Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Cách để chăm sóc trẻ bị thủy đậu tại nhà

Ngày 30/04/2023
Kích thước chữ

Thủy đậu vốn là bệnh lành tính nhưng nếu cách chăm sóc và điều trị không hợp lý, bệnh có thể diễn biến xấu và xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Vì thế, chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách đóng vai trò quan trọng giúp bé mau chóng khỏi bệnh. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé!

Thủy đậu là nỗi lo của các bậc cha mẹ khi đến mùa dịch, bệnh thường diễn ra trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm. Vậy nếu lỡ không may trẻ nhà mình nhiễm bệnh thì cách chăm sóc trẻ bị thủy đậu thế nào là đúng? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây của Long Châu nhé! 

Triệu chứng của bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu sẽ có các triệu chứng khác nhau qua từng giai đoạn bệnh. Các bậc phụ huynh nên nắm rõ các triệu chứng thủy đậu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để có biện pháp chăm sóc bé nhà mình đúng cách.

  • Giai đoạn ủ bệnh: Giai đoạn này người bệnh sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào nên rất khó nhận biết bệnh, giai đoạn này thường kéo dài từ 10-20 ngày.
  • Giai đoạn khởi phát: Người bệnh xuất hiện các triệu chứng như cơ thể mệt mỏi, nhức đầu, thủy đậu gây sốt nhẹ, có thể có hạch sau tai và viêm họng. Trên da bắt đầu xuất hiện những nốt ban đỏ.
  • Giai đoạn toàn phát: Bệnh nhân bắt đầu có những biểu hiện như sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, chán ăn buồn nôn. Các nốt ban đỏ bắt đầu có phỏng nước bên trong. Những nốt mụn nước này có thể xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên cơ thể và gây nên những cảm giác ngứa rát vô cùng khó chịu.
  • Giai đoạn hồi phục: Sau khi phát bệnh từ 7-10 ngày, các nốt mụn nước sẽ bắt đầu khô lại và bong vảy. Trong giai đoạn này, người bệnh thủy đậu cần chăm sóc cẩn thận các nốt mụn, tránh để lại sẹo thủy đậu gây mất thẩm mỹ.
Chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách tại nhà để phòng tránh các biến chứng 1
Cần nắm rõ các triệu chứng để chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách

Chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách

Tuy thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cũng có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm nếu như chăm sóc trẻ bị thủy đậu không đúng cách. Trong quá trình bé bị thủy đậu, các bậc cha mẹ nên lưu ý:

Cách ly trẻ tại nhà 

Khi bé nhà mình bị thủy đậu, ba mẹ cần cách ly bé tại nhà để tránh lây ra cộng đồng. Trong thời gian bé ở nhà, mẹ nên lưu ý cho bé nằm trong phòng thoáng khí, có đủ ánh sáng mặt trời.

Thời gian cách ly từ 7-10 ngày, từ lúc bắt đầu xuất hiện những triệu chứng phát ban trên da đến khi các nốt mụn nước này khô vảy. Khi tiếp xúc với bé bị thủy đậu, ba mẹ nên đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc để tránh lây nhiễm bệnh.

Vệ sinh sạch sẽ cho bé 

Để tránh các biến chứng của bệnh thủy đậu xảy ra với bé nhà mình, các bậc cha mẹ cần phải chăm sóc và vệ sinh sạch sẽ cho bé, bằng cách:

  • Cắt móng tay cho bé và không để bé gãi vào các nốt mụn nước. Việc này nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da xảy ra do trầy xước các nốt mụn nước.
  • Nên cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, chất liệu vải thoáng mát, mềm mại và thấm hút mồ hôi.
  • Không nên kiêng tắm vì như thế sẽ làm bé ngứa nhiều hơn. Đồng thời, vi khuẩn có thể lợi dụng cơ hội này để trú ngụ và phát triển, làm tăng nguy cơ biến chứng thủy đậu ở bé. 
  • Vệ sinh mũi họng cho bé hàng ngày với nước muối sinh lý 0,9% để hạn chế các triệu chứng trên đường hô hấp.
Chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách tại nhà để phòng tránh các biến chứng 2
Không nên kiêng tắm trong giai đoạn bé bị thủy đậu 

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng 

Trong giai đoạn phát bệnh thủy đậu ở trẻ em, nên cho bé ăn thức ăn nhiều dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cơ thể. Các bậc phụ huynh nên cho trẻ ăn những thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa.

Nếu trẻ bị nổi các nốt mụn nước trong miệng, nên cho trẻ ăn thức ăn nguội để hạn chế nóng rát. Khuyến khích bổ sung thêm cho trẻ vitamin C hoặc nước ép hoa quả khác để giúp bé mau khỏi bệnh.

Dùng thuốc đúng cách

Để chăm sóc trẻ bị thủy đậu mau khỏi tránh biến chứng, các bậc phụ huynh nên tuân thủ dùng thuốc đúng cách cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ:

  • Nếu trẻ sốt cao trên 38.5 độ C nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Nếu trẻ nhà bạn có các biểu hiện sốt cao không hạ kèm theo các triệu chứng lờ đờ, mệt mỏi, hôn mê, co giật hoặc các nốt mụn thủy đậu bị xuất huyết, bạn nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị kịp thời.
  • Tăng cường bổ sung nước và điện giải cho trẻ nhỏ để tránh trẻ bị mất nước. Đối với những trẻ còn bú sữa mẹ, nên tăng cường cho bé bú thêm nhiều cữ.
  • Dùng dung dịch xanh methylen thoa lên những nốt mụn thủy đậu đang mọng nước hoặc đã vỡ.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ thủy đậu

Khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu, các bậc phụ huynh cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Tránh để trẻ gãi vào các nốt mụn nước gây vỡ dịch bên trong. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ thủy đậu bội nhiễm và để lại sẹo thâm thủy đậu mất thẩm mỹ.
  • Tuyệt đối không sử dụng các loại lá cây để tắm hay đắp lên các nốt thủy đậu của trẻ.
  • Không được tự ý sử dụng các thuốc uống hoặc thuốc dùng ngoài khi không được bác sĩ kê toa, hướng dẫn.
Chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách tại nhà để phòng tránh các biến chứng 3
Tránh để trẻ gãi vào các nốt mụn nước thủy đậu

Bài viết trên đã cung cấp cho bạn cách chăm sóc trẻ bị thủy đậu tại nhà để phòng tránh những biến chứng xảy ra. Hi vọng ba mẹ sẽ áp dụng những thông tin bổ ích trên để giúp bé trải qua giai đoạn bệnh nhẹ nhàng hơn. Bên cạnh đó, bạn nên tiêm ngừa vắc xin thủy đậu cho con em mình để tạo miễn dịch cho con trước mùa dịch bệnh thủy đậu nhé!

Hiền Trang

Nguồn tham khảo: vinmec.com

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin