Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu tất tần tật về huyệt Nhũ Trung

Ngày 29/10/2022
Kích thước chữ

Mỗi một huyệt đạo trên cơ thể người đều đóng một vai trò nhất định đối với sức khỏe. Tuy nhiên có tới hàng trăm huyệt đạo nên không phải ai cũng nắm rõ và hiểu hết tác dụng của chúng trong điều trị bệnh. Vậy bạn đã nghe và biết đến huyệt Nhũ Trung hay chưa, cùng tìm hiểu trong bài viết sau nhé!

Từ lâu, sử dụng huyệt đạo để chữa bệnh và cải thiện sức khỏe là phương pháp trị liệu được áp dụng rộng rãi. Cho đến nay, đây vẫn là phương pháp phổ biến và được cải tiến áp dụng cho cả Đông y và Tây y. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin giúp bạn khám phá về huyệt Nhũ Trung - một huyệt vị tưởng lạ mà quen trên cơ thể người nhé!

Huyệt đạo là gì?

Trước khi tìm hiểu về huyệt Nhũ Trung, ta cần phải biết huyệt đạo là gì. Đây là khái niệm thuộc về kiến thức của y học cổ truyền nên với nhiều người còn khá xa lạ.

Có nhiều định nghĩa về huyệt đạo nhưng theo ghi chép từ cuốn “Linh Khu Thiên Thập Nhị Nguyên” thì đây là nơi lưu thông thần khí ra và vào cơ thể. Nếu như tác động đúng vào một số huyệt thì có thể hỗ trợ điều trị bệnh và nâng cao sức khỏe. Ngược lại, nếu tác động quá mạnh vào tử huyệt (huyệt nguy hiểm) thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

Huyệt được phân bố và rải đều trên khắp cơ thể, lên tới hàng trăm huyệt đạo. Đặc biệt, trong số đó có 108 đại huyệt là những huyệt quan trọng và 36 tử huyệt là những huyệt không được tác động mạnh. Chúng có mối liên hệ chặt chẽ với hoạt động của các chi, các cơ quan trong cơ thể nên việc tìm hiểu về huyệt đạo sẽ giúp bạn hiểu hơn về cơ thể mình và sống khỏe mạnh nhất.

Huyệt đạo trong y học cổ truyền là nơi lưu thông thần khí ra vào của cơ thể Huyệt đạo trong y học cổ truyền là nơi lưu thông thần khí ra vào của cơ thể

Huyệt Nhũ Trung là gì?

Huyệt Nhũ Trung có xuất xứ từ kinh Giáp Ất, là huyệt thứ 17 của kinh Vị. Về tên huyệt, “nhũ” có nghĩa là vú, “trung” có nghĩa là chính giữa hay trung tâm. Vì thế tên huyệt Nhũ Trung có nghĩa là ở giữa núm vú.

Huyệt Nhũ Trung nằm ở đâu?

Tên huyệt đã nói lên vị trí của huyệt: Huyệt Nhũ Trung là huyệt vị nằm ngay giữa núm vú. Vị trí này thuộc khoảng gian sườn thứ 4, ngay đầu của vú.

Xét về mặt giải phẫu, thần kinh ở dưới huyệt: Dưới đầu vú là là chùm tuyến vú, sau chùm tuyến vú là cơ ngực to, cơ ngực bé và các cơ gian sườn 4. Thần kinh vận động cơ là dây thần kinh ngực to, dây thần kinh ngực bé cùng với dây thần kinh gian sườn 4. Da vùng huyệt Nhũ Trung bị chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D4. 

Huyệt nhũ trung nằm ở vị trí vùng ngực Huyệt Nhũ Trung nằm ở vị trí vùng ngực 

Tác dụng của huyệt Nhũ Trung

Huyệt giúp hỗ trợ điều trị sưng vú, sưng vú nổi hạch, kích thích tình dục ở phụ nữ và kích thích để có sữa. Tuy nhiên, huyệt không có tác dụng chủ trị chữa bệnh mà thường được dùng để xác định và làm mốc đo các huyệt của vùng ngực và vùng bụng. Do đó, huyệt này cấm châm cứu.

Hướng dẫn cách bấm huyệt Nhũ Trung 

Cách bấm huyệt Nhũ Trung như sau:

  • Bước 1: Xác định rõ vị trí của huyệt Nhũ Trung.
  • Bước 2: Dùng ngón trỏ hoặc ngón giữa ấn lên vị trí của huyệt đạo.
  • Bước 3: Giữ cố định ngón tay ở vị trí đó trong khoảng độ 1 phút rồi nhẹ nhàng xoa lên huyệt cho đến khi có cảm giác thoải mái.
  • Bước 4: Massage vị trí huyệt hoặc vùng da huyệt nếu cơ thể cảm thấy khó chịu, căng tức.

Một số lưu ý trước khi tiến hành bấm huyệt:

  • Không bấm huyệt cho những bệnh nhân đang có vết thương lở loét, vết thương ngoài da hoặc mắc các bệnh mãn tính như: Suy tim, gan, thận nặng hoặc bệnh ngoại khoa như: Viêm ruột thừa, viêm vòi trứng, xuất huyết dạ dày,...
  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bấm huyệt nếu đang mắc phải những căn bệnh sau: Loãng xương, ung thư, rối loạn chảy máu, bệnh tim, huyết áp không ổn định, tiểu đường,...
  • Không nên tự ý bấm huyệt tại nhà nếu chưa có kiến thức và kinh nghiệm nhất định vì huyệt đạo là nơi trọng yếu, nếu tác động sai cách có thể làm ảnh hưởng đến tính mạng. Nếu chưa biết cách bấm huyệt, cách tốt nhất là bạn nên đến thăm khám tại các cơ sở y học cổ truyền để được bác sĩ tư vấn và thực hiện bấm huyệt cho mình.
  • Bấm huyệt không gây đau cho người bệnh. Nếu trong quá trình bấm huyệt bạn có cảm giác đau đớn thì cần báo ngay cho bác sĩ để tìm ra nguyên nhân.
Tác động huyệt nhũ trung có khả năng điều trị các bệnh lý liên quan đến tuyến vú Tác động huyệt Nhũ Trung có khả năng điều trị các bệnh lý liên quan đến tuyến vú

Tài liệu ghi chép về huyệt Nhũ Trung

Một số tài liệu dưới đây bạn có thể tham khảo để tìm hiểu thêm về huyệt này:

  • “Giáp Ất”, quyển thứ 3 có ghi rằng: “Nhũ Trung cấm châm cứu, châm cứu sẽ làm nhiễm trùng”. 
  • Theo “Trủ hậu bị cấp thương” quyển thứ 3: “Trị động kinh, cứu Nhũ 2 bên, mỗi bên 3 lửa, lại cứu ngón chân cái 7 lửa ở chỗ lông mọc và cứu ở khớp gốc ngón út ở chân 7 lửa.”
  • “Thiên Kim” quyển thứ 5 ghi rằng: “Trẻ con bạo ung (ung nhọt), cứu 2 đầu vú, trẻ con nữ cứu dưới 2 đầu vú 2 phân”. 

Như vậy, huyệt Nhũ Trung chính là phần giữa núm vú của mỗi người. Từ vị trí của huyệt, ta có thể xác định được các huyệt đạo khác ở vùng ngực như huyệt Khí Hộ, Khí Phòng, Ốc Ế, Ưng Song,... Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu thêm về huyệt đạo nói chung và huyệt Nhũ Trung nói riêng.

Cẩm Ly

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin