Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Thai lâm sàng là gì?

Ngày 25/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thai lâm sàng là giai đoạn mà bác sĩ có thể xác định được sự tồn tại của thai nhi thông qua các phương pháp kiểm tra lâm sàng và siêu âm. Việc hiểu rõ về thai lâm sàng không chỉ giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị tốt hơn cho quá trình mang thai mà còn giúp phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Thai lâm sàng là giai đoạn khi sự phát triển của thai nhi đã đủ lớn để được xác nhận bằng các biện pháp kiểm tra y khoa giúp theo dõi tình hình phát triển của em bé, từ đó có những chuẩn bị và biện pháp chăm sóc phù hợp.

Thai lâm sàng là gì?

Phụ nữ mang thai thường trải qua những dấu hiệu ban đầu như mệt mỏi, ra máu nhẹ, đầy hơi, căng tức ngực và trễ kinh. Tuy nhiên, để xác định chắc chắn tình trạng mang thai, bác sĩ cần sử dụng xét nghiệm beta-hCG nhằm đánh giá chính xác sự hiện diện và phát triển của thai nhi, cũng như phát hiện sớm các bất thường trong thai kỳ. Xét nghiệm này đặc biệt quan trọng đối với các trường hợp thụ tinh ống nghiệm (IVF), khi kết hợp với siêu âm đầu dò âm đạo để phân biệt giữa thai lâm sàng và thai sinh hóa.

Thai lâm sàng là gì? 1
Siêu âm đầu dò âm đạo để phân biệt giữa thai lâm sàng và thai sinh hóa

Thai lâm sàng là thuật ngữ dùng để chỉ thai được xác định chắc chắn bằng kết quả siêu âm bằng đầu dò âm đạo, trong đó có sự xuất hiện của túi ối, phôi, và tim thai, thường xảy ra sau khoảng 3 - 4 tuần từ khi chuyển phôi. Đây là thời điểm mà các dấu hiệu sinh học của thai rõ ràng và được nhìn thấy trên hình ảnh siêu âm.

Thai sinh hóa là tình trạng khi nồng độ beta - hCG trong máu đo được sau 2 tuần chuyển phôi trên 5 mIU/mL, nhưng không phát hiện túi ối trong buồng tử cung qua siêu âm đầu dò âm đạo. Điều này có nghĩa là mặc dù beta-hCG đạt mức yêu cầu, nhưng thai nhi không phát triển thành thai lâm sàng.

Đối với trường hợp phụ nữ tham gia các quá trình thụ tinh nhân tạo như IVF, việc sử dụng xét nghiệm beta-hCG kết hợp với siêu âm đầu dò âm đạo rất quan trọng để đánh giá và theo dõi sự phát triển của thai và nhận biết các bất thường có thể xảy ra trong quá trình mang thai.

Chỉ định xét nghiệm beta-hCG khi nào?

HCG hay human Chorionic Gonadotropin, là một loại hormone thai kỳ được tiết ra bởi nhau thai. Loại hormone này xuất hiện trong huyết tương hoặc nước tiểu của người mẹ sau 8 - 9 ngày thụ tinh và đạt đỉnh điểm vào khoảng tuần thứ 8 - 10 của thai kỳ. Xét nghiệm beta-hCG được chỉ định trong các trường hợp sau đây:

  • Người mẹ tham gia thụ tinh nhân tạo (IVF) và IUI: Đây là một phương pháp quan trọng để xác định việc thụ thai sau khi chuyển phôi.
Thai lâm sàng là gì? 2
Người mẹ tham gia thụ tinh nhân tạo (IVF) và IUI
  • Khi có dấu hiệu trễ kinh: Đặc biệt là sau khi quan hệ 7 - 10 ngày, tuy nhiên xét nghiệm này chính xác nhất là sau khi có chậm kinh 3 - 5 ngày.
  • Giúp theo dõi sự phát triển của thai: Xét nghiệm beta - hCG cho phép theo dõi sự gia tăng nồng độ của hormone này trong máu, cho biết sự phát triển của thai kỳ.
  • Chẩn đoán các bất thường thai kỳ: Bao gồm các trường hợp như thai ngoài tử cung, nguy cơ sảy thai, chửa trứng và u nguyên bào nuôi.
  • Tầm soát hội chứng Down: Beta - hCG cũng được sử dụng để đánh giá nguy cơ thai nhi mắc hội chứng Down, phối hợp với các chỉ số khác như PAPP - A (pregnancy - associated plasma protein - A) và siêu âm.

Xét nghiệm beta - hCG là một công cụ quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi thai kỳ, đặc biệt là trong các trường hợp có yếu tố nguy cơ hoặc cần đánh giá chính xác tình trạng thai nhi.

Ý nghĩa của beta-hCG và thai lâm sàng trong thụ tinh ống nghiệm

Nồng độ beta - hCG trong máu sau 14 ngày chuyển phôi là một chỉ số quan trọng để đánh giá và tiên lượng thai lâm sàng và thai sinh hóa trong thụ tinh ống nghiệm. Đây là những điểm cắt quan trọng để phân biệt và dự đoán kết quả của thai kỳ sau quá trình thụ tinh.

  • Thai lâm sàng: Điểm cut-off nồng độ beta-hCG sau 14 ngày chuyển phôi là 299,5 mIU/mL. Khi nồng độ beta-hCG đạt mức này và siêu âm cho thấy sự xuất hiện của túi ối, phôi, và tim thai, điều này cho thấy thai lâm sàng đã phát triển thành công và có khả năng sinh sản tiếp.
  • Thai hóa sinh: Nồng độ beta-hCG thấp hơn, vào khoảng 115,5 mIU/mL sau 14 ngày chuyển phôi, thường cho thấy một thai hóa sinh. Điều này có nghĩa là nồng độ beta-hCG đã tăng lên nhưng không đủ để phát triển thành thai lâm sàng, và thai sẽ không tiếp tục phát triển.
Thai lâm sàng là gì? 3
Nồng độ beta-hCG khoảng 115,5 mIU/mL thường cho thấy một thai hóa sinh

Điểm cut-off nồng độ beta-hCG cũng có thể được sử dụng để đánh giá nguy cơ chửa đa thai sau khi chuyển phôi vào buồng tử cung. Khi nồng độ beta-hCG vượt quá mức 600,5 mIU/mL, tỷ lệ chửa đa thai có thể tăng lên, do số lượng phôi được chuyển vào buồng tử cung tăng cao.

Do đó, xét nghiệm beta-hCG sau 14 ngày chuyển phôi là một công cụ quan trọng trong thụ tinh ống nghiệm, giúp cung cấp thông tin chính xác về sự phát triển của thai kỳ và tiên lượng kết quả của quá trình thụ tinh.

Hy vọng qua nội dung bài viết bạn đã hiểu rõ hơn về thai lâm sàng là gì? Ở giai đoạn thai lâm sàng, bác sĩ có thể nhìn thấy túi thai trong tử cung và có thể xác định được các dấu hiệu của sự phát triển của thai nhi, chẳng hạn như tim thai. Việc nhận biết thai lâm sàng rất quan trọng để theo dõi sự phát triển của thai nhi và phát hiện sớm các biến chứng tiềm ẩn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Ngô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin