Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thai máy khi nào? Thai nhi đạp nhiều có bất thường không?

Ngày 28/10/2022
Kích thước chữ

Trong suốt quá trình mang thai, luôn có sự tương tác giữa mẹ với em bé, và hành động trực tiếp nhất phản ánh điều này là người mẹ cảm nhận được thai máy, thai nhi đạp. Khi nào thì bắt đầu xuất hiện thai máy, và việc thai nhi đạp nhiều có bất thường không luôn là câu hỏi mà các chị em phụ nữ lần đầu làm mẹ thắc mắc.

Thai máy hay còn gọi là cử động thai, thai nhi đạp là khi người mẹ mang thai bắt đầu cảm nhận được chuyển động của em bé trong tử cung của họ. Tùy mỗi người mà có cảm nhận cụ thể khác nhau. Thường xuất hiện rõ rệt từ tuần thứ 16 đến 20 của thai kỳ, nhưng cũng có thể xuất hiện sớm hoặc muộn hơn thời điểm này. Vậy đặc điểm của thai máy là như thế nào và thai nhi đạp nhiều có bất thường gì không?

Đặc điểm của thai máy trong thai kỳ

Một trong những trải nghiệm thú vị nhất trong thai kỳ của bạn là lần đầu tiên cảm thấy em bé của mình cử động, được coi như là cảm nhận chân thực nhất về sự tồn tại của em bé, nhiều mẹ sẽ phải cảm thán lên rằng: “Thực sự có một em bé ở trong đó!”. Cảm nhận về thai cử động là khác nhau ở mỗi người. Thường có một số từ hay được dùng để mô tả cho thai máy là:

  • Cuộn nhẹ.
  • Rung nhẹ như cánh bướm.
  •  Cảm giác như bong bóng vỡ.
  • Co cơ nhẹ.
  •  Bập bùng.
Thai máy khi nào? Thai nhi đạp nhiều có bất thường không? 1 Thai máy trong thai kỳ khiến mẹ và gia đình phấn khích

Người mẹ có thể khá bối rối để xác định chính xác cảm giác của mình. Do em bé thời điểm này còn nhỏ nên chuyển động của chúng rất tinh tế, mềm mại và nhẹ nhàng. Dần dần, mẹ sẽ trở nên quen thuộc hơn với các chuyển động của bé, đồng thời chuyển động của em bé cũng sẽ mạnh dần hơn.

Nếu bạn từng mang thai trước đó, bạn có thể cảm thấy thai máy sớm hơn vào khoảng tuần thứ 16 của thai kỳ. Nếu đây là con so (con đầu lòng), bạn có thể nhận biết muộn hơn, đến tận tuần thứ 20 của thai kỳ. Một số yếu tố tác động đến thời gian cảm nhận được thai của mẹ có thể bao gồm:

  •  Đã từng sinh con trước đây: Cơ tử cung của bạn có thể dãn hơn và nhạy cảm hơn lần đầu. Và hơn thế nữa bạn đã là người có kinh nghiệm nên có thể cảm nhận nhanh và chính xác hơn.
  • Vị trí của bánh rau: Rau bám mặt trước làm có thể khiến người mẹ khó cảm nhận hơn những chuyển động lần đầu của bé.

Theo dõi cử động thai, thai nhi đạp như thế nào?

Cử động thai bắt đầu xuất hiện vào tuần 16 – 20 tương đương với 3 tháng giữa thai kỳ. Trong thời điểm này tần số cử động thường không đều nhưng sẽ ổn định dần về sau. Thời điểm cảm nhận rõ ràng nhất bắt đầu từ tuần thứ 26.

Người mẹ nên học các cách theo dõi cử động của thai để quan tâm sức khỏe thai nhi cũng như kịp thời phát hiện các bất thường kịp thời bởi lẽ người hiểu rõ em bé ngay thời điểm này là chính là mẹ. Thời điểm tốt nhất để đếm cử động thai là sau khi ăn no, vào các mốc giờ cố định và trung bình mỗi ngày đếm từ 2 – 3 lần.

Thai máy khi nào? Thai nhi đạp nhiều có bất thường không?2 Theo dõi cử động của thai nhi để phát hiện sớm các bất thường

Đếm cử động thai như thế nào là đúng cách? Có rất nhiều cách để đếm chuyển động của con. Các mẹ có thể làm theo các hướng dẫn dưới đây nhé:

  • Đảm bảo tinh thần thoải mái, không trong trạng thái lo lắng, kích động, không nên nhịn tiểu. Đặt tay lên bụng và cảm nhận cử động của em bé.
  • Đếm cử động của thai trong vòng 60 phút (1 giờ). Thông thường sẽ có tần số ít nhất là 4 lần trong 1 giờ. Nếu có ít hơn 4 lần, mẹ nên nằm nghỉ ngơi và đếm lại trong 1 giờ, hoặc 2 giờ tiếp theo. 
  • Hoặc mẹ có thể tính xem bao nhiêu lâu thì đếm được 10 chuyển động của con. Thông thường là trong vòng 2 giờ.
  • Nếu làm theo các hướng dẫn này và sau thử lại 1 – 2 lần không đếm đủ số lần chuyển động, mẹ nên liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và chăm sóc kịp thời nhất có thể.
Thai máy khi nào? Thai nhi đạp nhiều có bất thường không?3 Nếu có gì bất thường hãy nhờ các bác sĩ tư vấn và chăm sóc kịp thời

Các mẹ thường thấy con mình hoạt động mạnh nhất sau khi ăn, hoặc hoạt động thể chất. Đồng thời cũng cảm nhận nhiều hơn vào khung giờ từ 9 giờ tối đến 1 giờ sáng. Khi thai ngủ thông thường sẽ giảm hoặc không có hoạt động. Nhưng thông thường thai nhi ngủ khoảng 20 – 40 phút và không quá 90 phút.

Thai nhi đạp nhiều có làm sao không?

Để chẩn đoán chính xác vấn đề thai nhi đạp nhiều có nguy hiểm không còn liên quan đến thời điểm mà bạn cảm nhận. Trong 3 tháng cuối của thai kỳ, các chuyển động của em bé trở nên mạnh mẽ hơn và đôi khi người mẹ có thể phải cảm thán lên sau mỗi cú đạp của em bé và bạn sẽ quan sát rõ được chuyển động này dưới da bụng của mình. Tương ứng với 3 tháng cuối cũng là thời điểm mà em bé phát triển nhanh về cả thể chất và vận động.

Thai máy khi nào? Thai nhi đạp nhiều có bất thường không?4 Thai nhi đạp nhiều có bất thường không là lo lắng của mẹ mang thai lần đầu

Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng không tìm thấy mối liên hệ nào giữa các cử động tai quá mức trong 3 tháng cuối với các vấn đề sản khoa như thai chết lưu hoặc dây rốn quấn cổ em bé.

Điều này có nghĩa là nếu bạn cảm thấy em bé đạp nhiều hơn chưa chắc đã là điều xấu và không có nghĩa là mẹ sắp chuyển dạ. Các dấu hiệu thực sự của một cuộc chuyển dạ đó là:

  • Mất nút nhầy cổ tử cung.
  • Em bé xuống thấp với xương chậu.
  • Vỡ ối hoặc rỉ ối.
  • Cổ tử cung mở và ngắn dần (xóa mở cổ tử cung).

Mỗi em bé khác nhau thì sẽ có các chuyển động khác nhau. Trên cùng một người mẹ thì em bé đầu có thể di chuyển nhiều hoặc ít hơn em bé sau. Điều quan trọng mà các mẹ cần quan tâm đó là tần số chuyển động của em bé trong tử cung của mẹ. Tuy nhiên nếu bạn cảm thấy điều đó là bất thường và bạn cảm thấy nguy hiểm, đừng ngần ngại mà hãy gọi ngay cho bác sĩ của bạn để có thể kiểm tra một cách tổng quát và toàn diện nhất cho em bé.

Trên đây là những thông tin về thai nhi đạp nhiều có nguy hiểm không mà mọi người có thể tham khảo. Hy vọng bài viết trên có thể đem lại cho bạn những thông tin mà bạn đang tìm kiếm. Chúc bạn đọc thật khỏe mạnh và đừng quên theo dõi trang web của Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những thông tin về sức khỏe mới nhất nhé!

 Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin