sẹo thâm thủy đậu. Bệnh nhân có cơ địa tốt và chăm sóc trẻ bị thủy đậu tốt giai đoạn này bệnh nhân sẽ hồi phục rất nhanh. Thậm chí có những trường hợp, bệnh nhân có mụn bong ra và không để lại sẹo.

Giải đáp: Trẻ bị bệnh thủy đậu có được tắm không?

Đến hiện nay, tuy bệnh thủy đậu ở trẻ khá phổ biến nhưng vẫn có nhiều phụ huynh vẫn còn mang thắc mắc rằng khi trẻ em bị bệnh thủy đậu có được tắm không? 

Việc cho trẻ bị thủy đậu sẽ kiêng đụng nước, kiêng gió như trong dân gian này là quan niệm sai lầm. Trẻ mắc thủy đậu trong giai đoạn khởi phát và toàn phát sẽ rất khó chịu vì sốt và ngứa da do các nốt mụn nước. Trong giai đoạn khởi phát, trẻ bị sốt, nên lau người cho trẻ bằng nước ấm. Trong giai đoạn toàn phát, người trẻ xuất hiện nốt mụn nước, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ là một điều vô cùng quan trọng. Không tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ khiến trẻ thêm ngứa ngáy, gãi và chà xát, dẫn đến vỡ các nốt thủy đậu, có khả năng gây nhiễm trùng và lây lan tới các vùng da lành.

Việc kiêng gió cũng vậy, chưa có chứng minh khoa học về việc kiêng gió sẽ giúp trẻ mau khỏe. Tuy nhiên, khi mắc bệnh không nên cho trẻ ra ngoài để hạn chế bệnh phát triển thành dịch bệnh.

Giải đáp thắc mắc: Trẻ bị bệnh thủy đậu có được tắm không? 3
Trẻ bị bệnh thủy đậu có được tắm không? Đây là thắc mắc của nhiều người

Nên phòng ngừa thủy đậu cho trẻ ra sao?

Phòng thủy đậu cho trẻ trong mùa dịch cao điểm là vấn đề khá nhức nhối trong lòng cha mẹ. Cách phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay là chích ngừa thủy đậu cho trẻ. Thời điểm có bùng phát dịch thủy đậu nên hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, có nhiều trẻ em như nhà sách, công viên, khu vui chơi giải trí,...

Ngoài ra, việc ăn uống của trẻ cũng cần được quan tâm. Hệ miễn dịch của trẻ chưa được phát triển toàn diện. Bổ sung thức ăn đầy đủ dưỡng chất cũng là cách để trẻ có được hệ miễn dịch tốt. Trẻ cần được bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng, bổ sung vitamin A, vitamin C, kẽm,… để nâng cao hệ miễn dịch.

Khi trẻ nhà bị bệnh thủy đậu sẽ có rất nhiều cha mẹ loay hoay chưa biết cần làm gì khi trẻ bị thủy đậu. Trong điều trị bệnh thủy đậu, không nên tự ý sử dụng kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ. Vì tác nhân gây bệnh là virus không phải vi khuẩn nên sử dụng kháng sinh không tiêu diệt được nguồn bệnh. Khi sử dụng thuốc bôi thủy đậu methylen, chỉ nên bôi vào các nốt đã vỡ hoặc các nốt mụn nước to, nhiều dịch. Việc điều trị thủy đậu vẫn nên tuân theo chỉ định và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.

Trên đây là những thông tin mà chúng tôi đã cung cấp đến bạn để trả lời cho câu hỏi trẻ bị bệnh thủy đậu có được tắm không và những điều cha mẹ nên làm để phòng ngừa căn bệnh này cho trẻ. Nếu không may trẻ mắc bệnh, hãy đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị đúng cách, tránh các biến chứng xuất hiện sau này. Đồng thời, hãy bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho trẻ trong quá trình bệnh để trẻ hồi phục nhanh hơn nhé!

Kim Huệ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm