Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Thông tin từ A đến Z về nang niệu rốn ở trẻ sơ sinh

Ngày 09/01/2023
Kích thước chữ

Nang niệu rốn là một tình trạng dễ gặp phải ở trẻ sơ sinh rất. Nếu không điều trị kịp thời thì nguy cơ trẻ bị ung thư là rất cao. Vậy nên bạn cần tìm hiểu về căn bệnh này và chữa trị ngay cho bé khi có thể.

Nang niệu rốn là một căn bệnh thường gặp nhiều ở trẻ sơ sinh. Bệnh rất khó phát hiện bằng cách thông thường và chỉ khi biểu hiện rõ khi cơ thể đã trưởng thành. Vậy nên, các phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đến hiện trạng vùng rốn trên cơ thể trẻ khi vừa lọt lòng để kịp chẩn đoán và điều trị bệnh. 

Những điều cần biết về bệnh nang niệu rốn

Thông tin từ A đến Z về nang niệu rốn ở trẻ sơ sinh 1 Nang niệu rốn là bệnh lý hay gặp ở trẻ sơ sinh

Ống niệu rốn bắt nguồn từ xoang niệu dục hình thành trong thời kỳ bào thai nối từ rốn đến bàng quang. Thông thường, ống niệu rốn sẽ thoái triển trước khi sinh. Nhưng có nhiều trường hợp, bộ phận này không thoái triển mà hình thành nên các bất thường như ống niệu rốn mở, xoang ống niệu rốn, túi thừa bàng quang - niệu rốn. 

Trong các bất thường kể trên, tình trạng ống niệu rốn không thoái triển mà vẫn tồn tại, sau đó giãn to phần ống niệu rốn nằm giữa bàng quang và rốn gọi là bệnh nang niệu rốn. Nang này đã xuất hiện từ khi sinh ra ở cơ thể trẻ mắc bệnh nhưng phải đến khi trưởng thành mới được phát hiện. 

Điều nhiều người lo ngại nhất khi trẻ mắc bệnh này là tình trạng nhiễm trùng sẽ xảy ra khi nang tồn tại lâu trong cơ thể. Nhiễm trùng có thể lan rộng dọc hai bên vùng bụng dưới, từ đó làm nhiễm trùng tiểu khung, rỉ nước tiểu ở rốn, nhiễm trùng rốn và nặng hơn là ung thư hóa. 

Cách chẩn đoán bệnh nang niệu rốn

Như đã đề cập ở trên, cần phải điều trị bệnh về ống niệu rốn càng sớm càng tốt bởi càng để lâu, nguy cơ bị ung thư ở cơ thể càng cao. Cách tốt nhất là cho trẻ đi thăm khám lâm sàng khi cơ thể của bé xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Rốn trẻ sơ sinh bị ướt liên tục từ khi sinh ra, dịch trong và hay xuất hiện khi bé ho hoặc khóc.
  • Vùng dưới rốn có xuất hiện một khối u và mô quanh rốn viêm.
  • Nước tiểu rỉ qua rốn khi ấn vào vùng trên xương mu. 

Ngoài các biểu hiện này, một số dấu hiệu khác thường khó quan sát rõ ràng mà cần phải nhờ đến các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh y khoa. Phương pháp siêu âm bụng sẽ cho ra hình ảnh nang niệu rốn - bàng quang, có túi thừa mặt đáy bàng quang. Bên cạnh đó chụp cắt lớp vi tính cũng sẽ giúp bác sĩ thấy rõ hình ảnh của nang trong cơ thể. 

Thông tin từ A đến Z về nang niệu rốn ở trẻ sơ sinh 2 Siêu âm bụng và chụp cắt lớp sẽ giúp chẩn đoán bệnh hiệu quả

Vậy nên có thể khẳng định rằng việc quan sát khi chăm sóc và vệ sinh rốn trẻ sơ sinh rất quan trọng. Ngay khi mẹ bỉm nhận thấy các biểu hiện lạ vùng rốn của trẻ, đừng do dự mà đưa bé đến ngay cơ sở y tế để khám.

Việc điều trị bệnh ngay khi bé còn nhỏ sẽ giúp con trẻ lớn lên khỏe mạnh. Một số trường hợp bệnh chỉ được phát hiện ở tuổi trưởng thành và có các biến chứng nặng như nhiễm trùng tiểu khung, nhiễm khuẩn vùng bụng dưới làm sức khỏe yếu đi và khó điều trị hơn. 

Mổ nang niệu rốn có nguy hiểm không?

Hiện nay, để điều trị về các bệnh do ống niệu rốn không thoái hoá, ngoài phẫu thuật ra không còn cách nào khác. Phẫu thuật được chỉ định khi bệnh nhân có sức khoẻ ổn định. Đây được xem là một dạng phẫu thuật không quá nghiêm trọng, chỉ diễn ra khoảng 30 phút. 

Thông tin từ A đến Z về nang niệu rốn ở trẻ sơ sinh 3 Mổ nang niệu rốn càng sớm càng dễ hồi phục sức khoẻ

Bệnh nhân được hướng dẫn nằm trên bàn mổ, nằm ngửa dạng chân để kỹ thuật viên tiến hành đặt sonde bàng quang, kíp gây mê tiến hành gây mê nội khí quản. Mổ nang niệu rốn sẽ được thực hiện theo các bước sau:

  • Bác sĩ rạch bụng theo đường trắng giữa trên rốn 3 cm. Sau đó xác định thành trước bàng quang bằng đường giữa rốn, tìm ống niệu rốn ở phần đáy bàng quang và cắt bỏ các thương tổn của ống niệu rốn. 
  • Tiếp theo, bác sĩ khâu buộc dây chằng rốn, khâu lại đáy bàng quang, cầm máu, đóng vết mổ bằng chỉ may trong da và băng vết mổ. Sau khi mổ xong, bệnh nhân được dùng thuốc giảm đau và thuốc kháng sinh để phòng nguy cơ nhiễm khuẩn. Thông thường bệnh nhân sẽ được ra viện sau 1-3 ngày điều trị. 

Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể mắc một số biến chứng như:

  • Chảy máu: Nếu chảy máu ổ bụng, buộc bác sĩ phải tiến hành mổ lại. 
  • Tắc ruột: Tắc ruột có hai nguyên nhân là nguyên nhân cơ học và nguyên nhân cơ năng. Nếu mắc phải nguyên nhân cơ học, thì cần phẫu thuật lại.
  • Áp xe: Tuỳ mức độ nghiêm trọng của biến chứng mà bác sĩ tiến hành điều trị nội khoa hay phẫu thuật.

Tuy nhiên các biến chứng này hiếm khi xảy ra sau mổ. Vậy nên bệnh nhân không cần phải quá lo lắng. Trong quá trình hồi phục vết thương, hãy chú ý vệ sinh và thay băng thật sạch sẽ để tránh nguy cơ nhiễm trùng vết mổ.

Với bệnh lý về ống niệu rốn, việc cho trẻ sơ sinh phẫu thuật càng sớm là càng tốt. Bệnh cũng không thuộc dạng cần mổ cấp cứu, nên nếu trẻ sơ sinh còn quá nhỏ hay đang gặp phải các bệnh lý cấp tính nào khác thì hoàn toàn có thể hoãn phẫu thuật mà không ảnh hưởng tới sức khoẻ trẻ. Trong giai đoạn hoãn phẫu thuật, các phụ huynh hãy chăm sóc rốn cho trẻ thật cẩn thận. 

Trên đây là những chia sẻ về bệnh nang niệu rốn. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn có thể hiểu được bệnh lý này và chủ động quan sát trẻ để kịp thời phát hiện và điều trị cho bé. 

Bảo Thanh

Nguồn tham khảo: Vinmec

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin