Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tiêm chủng

Tiêm vắc xin phòng cúm cho bà bầu và những điều cần lưu ý

Ngày 03/11/2023
Kích thước chữ

Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên, thường hay gây thành dịch, đôi khi thành đại dịch. Bệnh tiến triển thường lành tính, có thể nặng hơn ở những người có bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp, nội tiết… hoặc trên người già, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi… và gây ra tỷ lệ tử vong cao. Bệnh hay gặp vào mùa đông. Tiêm vắc xin phòng cúm cho bà bầu trong thời kỳ mang thai rất quan trọng để bảo vệ sức khoẻ cho cả mẹ và bé, bài viết này Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ nhưng điều cần lưu ý khi tiêm vắc xin cúm cho mẹ bầu.

Trước khi mang thai, phụ nữ nên ưu tiên tiêm phòng bệnh cúm để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và con. Tuy nhiên, trên thực tế tại Việt Nam, việc tiêm phòng vắc xin cúm khi mang thai vẫn chưa được bà bầu quan tâm nhiều, bài viết này sẽ giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho bà bầu nhé.

Tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho bà bầu

Thiên chức làm mẹ là điều tuyệt vời nhất của bất cứ phụ nữ nào, tuy nhiên khi mang thai, hệ miễn dịch của sản phụ bị suy giảm tạm thời. Chính vì vậy, trong quá trình mang thai, phụ nữ có bầu thường phải chịu hệ quả gánh nặng bệnh tật, cũng như tử vong do rất nhiều bệnh lý mang đến. Bệnh cúm nói riêng là 1 trong những căn bệnh có khả năng gây tổn hại tới sức khỏe của người mẹ lẫn em bé khi còn trong bụng mẹ.

Tiêm vacxin phòng cúm cho bà bầu và những điều cần lưu ý 1
Tiêm vắc xin phòng cúm cho bà bầu còn giúp bảo vệ trẻ trong 6 tháng đầu

Tiêm vắc xin cúm đúng lịch cho phụ nữ trước khi mang thai, hoặc trong khi có thai mang lại lợi ích gấp đôi là có thể bảo vệ cả mẹ bầu và thai nhi. Mặt khác, trẻ sơ sinh không thể tiêm phòng vắc xin cúm cho đến khi được 6 tháng tuổi. Vì vậy, Khi người mẹ được tiêm phòng vắc xin cúm đúng lịch lúc mang thai hoặc trước khi có em bé, các kháng thể ngừa bệnh cúm được tạo ra trong cơ thể người mẹ sẽ được truyền sang con qua rau thai, hoặc khi em bé bú sữa mẹ, qua con đường miễn dịch thụ động tự nhiên. Những kháng thể này sẽ trợ giúp em bé phòng chống bệnh cúm cho đến khi bé có thể được tiêm phòng vắc xin cúm đầu tiên lúc 6 tháng tuổi.

Mẹ bầu tiêm phòng cúm trong thời kỳ mang thai có an toàn không?

Có nhiều dữ liệu nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng lợi ích tiêm ngừa vắc xin cúm đều mang lại hiệu quả to lớn cho cả mẹ và em bé trong bụng mẹ. Do đó, Tổ chức y tế thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát bệnh tật của Hoa kỳ (US CDC), và các tổ chức y tế uy tín trên thế giới khác đều khuyến cáo rằng bất kỳ phụ nữ đang mang thai nào cũng nên tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh cúm.

Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm sẽ giúp ngăn ngừa bệnh cúm và các vấn đề sức khỏe khác. Những thay đổi trong hệ thống miễn dịch, tim, phổi... khi mang thai khiến bà bầu dễ bị bệnh cúm nặng hơn. Tiêm phòng cúm cũng làm giảm khoảng 40% khả năng phụ nữ mang thai phải nhập viện vì cúm.

Ngoài ra, tiêm vắc xin ngừa bệnh cúm giúp ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn của thai nhi do bệnh cúm. Bị sốt do bệnh cúm sớm trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh và các vấn đề tổn hại sức khỏe khác của thai nhi.

Những tác dụng phụ thường gặp phải khi tiêm vắc xin phòng cúm cho mẹ bầu

Các tác dụng phụ phổ biến nhất mà người mang thai gặp phải cũng giống như những tác dụng phụ mà người bình thường gặp phải khi tiêm vắc xin phòng bệnh cúm. Chúng thường có triệu chứng nhẹ, không để lại bất cứ tổn hại sức khỏe về lâu dài nào và có bao gồm một trong những triệu chứng sau:

  • Sưng, đau, nóng, đỏ tại vị trí tiêm;
  • Đau đầu;
  • Sốt nhẹ;
  • Đau cơ;
  • Buồn nôn;
  • Mệt mỏi.
Tiêm vacxin phòng cúm cho bà bầu và những điều cần lưu ý 2
Tác dụng phụ sau tiêm có phản ứng nhẹ và không quá nghiêm trọng

Nếu xảy ra tác dụng phụ, chúng thường bắt đầu ngay sau khi tiêm và thường kéo dài 1 - 2 ngày. Nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào, hãy liên hệ với các trung tâm tiêm chủng để được hướng dẫn xử trí tại nhà, hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất. Nếu sốt cao, từ 38,5oC trở lên hoặc đau nhiều, có thể sử dụng paracetamol, vì độ an toàn của thuốc đã được khẳng định khi sử dụng trong thời kỳ mang thai. Nó sẽ giúp mẹ bầu và bé tránh bị sốt. Không dùng ibuprofen trừ khi được bác sĩ sản khoa chỉ định.

Thông thường, tác dụng phụ sau tiêm có phản ứng nhẹ và không quá nghiêm trọng, nhanh chóng bình phục sau 1 đến 2 ngày. Tuy nhiên, cực kì hiếm gặp các phản ứng nặng có biểu hiện như: Co giật, tím tái, khó thở, mày đay nhanh, rộng trong thời gian ngắn....trong trường hợp đó, mẹ bầu cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, xử trí kịp thời và tốt nhất.

Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho bà bầu nên thực hiện vào tháng thứ mấy của thai kỳ?

Các dữ liệu nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng việc tiêm vắc xin cúm trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ là an toàn, từ vài tuần đầu tiên cho đến ngày dự sinh. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh khuyến cáo mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên, kể cả phụ nữ mang thai và đang cho con bú, nên tiêm vắc xin cúm hàng năm. Tốt nhất nên tiêm vắc xin phòng cúm cho bà bầu khi mang thai trước mùa cúm (tháng 10 đến tháng 5 năm sau) và ngay khi có vắc xin.

Nếu bạn mắc một tình trạng bệnh lý khác làm tăng nguy cơ biến chứng cúm, chẳng hạn như hen suyễn hoặc bệnh tim, bạn nên cân nhắc việc tiêm vắc xin phòng cúm thật sớm để chuẩn bị cơ thể khoẻ mạnh trong mùa cúm.

Tiêm vacxin phòng cúm cho bà bầu và những điều cần lưu ý 3
Vắc xin cúm có thể tiêm bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ

Những phụ nữ đã tiêm vắc xin cúm khi đang mang thai cũng truyền lại khả năng bảo vệ cho con của họ, kéo dài trong vài tháng đầu đời. Việc tiêm vắc xin cúm là an toàn cho những phụ nữ đang cho con bú nếu họ đủ điều kiện.

Bị cúm khi mang thai phải làm sao?

Trong trường hợp nghi ngờ mình bị cúm khi đang mang thai hoặc mới mang thai (từ 2 tuần trở lên) thì nên đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ sản khoa khám. Các triệu chứng cúm thường là:

  • Sốt hoặc nóng người;
  • Cảm thấy ớn lạnh;
  • Đau nhức cơ thể;
  • Đau đầu;
  • Mệt mỏi ho hoặc đau họng;
  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.

Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng virus sau khi khám tổng quan cho mẹ bầu. Thuốc có hiệu quả nhất trong vòng 48 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng cúm. Tuy nhiên, tác dụng của thuốc vẫn kéo dài tới 4 - 5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng cúm. Thuốc kháng virus không chữa khỏi bệnh cúm nhưng có thể rút ngắn thời gian và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Hy vọng bài viết trên của Nhà thuốc Long Châu đã giúp các ông bố bà mẹ nhận ra tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng cúm cho bà bầu trong thời kỳ mang thai là quan trọng như thế nào, vậy nên các ông bố cần tiêm vắc xin phòng cúm cho bà bầu càng sớm càng tốt nhé.

Trung tâm Tiêm chủng Long Châu cam kết mang đến cho khách hàng những dịch vụ tiêm chủng tốt nhất với chất lượng vắc xin hàng đầu, hệ thống lưu trữ đảm bảo chuẩn GSP, đa dạng các loại vắc xin phù hợp với mọi nhóm đối tượng để phòng ngừa các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng tại trung tâm có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn cao luôn sẵn sàng tư vấn và mang đến cho bạn những trải nghiệm tốt nhất khi đến tiêm phòng tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu. Liên hệ với Tiêm chủng Long Châu qua Hotline 1800 6928 để được tư vấn, hẹn lịch miễn phí hoặc đặt lịch online tại đây.

Xem thêm:

Phụ nữ mang thai bị cảm có tiêm uốn ván được không?

Tiêm vacxin cho bà bầu vào tháng thứ mấy?

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.