Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Hoại tử: Nguyên nhân, dấu hiệu, phân loại và cách điều trị

Ngày 25/07/2024
Kích thước chữ

Vết thương hoại tử là tình trạng mô hoặc tổ chức da bị tổn thương nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Nếu vết thương của bạn lâu lành và có dấu hiệu hoại tử, hãy ngay lập tức đi khám để được điều trị kịp thời và đúng cách.

Vết thương hoại tử là tổn thương da đặc biệt nghiêm trọng. Nếu không được xử lý đúng cách, vùng hoại tử có thể lan rộng, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Dưới đây là những nguyên nhân, dấu hiệu, phân loại và chăm sóc vết thương hoại tử một cách an toàn và hiệu quả nhất. Cùng Long Châu tìm hiểu nhé!

Hoại tử là gì?

Hoại tử là quá trình mà tế bào trong các mô của cơ thể không thể hồi phục và bị chết dần. Điều này thường xảy ra sau chấn thương, nhiễm trùng hoặc tiếp xúc với hóa chất. Trong lĩnh vực Y học, thuật ngữ "hoại tử" mô tả một vùng lớn của cơ thể bị hoại tử nghiêm trọng, da có màu đen và bắt đầu thối rữa.

Nguyên nhân chính của hoại tử là do thiếu máu đến các mô hoặc do các điều kiện môi trường khắc nghiệt, làm mất đi khả năng tái tạo của các tế bào. Phương pháp điều trị duy nhất cho hoại tử thường là loại bỏ mô bị hoại tử hoặc không thể hồi phục.

Hoại tử: Nguyên nhân, dấu hiệu, phân loại và cách điều trị 1
Hoại tử là quá trình mà tế bào trong các mô của cơ thể không thể hồi phục và bị chết dần

Nguyên nhân gây hoại tử

Chấn thương

Chấn thương có thể làm hỏng các mạch máu và ngăn chặn dòng máu đến các vùng xương và mô xung quanh, dẫn đến hoại tử. Một số chấn thương phổ biến gây hoại tử bao gồm:

  • Tê cóng: Da tê lạnh và nhợt nhạt khi tiếp xúc lâu với môi trường lạnh.
  • Bỏng do điện: Gây tổn thương sâu và nghiêm trọng cho các mô.
  • Gãy xương: Có thể làm giảm hoặc ngăn cản lưu thông máu đến khu vực bị ảnh hưởng.
  • Chấn thương sọ não: Gây tổn thương nặng nề cho các mô não.
  • Bỏng do hóa chất: Mô tiếp xúc vào chúng bị phá hủy.
  • Tiếp xúc với bức xạ: Gây tổn thương tế bào và mô.

Tắc nghẽn mạch máu

Hoại tử do tắc nghẽn mạch máu do hình thành cục máu đông, ngăn chặn dòng máu đến các khu vực xung quanh và nếu máu không được phục hồi nhanh chóng sẽ thiếu oxy và cuối cùng sẽ chết.

Nhiễm độc

Các loài vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng có thể gây hoại tử ngay cả khi chỉ là một vết cắt hoặc vết xước nhỏ bị nhiễm trùng. Ví dụ:

  • Vi khuẩn: Streptococcus nhóm A là loài vi khuẩn gây hoại tử nhiễm trùng phổ biến nhất, thường thấy ở tứ chi, đặc biệt là bàn tay, bàn chân và bộ phận sinh dục.
  • Virus: Các loại virus có thể gây hoại tử bao gồm: Virus Herpes simplex loại 1 (HSV-1); Virus Tây sông Nile; Virus Vaccinia (liên quan đến bệnh đậu mùa).

Các loại hoại tử

Các loại hoại tử bao gồm:

  • Hoại tử đông máu do thiếu máu và oxy đến các mô, ảnh hưởng đến cơ quan trong cơ thể. Mô hoại tử trở nên rắn chắc và nhợt nhạt hơn so với các mô xung quanh.
  • Hoại tử hóa lỏng mềm dần cho đến khi biến thành áp xe chứa đầy mủ và do nhiễm trùng bởi vi khuẩn, virus, nấm thường thấy ở xung quanh vị trí nhiễm trùng, não, phổi.
  • Hoại tử mỡ xảy ra do chấn thương, phẫu thuật hoặc xạ trị ở các bộ phận chứa nhiều mô mỡ như tuyến tụy và mô vú. Các tế bào bị tổn thương trong mô mỡ giải phóng, chuyển sang dạng lỏng và kết hợp với canxi, tạo ra lớp phấn trắng trên các tế bào.
  • Hoại tử dạng tơ huyết fibrinoid xảy ra khi nhiễm trùng làm hỏng mạch máu hoặc khi mắc bệnh tự miễn, có thể quan sát thấy tình trạng và sự tích tụ của chất fibrinoid trong thành mạch máu dưới kính hiển vi.
  • Hoại tử bã đậu (Caseous necrosis) xảy ra do nhiễm vi khuẩn hoặc nấm, mô hoại tử có hình dạng giống pho mát, màu trắng và mềm.
  • Hoại thư (Gangrenous necrosis) xảy ra khi vùng bị bỏng lạnh không được điều trị kịp thời, dẫn đến chuyển sang màu đen và không thể chữa lành và thường cần loại bỏ qua phẫu thuật cắt cụt chi.
Hoại tử: Nguyên nhân, dấu hiệu, phân loại và cách điều trị
Hoại tử mỡ xảy ra do chấn thương

Dấu hiệu của hoại tử

Các dấu hiệu thường gặp nhất của vết thương hoại tử bao gồm:

  • Đau: Mức độ đau có thể tăng dần theo mức độ hoại tử. Các vết thương hoại tử khô gây đau nhức nhưng không bị lở loét, trong khi vết thương hoại tử ướt thường gây đau rát kèm theo sưng, nóng, đỏ và lở loét.
  • Vết thương có mùi khó chịu: Vết thương hoại tử thường có mùi hôi khó chịu, là dấu hiệu chắc chắn cho thấy vết thương đang bị nhiễm trùng. Vết thương sau đó làm sạch và loại bỏ phần hoại tử. Khi vết thương không còn mùi, điều đó cho thấy điều trị hoại tử đang tiến triển tốt, phần hoại tử đã được loại bỏ và không lan rộng nữa.
  • Sốt: Người có vết thương hoại tử thường bị sốt nhẹ hoặc sốt cao tùy theo mức độ nhiễm trùng và chấn thương. Nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám nếu sốt cao trên 39°C liên tục trong 48 giờ.

Điều trị vết thương bị hoại tử

Điều trị vết thương bị hoại tử phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ nặng nhẹ của vết thương, vị trí nó trên cơ thể, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và thời gian vết thương đã tồn tại. Dưới đây là các phương pháp điều trị cho vết thương bị hoại tử:

  • Sử dụng thuốc: Bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc để điều trị nhiễm trùng, giảm đau và giảm phù nề quanh vết thương.
  • Chăm sóc và làm sạch vết thương: Các phương pháp như hút chân không có thể được sử dụng để giúp lành vết thương nhanh chóng và hiệu quả.
  • Liệu pháp oxy Hyperbaric (HBO): Đây là một phương pháp chuyên dụng giúp cung cấp lượng oxy cao hơn cho các mô trong cơ thể, giúp chúng lành lại nhanh hơn.
  • Phẫu thuật: Đối với những trường hợp nặng, phẫu thuật có thể cần thiết để làm sạch vết thương, loại bỏ các mô bị nhiễm trùng hoặc mô đã chết. Phẫu thuật cũng có thể được áp dụng để loại bỏ các dị vật gây hoại tử trong vết thương.
Hoại tử: Nguyên nhân, dấu hiệu, phân loại và cách điều trị 3
Phẫu thuật có thể cần thiết để làm sạch vết thương, loại bỏ các mô bị nhiễm trùng

Biện pháp phòng ngừa hoại tử da

Để tránh nguy cơ phát triển các biến chứng nguy hiểm của hoại tử da ta có các biện pháp sau:

  • Kiểm tra định kỳ: Đối với người bệnh tiểu đường, nên thường xuyên kiểm tra chân tay để phát hiện sớm các vết loét và vết cắt. Các vùng này có thể dễ dàng bị nhiễm trùng, biểu hiện bằng sự đỏ, sưng hoặc chảy dịch.
  • Giảm cân phù hợp: Người béo phì có nguy cơ cao mắc tiểu đường và cũng làm cho động mạch bị áp lực lớn, từ đó giảm lưu lượng máu và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Việc giảm cân phù hợp có thể giúp cải thiện điều này.
  • Ngừng hút thuốc lá: Thuốc lá có thể gây hại đến mạch máu, làm tăng nguy cơ hỏng mạch máu và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn.
  • Chăm sóc vết thương: Khi có vết thương trên da, cần sạch sẽ vùng da bằng xà phòng và nước, sau đó giữ cho chân tay khô ráo để vết thương lành hẳn mà không bị ẩm ướt, điều này giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Da tê cóng: Nếu bạn cảm thấy da tê, lạnh và nhợt nhạt sau khi tiếp xúc lâu với môi trường lạnh, điều này có thể là dấu hiệu của hoại thư (gangrenous necrosis).
Hoại tử: Nguyên nhân, dấu hiệu, phân loại và cách điều trị
Chăm sóc vết thương phù hợp để không để lại biến chứng

Mong rằng những thông tin được chia sẻ có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về hoại tử da, từ đó nhận biết sớm tình trạng này. Việc kịp thời đến cơ sở y tế uy tín để được xử trí hiệu quả là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc nghi ngờ về hoại tử da. Đừng ngần ngại tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin