Long Châu

Tắc ruột sơ sinh là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sơ sinh là giai đoạn từ khi trẻ sinh ra đến 30 ngày tuổi. Ngay sau chào đời, đứa trẻ bắt đầu thở cũng là lúc không khí vào đường tiêu hóa. Trẻ phải thích nghi với môi trường sống hoàn toàn khác trong tử cung mẹ. Vì vậy, việc nhận biết các dấu hiệu bất thường, nguy hiểm ở trẻ sơ sinh là hết sức quan trọng. Tắc ruột sơ sinh là một trong những hội chứng cấp cứu ngoại khoa phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tắc ruột sơ sinh là gì?

Tắc ruột là một hội chứng ngừng lưu thông của dịch, hơi và các chất có trong lòng ruột.

Tắc ruột do sự cản trở cơ học nằm từ góc Treitz (góc tá - hỗng tràng) đến hậu môn gọi là tắc ruột cơ học.

Tắc ruột do sự ngừng nhu động ruột gọi là tắc ruột cơ năng hay tắc ruột do liệt ruột.

Tắc ruột sơ sinh là một cấp cứu ngoại khoa, do nhiều nguyên nhân gây nên và thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh. Tắc ruột sơ sinh có thể do một trong các nguyên nhân gây ra như là: Tắc tá tràng, teo ruột, viêm phúc mạc bào thai, tắc ruột phân su, dị tật hậu môn trực tràng, nhiễm khuẩn, dị dạng về hạch, tắc ruột do nút phân su.

Bệnh tắc ruột sơ sinh có tiên lượng rất nặng nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong. Vì vậy, người lớn cần lưu ý trẻ sau chào đời, bình thường trẻ sẽ thải phân su sau 6 - 8 tiếng (thường là chất dẻo nhão đen). Trẻ sinh non thải phân su  thường chậm hơn, khoảng 90% sau 24 giờ mới có phân su.

Cần thông báo ngay với bác sĩ chuyên khoa nếu trẻ xảy ra một trong các hiện tượng trên để được theo dõi, điều trị kịp thời.

Tiên lượng bệnh tắc ruột sơ sinh nói chung là nặng do trẻ sơ sinh sức chịu đựng kém, có nhiều dị tật khác phối hợp, do sự phát triển chưa hoàn chỉnh của một số cơ quan, nhiễm trùng đường hô hấp do trẻ hít phải chất nôn ra. Nếu không được điều trị kịp thời, hội chứng tắc ruột sơ sinh sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng, bệnh nhi có thể tử vong.

Để hạn chế tắc ruột sơ sinh, người mẹ cần tiêm phòng đầy đủ trước khi có ý định mang thai, nghỉ ngơi và vận động hợp lý, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tránh tiếp xúc với môi trường độc hại trong suốt quá trình mang thai.

Sau khi sinh bố mẹ cần chú ý chế độ ăn uống tránh chất béo và các thực phẩm khó tiêu hoá để phòng ngừa tắc ruột cho trẻ. Vì vậy, để hạn chế diễn tiến nặng của bệnh, tắc ruột cần được chẩn đoán, điều trị kịp thời và được chăm sóc phù hợp để nhanh chóng phục hồi sức khỏe cho trẻ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tắc ruột sơ sinh

Tắc ruột sơ sinh có biểu hiện lâm sàng là: 

  • Nôn: Thường xuất hiện sớm, trẻ nôn ra sữa hoặc nôn ra dịch màu vàng hoặc xanh, có khi nôn ra cả dịch ruột (dịch như màu phân).

  • Không bài tiết phân su.

  • Đau bụng từng cơn, trẻ ưỡn người, xoắn vặn, khóc thét đột ngột, dữ dội, … Cơn đau bụng có thể làm trẻ ngừng chơi, bỏ bú.

  • Bụng chướng: Bụng chướng dần, ngày một to, căng bóng, tuần hoàn bàng hệ nổi rõ. Nếu trường hợp ruột tắc cao thì bụng chướng ít.

  • Thăm trực tràng: Có trẻ không thấy lỗ hậu môn hoặc lỗ hậu môn bị bịt kín. Nếu có lỗ hậu môn thì dùng sonde Nélaton để thăm dò, có thể xảy ra một trong các trường hợp sau đây: 

Ống sonde chỉ vào sâu 2 - 3 cm và không có phân su là teo trực tràng.

Ống sonde vào sau được nhưng không có phân su là tắc ở đại tràng trở lên.

Ông sonde vào sâu được và có phân su thì có hai khả năng là: Tắc ruột cơ năng hoặc tắc ruột không hoàn toàn.

Triệu chứng cận lâm sàng

  • X - quang bụng không chuẩn bị: Chụp thẳng hoặc nghiêng, tìm mức nước mức hơi, tìm dấu hiệu vôi hóa.

  • X - quang bụng có chuẩn bị: Thụt đại tràng bằng thuốc cản quang để đánh giá sự lưu thông của thuốc trong đại tràng.

Các biến chứng của tắc ruột sơ sinh

Các biến chứng chung của tắc ruột bao gồm:

  • Tắc ruột do chặt và dính.

  • Hồi tràng kéo dài vì suy giảm nhu động ruột.

  • Hấp thu kém do cắt bỏ lớn hoặc tổn thương ruột do thiếu máu cục bộ hoặc nhiễm trùng.

  • Tiếp cận tĩnh mạch không đủ, bao gồm cả nhiễm trùng huyết qua ống thông.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh, giúp trẻ giảm mất một lượng lớn ruột phải cắt bỏ do bị hoại tử, tránh nguy cơ tử vong và giúp bé mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tắc ruột sơ sinh

Tắc ruột sơ sinh có thể do nguyên nhân tắc ruột cơ học hoặc tắc ruột cơ năng.

Tắc ruột cơ học bao gồm:

  • Teo ruột: Teo ruột có thể gặp bất cứ vị trí nào trên đoạn ruột và thường gặp nhất ở đoạn cuối hồi tràng, có thể teo một chỗ hoặc nhiều chỗ.

  • Tắc ruột phân su: Là biểu hiện sớm nhất ở thời kỳ trẻ mới chào đời của bệnh xơ nang tụy. Nguyên nhân gây tắc ruột là do phân su bị kết dính vào niêm mạc của toàn bộ đoạn cuối hồi tràng.

  • Viêm phúc mạc bào thai: Một nguyên nhân nào đó gây thủng ruột hoặc hoại tử ruột trong thời kỳ bào thai dẫn đến viêm phúc mạc bào thai.

  • Các dị tật hậu môn trực tràng có thể gặp là: Không có lỗ hậu môn (Có lỗ rò hoặc không có lỗ rò,hoặc có lỗ hậu môn (Tắc ruột do teo trực tràng, hẹp hậu môn trực tràng).

Tắc ruột cơ năng: Các trường hợp tắc ruột cơ năng cũng có hội chứng tắc ruột sơ sinh, nhưng thăm trực tràng vẫn có phân su.

  • Nhiễm khuẩn: Viêm phổi, nhiễm khuẩn rốn nặng, viêm tấy hoại tử da do liên cầu hoặc tụ cầu.

  • Dị dạng về hạch: Bệnh phình to đại tràng bẩm sinh (Hirschspung). 

  • Tắc ruột do nút phân su: Bệnh nhi có triệu chứng tắc ruột. Khám vẫn có lỗ hậu môn. Thăm trực tràng ống thông vào sâu được, nhưng không có phân su.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ bị tắc (bị) ruột sơ sinh?

Tắc ruột có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ nhỏ và người lớn tuổi là hai đối tượng thường bị bệnh tắc ruột nhất.

Tắc ruột ở trẻ sơ sinh thường gặp ở trẻ sinh non, không phân biệt giới tính và đặc biệt là có mẹ bị cúm khi mang thai. Trẻ sơ sinh bị khiếm khuyết đường tiêu hóa, dị tật hậu môn trực tràng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) tắc ruột sơ sinh

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tắc ruột sơ sinh, bao gồm:

  • Giới tính: Bệnh này thường xảy ra ở trẻ nam nhiều hơn nữ.

  • Trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa, dị tật hậu môn.

  • Tắc ruột có thể tái phát nếu có tiền sử bị lồng ruột.

  • Bệnh Crohn: Bệnh có thể thu hẹp lòng ruột do làm thành ruột dày lên.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tắc ruột sơ sinh

  • Chụp X - quang;

  • CT scan (Chụp cắt lớp vi tính);

  • Siêu âm;

  • Thụt tháo bằng khí hoặc barium.

Phương pháp điều trị tắc ruột sơ sinh hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng những phương pháp điều trị và kê đơn thuốc phù hợp, chẳng hạn như:

  • Trước tiên là không cho trẻ bú. Sau đó, bác sĩ sẽ hút dạ dày vì trẻ nôn có thể gây viêm phổi do hít phải chất nôn.

  • Truyền nước, điện giải.

  • Để giúp ruột giải nén bác sĩ sẽ đặt ống thông qua mũi của trẻ vào dạ dày.

  • Kháng sinh truyền tĩnh mạch, kháng sinh dự phòng phẫu thuật.

  • Điều trị tắc ruột sơ sinh chủ yếu bằng phẫu thuật cho các nguyên nhân gây tắc ruột sơ sinh như: Teo ruột, tắc ruột do dây chằng hoặc dính, viêm phúc mạc bào thai. Trường hợp tắc ruột do phân su, điều trị bằng cách thụt tháo đại tràng để tống phân su ra ngoài, nếu sau 6 - 12 giờ thất bại thì phẫu thuật để lấy sạch phân su ở hồi tràng, cắt bỏ đoạn ruột bị giãn và lưu thông tiêu hóa được tái lập.

  •  Hội chứng nút phân su: Điều trị chỉ cần thụt tháo đại tràng.

Lưu ý: Cần tuân thủ điều trị, các loại thuốc khi sử dụng phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tắc ruột sơ sinh

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tắc ruột sơ sinh

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể con bạn có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

Trẻ em mắc hội chứng tắc ruột, sau phẫu thuật cần dinh dưỡng bổ sung qua đường tĩnh mạch hoặc sữa công thức (baby fomula) cho đến khi chức năng ruột hoạt động bình thường trở lại.

Nên khuyến khích các hoạt động bình thường của hầu họng (ví dụ: mút tay) và các kỹ năng của vật lý trị liệu được sử dụng để khắc phục sự chán ăn bằng miệng.

Probiotics đã được chứng minh là bình thường hóa hệ vi khuẩn ruột và cải thiện sự hấp thụ các chất dinh dưỡng.

Phương pháp phòng ngừa tắc ruột sơ sinh hiệu quả

Tắc ruột sơ sinh là bệnh không thể phòng ngừa, phát hiện kịp thời và điều trị sớm tăng hiệu quả chữa khỏi, giảm tỷ lệ tử vong.

Tắc ruột cũng có thể được phát hiện ngay từ thời kỳ bào thai nên phụ nữ mang thai cần khám thai định kỳ, siêu âm, xét nghiệm sàng lọc để có thể phát hiện sớm các bệnh lý nếu có. Để từ đó có thể theo dõi chặt chẽ và xử trí kịp thời nếu có bất thường gặp phải, đảm bảo sức khỏe cho cả thai phụ và thai nhi.

Bố mẹ và người chăm sóc trẻ cần lưu ý theo dõi trẻ, đặc biệt trẻ trong giai đoạn sơ sinh có những biểu hiện bất thường như:

Không đại tiện phân su, bụng chướng, kèm theo nôn trớ, nôn ra dịch xanh - vàng, …cần thông báo ngay với bác sĩ để thăm khám và xử trí kịp thời.

Bất cứ khi nào ruột bị tắc nghẽn, sẽ có khả năng nguồn cung cấp máu bị tổn hại khiến ruột chết hoặc gây nhiễm trùng nghiêm trọng (nhiễm trùng huyết).

Phát hiện sớm và điều trị kịp thời tắc ruột là điều cần thiết để cải thiện kết quả.

Tắc ruột có thể dẫn đến các biến chứng nặng. Trong trường hợp nghiêm trọng, chúng có thể gây vỡ ruột và gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Nguồn tham khảo
  1. https://emedicine.medscape.com/article/ Intestinal Obstruction in the Newborn

  2. https://www.msdmanuals.com/vi-vn/chuy%C3%AAn-gia/khoa-nhi/tắc-ruột-do-phân-su

Các bệnh liên quan

  1. Loét dạ dày tá tràng

  2. Polyp trực tràng

  3. Viêm gan C

  4. Sa dạ dày

  5. Thủng dạ dày

  6. Bệnh lao ruột

  7. Áp-xe vùng hậu môn - trực tràng

  8. Ung thư biểu mô tế bào gan

  9. Sỏi túi mật

  10. Co thắt dạ dày, ruột