Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thắc mắc: Xét nghiệm nước tiểu biết bệnh gì?

Ngày 27/11/2022
Kích thước chữ

Xét nghiệm nước tiểu là yêu cầu thường gặp khi tiến hành thăm khám hoặc chữa bệnh. Vậy xét nghiệm nước tiểu biết bệnh gì? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Nước tiểu có thể xem như là sản phẩm cuối cùng của hệ bài tiết, do đó thông qua xét nghiệm nước tiểu mà ta có thể có kết quả khách quan về tình trạng sức khoẻ của cơ thể.

Xét nghiệm nước tiểu biết bệnh gì?

Trong nước tiểu có một số chất có hàm lượng nhất định, vì thế nếu nước tiểu bình thường thì các chỉ số này sẽ ở mức cân bằng. Khi sức khoẻ có sự bất thường, chỉ số các chất sẽ thay đổi và từ đó có thể phản ánh được rằng một cơ quan nào đó đang gặp vấn đề.

Xét nghiệm nước tiểu biết bệnh gì?1 Thông qua xét nghiệm nước tiểu có thể phát hiện nhiều bệnh lý

Xét nghiệm nước tiểu sẽ bao gồm các bước phân tích, tìm kiếm, định lượng hàm lượng các chất trong nước tiểu để phát hiện dấu hiệu bệnh hoặc tác nhân gây bệnh. Vậy xét nghiệm nước tiểu biết bệnh gì? Một số bệnh lý có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm nước tiểu gồm:

Nhiễm trùng đường tiểu

Nước tiểu xuất hiện vi khuẩn cho thấy cơ thể đang bị nhiễm trùng đường tiểu, có thể là nhiễm trùng ở những cơ quan như: niệu quản, niệu đạo, bàng quang. Thông qua hai chỉ số là tế bào bạch cầu và Nitrate sẽ giúp xác định được bạn có đang bị nhiễm trùng hay không.

Bệnh lý ở bàng quang

Bàng quan là nơi chứa nước tiểu và thông báo cho não tín hiệu khi lượng nước tiểu vượt mức chứa. Một số bệnh ở bàng quang thường gặp là viêm nhiễm, ung thư,… Xét nghiệm nước tiểu sẽ nhận thấy được sự xuất hiện của máu hoặc vi khuẩn, từ đó phát hiện những bệnh lý về bàng quang.

Bệnh ở thận

Các bệnh như sỏi thận, suy thận, viêm bể thận,… sẽ thể hiện qua các chỉ số xét nghiệm nước tiểu như: Chỉ số Protein, pH (độ acid), tế bào hồng cầu,… Do đó xét nghiệm nước tiểu được xem là có ý nghĩa quan trọng nhất trong phát hiện sớm bệnh lý về thận.

Tiểu đường

Các chỉ số nhứ độ pH, Xeton có trong nước tiểu sẽ có thể tiết lộ một người có đang mắc bệnh tiểu đường hay không.

Bệnh lý về gan

Gan dễ mắc các bệnh như viêm gan, xơ gan, viêm túi mật,… Xét nghiệm nước tiểu với các chỉ số UBG và BIL sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh lý về gan.

Xét nghiệm nước tiểu biết bệnh gì?2 Xét nghiệm nước tiểu có thể phát hiện sớm bệnh lý về gan

Bệnh lây qua đường tình dục

Xét nghiệm nước tiểu có thể giúp phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến như giang mai, lậu,… kể cả khi cơ thể chỉ đang trong giai đoạn ủ bệnh, chưa khởi phát triệu chứng thì xét nghiệm vẫn có thể phát hiện được.

Xét nghiệm nước tiểu có thể phản ánh được nhiều thông tin về tình trạng sức khỏe cũng như bệnh lý nên xét nghiệm này đã trở thành xét nghiệm thường quy và phổ biến trong khám sức khỏe định kỳ cũng như giúp kiểm tra, sàng lọc các bệnh ở đường tiểu.

Đánh giá sức khỏe qua màu sắc nước tiểu

Nếu chưa có điều kiện để đến các cơ sở y tế để tiến hành xét nghiệm nước tiểu, bạn có thể đánh giá sơ bộ sức khoẻ bản thân thông qua màu sắc của nước tiểu cũng khá chính xác.

Nước tiểu màu vàng đậm

Nếu nhìn thấy nước tiểu có màu vàng đậm thì có thể bạn đã ăn uống quá nhiều Vitamin B2, Beta-carotene trong cà rốt hoặc đang trong quá trình sử dụng thuốc kháng viêm, thuốc điều trị bệnh.

Nếu không phải do những nguyên nhân nêu trên, có thể cơ thể bạn đang thiếu nước nên làm nước tiểu trở nên đậm đặc hơn. Nếu do nguyên nhân này thì bạn nên bổ sung nhiều nước hơn, từ đó nước tiểu sẽ trở về màu vàng nhạt bình thường.

Nhưng đã uống nhiều nước mà nước tiểu vẫn có màu vàng đậm thì rất có thể bạn đang gặp bệnh lý ở gan. Lúc này bạn nên kiểm tra thêm phần tròng trắng của mắt có chuyển sang màu vàng đậm hay không. Nếu có thì bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra.

Xét nghiệm nước tiểu biết bệnh gì?2 Dựa vào màu sắc nước tiểu có thể phán đoán được bệnh lý

Nước tiểu có màu hồng và đỏ

Nhiều người cho rằng nước tiểu có màu đỏ là do máu. Thật vậy, các bệnh lý nhiễm trùng đường tiểu, sỏi thận, khối u lành tính hay ung thư có thể gây ra tình trạng tiểu ra máu này. Đặc biệt nếu trong nước tiểu có chứa máu đông hoặc mô bất thường thì bạn càng phải nhanh chóng tới bệnh viện để kiểm tra.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác khiến nước tiểu màu hồng và đỏ như:

  • Thức ăn: Ăn nhiều quả mâm xôi, củ dền có màu đỏ nên một phần màu sắc sẽ được bài tiết qua đường tiểu. Nếu là do nguyên nhân này thì bạn không cần phải lo lắng, màu sắc nước tiểu sẽ trở lại bình thường khi bạn ngừng ăn những thực phẩm trên.
  • Thuốc: Một số loại thuốc kháng sinh như Rimactane, Rifadin hoặc thuốc điều trị nhiễm trùng đường tiểu sẽ có thể khiến nước tiểu chuyển sang màu đỏ hồng. 

Nước tiểu có màu nâu

Tương tự như khi nước tiểu màu vàng đậm, nước tiểu màu nâu thường là do bạn ăn một số loại thực phẩm như đậu răng ngựa. Bạn hãy thử uống nhiều nước hơn, nếu màu sắc nước tiểu vẫn không thay đổi thì nhanh chóng kiểm tra sức khỏe.

Một số bệnh lý về gan, thận có thể khiến nước tiểu có màu nâu. Ngoài dấu hiệu nước tiểu màu nâu thì bệnh nhân có thể kèm theo những cơn đau bụng, động kinh, phát ban,… Ngoài ra, nếu cơ thể xuất hiện khối u bất thường thì màu nâu trong nước tiểu có thể do máu đã phân hủy.

Nước tiểu có màu xanh

Nước tiểu có màu xanh thường rất hiếm khi xảy ra, chỉ xuất hiện trong trường hợp:

  • Thuốc: Đang dùng các loại thuốc như Indomethacin, Amitriptyline hoặc Propofol làm thay đổi màu sắc nước tiểu.
  • Thức ăn: Ăn nhiều măng tây hoặc màu xanh từ thực phẩm chứa màu nhân tạo sẽ khiến nước tiểu tạm thời có màu xanh bất thường.
  • Bệnh lý: Bị nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn Pseudomonas.

Xét nghiệm nước tiểu là phương pháp giúp phát hiện nhiều bệnh lý. Do đó, khi có dấu hiệu bất thường, hãy nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra và thực hiện xét nghiệm nước tiểu để đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe của bản thân để có hướng điều trị nhanh chóng.

Như Nguyễn

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin