Thuốc cốm là gì? Cách sử dụng, ưu điểm và nhược điểm của thuốc cốm
Ánh Vũ
22/02/2025
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Thuốc cốm là một trong những dạng thuốc phổ biến nhất thường được dùng cho trẻ em. Vậy chính xác thì thuốc cốm là gì, cách dùng và ưu điểm, nhược điểm của dạng thuốc này như thế nào? Nhà thuốc Long Châu xin giới thiệu đến bạn kỹ hơn qua bài viết dưới đây.
Thuốc cốm là gì? Thuốc cốm là chế phẩm dạng hạt khô có kích thước hạt nhất định được làm từ thuốc hoặc chiết xuất từ dược liệu và tá dược thích hợp hoặc bột mịn của dược liệu. Thuốc cốm là dạng bào chế rắn phổ biến được dùng theo đường uống, đặc biệt là trong thuốc y học cổ truyền Trung Quốc, nó cũng là một trong những dạng bào chế thường được sử dụng cho trẻ em.
Thuốc cốm là gì?
Trả lời cho câu hỏi thuốc cốm là gì, thuốc cốm là một dạng thuốc rắn, được bào chế bằng cách kết hợp dược chất với các tá dược để tạo thành các hạt nhỏ có kích thước từ 1 đến 2 mm hoặc các sợi thuốc ngắn. Các hạt có thể được nuốt trực tiếp hoặc hoà tan vào nước để uống, sự phân bố của hạt trong nước là khác nhau.
Một số loại thuốc cốm phổ biến hiện nay:
Thuốc cốm kháng sinh: Dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn;
Thuốc cốm là gì? Thuốc cốm vi sinh chính là một ví dụ điển hình của thuốc cốm
Các phân loại hạt của thuốc cốm
Cùng là thuốc cốm nhưng để đạt được mục đích hiệu chỉnh mùi vị, hiệu chỉnh mùi, độ ổn định, hòa tan chậm hoặc tan trong ruột, hạt cốm thành phẩm có thể được chia thành dạng hạt hòa tan, hạt lơ lửng, hạt sủi bọt, hạt tan trong ruột, hạt giải phóng kéo dài và hạt giải phóng có kiểm soát.
Dạng hạt hòa tan
Thuốc cốm ở dạng hạt hoà tan có đặc tính hấp thụ nhanh và tác dụng nhanh như các loại thuốc sắc cổ truyền Trung Quốc và khắc phục những nhược điểm của thuốc sắc cổ truyền như thời gian chuẩn bị quá dài, liều lượng lớn và dễ bị hỏng thuốc sắc khi sử dụng. Thuốc cốm ở dạng hạt hoà tan cần được hoà tan hoàn toàn vào nước trước khi sử dụng.
Thuốc cốm dạng hạt hòa tan cần được hoà tan vào nước hoặc sữa trước khi uống
Dạng hạt lơ lửng trong nước
Đây là dạng hạt khô được làm từ thuốc rắn không hòa tan và tá dược phù hợp. Thuốc cốm ở dạng này thường được pha thành hỗn dịch uống, ví dụ như hỗn dịch uống azithromycin, hỗn dịch uống cefprozil,.. Thuốc cốm ở dạng hạt khô như vậy cần được hòa với nước hoặc chất lỏng phù hợp khác thành dạng hỗn dịch để uống.
Dạng hạt sủi bọt
Thuốc cốm dạng hạt sủi bọt là hạt thuốc có chứa natri bicarbonate và axit citric, axit tartaric hoặc natri biphosphate ngoài các thành phần có dược tính. Khi hòa tan trong nước, carbon dioxide được giải phóng do phản ứng axit-bazơ. Sủi bọt từ phản ứng giải phóng carbon dioxide che giấu vị mặn hoặc đắng của thuốc. Ví dụ về dạng hạt cốm sủi bọt như thuốc cốm sủi bọt hạ sốt giảm đau paracetamol.
Thuốc cốm sủi bọt hạ sốt giảm đau paracetamol thường được sử dụng cho trẻ nhỏ
Dạng hạt tan trong ruột
Đây là dạng hạt được làm từ vật liệu tan trong ruột bao phủ lên hạt thuốc hoặc các phương pháp phù hợp khác. Axit trong dạ dày có thể phân hủy thuốc trước khi thuốc có thời gian phát huy tác dụng. Vì vậy, hạt tan trong ruột có khả năng kháng axit dạ dày, có thể ngăn ngừa sự phân hủy thuốc trong dạ dày và tránh kích ứng dạ dày. Thuốc cốm dạng này có thể kể như hạt tan trong ruột omeprazole. Cần lưu ý rằng hạt tan trong ruột thường uống khi bụng đói hoặc trước bữa ăn để hạt thuốc nhanh chóng đến được ruột.
Dạng hạt giải phóng kéo dài (có kiểm soát)
Thuốc cốm dạng hạt giải phóng thuốc ở tốc độ chậm và không liên tục (tốc độ không đổi) trong môi trường giải phóng được chỉ định, ví dụ như hạt giải phóng kéo dài mesalazine.
Các đặc điểm của thuốc cốm
Thuốc cốm có những đặc điểm đặc trưng về dạng bào chế, thành phần và cách sử dụng:
Về dạng bào chế: Thuốc cốm có dạng hạt nhỏ, xốp, khô và có kích thước đồng đều. Trong bào chế thuốc, dược chất ở dạng hạt có đặc tính chảy và khả năng nén tốt, khiến chúng trở thành chất trung gian được ưa chuộng để sản xuất viên nén. Kích thước hạt lớn hơn so với bột làm giảm lượng bụi phát sinh và tăng cường tính an toàn và dễ xử lý trong quá trình sản xuất.
Cách đóng gói: Thuốc cốm thường được đóng gói dưới dạng chế phẩm đơn liều hoặc đa liều. Mỗi liều của chế phẩm đa liều được định lượng bằng một thiết bị phù hợp để đo lượng thuốc được kê đơn. Đối với chế phẩm thuốc cốm đơn liều, mỗi liều thuốc được đóng gói riêng, ví dụ trong một gói hoặc trong một lọ. Do kích thước của hạt thuốc thường nhỏ, nên mỗi lần sử dụng thuốc, người dùng cần uống tất cả các hạt thuốc để đảm bảo dùng đủ liều thuốc.
Thành phần: Thuốc cốm chứa một hoặc nhiều hoạt chất, có thể có hoặc không có tá dược và một số loại có thể chứa chất tạo màu được cơ quan có thẩm quyền cho phép và chất tạo hương vị.
Đường dùng: Thuốc cốm thường được dùng đường uống. Một số loại có thể nhai hay hòa tan trong nước hoặc chất lỏng phù hợp trước khi uống. Một số hạt có thể an toàn khi thêm vào các loại thực phẩm như sữa, súp, cháo khi sử dụng cho trẻ nhỏ, nhưng cha mẹ kiểm tra kỹ trên tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm với thuốc. Các loại thuốc cốm dành cho trẻ em thường được bào chế phù hợp để dùng với một lượng nhỏ thức ăn mềm. Các hạt thuốc nên được rắc hoặc khuấy vào thức ăn hoặc sữa để trẻ có thể nuốt mà không cần nhai.
Bảo quản: Thuốc cốm cần được bảo quản trong hộp kín, hay gói kín, tránh tiếp xúc với độ ẩm môi trường sẽ khiến thuốc bị hỏng, thay đổi dược tính.
Ưu điểm và nhược điểm của thuốc cốm
Thuốc cốm có nhiều ưu điểm nhưng cũng có những nhược điểm nhất định.
Ưu điểm
Thuốc cốm có những ưu điểm nổi bật sau đây:
Dễ sử dụng: Thuốc cốm thường được dùng theo đường uống, một số loại còn có thêm chất tạo hương vị để giảm bớt vị đắng hay mùi khó chịu của dược chất khi thuốc được hoà tan vào nước. Vì vậy, thuốc cốm đặc biệt phù hợp cho trẻ em và người cao tuổi, là nhóm đối tượng thường gặp khó khăn trong việc nuốt một viên thuốc có kích thước lớn như viên nén, viên nang. Một số loại thuốc có thể nhai hoặc nuốt trực tiếp mà không cần uống với nước hay hoà tan vào nước. Do đó, việc sử dụng thuốc trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn nhiều.
Dễ dàng trong định liều lượng thuốc: Thuốc cốm thường được đóng gói trong từng gói nhỏ hay lọ nhỏ, nhờ vậy mà việc sử dụng thuốc đúng theo liều lượng chỉ định của bác sĩ cũng dễ dàng hơn.
Ưu điểm trong bào chế: Thuốc ở dạng hạt cốm so với thuốc bột có ưu điểm là quá trình tạo hạt cho ra các hạt kích thước lớn hơn, đồng đều hơn, chảy qua thiết bị sản xuất dễ dàng hơn và đảm bảo định lượng liều nhất quán hơn. Điều này đảm bảo trọng lượng, độ cứng và thời gian rã đồng đều, những yếu tố quan trọng đối với chất lượng sản phẩm. Một lợi ích khác của hạt là chúng tạo ra ít bụi hơn bột, giúp giảm nguy cơ nhiễm chéo trong quá trình sản xuất.
Dễ bảo quản và vận chuyển: Thuốc cốm ở dạng hạt cũng có độ ổn định được cải thiện so với thuốc bột, đặc biệt đối với các loại thuốc nhạy cảm với độ ẩm. Quá trình tạo hạt thường bao gồm các hạt phủ, làm giảm diện tích bề mặt của chúng và giúp bảo vệ chúng khỏi các yếu tố môi trường. Do đó, thuốc cốm có thể được bảo quản và vận chuyển dễ dàng.
Thuốc cốm thường được đóng gói thành từng gói nhỏ, tiện lợi cho người sử dụng
Nhược điểm
Tuy có nhiều nhược điểm, thuốc cốm vẫn còn những nhược điểm nhất định:
Mùi vị khó chịu hoặc gây kích ứng: Một số loại thuốc cốm sau khi được hoà tan vào nước hoặc hoà thành hỗn dịch uống có thể có vị khó uống đối với một số người. Một số loại cũng có thể gây kích ứng dạ dày của người sử dụng.
Tốn nhiều thời gian hoà tan thuốc: Một số loại thuốc cốm đòi hỏi người dùng phải hoà tan hoàn toàn hạt thuốc với nước mỗi lần sử dụng, điều này khiến quá trình uống thuốc đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định và sẽ không phù hợp với những người bận rộn, hay cần phải sử dụng thuốc ngay.
Nhược điểm trong sản xuất: Quá trình tạo hạt khi sản xuất thuốc cốm phức tạp và tốn kém hơn . Quá trình tạo hạt cần thêm các bước bổ sung, chẳng hạn như sấy khô và sàng lọc, đòi hỏi thiết bị chuyên dụng và làm tăng chi phí sản xuất. Tính đồng nhất của kích thước hạt cốm có thể khó kiểm soát, điều này có thể ảnh hưởng đến tính nhất quán của dạng bào chế cuối cùng.
Giới hạn khi lựa chọn thuốc: Có những loại thuốc không thể được điều chế ở dạng hạt cốm, điều này khiến cho bác sĩ và người bệnh gặp khó khi chọn loại thuốc phù hợp trong quá trình điều trị bệnh.
Lưu ý khi sử dụng thuốc cốm
Khi sử dụng thuốc cốm, người bệnh cần lưu ý những điều sau:
Luôn luôn đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm trước khi sử dụng thuốc.
Người bệnh cần tuân thủ theo đúng liều lượng cũng như thời điểm dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Người bệnh không được tự ý ngừng sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.
Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ điều trị nếu nhận thấy bất kỳ tác dụng phụ nào trong quá trình sử dụng thuốc.
Người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng thuốc cốm.
Người bệnh cần lựa chọn thuốc cốm có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ thuốc cốm là gì, những đặc điểm, ưu điểm và nhược điểm của việc sử dụng thuốc cốm. Nhà thuốc Long Châu chúc bạn sức khoẻ và có một ngày tuyệt vời.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm