Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tiểu đường thai kỳ uống nước mía được không?

Ngày 11/07/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nước mía giúp giải khát nhanh chóng nhưng lại rất ngọt. Liệu rằng loại nước này có nằm trong danh sách loại trừ của bệnh nhân tiểu đường? Tiểu đường thai kỳ uống nước mía được không?

Người bị tiểu đường nên kiêng các thực phẩm nhiều đường. Nước mía với khá nhiều đường vốn không phải lựa chọn được khuyên dùng cho bệnh nhân tiểu đường. Nhưng loại nước này giải khát tốt và có nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể. Liệu bà bầu bị tiểu đường thai kỳ uống nước mía được không?

Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ là tình trạng đường trong máu cao hơn mức bình thường trong thời gian thai kỳ của người phụ nữ. Đường huyết tăng cao do các tế bào beta ở tuyến tụy giảm khả năng tiết insulin (hormone có nhiệm vụ chuyển hóa đường thành năng lượng). Sự thiếu hụt insulin khiến quá trình chuyển hóa đường trong máu thành năng lượng bị ảnh hưởng dẫn đến dư thừa đường trong máu. 

Tiểu đường thai kỳ có những đặc điểm như: 

  • Chỉ xảy ra ở phụ nữ mang thai và bệnh chỉ phát triển khi người phụ nữ mang thai. Những thai phụ bị tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 trước đó nếu cũng bị tiểu đường khi mang thai không được gọi là tiểu đường thai kỳ. 
  • Bệnh có thể tự khỏi hoàn toàn sau sinh 1 - 3 tháng.
  • Bệnh không có dấu hiệu đặc trưng rõ ràng, khiến thai phụ dễ nhầm lẫn với những biểu hiện mệt mỏi thường gặp ở bà bầu.
  • Bệnh mang đến nhiều nguy cơ biến chứng có cả mẹ bầu và thai nhi. Thậm chí biến chứng có thể xuất hiện ở cả mẹ bầu và em bé sau rất nhiều năm kể từ khi mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Ví dụ, sau sinh từ 5 - 10 năm, người mẹ vẫn có thể mắc tiểu đường tuýp 2. Khi bé 17 - 29 tuổi cũng có thể mắc tiểu đường tuýp 2 nếu trước đó mẹ bị tiểu đường thai kỳ. 

Với lối sống hiện đại, bệnh tiểu đường thai kỳ có xu hướng tăng lên. Tìm hiểu cách điều trị tiểu đường thai kỳ là mối quan tâm của nhiều mẹ bầu khi mắc chứng bệnh này. Nếu bạn cũng là một trong số đó, hãy bắt đầu bằng cách lựa chọn thực phẩm không làm tăng đường huyết đột ngột trong chế độ ăn. Đây là lý do những mẹ bầu yêu thích nước mía quan tâm tiểu đường thai kỳ uống nước mía được không.

tiểu đường thai kỳ uống nước mía được không 1 Khi bị tiểu đường thai kỳ mẹ bầu cần theo dõi đường huyết thường xuyên

Lợi ích của nước mía với bà bầu

Nước mía là loại nước ép từ cây mía với thành phần có khoảng 70% - 75% là nước, 10% - 15% là chất xơ và 13% - 15% là đường sucrose giống đường tinh chế. Đây là loại nước ép có nhiều đường nhất. Với những người khỏe mạnh bình thường, dùng nước mía với lượng vừa phải có nhiều lợi ích cho sức khỏe như: 

  • Hàm lượng protein có trong nước mía sẽ cung cấp năng lượng, tốt cho cơ thể mẹ và sự phát triển toàn diện của thai nhi. 
  • Chất oxy hóa có tên flavonoid cùng hợp chất phenolic trong nước mía giúp mẹ bầu phòng ngừa viêm nhiễm và cải thiện khả năng miễn dịch. 
  • Với tác dụng lợi tiểu, mẹ bầu uống nước mía cũng có thể phòng ngừa và hạn chế nguy cơ mắc nhiễm trùng hoặc viêm đường tiết niệu. 
  • Hàm lượng kali dồi dào trong nước mía giúp ổn định huyết áp và có tác dụng phòng ngừa chứng cao huyết áp thai kỳ. 
  • Nước mía cũng có tác dụng cân bằng nồng độ bilirubin - một dạng sắc tố mật hình thành do quá trình phá vỡ tự nhiên của tế bào hồng cầu. Nhờ đó, nước mía giúp gan khỏe mạnh và hoạt động tốt hơn. 
  • Hàm lượng acid glycolic dồi dào trong nước mía giúp giảm triệu chứng mụn, nám, sạm thâm ở da rất thường gặp ở mẹ bầu. 
  • Với thành phần giàu sắt, canxi, kali, natri, nước mía là loại nước bù điện giải cực tốt. Mẹ bầu bị nôn ói nhiều do ốm nghén hay tiêu chảy cho rối loạn tiêu hóa có thể uống nước mía để bù điện giải. 
tiểu đường thai kỳ uống nước mía được không 2 Với mẹ bầu khỏe mạnh, uống nước mía với lượng phù hợp tốt cho sức khỏe

Tiểu đường thai kỳ uống nước mía được không?

Với mẹ bầu có sức khỏe bình thường, uống nước mía không ảnh hưởng đến sức khỏe nếu dùng với lượng vừa phải. Nhưng mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ uống nước mía được không? 

Mặc dù trong thành phần của nước mía có chứa polyphenol - một chất chống oxy hóa có tác dụng kích thích tế bào beta ở tuyến tụy sản xuất insulin. Nhưng lời khuyên của các chuyên gia vẫn là không nên. Bởi đây là thức uống chứa hàm lượng carbohydrate và đường rất cao. 

Chỉ 240ml nước mía có thể cung cấp đến 183 calo và 50g đường (khoảng 12 muỗng cà phê). Trong khi đó, lượng đường được khuyến cáo nạp vào cơ thể mỗi ngày chỉ khoảng 6 - 9 muỗng cà phê. Vì vậy, mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ uống nước mía có thể làm đường huyết tăng cao đột ngột. Nếu uống nước mía thường xuyên sẽ khiến bệnh tiến triển nặng. Việc này cũng làm tăng nguy cơ mắc biến chứng trong và sau thai kỳ cho cả mẹ và bé. 

Thông thường, các bác sĩ khuyên mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ chỉ nên uống nước mía khi đường huyết bị hạ đột ngột. Tối đa người bị tiểu đường chỉ nên tiêu thụ khoảng 1 ly mỗi tuần. Khi uống, mẹ bầu có thể pha loãng nước mía. 

tiểu đường thai kỳ uống nước mía được không 3 Mẹ bầu bị tiểu đường có thể uống nước mía khi đường huyết bị hạ đột ngột

Các loại nước ép tốt cho mẹ bầu tiểu đường thai kỳ

Người bị tiểu đường thai kỳ uống nước mía được không? Lời khuyên của chuyên gia là không nên. Thay vào đó, mẹ bầu có thể chọn các loại nước uống vừa tốt cho sức khỏe, vừa giúp ổn định đường huyết như: 

  • Nước lọc: Mẹ bầu uống đủ 2 - 3 lít nước lọc mỗi ngày sẽ giúp cơ thể đào thải bới đường dư thừa trong máu. 
  • Các loại nước ép rau củ như: Cà rốt, cần tây, tỏi tây, cà chua… có tác dụng điều hòa và làm giảm đường huyết cũng rất tốt cho người bị tiểu đường thai kỳ.
  • Nước ép bưởi được chứng minh có hiệu quả cao trong việc làm giảm đường huyết và giảm các triệu chứng bệnh tiểu đường thai kỳ.
  • Nước ép lựu với chỉ số đường huyết chỉ 18 có thể cải thiện khả năng sản xuất insulin của tế bào beta. Loại nước này cũng có thể giảm tình trạng kháng insulin, giúp tế bào sử dụng insulin một cách hiệu quả.
  • Mẹ bầu cũng có thể sử dụng nước lá dứa (lá nếp) để uống thay nước lọc hàng ngày. Loại nước này dễ uống, có mùi thơm dễ chịu lại có tác dụng ổn định đường huyết.
  • Nước lá xoài cũng có thể tăng sản xuất insulin và cải thiện khả năng hấp thụ insulin của tế bào. Chỉ cần nấu nước với lá xoài non uống hàng ngày mẹ bầu cũng có thể kiểm soát đường huyết. 
  • Nước gừng và đậu bắp cũng có tác dụng cân bằng đường huyết rất hiệu quả. Loại nước này còn có tác dụng giảm triệu chứng ốm nghén trong những tháng đầu thai kỳ. 

Vậy tiểu đường thai kỳ uống nước mía được không? Hy vọng bài viết đã mang đến cho mẹ bầu câu trả lời chính xác. Mẹ bầu đừng quên áp dụng đầy đủ các cách ổn định đường huyết theo tư vấn của bác sĩ để bé yêu chào đời khỏe mạnh nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm