Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thời gian hiến máu cách nhau bao lâu?

Ngày 29/10/2022
Kích thước chữ

Hiến máu là một hoạt động nhân văn được tổ chức thường xuyên. Nhưng không phải lúc nào muốn chúng ta cũng có thể đi hiến máu. Bạn đã biết thời gian hiến máu cách nhau bao lâu chưa?

Mỗi người có thể đăng ký hiến máu nhiều lần trong đời nếu đủ điều kiện hiến máu. Nhưng mỗi lần hiến máu phải cách nhau một khoảng thời gian đủ để lượng máu thiếu hụt được tái tạo và bù đắp. Vậy thời gian hiến máu cách nhau bao lâu thì đảm bảo chất lượng nguồn máu cũng như sức khỏe người hiến máu?

Máu và thành phần của máu

Như chúng ta đều biết, máu là chất lỏng màu đỏ lưu thông trong cơ thể. Trong máu có các loại tế bào và huyết tương, mỗi thành phần lại có một chức năng nhất định. 

  • Tế bào hồng cầu trong máu chính là tế bào khiến máu có màu đỏ có nhiệm vụ vận chuyển oxy đến các mô và vẫn chuyến cacbonic từ các mô về phổi để đào thải ra khỏi cơ thể. Tế bào hồng cầu có đời sống kéo dài 120 ngày. Chúng được sinh ra ở tủy xương và được tiêu hủy tại lá lách và gan. Sau khi hồng cầu già bị tiêu hủy, sẽ có những hồng cầu mới được sinh ra và thay thế.
  • Tế bào bạch cầu lại đảm nhận nhiệm vụ phát hiện và tiêu diệt những tác nhân gây bệnh. Đời sống của các loại bạch cầu sẽ kéo dài từ vài tuần cho đến vài tháng. Bạch cầu cũng được sinh ra từ tủy xương. 
  • Tiểu cầu có nhiệm vụ tạo ra cục máu đông để cầm máu khi cơ thể có vết thương. Đời sống của chúng kéo dài từ 1 tuần đến 10 ngày. 
  • Huyết tương có thành phần chủ yếu là nước. Ngoài ra còn có đạm, mỡ, vitamin, muối khoáng, kháng thể... Huyết tương sẽ thay đổi trong các thời điểm trước khi ăn, sau khi ăn hay thay đổi theo chế độ ăn uống. 

 

thời gian hiến máu cách nhau bao lâu 1 Thành phần cấu tạo của máu

Các kiểu hiến máu

Trước khi tìm hiểu thời gian hiến máu cách nhau bao lâu, chúng ta hãy cùng khám phá xem có những kiểu hiến máu nào nhé! Hiến máu là hành động một người tự nguyện cho đi máu của mình nhằm phục vụ các mục đích nghiên cứu, điều trị bệnh hay cấp cứu cho người khác. Có hai kiểu hiến máu gồm: 

Hiến máu toàn phần

Đây là kiểu hiến máu lấy nguồn máu trực tiếp từ tĩnh mạch người hiến. Trong máu có chứa các loại tế bào kể trên cùng huyết tương và sẽ được chống đông. Với lượng máu hiến tối đa chỉ 450ml, chỉ mất khoảng hơn 5 phút là có thể lấy đủ lượng máu cần thiết. 

Hiến thành phần máu

Đây là hình thức tình nguyện viên hiến một/một số trong những tế bào máu kể trên hoặc chỉ hiến huyết tương. Những thành phần này sẽ được lấy trực tiếp từ người hiến bằng phương pháp gạn tách. Hệ thống gạn tách sẽ tách các thành phần máu riêng vào từng loại túi lưu trữ. Những thành phần còn lại sẽ được hoàn trả vào cho cơ thể. Thời gian lấy máu có thể kéo dài trong 60 đến 100 phút. 

thời gian hiến máu cách nhau bao lâu 2 Các kiểu hiến máu khác nhau có khoảng cách giữa 2 lần hiến máu khác nhau

Thời gian hiến máu cách nhau bao lâu?

Thời gian hiến máu cách nhau bao lâu phụ thuộc vào kiểu hiến máu mà người hiến lựa chọn. Cụ thể là: 

  • Với những tình nguyện viên đăng ký hiến máu toàn phần hoặc hiến hồng cầu, khoảng cách tối thiểu giữa 2 lần hiến máu là 12 tuần. Mỗi giây cơ thể tạo ra khoảng 2 triệu tế bào hồng cầu. Nhưng sau khi hiến máu, sẽ mất khoảng 3 - 5 tuần để phục hồi số lượng tế bào. Mất khoảng 8 tuần để ổn định lượng sắt trong cơ thể. Sau 12 tuần, tình nguyện viên sẽ đảm bảo nguồn máu và sức khỏe để tiếp tục hiến máu. 
  • Nếu đăng ký hiến tiểu cầu hoặc huyết tương theo phương pháp gạn tách, khoảng cách giữa 2 lần hiến tối thiểu là 2 tuần. 
  • Với tình nguyện viên đăng ký hiến bạch cầu hạt trung tính hoặc hiến tế bào gốc theo phương pháp gạn tách, số lần hiến tối đa không quá 3 lần/tuần. Tức mỗi lần hiến cách nhau ít nhất 3 ngày. 
  • Cũng có những người hiến máu theo kiểu xen kẽ giữa kiểu hiến máu toàn phần và hiến thành phần máu. Khi đó, khoảng cách giữa 2 lần hiến được tính theo kiểu hiến máu lần gần nhất. 

Các bác sĩ cho rằng, để đảm bảo sức khỏe, một tình nguyện viên có thể hiến máu 3 - 4 lần trong năm nếu thực sự khỏe mạnh. Hiến máu không chỉ là cho đi, là nghĩa cử nhân văn cao đẹp mà cũng là cách để cải thiện sức khỏe của chính mình. Khoa học đã chứng minh những người hiến máu thường xuyên có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng khả năng chống chọi với bệnh tật. 

thời gian hiến máu cách nhau bao lâu 3 Một số trường hợp sức khỏe người hiến máu không đảm bảo cần trì hoãn hiến máu theo quy định

Trường hợp nào khoảng cách giữa 2 lần hiến máu kéo dài?

Thời gian hiến máu cách nhau bao lâu trong điều kiện sức khỏe bình thường bạn đã biết. Nhưng cũng có những trường hợp, khoảng cách giữa 2 lần hiến máu bắt buộc phải kéo dài. Đó là khi tình nguyện viên hiến máu buộc phải trì hoãn việc hiến máu theo các mốc 7 ngày, 4 tuần, 6 tháng, 12 tháng theo quy định của Thông tư 26/2013/TT-BYT. Một số trường hợp khoảng cách giữa 2 lần hiến máu sẽ kéo dài hơn bình thường như: 

  • Tình nguyện viên sau lần hiến máu trước gặp tình trạng thiếu máu, sụt cân nhanh chóng (giảm 10% cân nặng trong 6 tháng). Khi cân nặng ở nữ không đủ 42kg và ở nam không đủ 45kg sẽ không đủ điều kiện hiến máu toàn phần. Nếu tình nguyện viên có cân nặng không đủ 50kg sẽ không đủ điều kiện để hiến thành phần máu. 
  • Khi người hiến máu phát hiện bị mắc bệnh cấp tính, mãn tính liên quan đến hệ hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, tiết niệu, tuần hoàn…
  • Sau lần hiến máu trước, tình nguyện viên mang thai và đang trong thai kỳ.
  • Người hiến máu phát hiện mắc bệnh lây nhiễm qua đường máu.
  • Người hiến máu mới thực hiện cuộc phẫu thuật ngoại khoa và chưa bình phục.
  • Người hiến máu mới xăm trổ và bấm khuyên trên bất cứ bộ phận nào của cơ thể mà chưa qua 6 tháng. 

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn tìm hiểu thời gian hiến máu cách nhau bao lâu. Nếu yêu thích hoạt động cộng đồng này và mong muốn trao đi nhiều giọt hồng yêu thương, hãy chăm sóc sức khỏe thật tốt bạn nhé! Sau mỗi lần hiến máu, bạn có thể tăng cường sử dụng thực phẩm bổ máu để nhanh phục hồi. Chỉ khi có một sức khỏe tốt, nguồn máu trong cơ thể chất lượng bạn mới có thể thực hiện hoạt động này thường xuyên. 

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin