Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hội chứng quên mặt: Chứng bệnh không nhận ra người khác

Ngày 16/09/2023
Kích thước chữ

Ở những người mắc hội chứng quên mặt hay còn được gọi là prosopagnosia, họ không thể phân biệt hay nhận ra gương mặt của bất kỳ ai, kể cả những người thân nhất trong gia đình hay thậm chí là bản thân. 

Gương mặt là thứ giúp chúng ta phân biệt nhanh nhất giữa người này người kia nhưng một số người lại mắc phải hội chứng quên mặt. Vậy rốt cuộc hội chứng quên mặt là gì? Dấu hiệu nhận biết ra sao và có thể điều trị được không? Cùng nhà thuốc Long Châu khám phá qua bài viết sau đây.

Hội chứng quên mặt là gì?

Gương mặt thường là thứ đầu tiên hiện lên trong đầu chúng ta mỗi khi nhắc đến hay nhớ về một ai đó. Hội chứng quên mặt (hay còn được gọi là prosopagnosia) là một hội chứng liên quan đến rối loạn não bộ khiến người mắc không thể nhận dạng hay phân biệt khuôn mặt mà mình nhìn thấy.

Người bị hội chứng quên mặt gặp khó khăn trong việc nhận ra sự khác nhau và ghi nhớ những khuôn mặt của người mình gặp, thậm chí kể cả người thân yêu trong gia đình hay chính cả bản thân họ. Số liệu công bố vào tháng 2/2023 theo Cortex chỉ ra rằng cứ 33 người thì có 1 người bị hội chứng quên mặt, tỷ lệ rơi vào khoảng 3,08%.

Khác với người bị mất trí nhớ, những người bị mắc hội chứng quên mặt chỉ gặp khó khăn trong việc nhận diện khuôn mặt của người đối diện chứ không hoàn toàn quên mọi thứ về đối phương.

Hội chứng quên mặt: Chứng bệnh không nhận ra người khác 1
Hội chứng quên mặt khiến bạn không thể nhận ra người khác

Dấu hiệu nhận biết của hội chứng quên mặt

Dấu hiệu nhận biết phổ biến nhất của bệnh mù mặt là sự thiếu khả năng nhận biết hoặc phân biệt giữa các khuôn mặt khác nhau. Những người mắc bệnh này không thể nhận ra được khuôn mặt, gặp rất nhiều khó khăn để nhận ra một người quen khi họ xuất hiện trong một bối cảnh hoặc tình huống mới lạ.

Bạn vẫn có thể thấy và nhận biết được các giác quan trên khuôn mặt bình thường như mắt, mũi, miệng hay môi, nhưng tất cả khuôn mặt đều trông giống nhau và không thể nhận diện được điểm khác biệt.

Mức độ của prosopagnosia ảnh hưởng khác nhau ở mỗi người. Ở những người bị hội chứng quên mặt nhẹ, họ chỉ không thể phân biệt được khuôn mặt của những người lạ hoặc những người họ không quen biết. Tuy nhiên, ở những người từ trung bình đến nặng, họ có thể không nhớ mặt hoặc khó nhận ra khuôn mặt của những người thân quen. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, những người đó có thể mắc phải hội chứng không nhận diện được khuôn mặt của chính bản thân mình.

Triệu chứng phổ biến của hội chứng quên mặt không chỉ liên quan đến khó khăn trong việc nhận biết khuôn mặt mà còn ảnh hưởng đến các khả năng khác liên quan đến việc nhận diện và giao tiếp với người khác. Dưới đây là những khó khăn thường gặp mà những người bị mù mặt có thể trải qua:

  • Nhận biết cảm xúc trên khuôn mặt của người khác.
  • Nhận biết tuổi và giới tính của mọi người
  • Nhận biết nhân vật và theo dõi cốt truyện trong các chương trình truyền hình hoặc phim ảnh.
  • Nhận biết các vật khác nhau như ô tô hoặc động vật.
  • Tìm đường đi xung quanh.
  • Khó khăn trong việc nhận biết khuôn mặt có thể làm khó hình thành các mối quan hệ, gây ra vấn đề trong giao tiếp, công việc hoặc học tập.

Việc khó nhận dạng khuôn mặt có thể khiến việc hình thành các mối quan hệ trở nên khó khăn hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể dẫn đến lo lắng hoặc bị trầm cảm.

Hội chứng quên mặt: Chứng bệnh không nhận ra người khác 2
Người mắc hội chứng quên mặt có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần

Nguyên nhân của hội chứng quên mặt

Hội chứng quên mặt đã trở thành một vấn đề lớn trong lĩnh vực y học trong vài năm gần đây. Các nghiên cứu đã cho thấy việc phát hiện ngày càng nhiều những trường hợp mắc bệnh này. Tuy nhiên, nghiên cứu về căn bệnh này vẫn còn rất hạn chế.

Nguyên nhân của hội chứng quên mặt là do vấn đề xảy ra ở phần bộ não xử lý thông tin về khuôn mặt. Được biết là do sự bất thường, suy yếu hoặc tổn thương ở vùng fusiform gyrus, một khu vực trong não có vai trò quan trọng trong việc điều phối các hệ thống thần kinh liên quan đến trí nhớ và nhận diện khuôn mặt.

Các nguyên nhân tiềm ẩn gây tổn thương não dẫn đến hội chứng quên mặt bao gồm:

  • Bệnh Alzheimer;
  • U não (bao gồm cả khối u ác tính và không ác tính);
  • Chứng mất trí;
  • Rối loạn phát triển;
  • Chấn thương đầu như chấn thương sọ não (TBI);
  • Thiếu oxy não (gây tổn thương não do thiếu oxy);
  • Nhiễm trùng (như viêm não);
  • Co giật và động kinh;
  • Đột quỵ;
  • Bị nhiễm chất độc như ngộ độc carbon monoxide.

Một nguyên nhân khác được Giáo sư Brad Duchaine của Khoa Thần kinh Đại học London, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tiết lộ là khoảng 50% trường hợp người mắc hội chứng quên mặt là do yếu tố gen. Bằng chứng khác cũng cho thấy những người bị hội chứng quên mặt thường có ít nhất một người thân khác cũng mắc bệnh. Một nghiên cứu đầu tiên về hội chứng này đã được công bố trên tạp chí The American Journal of Medical Genetics vào tháng 7 đã phát hiện rằng đây là một căn bệnh bẩm sinh, một loại rối loạn phát triển và có tính di truyền.

Hội chứng quên mặt: Chứng bệnh không nhận ra người khác 3
50% trường hợp người mắc hội chứng quên mặt là do yếu tố gen

Hội chứng quên mặt có trị khỏi được không?

Chẩn đoán hội chứng quên mặt

Khi có những dấu hiệu kể trên nghi ngờ mắc hội chứng quên mặt, hãy nhanh chóng tìm gặp bác sĩ thần kinh để có thể đánh giá khả năng nhận diện và phân biệt khuôn mặt của bạn qua các bài kiểm tra.

Việc chẩn đoán đòi hỏi kết hợp giữa nhiều bài kiểm tra khác nhau, cụ thể:

  • Kiểm tra giác quan: Những bài kiểm tra này đảm bảo rằng thị lực của bạn hoạt động đúng và loại trừ bất kỳ tình trạng liên quan đến thị giác nào.
  • Bài kiểm tra nhận thức và tình trạng tâm thần: Những bài kiểm tra này đảm bảo rằng vấn đề không phải từ khả năng tư duy, tập trung hoặc giải quyết vấn đề của bạn.
  • Bài kiểm tra trí nhớ: Giúp loại bỏ nguyên nhân không phải do vấn đề về trí nhớ.
  • Bài kiểm tra nhận diện khuôn mặt: Những bài kiểm tra này đánh giá khả năng của bạn trong việc nhận dạng, ghi nhớ và phân biệt các khuôn mặt.
  • Bài kiểm tra nhận diện đối tượng.

Một số xét nghiệm có thể được sử dụng trong chẩn đoán hội chứng quên mặt bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT);
  • Điện não đồ (EEG);
  • Bài kiểm tra tiềm thức (Evoked potentials);
  • Kiểm tra di truyền;
  • Chụp cộng hưởng từ MRI;
  • Chọc tủy sống (lumbar puncture).

Điều trị hội chứng quên mặt

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh mù mặt, nhưng vẫn có cách để kiểm soát chứng bệnh này. Việc điều trị hướng đến điều trị các nguyên nhân gây ra tình trạng này, từ đó giúp cải thiện các triệu chứng. Trong trường hợp nguyên nhân do di truyền hay bẩm sinh, phương pháp điều trị thường hướng tới các biện pháp giúp cải thiện, hỗ trợ trong nhận diện khuôn mặt và giúp bệnh nhân thích nghi.

Hội chứng quên mặt: Chứng bệnh không nhận ra người khác 4
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh mù mặt

hội chứng quên mặt không thể được chữa trị hoàn toàn, việc tìm hiểu về tình trạng này và áp dụng các biện pháp hỗ trợ có thể giúp bạn tìm được cách để giảm thiểu ảnh hưởng của hội chứng quên mặt trong cuộc sống hàng ngày. Điều quan trọng nhất, hãy tìm sự hỗ trợ từ những người xung quanh và tìm cách thích nghi và vượt qua những khó khăn mà hội chứng quên mặt mang lại.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin