Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Tiêm filler: Công dụng và ưu, nhược điểm bạn nên biết

Ngày 17/10/2024
Kích thước chữ

Tiêm filler là một trong những dịch vụ làm đẹp được nhiều chị em phụ nữ lựa chọn để cải thiện khuyết điểm và giúp gương mặt cân đối, xinh đẹp hơn. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về tiêm filler – phương pháp làm đẹp được “săn đón” hàng đầu hiện nay.

Tiêm filler là phương pháp làm đẹp phổ biến và theo số liệu thống kê cho thấy mỗi năm có khoảng 3 triệu người Mỹ lựa chọn tiêm filler để làm đẹp. Vậy tiêm filler là gì, có ưu và nhược điểm như thế nào? Để hiểu hơn về filler và tiêm filler, bạn hãy tham khảo ngay những thông tin được chia sẻ dưới đây.

Tiêm filler là gì?

Chia sẻ về vấn đề tiêm filler là gì, bác sĩ cho biết tiêm filler hay tiêm chất làm đầy là một quy trình thẩm mỹ nội khoa. Chất làm đầy (filler) sẽ được tiêm vào bên dưới da để che lấp đi những nếp nhăn, đồng thời phục hồi nhan sắc tươi trẻ, cải thiện khuyết điểm trên khuôn mặt và khắc phục được dấu hiệu lão hóa da,… giúp người thực hiện có nhan sắc trẻ trung, gương mặt thon gọn hơn.

Hình thức làm đẹp tiêm filler thực hiện khá nhanh chóng, thường chỉ trong vòng 30 phút chuyên viên đã tiêm xong và thời gian phục hồi ngắn. Kết quả làm đẹp sau khi thực hiện phương pháp này có thể thấy ngay lập tức và khả năng kéo dài, duy trì trong vài tháng hoặc vài năm tùy điều kiện chăm sóc, vị trí tiêm filler và loại filler được sử dụng.

Tiêm filler: Công dụng và ưu, nhược điểm bạn nên biết 1
Tiêm filler - Phương pháp làm đẹp, cải thiện khuyết điểm hiệu quả, an toàn

Tác dụng khi tiêm filler

Như bạn đã biết, collagen và HA đều là những thành phần quan trọng đối với làn da bởi cả 2 hoạt chất trên đều giúp da duy trì sự tươi trẻ và khỏe mạnh. Trong đó, collagen đóng vai trò như một loại keo dán giữ tất cả các mô tế bào liên kết với nhau, xây dựng nên các khối cơ bao gồm xương, da, cơ, gân và dây chằng. Những bộ phận khác như mạch máu, giác mạc, răng cũng có sự xuất hiện của collagen. Tuy nhiên, theo thời gian, khả năng tự sản sinh collagen của cơ thể giảm xuống bởi tác động của quá trình lão hóa khiến da mất dần collagen và trở nên mỏng manh, chảy xệ, kém đàn hồi.

HA là chất có khả năng giữ số lượng lớn phân tử nước quanh nó, từ đó giúp làn da luôn duy trì được sự căng bóng tự nhiên. Khi da khô hoặc mất nước sẽ dễ bị nhăn nheo, xuất hiện nếp nhăn và lão hóa nhanh hơn. Không chỉ vậy, HA còn tồn tại trong lớp biểu bì và có tác dụng tái tạo mô nên đây cũng là hoạt chất được FDA chấp thuận là thành phần chính của filler dùng để tiêm vào dưới da.

Vậy tiêm filler có tác dụng gì? Tiêm filler là phương pháp đem lại một số công dụng như:

  • Tăng thể tích vùng da được tiêm filler để khắc phục tình trạng chảy xệ.
  • Làm đầy các khuyết điểm trên da và giúp gương mặt được cân đối hơn.
  • Khắc phục tình trạng da nhăn nheo, tái tạo và trẻ hóa da.
  • Giúp da căng bóng và làm thon gọn gương mặt.

Chi tiết quy trình tiêm filler

Quy trình tiêm filler đạt chuẩn và đầy đủ gồm có 4 bước, cụ thể như sau:

  • Bước 1: Bác sĩ tiến hành thăm khám và đánh giá khuôn mặt, tình trạng da, màu da,… của khách hàng và đánh dấu những điểm cần tiêm filler để cải thiện.
  • Bước 2: Tiến hành tẩy trang, làm sạch vùng da cần tiêm filler với chất kháng khuẩn. Bác sĩ có thể gây tê bằng cách làm lạnh vùng da cần tiêm để giảm cảm giác khó chịu trong quá trình thực hiện.
  • Bước 3: Tại mỗi vị trí đã đánh dấu trước đó, bác sĩ sẽ sử dụng một lượng filler phù hợp để tiêm vào dưới da. Thời gian tiến hành tiêm filler thường từ 15 – 30 phút.
  • Bước 4: Sau khi hoàn tất việc tiêm filler, khách hàng sẽ chườm túi nước đá lên vùng da mới tiêm để giảm sưng, giảm đau mà không cần uống hoặc bôi thuốc.
Tiêm filler: Công dụng và ưu, nhược điểm bạn nên biết 2
Quy trình tiêm filler an toàn cần đảm bảo vệ sinh và đầy đủ các bước

Đối tượng nào có thể tiêm filler?

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), đối tượng có thể tiêm filler là những người trên 22 tuổi và có nhu cầu sử dụng chất làm đầy với những mục đích như:

  • Cải thiện tình trạng nếp nhăn trên da, đặc biệt là các nếp nhăn từ trung bình đến nặng.
  • Tạo sự đầy đặn cho các bộ phận như môi, má, cằm, hõm dưới mắt, thái dương, đường viền hàm, mu bàn tay,…
  • Phục hồi tình trạng mất mỡ trên khuôn mặt ở người bệnh HIV.
  • Khắc phục phần nào các sẹo mụn ở má.

Tiêm filler liệu có an toàn?

Tiêm filler là phương pháp làm đẹp tương đối an toàn nếu được thực hiện đúng cách và đảm bảo chất lượng filler. Tuy nhiên chị em phụ nữ cũng cần cân nhắc nên lựa chọn địa chỉ làm đẹp uy tín, bác sĩ thẩm mỹ có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi để giảm nguy cơ xảy ra rủi ro ở mức thấp nhất. Bên cạnh đó, FDA cũng đưa ra một số cảnh báo về mức độ an toàn khi tiêm filler gồm:

  • FDA khuyến cáo không nên tiêm filler vào các vị trí như ngực, mông hoặc khoảng trống giữa các cơ nhằm tạo đường nét hoặc cải thiện cơ thể trên quy mô lớn vì có thể làm tổn thương nghiêm trọng đến các mô cơ, gây cảm giác đau kéo dài, để lại sẹo, nhiễm trùng hoặc biến dạng vĩnh viễn, thậm chí là tử vong.
  • Không sử dụng các thiết bị tiêm filler không có kim tiêm để đưa filler vào cơ thể bởi các thiết bị này thường có áp suất cao, khó kiểm soát vị trí của filler dưới da nên tăng nguy cơ dẫn đến những vết thương nghiêm trọng, thậm chí tổn thương da, môi, mắt,… vĩnh viễn.
  • Không tự ý mua và tiêm filler tại nhà dưới mọi hình thức, nhất là những loại filler trôi nổi trên thị trường không đảm bảo chất lượng, chưa được kiểm nghiệm độ an toàn,…

Các loại tiêm filler và ưu, nhược điểm khi tiêm

Thực tế, phương pháp tiêm filler có nhiều loại filler với thành phần khác nhau sử dụng cho từng vị trí, mục đích nhất định. Mỗi loại filler đều có những ưu, nhược điểm riêng và độ an toàn cao khi sử dụng đúng cách.

Các loại tiêm filler

Hiện nay có nhiều loại filler, trong đó bao gồm filler tổng hợp (vật liệu nhân tạo) và filler tự nhiên có trong cơ thể người, hay còn gọi là dùng mỡ tự thân để làm đẹp, cải thiện khuyết điểm. Trong đó, filler tổng hợp gồm những loại như:

  • Hyaluronic Axit (HA): Một loại axit tự nhiên mà cơ thể có khả năng tự sản xuất, có công dụng cấp ẩm và làm mềm da. Theo tuổi tác, cơ thể sản sinh HA không còn tốt như trước nên việc lựa chọn tiêm filler HA được nhiều người tin dùng với hiệu quả từ 6 – 12 tháng.
  • Canxi Hydroxyapatite (CaHA): Chất làm đầy có trong xương người và khi tiêm filler loại này có thể duy trì khoảng 1 năm, thường ứng dụng nhiều với các nếp nhăn sâu và lâu năm.
  • Axit Poly-L-Lactic (PLLA): Chất làm đầy hỗ trợ cơ thể sản sinh collagen, thường có hiệu quả trên những nếp nhăn sâu và thời gian duy trì khoảng 2 năm.
  • Polymethyl-methacrylate (PMMA): Bao gồm collagen và những quả bóng siêu nhỏ nằm dưới da, giúp tăng thể tích và duy trì làn da săn chắc.
Tiêm filler: Công dụng và ưu, nhược điểm bạn nên biết 3
Mỗi loại filler có đặc điểm và thời hạn sử dụng khác nhau

Ưu điểm khi tiêm filler

Phương pháp tiêm filler sở hữu những ưu điểm nổi trội như:

  • Làm đẹp với tiêm filler có hiệu quả ngay lập tức.
  • Quy trình tiêm filler nhanh chóng và không đau đớn.
  • Thời gian hồi phục sau tiêm filler nhanh chóng hơn hầu hết các phương pháp làm đẹp khác.
  • Làm đẹp với filler ít tốn kém hơn các hình thức phẫu thuật.
  • Kết quả sau khi tiêm filler có thể kéo dài vài tháng đến vài năm tùy theo đặc điểm từng loại filler.

Nhược điểm khi tiêm filler

Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, việc tiêm filler cũng có một số nhược điểm nhất định như khả năng xảy đến biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên tỷ lệ biến chứng sau tiêm filler khá ít và nếu có tác dụng phụ cũng sẽ nhanh chóng ổn định nên đây được đánh giá là phương pháp làm đẹp an toàn, hiệu quả. Một số rủi ro khác bạn nên nắm rõ trước khi tiêm filler gồm:

  • Ngoại hình không cân xứng.
  • Sưng, đau, tấy đỏ, bầm tím, chảy máu,… ở vị trí tiêm filler.
  • Tổn thương da, có thể để lại sẹo.
  • Nhiễm trùng chỗ tiêm, nặng hơn có thể gây hoại tử và nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.
  • Xuất hiện những cục u hoặc vết sưng dưới da.
  • Tê liệt.
  • Nổi mụn giống như mụn trứng cá.
  • Phát ban và ngứa ngáy.

Rất hiếm trường hợp bị vấn đề thị giác sau khi tiêm filler nhưng nếu thấy có biểu hiện lạ và cảm giác khó chịu, bạn nên nhanh chóng liên hệ với bác sĩ và đến bệnh viện thăm khám, điều trị kịp thời.

Thời gian hồi phục sau tiêm filler là bao lâu?

Thời gian phục hồi sau khi tiêm filler khá nhanh nhưng chủ yếu vẫn phụ thuộc vào cơ địa mỗi người cùng một số yếu tố như:

  • Số lượng filler và vị trí tiêm filler;
  • Loại filler được lựa chọn sử dụng;
  • Sức khỏe của đối tượng khi tiêm filler.

Đa số mọi người đều có thể hoạt động bình thường và khỏe mạnh sau khi tiêm filler nhưng bác sĩ thẩm mỹ vẫn khuyến cáo mọi người nên ngừng việc tập thể dục hoặc các hoạt động thể chất với cường độ cao trong 1 – 2 ngày để filler ổn định và sức khỏe phục hồi hoàn toàn.

Tiêm filler: Công dụng và ưu, nhược điểm bạn nên biết 4
Thời gian hồi phục sau khi tiêm filler thường khá nhanh

Lưu ý cần biết khi tiêm filler

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi tiêm filler, bạn cần lưu ý một số điều dưới đây.

Trước khi tiêm

Trước khi tiêm filler bác sĩ có thể dặn dò bạn những lưu ý như:

  • Thăm khám tại cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa da liễu – thẩm mỹ tư vấn để hiểu hơn về làn da của mình và biết bản thân có nên tiêm filler hay không, nên chọn loại filler nào, những rủi ro có thể xảy ra,…
  • Nên cho bác sĩ biết loại thuốc đang uống, bệnh lý đang điều trị, tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng,… để tránh tối đa nguy cơ biến chứng.

Khi tiêm

Trong quá trình tiêm filler bạn cần chú ý những điều sau:

  • Bác sĩ có thể gây tê vùng da cần tiêm filler để bạn thấy dễ chịu hơn trong quá trình thực hiện.
  • Bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim chuyên dụng với kích thước siêu mảnh để đưa filler vào dưới da. Tùy theo số lượng filler và vị trí tiêm mà quá trình này sẽ kéo dài 15 – 30 phút.

Sau khi tiêm

Tiêm filler xong bạn nên chăm sóc, vệ sinh da theo hướng dẫn của bác sĩ và những khuyến cáo sau:

  • Bác sĩ sẽ làm sạch vùng da tiêm filler một lần nữa và tiến hành các phương pháp giảm sưng, giảm đau. Nếu tình trạng sưng đau khiến bạn khó chịu, hãy thông báo sớm với bác sĩ để được hỗ trợ.
  • Kết quả thực hiện tiêm filler thường thấy ngay sau khi tiêm nhưng cần thêm thời gian để filler ổn định và cân đối hơn.

Hy vọng bài viết trên từ Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn hiểu hơn về phương pháp tiêm filler. Nếu muốn tiêm filler an toàn và hiệu quả, tốt hơn hết bạn nên chọn cơ sở thẩm mỹ uy tín, được đánh giá cao về chất lượng và đội ngũ y bác sĩ chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm trong ngành da liễu – thẩm mỹ.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin